120 năm lịch sử của điều hòa: Từ xa xỉ phẩm dành cho giới triệu phú đến thiết bị bình dân trong thời đại biến đổi khí hậu
Con người sẽ cần điều hòa để đảm bảo sức khỏe và tính mạng của mình. Chúng ta đang đi đến chỗ không thể sống thiếu điều hòa.
Một đợt nắng nóng kỷ lục đang quét qua Nam Á, đe dọa hàng trăm triệu người với mức nhiệt lên tới hơn 38 độ C. Đó là hậu quả của một thế giới đang ngày một nóng lên. Và trong một thế giới đang ngày một nóng lên, con người chắc chắn sẽ cần đến nhiều điều hòa nhiệt độ hơn.
Trở lại thập niên 1900, sau khi nhà phát minh người Mỹ Willis Carrier chế tạo ra chiếc điều hòa nhiệt độ đầu tiên, nó chỉ được lắp đặt tại các công xưởng, tòa nhà, rạp chiếu phim hoặc khách sạn lớn. Mãi đến năm 1930, điều hòa dành cho hộ gia đình mới được phát triển.
Ở thời điểm đó, những chiếc điều hòa được coi là một mặt hàng xa xỉ phẩm. Chỉ có tầng lớp quý tộc siêu giàu mới có đủ tiền mua nó. Lật lại một catalog điều hòa nhiệt độ vào năm 1932, bạn sẽ thấy chúng được bán với giá từ 10.000 đến 50.000 USD. Đổi ra tỷ giá hiện hành, con số đó tương đương với khoảng 200.000 cho tới hơn 1 triệu USD (23 tỷ VNĐ).
Thật may mắn là khi Trái Đất nóng lên, công nghệ điều hòa nhiệt độ cũng kịp cải tiến để trở nên ngày một rẻ hơn. Giá thành giảm đồng nghĩa có nhiều người dân thuộc nhiều tầng lớp và điều kiện kinh tế có thể tiếp cận và trang bị được điều hòa.
Thống kê cho thấy thế giới hiện đang có khoảng 2 tỷ chiếc điều hòa. Và con số sẽ còn tăng lên thêm 4 tỷ chiếc từ nay cho tới giữa thế kỷ. Điều hòa nhiệt độ bây giờ đang trở thành một thứ công nghệ thiết yếu - chứ không còn là một "phát minh đẻ ra nhu cầu" như nhà kinh tế học Thorstein Veblen từng châm biếm.
Thậm chí, chúng ta đang đi tới một điểm mà sở hữu điều hòa được coi như một nhu cầu cơ bản của con người, giống như người nghèo cũng cần có nước sạch và mọi đứa trẻ đều cần được đi học.
Nói cách khác, con người sẽ cần điều hòa để đảm bảo sức khỏe và tính mạng của mình. Chúng ta đang đi đến chỗ không thể sống thiếu điều hòa.
Nếu coi điều hòa đơn giản là một công nghệ dùng để hạ nhiệt cho các ngôi nhà vào mùa hè, thì nó đã xuất hiện từ thời Ai Cập cổ đại. Các hình vẽ trên tường kim tự tháp mô tả cách mà người Ai Cập sử dụng lau sậy dấp nước, treo trên cửa sổ để khi gió thổi qua, nó cũng đem theo hơi mát và hơi ẩm vào làm dịu căn phòng khô nóng trên sa mạc.
Người La Mã cổ đại cũng phát minh ra một hệ thống ống nước bao quanh nhà có tác dụng lưu thông làm mát. Kỹ thuật tương tự cũng được sử dụng bởi người Ba Tư thời trung cổ, với một hệ thống bể chứa nước ngầm và tháp gió.
Ở Trung Quốc thời Đường Huyền Tông (712-762), các kỹ sư hoàng cung cũng thiết kế ra một hệ thống tháp làm mát cho các cung điện gọi là Lượng Thiên. Các văn bản cổ đã mô tả hệ thống này có nhiều bánh xe quay bằng sức nước để tạo luồng gió mang hơi ẩm vào phòng làm mát không khí.
Mặc dù các cơ chế làm mát cổ xưa đã có một lịch sử lâu đời, nhưng điều hòa làm việc bằng cơ chế điện lạnh như chúng ta thấy ngày nay thì chỉ mới ra đời từ năm 1902. Mô hình đầu tiên của nó được thiết kế bởi nhà phát minh người Mỹ Willis Carrier.
Carrier thiết kế ra điều hòa dựa trên một phát hiện tiền đề của nhà hóa học người Anh Michael Faraday trước đó gần một thế kỷ. Cụ thể là vào năm 1820, Faraday thấy rằng khi ông nén và hóa lỏng khí amoniac, amoniac lỏng khi bay hơi có thể làm lạnh những thứ mà nó tiếp xúc xung quanh.
Đó là do bản chất nhiệt độ của chất khí được tính dựa trên tốc độ chuyển động của các phân tử. Khi phân tử khí chuyển động càng nhanh thì khí càng nóng và ngược lại. Khi khí amoniac được nén lại thành trạng thái lỏng, các phân tử của nó sẽ bị vướng hút và ràng buộc với nhau.
Do đó, khi khí lỏng bắt đầu bay hơi, nó sẽ giải phóng các phân tử khí chuyển động rất chậm. Như một hệ quả, nhiệt độ của không khí xung quanh cũng trở nên rất lạnh.
Carrier nhận thấy nếu amoniac ở trạng thái lỏng có thể tạo ra nhiệt độ lạnh, tại sao ông không thiết kế một máy nén khí, rồi nhúng một ống kim loại vào khí lỏng nhằm thổi không khí qua đó để làm lạnh?
Đây chính xác là nguyên tắc hoạt động của những chiếc điều hòa hiện đại ngày nay. Nó đã được Carrier thử nghiệm thành công và đăng ký bằng sáng chế vào năm 1902. Ông sau đó đã được công nhận là cha đẻ của các thiết bị điều hòa và điện lạnh hiện đại.
Năm 1915, dựa trên sáng chế điều hòa liên tục được cải tiến của mình, Carrier đã thành lập Carrier Engineering Corp, một công ty chuyên trang bị và lắp đặt điều hòa cho các nhà máy, khách sạn, cửa hàng bách hóa và rạp hát.
Những chiếc điều hòa nhiệt độ ở đầu thế kỷ 20 rất cồng kềnh và có giá rất đắt. Đó là lý do tại sao chúng chỉ được trang bị tại các địa điểm công cộng hoặc nhà máy, nơi nhiệt độ và độ ẩm ảnh hưởng đến sản phẩm trong quá trình sản xuất và cần được kiểm soát.
Nhiều rạp chiếu phim tại các bang có khí hậu nóng ở Mỹ cũng đã trang bị điều hòa như một chiến lược marketing hoặc làm hài lòng khách hàng. Người dân Mỹ khi đó rất thích đến rạp chiếu để được tận hưởng bầu không khí mát mẻ.
Cho đến năm 1915, chỉ có duy nhất một chiếc điều hòa cá nhân được lắp đặt tại hộ gia đình. Đó là tư gia của Charles Gates, một con bạc nổi tiếng giàu có ở tiểu bang Minneapolis.
Cỗ máy điều hòa không khí của Gates có kích thước cực lớn. Nó cao 2,1 mét, rộng 1,8 mét và dài gần 7 mét. Không ai biết Gates đã mua chiếc điều hòa này với giá bao nhiêu, nhưng riêng tiền bảo trì của nó và ngôi nhà đã lên tới 60.000 USD/năm. So với tỷ giá hiện hành, đó là khoảng 1,7 triệu USD.
Vào năm 1922, Carrier tiếp tục cải tiến ra một thế hệ máy điều hòa mới. Ông đã thay thế amoniac bằng hợp một hợp chất sinh hàn an toàn hơn là dielene (C2H2Cl2). Bên cạnh đó, các thế hệ máy điều hòa tiếp theo đã được Carrier thiết kế để thu nhỏ kích thước.
Bước cải tiến này cho phép điều hòa trở nên phổ biến hơn ở các cửa hàng bách hóa, cao ốc văn phòng, các toa tàu hoặc những tòa nhà nhỏ. Nhiều cơ quan chính phủ Mỹ như Thượng, viện, Hạ viện và Nhà Trắng cũng đã lắp đặt điều hòa.
Đến năm 1939, các cải tiến liên quan đến điều hòa nhiệt độ bị chững lại trong Thế chiến Thứ hai, lý do là vì cả ngành công nghiệp khi đó phải tập trung vào sản xuất quốc phòng. Nhưng ngay sau khi Thế chiến II kết thúc, doanh số bán những chiếc điều hòa bắt đầu bùng nổ.
Giá thành sản xuất thiết bị ngày càng rẻ hơn khiến máy điều hòa dần trở thành thiết bị gia dụng bình dân tại Mỹ. Cho đến năm 1946, 30.000 máy điều hòa gia dụng đã được sản xuất và cung cấp cho người dân trên khắp nước Mỹ.
Nhu cầu máy điều hòa tại thời điểm bấy giờ đã vượt quá nguồn cung cấp. Cho tới năm 1953, hơn 1 triệu máy điều hòa đã được sản xuất và bán ra trên khắp nước Mỹ. Nhưng theo các số liệu không chính thống, con số thực tế còn vượt xa con số thống kê trên.
Người ta nói điều hòa là một phát minh đã làm thay đổi nước Mỹ, và thực sự điều đó không phải quá phóng đại. Một loạt các thành phố trên Vành đai Mặt Trời tại Mỹ, nơi phải chịu thời tiết nóng bức như Atlanta, Dallas, Houston, Las Vegas và Los đã chứng kiến sự bùng nổ dân số.
Ngày càng có nhiều người dân Mỹ di cư về đó hơn, do phát minh của Carrier đã bảo vệ được họ trong những ngày hè nắng nóng. Và khi dân số dịch chuyển, cán cân kinh tế và chính trị tại Mỹ cũng dịch chuyển.
Ngay cả các thiết kế tòa nhà cũng thay đổi, ngày càng nhiều tòa nhà chọc trời, phủ kính kín mít và được trang bị điều hòa đã mọc lên tại các đường chân trời ở Mỹ.
Mặc dù điều hòa nhiệt độ đã được phát minh ra ở Mỹ, nhưng nước Mỹ không phải là nước duy nhất được hưởng lợi từ công nghệ làm mát này. Trên thực tế, một bước chuyển mình ngoạn mục của công nghệ điều hòa đã diễn ra tại Đức.
Năm 1957, kỹ sư người Đức Heinrich Krigar đã chế tạo thành công một máy nén khí ly tâm đầu tiên, thay thế cho hệ nén khí bằng piton được sử dụng trong các thế hệ điều hòa cũ.
Kết quả là những chiếc điều hòa ngày càng được thu nhỏ, vận hành êm ái hơn, đạt hiệu suất cao hơn. Quan trọng, công nghệ nén ly tâm tiếp tục giúp điều hòa trở nên rẻ hơn và phổ biến hơn trên khắp thế giới.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trên thế giới hiện đang có hơn 2 tỷ chiếc điều hòa. Các thiết bị này đã phổ cập tới 90% trong các hộ gia đình tại Mỹ và Nhật Bản. Mặc dù vậy, tại các khu vực nắng nóng nhưng điều kiện kinh tế thấp hơn, chẳng hạn như Ấn Độ và Indonesia, tỷ lệ sở hữu điều hòa chỉ mới đạt 12%.
Tuy nhiên, khi điều hòa đang ngày một rẻ hơn, IEA dự đoán doanh số bán điều hòa ở các nền kinh tế mới nổi sẽ sớm bùng nổ, với 4 tỷ chiếc sẽ được mua thêm từ nay đến năm 2050. Một nguyên nhân quan trọng khác khiến thế giới có nhiều điều hòa hơn là Trái Đất đang ngày một nóng vượt quá sức chịu đựng của con người.
Ngay tại thời điểm này, một đợt nắng nóng kỷ lục đang quét qua Nam Á và đe dọa hàng trăm triệu người. Năm ngoái, một hiện tượng được gọi là vòm nhiệt đã đẩy nhiệt độ ở Canada lên mức kỷ lục, 49,6 độ C.
Nắng nóng làm chảy dây cáp điện, biến dạng đường nhựa và là, nứt kính ô tô để ngoài trời. Nó làm tăng tỷ lệ tử vong liên quan đến tai biến mạch máu não, làm trầm trọng bệnh phổi mạn tính, bệnh tim, bệnh thận và bệnh tâm thần…
Chỉ trong 5 ngày vòm nhiệt xuất hiện, thành phố British Columbia đã ghi nhận tỷ lệ tử vong tăng tới 195%, từ 165 người trong những ngày không có nắng nóng lên con số 486.
Những cái chết do nắng nóng gây ra chỉ là tình trạng liên tục lặp lại với tần suất ngày càng tăng. Năm 2003, một đợt sóng nhiệt ở châu Âu đã giết chết hàng chục nghìn người. Một đợt nắng nóng tương tự ở Nga năm 2010 cũng cướp đi sinh mạng của 55.000 người khác.
Theo một nghiên cứu trên tạp chí PLOS Medicine, số người chết vì sóng nhiệt có thể tăng gấp 4 lần ở một số thành phố ở Mỹ và Australia từ giờ cho tới năm 2080. Cá biệt ở một số quốc gia nhiệt đới như Colombia, Brazil và Philippines, con số có thể tăng gấp 20 lần.
Nghiên cứu có thống kê số người chết vì nắng nóng ở 2 khu vực của Việt Nam trong giai đoạn 2009-2013. Con số này vào khoảng 108.000 người và cũng có thể tăng gấp 6-7 lần cho tới năm 2080.
Để hiểu mức nhiệt nào có thể gây chết người, các nhà nghiên cứu sử dụng một khái niệm được gọi là "nhiệt độ bầu ướt". Lấy một chiếc khăn và phủ lên nhiệt kế, bạn sẽ có được mức nhiệt độ tối đa mà cơ thể có thể làm mát nó xuống thông qua cơ chế toát mồ hôi và bay hơi.
Ví dụ nếu nhiệt độ ngoài trời cao trên 35 độ C và độ ẩm là 100%, bạn sẽ thấy nó nóng tương đương 70 độ C. Mồ hôi trên da của bạn không thể bay hơi, làm ứ đọng nhiệt độ khiến thân nhiệt bạn tăng lên.
Khi thân nhiệt tăng từ 37 độ C vượt qua ngưỡng 40 độ C, máu của bạn bắt đầu đặc lại, tim bạn phải đập mạnh hơn và nhanh hơn để bơm máu tới được các bộ phận trên cơ thể. Nhưng tới ngưỡng 44 độ C, nó sẽ không còn duy trì được lưu lượng máu nữa. Cơ thể sẽ thu máu về ưu tiên cho các bộ phận quan trọng. Nó bỏ mặc các cơ quan ít quan trọng hơn như thận hoặc ruột.
Không có máu lưu thông, ruột của bạn có thể bị thủng và rò rỉ, tạo ra những khu vực viêm lan tỏa. Các mạch máu ở đó sẽ bị tổn thương và máu sẽ đông lại. Các tế bào thậm chí có thể tan rã khi protein của chúng bị phá vỡ. Thận của bạn sẽ không còn lọc được máu nữa, chất thải tế bào sẽ nhanh chóng tích tụ lại và đầu độc cơ thể.
Tổn thương tế bào do độc tế bào nhiệt và thiếu máu cục bộ tiếp đó dẫn đến các tình trạng nghiêm trọng đe dọa tính mạng, chẳng hạn như hoại tử ống thận cấp tính, mất chức năng não vĩnh viễn, nội độc tố gan trong máu, viêm tuyến tụy và tổn thương nội mô phổi.
Đến lúc này, tất cả các nội tạng của bạn đã giống như một dãy domino đổ sập xuống. Không lâu sau, bạn sẽ chết.
Ngoài tỷ lệ tử vong do nắng nóng tập trung chủ yếu ở nhóm người lớn tuổi, một hành tinh đang ấm lên cũng gây ra nhiều hệ lụy. Ví dụ, nhiệt độ cao đã được chứng minh là nguyên nhân làm gián đoạn năng suất lao động, gây ra thiệt hại kinh tế đáng kể ở Nam và Đông Nam Á, vùng Châu Phi cận Sahara và Trung Mỹ.
Vào năm 2020, ước tính có khoảng 295 tỷ giờ làm việc đã bị mất do nắng nóng khắc nghiệt. Tác động lớn nhất lại xảy ra ở các nước nghèo. Ví dụ ở Jacobabad, một thành phố của Pakistan, mọi người dân đã được khuyến cáo không ra khỏi nhà trong những ngày nắng nóng.
Nhiệt độ ngoài trời ở thành phố này có thể chạm ngưỡng 52 độ C. Khi đó, tất cả các hoạt động kinh doanh, thương mại, buôn bán và các sự kiện xã hội đều phải dừng lại. Kết quả là người dân bị mất thu nhập và kinh tế của toàn thành phố bị thiệt hại.
Đầu tiên, chúng ta phải chấp nhận với điều kiện khí hậu ấm lên như hiện nay, làm mát đã trở thành một nhu cầu cấp thiết của con người. Tình trạng nắng nóng khắc nghiệt sẽ còn tiếp tục gia tăng, và công nghệ làm mát cần được tiếp cận công bằng, để đảm bảo sự tồn tại và thịnh vượng kinh tế của hàng tỷ người sống ở các quốc gia nhiệt đới.
Trên thực tế, cựu thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng nói: Điều hòa là phát minh quan trọng nhất đối với sự phát triển của đất nước ông. Hãy tưởng tượng về một nước nhiệt đới như Singapore khi không có điều hòa:
Đầu tiên, các rạp phim sẽ là nơi phải đóng cửa trước vì mọi người không thể chịu được nhiệt độ trong đó. Tiếp theo, người ta bắt đầu phải che những tòa nhà chọc trời lại, thay kính bằng những bức tường dày với cửa sổ nhỏ, để hạn chế ánh sáng mặt trời chiếu vào phòng nhiều nhất có thể.
Năng suất làm việc của con người trong điều kiện nắng nóng cũng sụt giảm, cùng với đó là hiệu quả học tập của trẻ em, học sinh và sinh viên. Các hệ thống máy chủ và đám mây lưu trữ dữ liệu không thể hoạt động trừ khi chúng được làm mát.
Nhiều loại thuốc và vắc-xin cũng vậy. Ví dụ như vắc-xin COVID-19, loại dễ bảo quản nhất cũng cần lưu trữ ở nhiệt độ từ 2-8 độ C. Nhiều loại vắc-xin còn cần nhiệt độ tới -90 độ C để không bị mất hiệu lực.
Rõ ràng, thực tế này cho thấy điều hòa đã đi từ chỗ của một thiết bị xa xỉ 120 năm trước, giờ đã trở thành một công nghệ không thể thiếu cho cuộc sống của con người. Nhưng cũng có những lo ngại song hành với điều đó.
Nhiều người nghĩ rằng trong một thế giới có nhiều điều hòa hơn, chúng sẽ tiêu tốn nhiều năng lượng hơn và thúc đẩy biến đổi khí hậu diễn ra mạnh mẽ hơn.
Lo lắng này không phải là không có cơ sở. Dự báo cho thấy tại Ấn Độ, điều hòa nhiệt độ có thể sẽ chiếm từ 20% đến 44% phụ tải lưới điện quốc gia vào năm 2050. Nếu nguồn điện này được cung cấp bằng nhiên liệu hóa thạch, chắc chắn nó sẽ tác động đáng kể đến phát thải khí nhà kính toàn cầu và làm Trái Đất nóng lên.
Cuối cùng, con người sẽ bị sập vào một nghịch lý được gọi là Catch-22: Khí hậu nóng lên, con người dùng nhiều điều hòa hơn. Và nhiều điều hòa hơn lại tiếp tục khiến thế giới trở nên nóng hơn. Mọi chuyện cứ lặp đi lặp lại.
Những vòng lặp này thật đáng sợ, nhưng liệu nhu cầu dùng điều hòa đến một lúc nào đó sẽ nấu chín hành tinh của chúng ta hay không? Trên thực tế, đây là một cách tiếp cận đã sai ngay từ đầu.
Từ bỏ điều hòa nhiệt độ không phải là một lựa chọn sáng suốt. Thay vào đó, câu hỏi phải là: Làm thế nào để chúng ta có thể tiếp tục nâng cấp công nghệ làm mát, để có những chiếc điều hòa xanh hơn, sử dụng năng lượng tái tạo và thân thiện hơn với môi trường?
Với mục tiêu đó, con người đã đạt được một bước tiến quan trọng vào năm 1987 bằng Nghị định thư Montral, trong đó 200 quốc gia đã ký kết ngừng sản xuất điều hòa sử dụng chlorofluorocarbons (CFC) vì nó có khả năng làm thủng tầng ozon.
Kết quả là vào năm ngoái, một trong những lỗ thủng tầng ozon lớn nhất ở Nam Cực đã chính thức lành lại. Liên Hợp Quốc dự đoán tới năm 2030, tầng ozon ở Bắc Bán Cầu sẽ phục hồi hoàn toàn, ở Nam Bán Cầu là tới năm 2060.
Năm 2016, thêm một nghị định thư được gọi là Bản sửa đổi Kigali đã được 150 quốc gia thông qua, nhằm giảm lượng tiêu thụ hydrofluorocarbons (HFC) xuống 80% vào năm 2047. HFC cũng là một chất làm mát được sử dụng phổ biến trong điều hòa có thể gây ra hiệu ứng nhà kính.
Nếu đạt được mục tiêu này, quá trình nóng lên toàn cầu có thể được làm chậm và mức nhiệt vào năm 2100 sẽ giảm xuống 0,4 độ C - một con số tưởng chừng nhỏ nhưng lại khá lớn trong nỗ lực của chúng ta nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Việc giảm thiểu HFC có thể được thực hiện bằng việc tái sử dụng chúng từ các thiết bị điều hòa và điện lạnh cũ, hết niên hạn. Ví dụ tại Mỹ, các thiết bị điện lạnh cũ có thể được xử lý thông qua các chương trình được Cơ quan Bảo vệ Môi trường phê duyệt.
Nhiều nhà chức trách địa phương sẽ thu gom và tái chế các thiết bị cũ này, trong khi các nhà sản xuất và bán lẻ thiết bị mới thường đề nghị đổi chúng và trợ giá cho những ai có ý thức bảo vệ môi trường. Nỗ lực loại bỏ dần HFC ở Mỹ đã được thêm vào dự luật đổi mới năng lượng gần đây đang được Thượng viện thông qua.
Tại Liên minh Châu Âu, luật pháp đã yêu cầu các khí HFC phải được thu hồi vào cuối thời hạn sử dụng để ngăn chúng rò rỉ vào khí quyển. Ví dụ, nếu tủ lạnh của bạn bị hỏng ở Anh, bạn phải đưa nó đến cơ sở xử lý chất thải được cấp phép để kỹ thuật viên loại bỏ khí gas. Không thu lại chất làm lạnh trước khi phá hủy thiết bị điện lạnh được coi là vi phạm pháp luật.
Theo Project Drawdown, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên phân tích các giải pháp khí hậu, khoảng 90% lượng khí thải làm lạnh phát ra hoặc bị rò rỉ vào thời kỳ cuối trong vòng đời thiết bị.
Nếu các hóa chất làm lạnh được chiết xuất và bảo quản cẩn thận, chúng có thể được tinh chế để tái sử dụng hoặc biến thành các chất khác không gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Theo Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA), một tổ chức phi lợi nhuận chuyên điều tra và vận động chống lạm dụng môi trường, quản lý và tái sử dụng hợp lý các khí làm lạnh có thể giúp cắt giảm 100 tỷ gigatons phát thải CO2 toàn cầu từ năm 2020 đến năm 2050.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) thì cho biết các thiết bị điều hòa nhiệt độ ngày nay đã tiết kiệm điện hơn tới 10% so với công nghệ của năm 2010. Theo dự đoán, các công nghệ điều hòa mới vào năm 2050 thậm chí có thể giảm tới 45% điện năng tiêu thụ.
Ngoài ra, nhu cầu làm mát đang tăng lên ở các nước nhiệt đới, nơi có điều kiện thuận lợi để sản xuất điện Mặt Trời. Do đó, chúng ta cần nhìn vào một bức tranh tổng thể để nhìn nhận vấn đề điều hòa nhiệt độ có thực sự làm tăng phát thải hay không?
Nếu thực sự thiết kế được một mô hình làm mát hiệu quả, sự bùng nổ trong nhu cầu điều hòa nhiệt độ sẽ không nhất thiết dẫn tới sự bùng nổ phát thải carbon.
Thậm chí, nó còn thúc đẩy sự công bằng trong việc tiếp cận với công nghệ, xóa bỏ chênh lệch giữa mức sống của người nghèo và người giàu, thúc đẩy công bằng trong tăng trưởng kinh tế và chuyển đổi sang năng lượng sạch tại các quốc gia.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Chủ tịch Huawei tự hào khoe Mate 70 là điện thoại với chip 100% Made in China: "Tự chủ ngành bán dẫn đã trở thành hiện thực"