10 tổ chức trên thế giới vẫn đang sử dụng các công nghệ cực kỳ lạc hậu
Không ít công nghệ cũ có chỗ đứng khá vững chắc trong thế giới hiện tại. Người tiêu dùng luôn phải vật lộn để theo kịp thời đại bởi các công ty máy tính liên tiếp trình làng các thiết bị phần cứng và phần mềm mới nhất, tuyệt nhất.
Chắc hẳn ai trong chúng ta từng sở hữu một chiếc máy tính cũng đã từng gặp rắc rối khi cập nhật hệ điều hành. Với những tập đoàn, tổ chức lớn với rất nhiều phần mềm xây dựng riêng cho công việc của họ, chẳng có gì đảm bảo rằng các phần mềm sẽ hoạt động một cách trơn tru trên hệ thống máy tính mới hoặc hệ điều hành mới.
Tổ chức càng lớn càng lo ngại nhiều về rủi ro và chúng ta không nên chỉ trích họ chỉ vì họ tránh việc nâng cấp để đảm bảo không gây nguy hiểm cho doanh nghiệp, tổ chức.
Vì vậy, nhiều nhiệm vụ quan trọng của các tập đoàn và tổ chức trên thế giới đang được vận hành bởi những hệ thống, công nghệ quá lạc hậu. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ điểm qua 10 tổ chức lớn nhất trên thế giới vẫn đang gắn bó với các công nghệ cũ.
1. Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ
Có phải bạn sẽ nghĩ rằng quân đội luôn cập nhật công nghệ tốt nhất cho tên lửa hạt nhân, vũ khí mạnh nhất được phát minh bởi con người? Sai rồi. Theo tiết lộ gần đây, Minuteman III, bộ điều khiển phóng của hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tại Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ được điều hành bởi một máy tính cũ kỹ, đọc dữ liệu từ đĩa mềm 8 inch.
Đĩa mềm được thương mại hóa vào năm 1971 và cuối năm 1980 nó đã trở nên lỗi thời. Mặc dù chống hack khá tốt nhưng dữ liệu lưu trữ trên đĩa mềm rất dễ tan biến và nếu đột nhiên xảy ra sự cố mất dữ liệu trên đĩa mềm nước Mỹ sẽ không thể phóng tên lửa.
2. Văn phòng Quản lý Nhân sự Hoa Kỳ
Một trong những lý do quan trọng nhất khiến chúng ta phải đảm bảo công nghệ luôn được cập nhật đó là mối đe dọa ngày càng tăng của chiến tranh thông tin. Các tin tặc từ Trung Quốc và các quốc gia khác đang ngày càng trở nên lão luyện trong việc xâm nhập vào các hệ thống nhạy cảm của Hoa Kỳ và biến mất cùng với các thông tin mà chúng đánh cắp được.
Năm 2014, các tin tặc đã xâm nhập vào hệ thống của Văn phòng Quản lý Nhân sự Hoa Kỳ và đánh cắp toàn bộ thông tin về ngày tháng năm sinh, mã số an sinh xã hội, hồ sơ y tế... của hàng ngàn nhân viên chính phủ cũng như các nhà thầu tư nhân làm việc với chính phủ Hoa Kỳ. Tin tặc có thể dễ dàng làm được điều này bởi vì chẳng tập tin nào trong số những dữ liệu trên được mã hóa bởi các máy tính cổ lỗ sĩ của Văn phòng Quản lý Nhân sự Hoa Kỳ không đủ mạnh để thực hiện việc mã hóa.
3. Sân bay Orly, Paris, Pháp
Hầu hết máy tính Windows hiện tại đều chạy Windows 10, Windows 8, Windows 7 hoặc cổ nhất là Windows XP. Nhưng bạn không thể tưởng tượng được rằng hệ thống kiểm soát không lưu phụ trách việc thông báo cho các phi công điều kiện thời tiết ở sân bay Orly đang sử dụng hệ điều hành Windows 3.1.
Năm 2015, khi hệ thống máy tính với hệ điều hành ra mắt vào năm 1992 này gặp vấn đề các máy bay đã phải bay vòng chờ cất cánh trong khi ban lãnh đạo sân bay tìm kiếm một kỹ sư IT có khả năng sửa chữa những máy tính từ thời cổ đại.
4. Cơ quan Mật vụ Hoa Kỳ
Để bảo vệ Tổng thống và các quan chức cao cấp khác của Hoa Kỳ cần phân tích rất nhiều thông tin nên Cơ quan Mật vụ phải sử dụng một hệ thống máy tính hiện đại? Không, theo Thượng nghị sĩ Joe Lieberman, họ sử dụng một cỗ máy lớn, ọp ẹp từ những năm 1980.
Theo đánh giá công nghệ của cơ quan này trong năm 2010, do tuổi thọ của phần cứng trong 10 lần khởi động hệ thống máy tính của họ chỉ có thể hoạt động được 6 lần. Máy tính này được xây dựng bởi IBM và chạy 42 ứng dụng tập trung vào các nhiệm vụ. Sau khi báo cáo được đưa ra, Mật vụ Mỹ đã cam kết sẽ thay thế cỗ máy này bằng một hệ thống mới nhưng chưa biết bao giờ họ mới thực hiện.
5. Bộ Giao thông Vận tải Hoa Kỳ
Vận chuyển và cất giữ các vật liệu độc hại là một công việc khá nhạy cảm nhưng chính phủ Hoa Kỳ vẫn không đảm bảo công nghệ trong lĩnh vực này được cập nhật. Hệ thống Thông tin Vật liệu Nguy hiểm (HMIS) mà Bộ Giao thông Vận tải Hoa Kỳ (DoT) sử cụng để theo dõi các tai nạn liên quan tới các chất tiềm ẩn sự nguy hiểm được sử dụng từ những năm 1990 tới nay.
Hệ thống phần mềm sử dụng Microsoft .NET và trang ASP này sẽ được sử dụng tới năm 2018 bằng một hệ thống phần mềm mới, theo tuyên bố của DoT.
6. Bộ Ngân khố Hoa Kỳ
Năm 2015, cơ quan này tuyên bố rằng phần mềm của họ lạc hậu một cách khủng khiếp. Một vài hệ thống trong số đó đã tồn tại từ thời Tổng thống Kennedy (năm 1961).
Một số phần mềm viết riêng cho Bộ Ngân khố được viết bằng COBOL, một ngôn ngữ lập trình được phát minh ra từ năm 1959. Do cần đảm bảo tính liên tục nên cơ quan này chỉ nâng cấp và vá lỗi hệ thống chứ không thay thế chúng. Kết quả là tới năm 2016 rồi mà họ vẫn sử dụng phần mềm từ thời ma cà rồng Frankenstein.
7. Hệ thống tàu điện ngầm New York
Hệ thống vận hành tàu điện ngầm New York
Nếu bạn biết hệ thống vận hành tàu điện ngầm New York sử dụng công nghệ từ năm 1930 tới nay thì bạn sẽ không còn thắc mắc tại sao tàu điện ngầm luôn trễ giờ nữa. Các điều vận viên theo dõi chuyển động của tàu qua một bảng đèn lớn, ghi chú vị trí của tàu bằng tay với bút chì và sổ. Họ cũng vận hành hệ thống rơle để chuyển đổi hướng và bật/tắt đèn bằng tay.
Hệ thống này rất khó bảo trì và khi một linh kiện nào đó bị hỏng họ cần phải gia công linh kiện thay thế. Ban lãnh đạo thành phố hứa sẽ nâng cấp hệ thống này nhanh nhất có thể.
8. Cục Bản quyền Hoa Kỳ
Cục Bản quyền Hoa Kỳ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế sáng tạo của Mỹ. Họ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các nghệ sĩ, nhà văn, nhà làm phim và những người khác.
Nhưng quá trình đệ trình, phê duyệt một ý tưởng sáng tạo nhằm bảo vệ tác quyền được thực hiện trên một công nghệ đã lỗi thời hàng thập kỷ hoặc hơn. Nếu có một tờ báo hoặc một ấn phẩm cần bảo vệ tác quyền bạn cần phải nộp một bản sao vi phim. Phim hoặc chương trình truyền hình cần phải lưu trên băng từ.
Tất cả các hồ sơ tác quyền đều được lưu trên giấy tờ chứ không phải là tập tin điện tử nên việc tìm kiếm trở thành một cơn ác mộng thực sự.
9. NASA
Tàu vũ trụ Orion mới của NASA, được thiết kế để đưa con người khám phá vũ trụ xa hơn nữa, được điều hành bởi một máy tính có sức mạnh ngang với chiếc iPhone.
Hệ thống điều khiển bay của Orion là một máy tính 12 năm tuổi được chế tạo bởi hãng Honeywell International. Nó được bao bọc, che chắn bởi một hệ thống bảo vệ bức xạ. NASA sẽ tiếp tục sử dụng máy tính này bởi nó vô cùng đáng tin cậy dù hơi thiếu sức mạnh.
10. Cục quản lý Cựu chiến binh Hoa Kỳ
Trong những năm gần đây, Cục quản lý Cựu chiến binh Hoa Kỳ luôn bị chỉ trích vì không thể đảm bảo sức khỏe cho các cựu chiến binh. Một trong những lý do khiến họ thất bại đó là phần mềm VistA mà họ sử dụng quá lỗi thời.
VistA là một phần mềm có giao diện dòng lệnh được xây dựng trên MS-DOS, phiên bản hệ điều hành tiền thân của Windows. MS-DOS đã không còn được sử dụng rộng rãi từ nhiều thập kỷ trước đây. Hướng dẫn của VistA dài tới 500 trang và có rất ít trợ giúp trực tuyến.
Do vậy, ngay cả một việc đơn giản như lên lịch hẹn cũng cần nhiều bước và nhiều người để xử lý. Và ngay cả việc theo dõi bệnh nhân của nó, theo số an sinh xã hội bốn chữ số cũ của họ, cũng gây ra một loạt rắc rối.
Theo PCMag
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"