Nhiều khi để đạt được đến vị thế hiện nay, không ít công ty đã phải trải qua những thời kỳ thăng trầm đầy sóng gió và nuối tiếc.
Kể từ khi được thành lập vào năm 1975, Microsoft nay đã vươn lên nắm giữ vị thế mơ ước trên rất nhiều thương hiệu khác của thế giới công nghệ. Khởi đầu sáng lập bởi 2 người bạn thân từ thuở thơ ấu - Bill Gates và Paul Allen - họ đã đem đam mê và thổi hồn vào trong lĩnh vực máy tính cũng như tổ chức kinh doanh của mình. Sau khi nỗ lực đầu tiên vào năm 1974 mang tên Traf-O-Data không thực sự mang lại nhiều lợi nhuận như mong muốn, cho tới năm 1975, Microsoft đã được thành lập dưới sự dẫn dắt của Gates ở vị trí Giám đốc Điều hành.
40 năm từ đó đến nay, Microsoft trải qua biết bao thăng trầm cùng lịch sử nhưng cuối cùng vẫn xứng đáng có được trong tay tiềm lực mạnh mẽ tầm cỡ top đầu thế giới. Mặc dù không ai có thể phủ nhận những thành tựu to lớn của họ, thế nhưng vẫn còn đó những tồn tại, thiếu sót khiến công ty bị vô tình làm cản trở bước phát triển.
Chỉ cần một vài quyết định kinh doanh nhỏ tưởng chừng nhỏ thôi nhưng hậu quả để lại thì vô cùng khắc nghiệt. Ở vị thế hiện nay, Microsoft cũng nên biết cách nhìn lại những thất bại trước đó để tự nhắc nhở mình không lặp lại sai lầm đáng tiếc như vậy. Dưới đây là danh sách những "bước sảy chân" của Microsoft trong suốt hơn 40 năm phát triển:
15. Mua lại Danger Inc. với giá 500 triệu USD
Đây là một trong những thương vụ thiết bị di động từng khiến Microsoft phải ôm trái đắng. Thời điểm mà mẫu điện thoại Sidekick đang trở nên phổ biến, Microsoft đã quyết định bước chân vào thị trường di động nở rộ này bằng cách mua lại Danger Inc vào năm 2008 với mức giá 500 triệu USD, là công ty phát triển nên Sidekick. Sau đó, Microsoft đã cho ra mắt sản phẩm Microsoft Kin của riêng mình, tuy nhiên điều đáng nói ở đây là vào năm 2010 lúc đó, thiết kế nền tảng hệ điều hành của Kin bị cho là lạc hậu và lỗi thời.
Do vậy, người dùng không có nhiều cảm tình mấy dành cho thiết bị mới của Microsoft. Như một lẽ tất yếu, chỉ sau 48 ngày có mặt trên thị trường, Kin đã bị dừng sản xuất vào 30/6/2010. Số lượng điện thoại tồn kho lúc bấy giờ của Microsoft có lẽ đủ để lấp đầy một nhà kho lớn.
14. "Chiến tranh" với Google
Năm 2005, CEO Steve Ballmer lúc bấy giờ đã khởi xướng nên một cuộc chiến với Google sau khi họ mang Kai-Fu Lee - phó chủ tịch trước đó của Microsoft - về làm việc cho mình. Ballmer cho rằng hành động đó của Google đã vi phạm thời hạn hợp đồng vẫn còn hiệu lực của công ty mình. Ballmer thậm chí còn mạnh mồm nói rằng ông sẽ triệt hạ Google. Tuy nhiên, Ballmer không chỉ không thực hiện được ý muốn có phần cực đoan đó của mình, mà còn tự khiến mình xa dần với mục tiêu lớn hơn đặt ra trước đó của mình.
Trong khi Ballmer đang mải mê tìm cách chống phá, Google đã tập trung vào đầu tư cho nền tảng di động Android của mình mà hiện đang chiếm thị phần lên đến 80% thế giới. Về phần Microsoft, Windows Phone chỉ chiếm vỏn vẹn 1%. Có lẽ nếu Ballmer biết tận dụng thời gian quý giá của mình vào những việc chính đáng và đúng đắn hơn, mảng di động của họ có thể đã khởi sắc hơn so với bây giờ.
13. Kỳ thị báo giới
Báo chí là một phần quan trọng không thể thiếu trong lĩnh vực quảng bá dành cho thế giới công nghệ. Rất nhiều công ty biết cách khai thác những điểm mạnh về đánh giá, độ phổ biến và ảnh hưởng của thông tin để quảng cáo sản phẩm và dịch vụ của mình tới công chúng. Chính những quan điểm tiêu cực của Microsoft giành cho báo giới khi ấy đã vô tình làm hại công ty về cả mặt thương hiệu và sản phẩm.
Theo John C. Dvorak - nhà báo công nghệ Mỹ - Microsoft đã có những động thái hắt hủi và tránh xa giới báo chí và những người trong ngành như ông bởi vì đã xếp hạng và đánh giá sản phẩm của công ty bằng những từ ngữ như "sơ sài", "tạm được" hay "cần cải tiến". Ông cũng cho biết mình không được cung cấp những thông tin cập nhật về Windows bởi vì mình nằm trong "danh sách đen" của họ. Tất nhiên là Microsoft sẽ phủ nhận sự tồn tại của danh sách đó, nhưng ít nhiều thì vụ việc này cũng gây nên nhiều quan ngại và lo lắng cho nhiều người về công ty lúc bấy giờ.
12. Dính dáng đến PRISM
Năm 2013, Microsoft là công ty đầu tiên tham gia vào chương trình theo dõi ngầm PRISM - liên quan đến việc thu thập dữ liệu thông tin liên lạc Internet và đổi lại Microsoft sẽ cung cấp thông tin người dùng lại cho PRISM. Microsoft khi ấy đã phủ nhận điều đó, nhưng những tài liệu bị tiết lộ bởi NSA được điều tra và phát hiện bởi The Guardian và Washington Post lại nói lên điều ngược lại, rằng Microsoft đã giúp NSA vượt qua các phương pháp mã hóa bảo mật để can thiệp và chặn các đoạn tin nhắn nhất định trên Outlook.com và giúp NSA truy cập vào nền tảng dữ liệu cá nhân từ Outlook và Hotmail. Thậm chí thông tin người dùng riêng tư trên OneDrive cũng được Microsoft cho phép NSA động tay đến.
Sau khi vụ việc vỡ lở, rất nhiều người dùng đã mất niềm tin vào Microsoft và để lại thiệt hại vô cùng lớn cho doanh số của công ty sau đó.
11. Không tập trung phát triển công cụ tìm kiếm
Dư luận đã dành ra khá nhiều lời chỉ trích về những quyết định được đưa ra dưới thời CEO Steve Ballmer, nhưng hãy nhớ rằng ông ta không phải là Giám đốc Điều hành duy nhất có những lựa chọn và nước đi ngớ ngẩn trong quá trình phát triển của Microsoft. Nhay cả Bill Gates cũng nằm trong số đó. Cụ thể, năm 1998, Gates cùng Microsoft giới thiệu bộ máy tìm kiếm đầu tiên của mình - MSN Search. Cùng năm đó, Google được thành lập. MSN sau này đã không được chăm chút một cách đúng đắn, vẫn sử dụng nền tảng tìm kiếm Inktomi cũ và chậm chạp. Trong khi đó, Google ngày càng phát triển và nâng cấp cả về tốc độ và chất lượng kết quả, mang lại lợi nhuận lên đến 348 triệu USD vào năm 2002 và số tiền gấp 3 lần đó vào năm 2003.
Có thể nói rằng Bill Gates đã không nhìn ra được tiềm năng thực sự của lợi ích mà công cụ tìm kiếm mang lại. Microsoft cũng đã có những động thái theo đuổi và tháo gỡ khó khăn như chuyển đổi thương hiệu MSN Search sang Windows Live Search vào năm 2008, cuối cùng là Bing vào 2009, dù chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc nào nổi lên đủ để đánh bại Google.
10. Bing
Bing nay đã vươn lên đứng ở vị trí số 2 trên bảng xếp hạng những công cụ tìm kiếm phổ biến nhất thế giới (dù vẫn còn một khoảng cách xa nữa mới có thể vượt qua Google) nhưng không thể không kể đến những mồ hôi nước mắt mà Microsoft bỏ ra để đưa Bing lên tầm cỡ như vậy. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng những công sức và tiền bạc bỏ ra cho công cuộc đầu tư đó không thực sự xứng đáng và đem lại kết quả thỏa mãn như mong muốn. Cụ thể, khi bắt đầu nghiêm túc tính đến việc bỏ tiền vào phát triển mảng công cụ tìm kiếm, số tiền mà Microsoft chi ra - 2,5 tỉ USD - còn lớn hơn so với lợi nhuận đem lại vào năm 2011.
Bên cạnh đó, bộ máy tìm kiếm này cũng không nhận được nhiều đánh giá tích cực lắm từ phía người dùng. Một trong số những đặc điểm gây khó chịu đó là chức năng kiểm duyệt cố hữu của Bing đối với những kết quả tìm kiếm đơn giản. Hơn nữa, nhiều ý kiến cho rằng Bing đang copy lại những kết quả mà Google hiển thị, cũng như tốc độ còn hạn chế của nó. Một lần nữa, nếu Microsoft thực sự chú tâm vào chuyên môn từ những năm 1998 hỗn loạn đó, thì có lẽ những thành quả thu được sẽ khác biệt hơn đáng kể.
9. MS-DOS 4.0
MS-DOS 4.0 đã được chuẩn bị từng bước và cuối cùng là ra mắt công chúng bởi Microsoft vào năm 1986. Ban đầu, hệ điều hành này hứa hẹn sẽ là một bước nhảy vọt đột phá của lĩnh vực công nghệ. Tuy nhiên, những gì người dùng nhận được chỉ là những cấu tạo tổ chúc hệ thống đầy lỗi, các bug khó chịu khiến cho bộ nhớ gặp nhiều vấn đề. Những dấu hiệu đầu tiên hiện lên tác động đến thất bại này đó là khi các nhà sản xuất thiết bị gốc như IBM đã không còn hứng thú đối với dự án DOS. Mọi hậu quả nay đã rõ ràng như ban ngày, thứ mà Microsoft đã không có bản lĩnh để thấy trước được, và vô tình tạo nên một trở ngại lớn nữa trên con đường phát triển của công ty.
8. Steve Ballmer trở thành CEO
Nếu vẫn chưa tìm ra những điểm yếu tiếp theo tại Microsoft thì hãy nhìn lại những gương mặt đứng lên điều hành, tổ chức cho công ty. Một khi được hỏi đâu là quyết định sai lầm nhất của Bill Gates từng đưa ra trong thời kỳ đương nhiệm của mình, Hamid Shoajee - CEO của Axosoft, đồng thời là nhân viên trước đây của Microsoft - đã thẳng thắn cho rằng đó chính là sự xuất hiện của Steve Ballmer. Ballmer chính thức trở thành CEO của công ty vào tháng 1 năm 2000 và kết thúc thời hạn công tác vào năm 2014.
Theo nhận xét của Shoajee, Ballmer đã không tạo ra được một bước tiến đáng kể nào cho công cuộc phát triển và cạnh tranh của ông lớn công nghệ xứ Redmond. Dường như đó chính là lý do khiến Ballmer buộc phải viết đơn từ chức. Ít nhất thì hiện nay công ty cũng đang được dẫn dắt bởi những tên tuổi có năng lực xứng đáng và trách nhiệm hơn đối với công việc.
7. Vật lộn với thị trường di động
Dave Whetone - chuyên gia công nghệ di động - cũng chỉ trích Steve Ballmer và đồng quan điểm với Shoajee, nhưng trên hết, ông nhận định rằng thất bại nặng nề của Microsoft còn đến từ lĩnh vực thiết bị di động. Ông cho rằng công ty đã sử dụng cùng một phương pháp tiếp cận thị trường như đã làm với PC trong quá khứ, nhưng đáng buồn là kết quả lại không hề như họ mong muốn vào thời hoàng kim của mình. Microsoft chưa hiểu ra thực tế rằng đây là một khía cạnh hoàn toàn khác đối với ngành sản xuất và phát triển máy tính, và đã mất tỉnh táo, khôn ngoan khi bỏ ra hàng tỉ USD vào thị trường di động mà không vạch ra một chiến thuật đúng đắn, nghiêm túc và đổi mới hơn. Có thể thấy họ đang tự vực dậy bản thân khá tốt sau những gian nan đó, nhưng nếu để tâm hơn một chút thì một số tiền đầu tư khổng lồ đã không bị lãng phí chua xót đến như vậy.
6. Windows Vista
Ngay cả Steve Ballmer cũng tự cảm thấy hối hận về những quyết định của mình tại Microsoft khi đề cập đến bước chuyển tiếp lên Windows Vista vào những năm 2001-2004. Trong quá trình phát triển và xây dựng, họ bỗng thay đổi mã nguồn hệ thống khi đã trải qua một nửa kế hoạch, đồng thời bỏ đi kha khá những tính năng vốn được người dùng yêu thích từ trước. Chính sự kỳ vọng quá cao vào nền tảng này đã phản tác dụng khi thời hạn ra mắt liên tục bị trì hoãn, đến nỗi 5 năm sau đó mới được xuất hiện trên thị trường.
5. Zune
Microsoft có vẻ như rất thích tạo nên những cuộc đối đầu nảy lửa, sau khi trải qua vụ việc rắc rối với Google khởi xướng bởi Steve Ballmer trước đó, thì lần này là một thách thức gửi tới Apple. Năm 2006, Apple khi ấy đang ở trên những bậc thang danh vọng nhờ vào thành tích của iPod được ra mắt trước đó vài năm. Cảm thấy như Apple đang dần chiếm lấy vị thế vốn có của mình trong làng công nghệ, Microsoft đã không chịu ngồi yên mà phát hành Zune ra thị trường cũng vào năm 2006. Zune được biết đến là một thiết bị máy nghe nhạc bỏ túi với cùng mục đích với iPod, chỉ tiếc là những gì nó mang lại chưa bao giờ được thành công như sản phẩm tung ra bởi Apple bởi vì một vài lỗi hệ thống bị chỉ trích. Chỉ 2 năm sau đó, Apple giới thiệu iPhone, chấm dứt cuộc chiến thoi thóp mà Zune đang có bám lấy. Xét cho cùng, đây một phần cũng được cho là do không tính toán đến thời điểm đúng đắn chứ không hoàn toàn là thất bại trong thiết kế sản phẩm.
4. Hủy dự án Microsoft Courier
Năm 2010, Apple đã tiến thêm một bước đột phá nữa trong lĩnh vực công nghệ của thế giới khi trình làng chiếc iPad đầu tiên, và tiếp tục thu được ngày càng nhiều những thành tựu tiếp theo trên chặng đường phát triển của mình. Tuy nhiên, ít ai biết rằng Microsoft vốn cũng có khả năng vươn đến tầm cao như vậy nếu họ vẫn gắn bó và đầu tư hơn nữa cho dự án tablet đầu tiên của mình - Microsoft Courier. Cụ thể, năm 2008 xuất hiện nhiều tin đồn về việc một sản phẩm tablet gập với màn hình kép cảm ứng khiến cho các tín đồ công nghệ phải liên tục sốt sắng đứng ngồi không yên vì những tính năng và thiết kế thực sự hấp dẫn và vượt trội so với phân khúc thiết bị phổ biến lúc bấy giờ.
Đáng buồn là dù mới ở trong những giai đoạn phát triển ban đầu nhưng kế hoạch đã bị hoãn vô thời hạn sau đó, thay bằng động thái ra mắt HP Slate 500 của Microsoft vào năm 2010. Đã có nhiều đánh giá tích cực cho mẫu tablet Slate này, nhưng so với những gì iPad đạt được thì vẫn chưa thấm vào đâu. Nhìn chung lại, Microsoft đã có thể có được vị trí đáng ngưỡng mộ hơn nhiều nếu vẫn kiên trì bám đuổi dự định sáng chế tablet ban đầu của mình.
3. Internet Explorer 6
Sản phẩm mà Microoft nghĩ rằng sẽ tạo nên bước ngoặt trong lĩnh vực Internet hóa ra lại là nỗi thất vọng ê chề ngay cả trước khi được tung ra đến với người dùng. Chúng ta vẫn thường đùa cợt về tính năng của Microsoft Internet Explorer nhưng thực sự phiên bản IE 6 mới chính là cái tên hứng chịu nhiều lời nhận xét nặng nề nhất. Không lâu sau khi ra mắt vào 27/8 năm 2001, IE 6 đã ngay lập tức bị chỉ trích về khả năng bảo mật an ninh kém, tốc độ cập nhật chậm cùng với nhiều sự cố ảnh hưởng đến mạng lưới máy tính trên toàn cầu.
Cho tới ngày nay, nhiều người vẫn cho rằng IE 6 quả thực là nỗi ác mộng cho mảng trình duyệt Internet. Microsoft đã có những cải tiến sau đó 5 năm, nhưng xem ra đó đã là quá muộn để thay đổi. Xuất phát từ tình trạng này, một số lượng lớn người dùng đã không tin tưởng vào chất lượng sản phẩm, dịch vụ của Microsoft nữa, khiến công ty luôn luôn phải cúi đầu xấu hổ vì vết nhơ quá khứ này.
2. Windows 10 Update
Mùa hè năm 2015 vừa qua, Microsoft tiến hành đem đến bản cập nhật Windows cho người dùng và đã nhận được đa số phản hồi tích cực. Không phải ai cũng ngay lập tức hoàn thành tiến trình nâng cấp, thế nhưng hầu hết mọi người đều cảm thấy hài lòng sau khi sử dụng hệ điều hành mới này. Số còn lại chọn phương án từ chối là do họ đã cảm thấy thỏa mãn và nhu cầu được đáp ứng ở Windows 8.1 và quen với cách tổ chức, vận hành vốn có trên đó mà không cần đến một sự thay đổi nào cả.
Tuy vậy, họ vẫn liên tục nhận được các thông báo cập nhật và lại phải mất công nhấn lựa chọn từ chối. ĐỈnh điểm là cho tới đầu năm 2016 khi họ biết được thông tin rằng Windows 10 sẽ vẫn, bằng một cách nào đó, tiếp tục tự động cài đặt trên máy tính của họ mà không thực sự cần đến xác nhận của chủ nhân thiết bị. Và hậu quả đã thể hiện ngay sau đó khi người dùng cảm thấy thất vọng vì sự cưỡng ép vô lý của công ty trong thời điểm này, bày tỏ nỗi khó chịu và bực tức lên dịch vụ của Microsoft.
1. Không hợp tác với Chính quyền
Đây là vấn đề được đề cập khởi nguồn từ một trong những nhân viên điều hành kỳ cựu trong quá khứ của Microsoft - Brad Silverberg. Từng nắm giữ vị trí Phó chủ tịch điều hành trong thập niên những năm 90, Silverberg đã phát biểu trong một lần trao đổi Quora Q&A gần đây rằng ông cảm thấy Bill Gates khi còn làm CEO đã khá sai lầm khi không thực sự quan tâm tới lĩnh vực chính trị xung quanh. Cụ thể, Silverberg nhận xét rằng quan điểm của Bill Gates là "mặc kệ chính quyền và những chính sách của họ, miễn là họ tập trung vào công việc của riêng mình và đừng nhúng tay vào chuyện của Microsoft."
Có vẻ như đó hóa ra lại là một nước đi không hề khôn ngoan một chút nào khi các cơ quan chức năng vì thế cũng không có cảm tình nhiều lắm với công ty vì không nhận được sự hợp tác ban đầu. Hệ quả xảy ra là hàng loạt những vụ kiện và cáo buộc vi phạm điều khoản liên quan đến Microsoft. Công ty đã mất công để giải quyết ổn thỏa và cuối cùng cũng yên ổn vào năm 2001, dù các chuyên gia nhận định chính điều đó đã kìm hãm bước phát triển của Microsoft trên thị trường chung. Dù sao thì Silverberg vẫn luôn bày tỏ một lòng kính trọng đặc biệt dành cho Bill Gates, kể cả khi ông đã để xảy ra tình trạng không đáng có trong quá khứ.
Tham khảo: TheRichest
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?
Điện toán lượng tử hiện tại vẫn còn cách xa khả năng ứng dụng rộng rãi, nhưng tiềm năng mà nó mang lại là không thể phủ nhận.
Huawei xác nhận ra mắt Mate 70: Dòng smartphone đầu tiên "đoạt tuyệt" hoàn toàn với Android