Nỗi sợ hãi không hồi kết mang tên "phỏng vấn xin việc".
Đừng cố che giấu cảm xúc lo lắng, bồn chồn trên khuôn mặt khi bạn biết mình sắp bước vào một cuộc phỏng vấn “sống còn” quyết định tương lai cho sự nghiệp của bạn, vô ích thôi!
Muốn biến nỗi lo thành động lực thêm tự tin, bạn hãy ghi nhớ lấy điều quan trọng này khi ngồi trên ghế nóng: phải bình tĩnh và bước tiếp.
Dễ mà, đúng không?
Tuy nhiên, để chiến thắng cuộc chiến mang tên “phỏng vấn xin việc”, bạn cần có những chiến lược đúng đắn trước khi lâm trận. 11 việc làm dưới đây có thể giúp bạn đẩy lùi nỗi sợ hãi khi đối mặt với nhà tuyển dụng đấy:
1. Tìm hiểu kỹ về công ty và tập trả lời những câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn
Bà Amanda Augustine, chuyên gia tư vấn nghề nghiệp trên trang TopResume đã chia sẻ với Business Insider: “Không gì có thể giải tỏa căng thẳng và mang lại sự tự tin bằng cách chuẩn bị kỹ lưỡng cho buổi phỏng vấn trước mắt”.
Đầu tiên, bạn cần tìm hiểu về công ty đó, quá trình phỏng vấn theo trình tự nào, đồng thời xác định dạng câu hỏi mà công ty bạn ứng tuyển có thể đưa ra trong khi phỏng vấn. Sau đó, hãy tập trả lời những câu hỏi đó và cả những câu hỏi không thể quen thuộc hơn như “Hãy giới thiệu đôi chút về bản thân bạn” hay “Bạn hãy kể về một lần …”. Nên nhớ rằng chỉ luyện tập, chuẩn bị chứ không học thuộc lòng.
Theo như Vicky Oliver, tác giả cuốn sách “301 câu hỏi và trả lời phỏng vấn xin việc” (301 Smart Answer to Tough Interview Questions), các ứng viên nên chuẩn bị câu trả lời cho những câu trả lời cho câu hỏi “Tại sao chúng tôi nên nhận bạn vào công ty?”, “Bạn có thể giúp công ty giải quyết những vấn đề gì?” hay “Kinh nghiệm làm việc trước đây của bạn có liên quan gì đến nhu cầu của nhà tuyển dụng?” để có được tâm thể tốt nhất trước khi bước vào phỏng vấn.
Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận ra tầm quan trọng của công tác chuẩn bị. “Đáng buồn là, khi bắt tay chuẩn bị thì cũng đã muộn ”, J.T O’Donnell, nhà viết sách đồng thời là nhà sáng lập trang CAREERREALISM.com chuyên về tư vấn nghề nghiệp, nhận định.
“Dục tốc bất đạt. Điều đó chỉ khiến bạn tỏ ra mình không thực sự quan tâm và mong muốn có được công việc đó”, ông nhấn mạnh.
2. Chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất
Người ta thường nói, phòng thủ là thế tấn công hiệu quả nhất. Khi bạn biết trước mình sẽ gặp khó khăn trong việc xử lý một tình huống vụng về như thế nào trong khi phỏng vấn, bạn sẽ biết cách chế ngự áp lực và giữ bình tĩnh tốt nhất.
Thực chất, bí quyết này được trích ra từ cuốn sách của Dale Carnegie từ năm 1948 dựa trên một giai thoại về Willis Carrier, cha đẻ của nền công nghiệp điều hòa hiện đại ngày nay.
Carrier đã có lần nói với Carnegie, “Khi chúng ta ép buộc bản thân phải đối diện với những điều tồi tệ nhất và miễn cưỡng chấp nhận nó, chúng ta sẽ giũ bỏ được tất cả những hình dung mơ hồ mà đặt bản thân vào vị trí nơi ta có thể tập trung vào vấn đề khó khăn trước mắt”.
Dưới đây là một vài tình huống khó xử trong khi phỏng vấn mà chúng ta có thể gặp phải:
- Không biết cách trả lời phỏng vấn sao cho trọn vẹn
Nếu chẳng may điều này xảy ra, Oliver khuyên rằng bạn hãy cứ cố gắng hết sức trả lời câu hỏi đó trong phạm vi khả năng của mình và sử dụng email cảm ơn để bổ sung câu trả lời sau.
- Bị hỏi những câu bạn không muốn trả lời
“Bạn muốn là chính mình, nhưng bạn cũng cần phải bán mình đôi lúc”, Oliver nhắn nhủ khi bạn nhận được câu hỏi “Tại sao bạn bỏ việc ở công ty kia?”: “Hãy cứ thành thật nhưng vẫn phải tô vẽ thêm cho câu chuyện trở nên hoàn hảo nhất”. Điểm mấu chốt là bạn phải luôn tập trung vào những cái tích cực và nói về những bài học mà bạn ghi nhận từ công việc đó.
3. Khảo sát giao thông
Như Augustin gợi ý, bạn nên căn đo thời gian đến địa điểm phỏng vấn từ trước bằng cách đến đó một vài lần cho thạo đường cũng như điều chỉnh thời gian đi lại cho hợp lý trước phỏng vấn khoảng một tuần.
Nếu điều kiện không cho phép, bạn có thể sử dụng ứng dụng như Google Maps để chọn đường đi thuận tiện nhất, hạn chế những nút giao cắt có thể gây ách tắc.
Nếu vẫn không an tâm, khởi hành sớm hơn dự kiến khoảng 30 phút ,khi đó bạn sẽ không phải lo mình đến muộn và giải thích với lý do xe cộ. Tuy nhiên, đến quá sớm sẽ khiến bạn phải chờ đợi trong lo lắng, thấp thỏm. Chỉ cần đến trước giờ phỏng vấn 15 phút là đủ, nếu thời gian còn dư dả, bạn có thể ngồi đợi trong xe hoặc quán cà phê nào gần đấy.
4. Ăn nhẹ hợp lý
Augustine khuyên bạn nên cắt giảm lượng tiêu thụ caffeine trước khi phỏng vấn khoảng nửa ngày nhằm chống chọi với trạng thái lo lắng, thay vào đó hãy ăn thật nhiều các đồ ăn tự nhiên có khả năng ức chế beta như chuối, hạnh nhân, cháo yến mạch và sinh tố lựu. Những loại thức ăn này có thể giúp giảm huyết áp, căng thẳng và nhịp đập của tim.
5. Tập thể dục
Rosemary Haefner, trưởng bộ phận nhân sự của CareerBuilder, cho rằng duy trì một thói quen trước phỏng vấn sẽ giúp bạn tăng khả năng giữ bình tĩnh, tự chủ và lạc quan hơn. Và tập work-out là một thói quen rất được khuyến khích.
Theo như Augustine, “Tập luyện là cách tuyệt vời giúp đốt cháy năng lượng kích thích dây thần kinh, do đó bạn sẽ không bước vội vào phòng phỏng vấn với tâm lý háo hức thái quá. Cũng giống như liều thuốc bổ trợ, tập luyện sản sinh ra nhiều endorphin giúp vực dậy tinh thần, khiến bạn suy nghĩ theo chiều hướng tích cực hơn”.
Tập yoga cũng là một lựa chọn không tồi bởi nó có khả năng làm tăng lượng máu bơm vào tim và thư giãn đầu óc rất hiệu quả.
6. Tập thiền
“Bạn không cần phải trở thành một tín đồ yoga chỉ để thu lượm những lợi ích của thiền định khi phải đối mặt với một cuộc phỏng vấn quan trọng”, Augustine nói. “Tập thiền đơn giản như việc nhắm mắt trong 1 phút, hít thở sâu, từ từ và hình dung bạn đang đè bẹp cái thứ mang tên “phỏng vấn””.
7. Tập đứng với “tư thế quyền lực”
Ngay trước khi phỏng vấn, bạn có lẽ nên thử vẫy vùng trong nhà tắm và tập đứng theo tư thế mà nhà tâm lý học Amy Cuddy gọi là “tư thế quyền lực” (power pose).
“Tư thế quyền lực” được minh họa qua thế đứng hai chân rộng bằng vai, tay chống nạnh.
Khi bạn mở rộng cơ thể như vậy, “tinh thần bạn bắt đầu có những dấu hiệu cảm thấy tự tin và mạnh mẽ hơn – bạn bắt đầu nhìn nhận những tình huống khó khăn trước mắt không còn là mối đe dọa nữa mà trở thành những cơ hội quý báu”.
8. Tự động viên bản thân
Bạn hay tự nhủ bản thân phải cố lên khi đang ở một mình, và nó có tác dụng khích lệ tinh thần ghê gớm, đặc biệt là thời điểm trước khi bước chân vào phòng phỏng vấn. Bạn có thể vô tư động viên bản thân, miễn sao đừng để ai nghe thấy là được.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh tác dụng tích cực của việc tự trò chuyện một mình. Thay vì sử dụng đại từ “tôi/mình/tao”, bạn có thể dùng “bạn/cậu/mày” hay chính tên mình để nói chuyện, hành động này giúp tình trạng "căng như dây đàn" bớt căng thẳng hơn.
9. Thừa nhận bạn đang lo lắng
Nếu bạn căng thẳng trước khi phỏng vấn, giả vờ như không chuyện gì xảy ra chỉ khiến mọi thứ thêm tồi tệ hơn mà thôi.
Theo như nghiên cứu gần đây của Đại học Harvard, khi một người cảm thấy lo lắng, trạng thái kích thích hưng phấn sẽ được kích hoạt và rất khó có thể kiểm soát.
Nghiên cứu từ Đại học Boston cũng chỉ ra rằng việc che giấu cảm xúc, không muốn người khác biết bạn đang lo lắng, mà các nhà khoa học gọi là sự kìm nén, có thể khiến trạng thái này càng trở nên tồi tệ, nhịp tim cũng tăng hơn bình thường.
Các chuyên gia cho rằng, thay vì giấu nhẹm đi cảm xúc hiện tại, bạn hãy thừa nhận trạng thái căng thẳng mà bản thân đang phải đối mặt. Tâm trạng lo lắng không hoàn toàn gây hại, trái lại, nó có thể truyền cho người khác niềm đam mê mà không ảnh hưởng tới hiệu quả năng lực của bạn.
10. Biến nỗi lo thành động lực hưng phấn
Các nhà khoa học tại Harvard khuyến khích bạn vui vẻ điều chỉnh trạng thái lo lắng của mình, thay vì cố tỏ ra bình tĩnh, bởi lo lắng và hào hứng đều là những biểu hiện của trạng thái hưng phấn tâm lý.
Khảo sát những đối tượng nghiên cứu ghi nhận tâm trạng của họ trở nên hưng phấn hơn khi thuyết trình trước đám đông là nhờ khán giả, chính tâm lý sợ đám đông đã khiến bài nói của họ trở nên thuyết phục hơn.
11. Ngừng tưởng tượng điều bạn sắp nói
Một lỗi cơ bản mà hầu hết mọi người đều mắc phải khi muốn tạo ấn tượng ban đầu với nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn chính là bạn chỉ chăm chăm vào điều mình sắp nói sao cho thật thú vị mà không đoái hoài đến người đối diện đang chia sẻ với bạn điều gì.
Giáo sư Lillian Glass, chuyên gia phân tích hành vi, ngôn ngữ cơ thể nhận định: “Hãy khiến bạn trở nên thú vị, không riêng gì vẻ bề ngoài”. Cuộc thảo luận giữa bạn và nhà tuyển dụng sẽ mang lại kết quả nếu bạn không để tâm hồn mình treo ngược cành cây với những suy nghĩ của riêng bạn.
Tham khảo: Business Insider
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?