Đây là danh sách những chiếc smartphone Android với tên gọi từ tệ đến...cực tệ.
15. HTC First
Chiếc điện thoại đầu tiên nằm trong danh sách điện thoại có tên dở tệ là HTC First - trên thực tế đây có lẽ là thiết bị Android thứ...51 mà công ty này từng tung ra thị trường. Tuy nhiên, nó quả thực là chiếc điện thoại đầu tiên được cài sẵn giao diện của Facebook mang tên Facebook Home. Giao diện mới này cho phép Facebook truy cập nhiều dữ liệu của bạn hơn, đổi lại, bạn có được một launcher mới lạ nhưng chất lượng chỉ thường thường bậc trung.
HTC First còn là thiết bị duy nhất từng được cài sẵn Facebook Home. Có thể gọi nó là HTC Last cũng được!
14. Kodak Ektra
Kodak, vốn đã từ bỏ thị trường máy ảnh số vào năm 2012, quyết định chuyển sang thị trường smartphone với một chiếc điện thoại chuyên chụp ảnh vào năm 2016. Lấy tên của chiếc camera 35mm từ thập niên 1940, Kodak Ektra trông khá phù hợp với cách nó được gọi, thậm chí nó còn có vài món phụ kiện thực sự thú vị giúp nó càng giống một chiếc camera cổ điển hơn.
Không may là ảnh chụp từ Kodak Ektra khá tệ. Với mức giá trên trời, cấu hình trung bình, và một cái tên mà đọc qua cứ tưởng viết sai chính tả, Kodak Ektra có lẽ nên nằm trong phòng tối thêm vài năm nữa thì hơn.
13. Motorola Flipout
Motorola Flipout được đặt tên dựa trên bàn phím QWERTY ẩn bên dưới màn hình vuông 2.8-inch, có thể lật ra được. Có nghĩa là bàn phím này cũng có kích thước 2.8-inch - một kích thước lý tưởng đối với bàn phím điện thoại (dành cho em bé).
Nói một cách công bằng, Motorola Flipout thực sự không có nhiều lựa chọn để đặt tên. Một cái tên có thể khác là Motorola Twist, nhưng nếu đặt vậy, người ta sẽ biết ngay Motorola đã "chôm chỉa" thiết kế từ chiếc Nokia 7705 Twist!
12. Lenovo Phab 2 Pro
Lenovo Phab 2 Pro tiếp nôi dòng thiết bị màn hình siêu lớn của Lenovo, với màn hình 6.4-inch. Đây là thiết bị đầu tiên được tích hợp hệ thống Tango AR của Google, vốn là tiền thân của công nghệ ARCore ngày nay.
Lenovo Phab 2 Pro cũng là một trong những chiếc điện thoại đầu tiên sử dụng danh xưng "Pro" (cực kỳ phổ biến hiện nay), dù rằng nó chỉ là một thiết bị tầm trung mà thôi.
11. LG V30S ThinQ
LG V30S ThinQ (phát âm là "Thin-kyoo") là chiếc smartphone đầu tiên mang nhãn hiệu ThinQ hết sức ngớ ngẩn của LG.
Hãng điện tử Hàn Quốc tiếp tục sử dụng nhãn hiệu gây tranh cãi này trên các điện thoại sau đó, nhưng có lẽ một ngày nào đó, công ty này sẽ phải làm điều không thể tưởng tượng nổi (un-ThinQ-able) và chuyển sang một cái tên khác hay ho hơn mà thôi.
10. Royole FlexPai
Là chiếc điện thoại màn hình gập đầu tiên trên thế giới, Royole có thể đặt tên thiết bị của họ theo bất kỳ cách nào họ muốn. Lạ lùng thay, họ lại chọn "Flexpai", có lẽ bởi màn hình máy thuộc dạng uốn dẻo được (flexible). Khi Samsung công bố chiếc điện thoại màn hình gập của họ vài tháng sau đó, nó được gọi là...Fold.
Royole xứng đáng được ghi nhận danh hiệu "đầu tiên" trên thị trường điện thoại màn hình gập, nhưng FlexPai lại là thiết bị gập kém hấp dẫn nhất, đi kèm với tên gọi dở hơi nhất.
9. Palm Palm
Palm Palm là chiếc điện thoại tối giản của nhãn hiệu Palm vừa được hồi sinh, chỉ hoạt động khi được kết nối đến chiếc điện thoại thực sự của người dùng. Với màn hình 3.3-inch, chiếc điện thoại này chẳng thể được gọi là smartphone dù giá chẳng hề thua kém chút nào.
Có lẽ điểm cộng duy nhất của nó là với hai chiếc điện thoại, bạn có thể cầm mỗi tay một cái và vẫy như mấy cô cheerleader để khiến mọi người chú ý đến quyết định mua sắm tệ hại của mình.
8. ZTE Iconic Phablet
ZTE, hãng đã bị cấm kinh doanh tại thị trường Mỹ trước khi Huawei rơi vào tình thế tương tự, rõ ràng cực kỳ lạc quan khi ra mắt chiếc Iconic Phablet vào năm 2014. Ngày nay, hầu như tất cả những chiếc điện thoại đều là phablet, nhưng ở thời điểm đó, màn hình 5.7-inch kia là một trong những màn hình điện thoại lớn nhất có mặt trên thị trường.
Tuy nhiên, Iconic Phablet không thể phế truất ngôi vương của chiếc phablet thực sự mang tính biểu tượng là Samsung Galaxy Note. Dù sao cũng chẳng thể trách ZTE được, họ đã cố gắng hết sức rồi!
7. Motorola Quench
Motorola Quench có một cái tên nghe vừa hung hãn, vừa tởm lợm. Đây thực ra là phiên bản không bàn phím của một thiết bị khác, chiếc Motorola CLIQ XT, hay Motorola Dext ở thị trường ngoài Mỹ. Cả 3 đều là những cái tên dở hơi!
6. HTC ChaCha/Salsa
HTC ChaCha (một số nơi trên thế giới gọi nó là HTC ChaChaCha) và người anh em không bàn phím HTC Salsa được ra mắt vào năm 2011 với Android Gingerbread. Không hiểu HTC nghĩ sao mà kết hợp "bánh gừng" với một điệu nhảy latin?
Điểm đáng chú ý của ChaCha và Salsa là chúng được tích hợp với Facebook, với một nút bấm riêng để mở ứng dụng mạng xã hội này. Khá tiện lợi nhỉ? Nhưng đổi lại, mỗi status bạn đăng tải sẽ kèm theo một dòng chữ "Posted from my HTC ChaCha" ở cuối.
5. Wickedleak Wammy Passion X
Wickedleak, đừng nhầm với Wikileak của Julian Assange, là một OEM tương đối nhỏ tại Ấn Độ. Wickedlead Wammy Passion X là chiếc điện thoại tiếp theo sau Wammy Passion Z và Z Plus, ra mắt năm 2014, dù rằng X đứng trước Z trong bảng chữ cái.
Tính năng đặc biệt nhất của Wickedlead Wammy Passion X là lớp phủ "siêu kháng nước", giúp bảo vệ chiếc điện thoại này khỏi bất kỳ sự cố thấm nước nào trong quá trình sử dụng thường ngày.
4. Samsung Galaxy S II Epic 4G Touch
Samsung Galaxy S II Epic 4G Touch ra mắt năm 2011, là một trong những chiếc điện thoại ấn tượng nhất vào thời đó. Nó có màn hình Super AMOLED khổng lồ với kích thước 4.5-inch và vi xử lý lõi kép siêu nhanh, xung nhịp 1.2Gz. Không may là Samsung dường như không còn đủ tiền để chi cho việc đặt tên, nên họ đành nhờ lũ nhóc tuổi teen chơi game Xbox lam điều đó.
Đúng như cái tên máy, Epic 4G Touch vẫn sử dụng giao diện TouchWiz nặng nề của Samsung, vốn chẳng có gì gọi là "epic" cả, dù lúc này mới chỉ là năm 2011.
3. Verykool Apollo Quattro
Người đặt tên cho chiếc điện thoại này chắc hẳn đang ngậm kẹo Verykool-aid. Dù ra mắt năm 2018, nó rất...không-kool khi chỉ có 1GB RAM và 8GB bộ nhớ trong. Và dù tên gọi có từ "Quattro" (số 4), nhưng trước đó chẳng có chiếc Verykool Apollo Tre (3), Due (2), hay Uno (1) nào cả.
Dù sao thì nó cũng có cảm biến vân tay, xịn hơn Pixel 4 rồi!
2. Acer Liquid Zest Plus
Chiếc điện thoại này có tên gọi chẳng khác gì một loại nước tẩy rửa nhà vệ sinh. Với (Android) Marshmallow mềm mại, thấm hút, và pin 5.000mAh, nó dư sức chà sạch cả nhà bạn luôn.
Nói nghiêm túc thì chiếc điện thoại này chẳng có gì nổi bật, trừ cái tên của nó. Và "nổi bật" ở đây cũng chẳng theo nghĩa tích cực nữa.
1. Casio G'zOne Commando
Cuối cùng cũng đến chiếc điện thoại Android với cái tên tệ nhất mọi thời đại. Casio G'zOne Commando (phát âm là "jeez one") là một trong số ít smartphone được tung ra bởi hãng NEC Mobile Communications đến từ Nhật Bản. Dù có tên gọi không thể nhảm nhí hơn, nhưng chiếc điện thoại này vẫn là một trong những thiết bị bền bỉ nhất trong năm 2011.
Nó còn là một trong những chiếc điện thoại ngớ ngẩn nhất và nhiều lỗi nhất ra mắt năm đó, nhưng ít ra thì bạn có thể giải tỏa cơn tức giận bằng cách...ném nó vào tường.
Chưa hết đâu...
Không chỉ điện thoại Android mới có những cái tên dở tệ. Dưới đây là một vài thiết bị non-Android khác đáng được đưa vào danh sách.
iPhone XS: Apple phá bỏ truyền thống đặt tên dễ nhớ với chiếc iPhone XS ("10 ess") và XR ("10 arr"). Cơn ác mộng với số La Mã cuối cùng cũng kết thúc với iPhone 11, nhưng Apple lại phạm một lỗi khác với tên gọi "iPhone 11 Pro Max".
Yezz Billy 4.7: ồ yezz!!! Yezz Billy 4.7 là một chiếc Windows Phone được đặt theo tên nhà sáng lập Microsoft, Bill "Yezzy" Gates. Màn hình của nó chẳng có gì đáng ngạc nhiên với kích thước 4.7-inch, và phần còn lại của thiết bị tầm thấp này cũng hoàn toàn bình thường.
Poop Phone: chiếc điện thoại nghe như phân này là một chiếc feature phone từ nhãn hiệu con của Oppo. Đúng như tên gọi, nó đã bị "xả xuống bể phốt" trước khi kịp trôi sang phương Tây.
Tham khảo: AndroidAuthority
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI