2 học sinh vào thẳng đại học nhờ sáng chế thiết bị cảnh báo giao thông
Với sáng chế thiết bị nhắc nhở không vượt đèn đỏ, hai học sinh ở Tiền Giang được tuyển thẳng vào Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP HCM
Hai tân sinh viên được xét đặt cách vào Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP HCM năm nay là em Phạm Minh Hiếu và Trần Thế Vinh, học sinh lớp 12/10, Trường THPT Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, Tiền Giang.
Xuất phát từ thực trạng một số người dân khi tham gia giao thông hiện nay điều khiển phương tiện cố tình vượt đèn đỏ, hoặc dừng xe khi đèn đỏ báo hiệu không đúng vạch quy định, nên Hiếu và Vinh nảy sinh ý tưởng sáng chế ra thiết bị này.
Vận dụng kiến thức đã học được từ nhà trường, nghiên cứu thêm qua sách báo, internet và trao đổi với giáo viên giảng dạy, hai em đã sáng chế ra thiết bị này gồm mạch điều khiển điện tử, sử dụng quang trở gồm: phần phát là một đèn lazer có nhiệm vụ phát ra đường truyền tín hiệu tới phần thu. Phần thu là một cảm biến sử dụng quang trở có nhiệm vụ nhận tín hiệu từ phần phát và điều khiển hoạt động của phần cảnh báo; phần cảnh báo là một hệ thống chuông, đèn cảnh báo được mắc với phần thu có nhiệm vụ phát tín hiệu cảnh báo đến người vi phạm giao thông.
Các thiết bị này hoạt động theo nguyên lý: khi đèn tín hiệu giao thông chuyển sang đỏ, thiết bị sẽ hoạt động. Khi người tham gia giao thông dừng xe vượt quá vạch giới hạn, thiết bị sẽ phát tín hiệu nhắc nhở bằng giọng nói. Còn khi người tham gia giao thông cố tình vượt đèn đỏ thì thiết bị sẽ chụp ảnh. Mô hình cảnh báo giao thông sẽ thay thế cho cảnh sát giao thông túc trực tại các chốt đèn đỏ, nhắc nhở, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông .
Với thiết kế đơn giản, nhỏ gọn, giá thành khoảng 700.000 đồng nên việc lắp đặt trên quy mô lớn sẽ không tốn nhiều chi phí. Trước khi đem đi dự thi, các em đã đem mô hình ra thử nghiệm tại một chốt đèn xanh – đèn đỏ tại nội ô thành phố Mỹ Tho và được nhiều người đánh giá cao.
Em Phạm Minh Hiếu chia sẻ: “Khi bắt tay vào nghiên cứu tụi em cũng chưa nắm được nguyên lý hoạt động của nó ra như thế nào. Nhưng vào buổi tối em đang ngủ thấy đèn ngủ trong nhà ban ngày tự tắt ban đêm sáng. Bữa đó em tự mở ra thấy trong đó có một số mạch, có quang trở ,diot, em gặp thầy hỏi mới biết ra nguyên lý hoạt động của nó là tia lazer và mạch quang trở để thực hiện ra mô hình này”.
Thầy Nguyễn Văn Truyền, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Kim cho biết, 2 em Phạm Minh Hiếu và Trần Thế Vinh rất đam mê sáng tạo khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, Phạm Minh Hiếu khi còn học lớp 10 đã sáng chế ra mô hình “Nhà nổi trên sông” đạt giải Nhì cấp trường và giải Khuyến khích cấp tỉnh.
Trong trường, các em còn tích cực tham gia các hoạt động phong trào, được vinh dự nhận nhiều Giấy khen, Bằng khen của Sở GD-ĐT, Tỉnh đoàn, Trung ương Đoàn. Thầy Nguyễn Văn Truyền nhận xét: “Thiết bị giảm thiểu tai nạn giao thông trường đánh giá chất lượng rất tốt, đạt hiệu quả rất cao có thể ứng dụng. Qua hội thi thấy các em tham gia tích cực, các em tự làm. Đây là lần đầu tiên 2 em này đạt thành tích cao trong hội thi khoa học kỹ thuật của Nhà trường. Nhà trường có kế hoạch tổ chức hội khi KHKT cấp trường, thiết bị nào đạt giải cao sẽ chọn dự thi cấp tỉnh”.
Thiết bị “cảnh báo giao thông” của 2 em Phạm Minh Hiếu và Trần Thế Vinh học sinh lớp 12.10, Trường THPT Vĩnh Kim, được người dân địa phương và các ngành chức năng đánh giá cao. Mô hình này cần được các cơ quan, đơn vị đầu tư, nâng cấp để ứng dụng vào thực tiễn. Sáng kiến này nếu phát huy sẽ hỗ trợ đắc lực cho lực lượng cảnh sát giao thông giám sát, tuần tra kiểm soát phương tiện giao thông giao, góp phần nhắc nhở mọi người ý thức hơn trong việc chấp hàng nghiêm Luật giao thông.
Theo VOV
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?
Điện toán lượng tử hiện tại vẫn còn cách xa khả năng ứng dụng rộng rãi, nhưng tiềm năng mà nó mang lại là không thể phủ nhận.
Huawei xác nhận ra mắt Mate 70: Dòng smartphone đầu tiên "đoạt tuyệt" hoàn toàn với Android