2015 đánh dấu một phần tư thế kỷ thành lập và phát triển của công ty ARM, một trong những công ty đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển của kỷ nguyên điện toán di động trên toàn cầu.
Ngày 27 tháng Mười Một năm 1990, công ty Advanced RISC Machines (ARM) được tách khỏi công ty Acorn Computers với sứ mạng tạo ra một tiêu chuẩn mới cho bộ vi xử lý trên toàn cầu. Qua hơn 25 năm, các đối tác của ARM đã xuất xưởng khoảng 75 tỷ thiết bị sử dụng loại chip này, từ các cảm biến cho đến điện thoại thông minh, và thậm chí cả máy chủ. Quy mô ứng dụng khổng lồ này biến nền tảng thiết kế của công ty trở thành kiến trúc điện toán phổ biến nhất thế giới.
Giờ tên ARM dù đã không còn liên quan đến ý nghĩa ban đầu của tên Advanced RISC Machines (máy sử dụng kiến trúc RISC tiên tiến) nhưng nét đặc trưng của công ty vẫn giữ nguyên : thiết kế nên những con chip hiệu năng cao, tiết kiệm năng lượng và chi phí thấp.
Trong khi ARM đang tập trung nguồn đầu tư và chuyên gia vào việc phát triển một tương lai thông minh hơn và kết nối hơn, hãy dành một chút thời gian để nhìn lại 10 sự kiện quan trọng định hình nên công ty ngày nay trong suốt một phần tư thế kỷ qua.
1. 1990 – năm thành lập công ty
Trên đây là thông báo liên doanh giữa Acorn Computers, Apple Computers và VLSI Technology, dự báo trước việc thành lập nên ARM và đặt ra mục tiêu cung cấp một kiến trúc vi xử lý mở. Ở thời điểm này, đã có khoảng 130.000 chip ARM được xuất xưởng.
2. 1993 – ARM giới thiệu ARM7
Năm 1993, ARM giới thiệu dòng chip ARM7. Một trong các biến thể của bộ vi xử lý ARM7 là ARM7-TDMI, hỗ trợ thực thi các tập lệnh Thumb. Công nghệ này cho phép các câu lệnh 16-bit được giải mã một cách hoàn toàn (theo thời gian thực) sang câu lệnh 32-bit mà không bị mất mát về hiệu năng. Đồng thời, nó cũng cải thiện mật độ code chỉ còn khoảng 35% và giảm diện tích của chip nhớ đến kích thước tương đương với bộ vi điều khiển 16-bit. Vì vậy, con chip này đáp ứng một cách hoàn hảo yêu cầu cho các ứng dụng điều khiển dạng nhúng có chi phí thấp ví dụ điện thoại di động.
Chiếc Nokia 8110 kinh điển một thời.
Bộ xử lý ARM7-TDMI được cấp phép bởi công ty Texas Instruments và được sử dụng với phổ biến trên dòng điện thoại Nokia 8110, một đặc trưng của bộ phim bom tấn “Ma Trận” vào năm 1999. Cùng với điện thoại Nokia 6110, được ra mắt vào năm 1997, các mẫu điện thoại này thúc đẩy tăng trưởng của doanh số điện thoại di động. Tính đến cuối năm 2014, tổng cộng đã có khoảng 30 tỷ chíp nền tảng ARM7 được xuất xưởng.
3. 1998 – niêm yết cổ phiếu tại London và New York
Ngày 17 tháng Tư năm 1998, công ty ARM Holdings tiến hành IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) tại Sàn giao dịch chứng khoán London và NASDAQ, với mức giá 5,75 Bảng Anh mỗi cổ phiếu (và 29,17 USD mỗi cổ phiếu ARM tại sàn chứng khoán NASDAQ - do một cổ phiếu ARM niêm yết tại NASDAQ bằng 3 cổ phiếu ARM niêm yết tại sàn chứng khoán London). Vào thời điểm IPO, ARM có giá trị vốn hóa khoảng 264 triệu Bảng Anh.
Nhưng chỉ khoảng một năm rưỡi sau, vào ngày 20 tháng Mười Hai năm 1999, ARM được niêm yết trên sàn FTSE 100 (bảng tổng hợp chỉ số của 100 công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất sàn giao dịch chứng khoán London). Ngày nay giá trị vốn hóa của ARM vào khoảng 15 tỷ bảng Anh.
4. 2002 – cán mốc một tỷ chip nền tảng ARM được xuất xưởng
Sau 12 năm phát triển, đã có tổng cộng một tỷ chip nền tảng ARM được xuất xưởng bởi các đối tác của công ty. Trong năm 2015, con số một tỷ chip xuất xưởng có thể đạt được chi trong vòng một tháng.
5. 2004 – dòng vi xử lý ARM Cortex được công bố
Dòng vi xử lý ARM Cortex gia nhập thị trường vào năm 2004, qua đó cho thấy ý định rõ rệt của công ty trong việc mang đến các thiết kế lõi bản quyền linh hoạt dựa trên mục tiêu của ứng dụng và các yêu cầu về hiệu suất. Dòng vi xử lý ARM còn cho phép các nhà sản xuất chip và các nhà gia công OEM có thể chuẩn hóa một kiến trúc duy nhất trên hàng loạt các thiết bị điện toán tiêu thụ ít năng lượng, từ các vi điều khiển cấp thấp cho đến các bộ vi xử lý hiệu suất cao.
Trong đó, chip ARM Cortex-M3 là bộ vi xử lý đầu tiên trong dòng CPU này được công bố tại Hội nghị hàng năm cho các nhà phát triển ARM, tổ chức vào năm 2004 ở Santa Clara, California, Mỹ.
6. 2006 – ARM thâu tóm Mali GPU
Ngày 23 tháng Sáu năm 2006, ARM thâu tóm công ty Falanx Microsystem AS của Nauy với giá 13,4 triệu Bảng Anh. Falanx đã phát triển thành công thiết kế bản quyền của chip xử lý tăng tốc đồ họa và phần mềm, trong đó có Mali GPU, cho các nhà cung cấp chip SoC. Thương vụ này đã tạo nên nền tảng cho một mảng kinh doanh đa phương tiện mới bên trong ARM.
Đến giờ, dòng chip ARM Mali GPU đã trở thành thiết kế bản quyền được cấp phép phổ biến nhất trên thế giới, với hơn 550 triệu chip tích hợp SoC chứa Mali đã được các đối tác của ARM xuất xưởng trong năm 2014, và con số trong năm 2015 được dự tính ở mức 650 triệu chip.
7. 2008 – cán mốc 10 tỷ chip được xuất xưởng.
CEO của ARM, ông Warren East đã có phát biểu đáng nhớ về sự kiện này : “Mỗi người trên hành tinh đã nhận được hơn một bộ xử lý do các đối tác của ARM xuất xưởng”. Tháng Một năm 2008, ARM thông báo các đối tác của mình đã xuất xưởng tổng số khoảng 10 tỷ chip nền tảng ARM tính từ 1990 đến giờ.
8. 2009 – ARM ra mắt bộ xử lý ARM Cortex-M0
Khi ARM ra mắt bộ xử lý ARM Cortex-M0, bộ xử lý 32-bit nhỏ nhất và tiêu thụ điện năng thấp nhất trên thị trường thiết bị điện toán dạng nhúng, nó đã trở thành bộ xử lý ARM được cấp phép nhanh nhất từ trước đến nay, với 15 giấy phép đã được ký chỉ trong vòng chín tháng, vì giúp các công ty đã có thể từ bỏ công nghệ 8-bit lạc hậu.
9. 2011 – kiến trúc ARMv8 và big.LITTLE được công bố
ARM giới thiệu kiến trúc 64-bit ARMv8 cùng năm với việc ra mắt bộ xử lý sử dụng công nghệ big.LITTLE, cho phép tối ưu hóa hiệu suất năng lượng trên các con chip tích hợp SoC nền tảng ARM. Công nghệ này chia tám lõi trên chip SoC thành hai nhóm, nhóm các lõi Cortex-A57 sẽ có hiệu năng cao để xử lý các tác vụ nặng, còn nhóm các lõi Cortex-A53 có hiệu suất sử dụng năng lượng hiệu quả, để xử lý các tác vụ thông thường.
10. 2014 – tạp chí Forbes liệt ARM là công ty sáng tạo thứ năm thế giới
Sau khi ARM giới thiệu một nền tảng tiêu chuẩn mới, bộ xử lý 64-bit nền tảng ARMv8 dùng cho máy chủ trên thị trường doanh nghiệp, công ty đã được tạp chí Forbes đánh giá là công ty đứng thứ năm trong số các công ty sáng tạo nhất thế giới.
ARM cũng ra mắt bộ phận kinh doanh mới, chuyên về các chip cho Internet of Things, nhằm thúc đẩy các công nghệ kết nối thông minh trên toàn cầu.
2015 – kỷ niệm sinh nhật lần thứ 25
Để chúc mừng cho sinh nhật lần thứ 25 của công ty, ARM đã tạo ra một series 25 phim ngắn, trong đó điểm mặt những con người và phát minh đã định hình cho công nghệ hiện đại. Series phim được đặt tên “Đứng trên vai người khổng lồ và những hiện vật nổi bật từ Bảo tàng khoa học Vương quốc Anh tại London”. Dưới đây là danh sách năm tập phim trong chủ đề "Đứng trên vai người khổng lồ".
Theo Androidauthority.com
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín