10 năm trước, Qualcomm ra mắt chip Snapdragon tệ nhất lịch sử: Nóng máy, phồng pin, tụt hiệu năng, Samsung may mắn "né đạn"
Từng được kỳ vọng là bước đột phá của Qualcomm trong thời kỳ chuyển giao lên 64-bit, Snapdragon 810 lại trở thành con chip gây thất vọng, khiến nhiều flagship đình đám phải trả giá và góp phần đẩy một số hãng vào lối mòn sụp đổ.
Ra mắt đầu năm 2015, Snapdragon 810 từng được coi là con át chủ bài của Qualcomm trong cuộc đua chip hiệu năng cao trên smartphone. Nó đánh dấu lần đầu tiên hãng này chuyển sang kiến trúc 64-bit với thiết kế big.LITTLE gồm 8 nhân: 4 nhân Cortex-A57 mạnh mẽ và 4 nhân Cortex-A53 tiết kiệm điện.

Trên giấy tờ, Snapdragon 810 hội tụ đầy đủ những điểm nổi bật cho một flagship: GPU Adreno 430 hỗ trợ 4K, RAM LPDDR4, modem LTE Cat 9, tiến trình 20nm… Nhưng chỉ sau vài tuần được thương mại hóa, người dùng bắt đầu phát hiện điều gì đó không ổn. Chiếc điện thoại flagship trên tay họ bắt đầu... nóng ran.
Danh sách các nạn nhân: Toàn "chơi lớn" rồi nhận hậu quả
Snapdragon 810 xuất hiện trên hàng loạt thiết bị đầu bảng: HTC One M9, LG G Flex 2, Sony Xperia Z3+, Xperia Z5, OnePlus 2, Xiaomi Mi Note Pro, Nexus 6P... Đây đều là những mẫu máy đắt tiền, kỳ vọng cao, nhưng phần lớn trong số đó đều nhanh chóng vướng vào phản ánh về nhiệt độ, hiệu năng giảm và thời lượng pin tệ hại.


HTC One M9 và Sony Xperia Z5 là 2 trong số các flagship nổi tiếng vì gặp lỗi quá nhiệt nặng do dùng Snapdragon 810.
Một số ví dụ cụ thể:
HTC One M9: nóng đến mức không thoải mái khi cầm, hiệu năng tụt sau vài phút chạy ứng dụng nặng. Người dùng mô tả cảm giác cầm máy "như cầm một cục pin đang sạc sai cách".
Sony Xperia Z5/Z5 Compact: gặp lỗi camera tự tắt vì nhiệt quá cao. Có trường hợp máy phồng pin sau vài tháng sử dụng, một phần do nhiệt độ làm ảnh hưởng pin.
Nexus 6P: dù được nhiều fan Android yêu thích, nhưng máy vẫn gặp tình trạng tụt hiệu năng sau khi dùng liên tục. Có người dùng báo cáo máy tự bật nắp màn hình ra vì pin phồng, khả năng do nhiệt độ cao kéo dài.
LG G Flex 2: là thiết bị đầu tiên ra mắt với Snapdragon 810, và cũng là một trong những máy dính phốt nặng nề nhất. LG sau đó phải rút kinh nghiệm và chọn Snapdragon 808 cho G4 - phiên bản cắt giảm nhân để hạn chế nhiệt.
Kéo theo "hệ sinh thái lỗi domino"
Snapdragon 810 không chỉ làm máy nóng, mà còn phá hỏng nhiều trải nghiệm khác: camera, màn hình, pin... Bởi khi con chip quá nóng, tất cả linh kiện xung quanh nó cũng bị ảnh hưởng theo. Một số trường hợp người dùng cho biết màn hình bị bong ra hoặc pin phồng đến mức bật cả nắp lưng máy - điều trớ trêu khi đây lại là thời điểm các hãng bắt đầu làm pin liền không thể tháo rời.

Bài thử nghiệm cho thấy HTC One M9 đạt mức nhiệt cao hơn rất nhiều các điện thoại dùng chip cũ cho cùng 1 tác vụ.
Tình trạng tụt xung nhịp cũng xảy ra thường xuyên. Khi chip quá nóng, hệ thống tự giảm xung nhịp để làm mát, kéo theo hiệu năng giảm mạnh khiến máy lag, giật, và khó dùng.
Samsung "né đạn", LG và HTC lãnh đủ
Samsung được xem là "thoát hiểm" ngoạn mục trong năm 2015 khi quyết định không dùng Snapdragon 810 cho Galaxy S6, S6 Edge và Note 5. Họ chuyển hoàn toàn sang dùng Exynos 7420 - dòng chip cây nhà lá vườn có hiệu năng tương đương nhưng ổn định và mát hơn rất nhiều.
Trong khi đó, HTC và LG, vốn đã mất dần thị phần, lại chịu cú đấm chí mạng. HTC One M9 bị xem là bước lùi sau One M8 và chưa bao giờ lấy lại được phong độ. LG thì dù chọn Snapdragon 808 cho G4 cũng vẫn gặp lỗi bootloop trầm trọng, không tránh khỏi khủng hoảng.
Snapdragon 820: cú sửa sai kịp thời
Năm 2016, Qualcomm tung ra Snapdragon 820 với thiết kế hoàn toàn mới: chỉ 4 nhân Kryo tùy biến và GPU mới, nhưng cho hiệu năng tăng tới 50% so với 810. Điều quan trọng nhất: không còn nóng. Con chip này đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ cho Qualcomm sau một năm ám ảnh vì nhiệt.

Các thương hiệu nhanh chóng sửa sai bằng việc dùng chip khác, nhưng đây vẫn là 1 vết nhơ đáng nhớ trong lịch sử di động.
820 được dùng trên loạt máy nổi bật như Galaxy S7 (bản Mỹ), LG G5, OnePlus 3, Xperia X Performance... và đều nhận được phản hồi tích cực.
Còn chip nào gây thất vọng như 810?
Ryan Thomas Shaw - reviewer công nghệ Anh - cho rằng Snapdragon 8 Gen 1 là cái tên gần đây có thể "đứng chung mâm" với 810 về mặt nhiệt độ. Dù hiệu năng không tệ, nhưng bản gốc do Samsung sản xuất bị đánh giá là nóng, hao pin, và không ổn định. Qualcomm phải nhờ tới TSMC để làm lại một bản Snapdragon 8+ Gen 1 sau đó không lâu. Phiên bản này được đánh giá là mát hơn, mạnh hơn và ổn định hơn hẳn so với bản gốc.
Snapdragon 810 là một trong những ví dụ điển hình cho việc một con chip có thể phá hỏng cả thế hệ thiết bị. Dù không phải tất cả đều "chết thảm", nhưng di sản mà nó để lại vẫn là vết nhơ khó gột của Qualcomm. Và cũng là bài học kinh điển trong ngành di động về việc đừng đánh đổi trải nghiệm người dùng chỉ để chạy theo thông số.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google triển khai Veo 3 tại Việt Nam, nhiều người không vui
(NLĐO) - Video tạo ra bởi Veo 3 của Google rất chân thực nhưng chỉ phù hợp cho giải trí và chia sẻ trên mạng xã hội.
Trên tay vivo X Fold5: Điện thoại gập ngang nhẹ nhất thế giới mà pin tận 6.000mAh, hỗ trợ kết nối Apple Watch và AirPods, giao diện đa nhiệm như iPad