2 lý do khiến HarmonyOS không đủ khả năng thay thế được Android trên smartphone Huawei
Việc port ứng dụng từ Android sang một nền tảng mới như HarmonyOS không dễ như nhiều người nghĩ, và bản thân tính linh hoạt của nền tảng này cũng có thể là hạn chế cho sự phát triển của nó.
Sau nhiều tháng tin đồn, cuối cùng hệ điều hành bí ẩn do Huawei tự phát triển đã lộ diện, với tên HarmonyOS dành cho thị trường quốc tế và HongMeng OS cho thị trường Trung Quốc. Theo tuyên bố của Huawei, với kiến trúc thiết kế mới, nó mang lại nhiều ưu điểm thú vị so với các hệ điều hành hiện đại ngày nay, khi có thể dùng trên nhiều loại thiết bị khác nhau.
Nhưng đừng hy vọng nó có thể thay thế Android.
Đúng là HarmonyOS có thể thành một nền tảng mở dành cho smart TV, smartwatch và hàng núi thiết bị IoT xung quanh. Kiến trúc vi nhân (microkernel) của nó rất gọn nhẹ, nhưng quan trọng hơn, nó không có các thành phần nặng nề như nhân Linux dành cho Android. (Có thể hiểu vi nhân giống như phiên bản rút gọn của nhân hệ điều hành, khi loại bỏ bớt các thành phần không cần thiết, chỉ giữ lại từ một đến hai chuỗi lệnh, thay vì cả 10 chuỗi).
Trong khi smartphone không phải là trọng tâm chính trong thông báo của Huawei, nhưng rõ ràng nó vẫn là ưu tiên hàng đầu của họ. Ông Richard Yu, CEO mảng thiết bị tiêu dùng của Huawei cho biết trong thông cáo báo chí về HarmonyOS rằng: "Nếu chúng tôi không thể sử dụng Android trong tương lai, chúng tôi có thể chuyển sang HarmonyOS ngay lập tức." Thậm chí ông còn nhấn mạnh rằng, việc chuyển đổi chỉ mất một vài ngày.
Tuy nhiên mọi việc không đơn giản như vậy.
Port ứng dụng từ Android sang HarmonyOS không dễ như tưởng tượng
Đúng là có thể họ chỉ mất vài ngày để đưa HarmonyOS vào smartphone của mình, nhưng có hệ điều hành không có nghĩa bạn sẽ có một chiếc smartphone hữu dụng – nó còn cần ứng dụng, thật nhiều ứng dụng nữa. Không có ứng dụng, HarmonyOS không mấy hấp dẫn với người dùng.
Bất chấp việc Huawei tuyên bố về khoản đầu tư 1 tỷ USD dành cho các nhà phát triển đưa ứng dụng lên nền tảng mới, các ứng dụng đó rất khó sẽ đến sớm. Các nhà phát triển ứng dụng có thể port ứng dụng Android sang HarmonyOS, nhưng quá trình đó có thể không đáng so với các trở ngại họ gặp phải.
TV thông minh mang thương hiệu Honor, thiết bị đầu tiên chạy HarmonyOS.
Patrick Moorhead, chủ tịch hãng phân tích công nghệ Moor Insights & Strategy, cho biết: "Tôi nghĩ Huawei đang truyền thông quá ít về những việc phải làm để việc này đạt được thành công. Hầu hết mọi ứng dụng Android được viết với các API cụ thể của Android, vì vậy bất cứ đoạn code nào dành cho các tương tác với camera, đầu đọc vân tay, camera hồng ngoại, micro, cảm biến tiệm cận và thậm chí cả các tiêu chuẩn về quyền riêng tư và bảo mật cũng sẽ phải chỉnh sửa lại."
Một lượng lớn công việc trên phải làm có thể cản trở bất kỳ nhà phát triển nào. Hơn nữa, liệu họ có chấp nhận bỏ công sức ra khi không biết liệu smartphone chạy HarmonyOS có được ra mắt hay không, do Huawei đang ưu tiên hệ điều hành này cho các thiết bị khác, như TV. Tuy nhiên, vẫn có thể có ngoại lệ từ thị trường Trung Quốc, nơi công ty này có đủ ảnh hưởng để thu hút các nhà phát triển.
Nhưng đây là một công ty toàn cầu với các tham vọng toàn cầu. Vươn ra quốc tế, Huawei sẽ gặp phải cái vòng luẩn quẩn tương tự như Windows Phone và Tizen cùng nhiều hệ điều hành khác từng gặp phải: không có ứng dụng, sẽ không có người mua thiết bị. Không có người mua thiết bị, các nhà phát triển sẽ ngần ngại xây dựng ứng dụng.
Ứng dụng chạy được ở mọi nơi không có nghĩa là chất lượng
Vẫn còn một câu hỏi nữa về khả năng hiện thực hóa của smartphone chạy HarmonyOS. Trong khi Huawei tự hào về khả năng viết ứng dụng một lần và chạy trên nhiều loại thiết bị khác nhau, sự linh hoạt này có thể phải đánh đổi bằng chất lượng ứng dụng.
Một hình ảnh lung linh trên smartwatch cũng có thể là một thảm họa trên TV 4K.
"Để chạy trên mọi thiết bị, bạn sẽ không thể tận dụng các ưu thế đặc thù của riêng mỗi loại thiết bị." Michael Facemire, giám đốc phân tích tại Forrester Research cho biết: "Ví dụ, khi tôi muốn đưa một trải nghiệm lên cả TV và điện thoại, lúc đó hoặc tôi sẽ phải viết một lượng code logic điều kiện khổng lồ - về cơ bản nghĩa là xây dựng cùng lúc hai giao diện người dùng riêng biệt – hoặc tôi sẽ chỉ tạo ra các mẫu thức chung cơ bản nhất, làm trải nghiệm trên cả hai thiết bị trở nên nghèo nàn."
Các nhà phát triển ứng dụng Android đã phải đau đầu trong việc làm ứng dụng của họ trở nên đẹp đẽ trên nhiều kích thước màn hình điện thoại khác nhau. Còn đối với HarmonyOS, vấn đề còn phức tạp hơn nữa khi nó là cả một vũ trụ với nhiều kiểu dáng giao diện khác nhau. Một hình ảnh sắc nét trên màn hình smartwatch có thể sẽ đầy các răng cưa trên chiếc TV 4K.
Một ví dụ khác gần gũi hơn với HarmonyOS là Fuchsia của Google – hệ điều hành có sự tham gia tích cực của Huawei khi phát triển. Dù các chi tiết về nó vẫn rất ít ỏi, nhưng cũng giống như HarmonyOS, Fuchsia là hệ điều hành vi nhân, mã nguồn mở, và được thiết kế để chạy trên nhiều thiết bị kết nối và IoT khác nhau. Và cũng giống như HarmonyOS, nó gần như chưa sẵn sàng để chạy trên smartphone.
Dù vậy với Huawei, khi còn đang phải đối mặt với căng thẳng leo thang từ Mỹ, dễ hiểu vì sao họ lại cần các giải pháp cho cả phần cứng và phần mềm để thay thế cho các lựa chọn từ phương Tây, và HarmonyOS là một giải pháp đó. Nhưng với các hạn chế kể trên, dễ hiểu tại sao ông Yu nói rằng, Android vẫn là lựa chọn hàng đầu của Huawei. Hiện tại, HarmonyOS vẫn chỉ là kế hoạch dự phòng cho tình huống xấu nhất, cũng như cần thêm nhiều thời gian phát triển nữa.
Tham khảo Wired
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời