Châu Âu gửi người máy vào vũ trụ để dọn rác. Nhưng đống rác đó từ đâu ra?
Ngày 10 tháng 12 vừa qua, các nhà khoa học ở Châu Âu đã thông báo rằng, lần đầu tiên trong lịch sử, một người máy đã được gửi vào quỹ đạo Trái Đất để dọn rác. Một phương thức mới để xử lý bãi rác vũ trụ mà chúng ta tạo ra.
Quỹ đạo Trái Đất chứa đầy rác, bao gồm nhiều vệ tinh không hoạt động, tên lửa bỏ đi và mảnh sơn rơi ra từ bề mặt máy móc. Theo Cục Không gian Châu Âu (ESA), nhiệm vụ lần này, với tên gọi ClearSpace-1, sẽ là bước đi đầu tiên trong công cuộc dọn dẹp vùng đất hoang không trọng lực.
Được phát triển bởi Sở nghiên cứu ClearSpace tại Thụy Sĩ, người máy bốn tay này sẽ đi thu thập rác thải trôi xung quanh quỹ đạo. Sau đó tiến về lại Trái Đất, nơi mà cả nó lẫn rác thải nó chứa đều sẽ "cháy rụi bên trong tầng khí quyển", theo ESA.
Nhiệm vụ của người máy là thu gom một mảnh tên lửa của ESA để lại trong không gian hồi năm 2013. Nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, các nhiệm vụ tiếp theo sẽ nhắm vào những vật thể lớn hơn, trước khi tiến đến mục đích cuối cùng là loại bỏ nhiều mảnh rác cùng một lần.
"Hiện tại là thời gian phù hợp cho một nhiệm vụ như thế", Luc Piguet, nhà sáng lập ClearSpace, phát biểu trong một thông cáo báo chí của ESA. "Các mảnh vỡ vũ trụ đang trở thành một vấn đề nan giải hơn bao giờ hết. Hôm nay chúng ta có gần 2.000 vệ tinh hoạt động trong vụ trũ và có đến 3.000 cái trôi nổi vô định".
Dự án sẽ được khởi động vào đầu 2020, sau đó trải qua nhiều thử nghiệm ở quỹ đạo thấp trước khi được đưa vào sử dụng vào 2025.
Tại sao rác thải vũ trụ lại là một vấn đề?
Quỹ đạo của chúng ta là một bãi rác. Kể từ khởi điểm của thời đại không gian vào 1957, khi Liên Bang Soviet phóng vệ tinh Sputnik 1, đã có rất nhiều các loại rác thải xuất hiện thay vì các vệ tinh đang hoạt động, theo ESA.
ESA ước tính có đến 170 triệu mảnh rác trôi nổi quanh quỹ đạo Trái Đất. Ngoài vệ tinh chết, còn có bộ đẩy của tên lửa, mảnh vụn máy móc từ các tai nạn va chạm.
Nguy hiểm hơn, chúng không chỉ trôi nổi một cách chậm rãi, một số mảnh có tốc độ nhanh hơn cả viên đạn. Vì thế, ngay cả mảnh rác nhỏ bé cũng có thể trở thành mối nguy to lớn đối với các vệ tinh và tàu vũ trụ.
"Hãy tưởng tượng mọi chuyện sẽ nguy hiểm như thế nào, nếu các con tàu từng mất tích trên biển lại trôi nổi trên mặt nước", Jan Woerner, Tổng Giám đốc ESA, phát biểu trong thông cáo. "Đó là tình trạng hiện tại của quỹ đạo Trái Đất và nó không được phép tiếp tục".
Sự tồn tại của rác vũ trụ là mối nguy đối với các chuyến bay không gian có người lái. Không những thế, nó còn ảnh hưởng đến đời sống của chúng ta, đe dọa đến các vệ tinh cung cấp những thông tin thiết yếu như dự báo thời tiết, liên lạc và GPS.
Chúng ta cũng không thể trông chờ các mảnh rác tự trôi dạt vào vũ trụ xa xăm. Khả năng để chúng tự rời quỹ đạo Trái Đất là rất nhỏ, chưa kể còn tốn thời gian đến vài thế kỷ. Quan trọng hơn, vấn đề này đã trở nên nghiêm trọng đến mức nó đã có thể tự sinh sôi nảy nở. Dù chúng ta ngưng hết các vụ phóng vệ tinh hay tên lửa vào không gian, lượng rác hiện tại sẽ ngày một nhiều lên do sự va chạm của các mảnh vỡ máy móc có sẵn, ESA nói.
Đã có những biện pháp nào được đặt ra?
Trong nhiều năm, NASA, ESA và các cục không gian khác đã nghiên cứu công nghệ dùng để loại bỏ rác vũ trụ. Một số ý tưởng đề ra là phương pháp sử dụng lưới để gom rác, cây lao móc để đâm và kéo rác, hay một cánh tay bằng máy.
Trong một khoảng thời gian dài, chúng ta đã không đủ khả năng để giải quyết vấn đề này. Nhưng những bước tiến công nghệ gần đây đã thay đổi điều đó. Ví dụ, các nhà khoa học Nhật Bản đang phát triển một dạng vệ tinh sử dụng nam châm để hút rác và phá hủy chúng. Năm ngoái, một thiết bị được thiết kế ở Anh đã thành công dùng một tấm lưới để gom một vệ tinh giả.
Một chướng ngại to lớn của các dự án này là sự cần thiết một khoảng tài trợ to lớn. Thiết bị ở Anh tốn 15 triệu Euro (300 tỷ VNĐ), cái giá rất rẻ trong ngành du hành không gian. Ngân sách dự án ClearSpace thì tầm 100 triệu Euro (2.500 tỷ VNĐ).
Dọn dẹp chỉ là một phần của giải pháp, chúng ta còn có thể phòng tránh. Các công ty tư nhân như SpaceX bắt đầu thiết kế vệ tinh của họ sao cho chúng sẽ rơi về Trái Đất sau khi sử dụng thay vì trôi nổi trong quỹ đạo. Nhưng trước mắt, hầu như chỉ có các cơ quan không gian là có nhận thức cao trong việc giữ gìn vũ trụ sạch sẽ. Không hề có một luật lệ quốc tế nào ngăn cản các nhà điều hành tạo thêm rác thải và bắt họ phải chịu trách nhiệm cả.
--Jackie Wattles và Dave Gilbert đã góp ý trong bài báo này.
Theo CNN
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung đã ứng dụng AI để định hình trải nghiệm giải trí thông minh trên AI TV như thế nào?
Tương tự dòng điện thoại Galaxy, Samsung AI TV thể hiện rõ khát vọng của thương hiệu điện tử Hàn Quốc trong việc “đưa AI đến với tất cả mọi người,” mở rộng ứng dụng trí tuệ nhân tạo từ di động đến TV.
Google giới thiệu Gemini 2.0: tạm biệt các chatbot AI, cùng chào đón kỷ nguyên "Tác nhân AI"