Dây cáp hỏng, cổng sạc bám bụi hay chính thói quen từ người dùng cũng có thể kéo dài thời gian sạc pin trên smartphone thêm hàng giờ đồng hồ.
Ngày hôm nay chúng ta đã có thể quên những tháng ngày, mà thời gian sạc pin điện thoại tính bằng một đêm, một ngày hoặc tốc độ sạc chậm hơn rùa bò. Bởi những công nghệ mới như pin Lithium, Quick Charge đã phần nào khắc phục được tốc độ sạc, cũng như thời lượng pin trên smartphone.
Thế nhưng, không phải lúc nào, hoặc với bất kì smartphone gì, việc sạc pin cũng đều dễ chịu. Với tinh thần có bệnh thì vái tứ phương, hãy cùng chúng tôi liệt kê ra 10 nguyên nhân khiến smartphone Android sạc pin chậm chạp và cách khắc phục.
1. Dây cáp hỏng
Nếu bạn cảm thấy việc sạc pin trên smartphone chậm hơn bình thường, điều đầu tiên cần làm đó là kiểm tra lại dây cáp micro USB. Điều này khá dễ hiểu, bởi trong quá trình sử dụng, dây cáp micro USB này sẽ bị hao mòng hàng ngày. Nhiều người luôn sử dụng một chiếc dây cáp từ năm này qua năm khác, và than phiền rằng, smartphone của họ đang ngày càng sạc pin chậm đi.
Tuy nhiên, vấn đề thực sự không nằm ở những thiết bị cầm tay, mà chính là những chiếc dây cáp micro USB này. Với thiết kế khá mỏng manh, dễ dàng bị uốn cong, đứt, gãy trong bất kì trường hợp nào, dây cáp micro USB là một trong những phụ kiện dễ gặp phải tình trạng hỏng hóc nhất trong quá trình sử dụng smartphone.
Có 2 lý do khiến dây cáp micro USB chỉ được thiết kế tạm bợ như vậy. Thứ nhất, đây là loại phụ kiện khá rẻ tiền và dễ dàng thay thế. Giá thành của một sợi cáp micro USB phổ thông chỉ vài chục hoặc vài trăm ngàn, quá rẻ so với một chiếc smartphone.
Thứ hai, mỗi khi mua mới smartphone, chúng ta đều được tặng kèm một dây cáp micro USB hoàn toàn mới. Điều này xuất phát từ ý đồ của các nhà sản xuất, kích cầu người dùng đến với các model smartphone mới, thay vì chỉ trung thành với một sản phẩm, một sợi dây cáp duy nhất. Còn theo các chuyên gia, dây cáp chiếm tới 90% nguyên nhân khiến smartphone sạc pin chậm.
2. Nguồn điện không ổn định
Thay vì chỉ sử dụng củ sạc đi kèm smartphone để nạp năng lượng, rất nhiều người còn tiện tay sạc pin smartphone thông qua cổng USB trên máy tính. Trên thực tế, nguồn điện của cổng USB này là rất nhỏ, khiến việc sạc pin diễn ra chậm hơn. Ngay cả với các cổng USB 3.0, dòng điện ra chỉ đạt mức tối đa 0,9 A, còn với cổng USB 2.0 là 0,5 A, quá thấp so với quy định.
Tương tự như vậy, phần lớn các thiết bị sạc không dây dành cho smartphone hiện nay cũng không hoàn toàn đảm bảo nguồn điện đáp ứng cho các thiết bị cầm tay. Về cơ bản, đây chỉ được coi là giải pháp tình thế khi người dùng không thể tiếp cận được với cáp sạc thông thường mà thôi. Tất nhiên, dù là sạc không dây hay sạc qua máy tính, điều này đều không ảnh hưởng tới các thiết bị, trừ việc thời gian sạc pin sẽ lâu hơn bình thường.
3. Củ sạc gặp vấn đề
Dù được cắm trực tiếp vào các ổ điện, nhưng việc cắm không đúng cách các củ sạc này có thể khiến chúng ta mất rất nhiều thời gian cho việc sạc pin. Việc cắm không chặt hay vô tình chạm phải củ sạc khiến phần tiếp xúc với ổ điện bị lung lay cũng kéo dài thời gian chúng ta sạc pin. Tất nhiên, cũng không loại trừ khả năng mạch điện tử trong củ sạc đã bị hỏng hóc trước đó, dẫn tới việc không cung cấp đủ nguồn điện cho smartphone.
4. Smartphone đã lỗi thời
Với người dùng không muốn hoặc không đủ khả năng để lên đời smartphone, việc các thiết bị sạc pin ngày càng chậm là điều rất dễ xảy ra. Nếu như trước đây, Quick Charge là một trong những công nghệ sạc nhanh khá xa xỉ trên smartphone, thì giờ đây, chúng ta đã có Quick Charge 3.0, công nghệ VOOC giúp tăng điện áp nguồn sạc... Và nếu có điều kiện, chúng ta đổi mới, nâng cấp smartphone trong tương lai, nhằm tránh tình trạng mất quá nhiều thời gian cho việc sạc pin.
5. Viên pin đã hỏng
Trên thực tế, nếu vấn đề không nằm ở củ sạc hay cáp sạc micro USB, chúng ta cần cân nhắc tới viên pin trên chính smartphone đang sử dụng. Không chỉ các sản phẩm đã có tuổi, mà ngay cả các smartphone mới cũng có thể gặp phải trục trặc với viên pin. Bởi trên thực tế, đã có nhiều trường hợp các nhà sản xuất phải thu hồi toàn bộ các viên pin trên smartphone do lỗi kỹ thuật.
Còn với trường hợp thông thường, nghĩa là viên pin tự giảm chất lượng qua thời gian dài sử dụng, các hiện tượng bị chai pin, phù hoặc không thể tích điện cũng khiến việc sạc pin trở nên chậm hơn. Do đó, với những smartphone sở hữu viên pin có thể tháo rời, chúng ta hãy thay thế ngay pin mới khi xuất hiện tình trạng sạc pin cả ngày trời.
6. Thói quen sử dụng
Hãy tự đặt câu hỏi, bạn có phải một con nghiện Facebook, hay tốn hàng giờ đồng hồ chỉ với tựa game Candy Crush Saga, hay một vài tựa game trực tuyến khác, bất chấp việc vừa sạc vừa dùng smartphone. Nếu đúng như vậy, bạn cần phải ngay lập tức thay đổi thói quen này.
Bởi việc luôn giữ màn hình phải hiển thị, vừa nạp năng lượng sẽ khiến viên pin lâu được sạc đầy hơn. Đó là chưa kể những trường hợp smartphone bị quá nhiệt khi vừa dùng vừa sạc, hoặc gây cháy nổ dẫn tới những vụ việc thương tâm.
7. Ứng dụng chạy nền hao pin
Trên thực tế, màn hình smartphone là một trong những lý do chính khiến thời lượng pin trên các thiết bị cầm tay bị giảm sút. Thế nhưng, các ứng dụng chạy nền cũng góp phần vào tình trạng này. Thậm chí, một số ứng dụng còn "lén lút" chạy trong nền không ngừng lấy đi những phần trăm pin cuối cùng, khiến tốc độ sạc pin chậm hơn so với thông thường. Giải pháp duy nhất cho vấn đề này đó là chúng ta cần thường xuyên kiểm tra cũng như tắt đi những tác vụ chạy nền không cần thiết.
8. Cổng sạc bị bám bụi bẩn
Nghe thì có vẻ vô lý, nhưng việc cổng sạc thường xuyên bị bám bụi cũng khiến dây cáp không truyền tải được đầy đủ dòng điện tới smartphone. Những hạt bụi dù bé nhỏ, nhưng nếu được tích tụ và bám chặt vào cổng sạc sẽ gây ra hiện tượng này. Để khắc phục hiện tượng này, chúng ta có thể sử dụng những que nhỏ hoặc tăm bông để vệ sinh, và lấy hết những bụi bẩn này ra khỏi cổng kết nối.
9. Cổng sạc bị hỏng
Nếu vấn đề cổng sạc bám bụi đã được giải quyết, nhưng tốc độ sạc pin trên smartphone vẫn không được cải thiện, có lẽ trường hợp xảy ra sẽ là cổng micro USB đã bị hỏng. Nếu máy còn trong thời hạn bảo hành, hãy mang đến trung tâm gần nhất, hoặc đem tới những cửa hàng sửa chữa điện thoại uy tín để thay mới, sửa chữa cổng sạc này.
10. Cổng sạc bị ăn mòn
Qua thời gian dài sử dụng, cổng sạc trên smartphone có thể gặp phải hiện tượng bị ăn mòn giữa các chân tiếp xúc với dây cáp micro USB. Biện pháp duy nhất mà chúng ta có thể áp dụng đó là theo dõi và vệ sinh thường xuyên nhằm giữ cổng kết nối tránh khỏi các tác nhân ăn mòn khác.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?