2 ngày nữa Viettel, VinaPhone, MobiFone bắt đầu thử nghiệm chuyển mạng giữ nguyên số

    Thái Khang, Theo ICTNews 

    Ông Hoàng Sơn, Phó Tổng giám đốc Viettel cho biết, ngày 21/9/2017, Viettel sẽ thử nghiệm kỹ thuật chuyển mạng giữ nguyên số với VinaPhone, MobiFone để chuẩn bị cho việc chính thức áp dụng chính sách này theo yêu cầu trước đó của Bộ TT&TT đưa ra là từ 31/12/2017.

     Viettel tuyên bố đã sẵn sàng cho việc chuyển mạng giữ nguyên số.

    Viettel tuyên bố đã sẵn sàng cho việc chuyển mạng giữ nguyên số.

    Ông Hoàng Sơn cho biết, Viettel sẽ thực hiện đúng yêu cầu về tiến độ của Bộ TT&TT. Phía VNPT cũng lên tiếng xác nhận đã chuẩn bị các phương án kỹ thuật để sẵn sàng cho việc chuyển mạng giữ nguyên số theo yêu cầu của Bộ TT&TT.

    Tại buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn với Cục Viễn thông năm 2016, Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Đức Trung cho biết, chuyển mạng giữ nguyên số là dịch vụ của nhà mạng cho phép thuê bao đang ở mạng này nếu thấy mạng khác có nhiều dịch vụ hấp dẫn hơn, hoặc chất lượng dịch vụ, vùng phủ sóng tốt hơn có thể chuyển sang làm thuê bao mạng mới mà vẫn giữ nguyên số điện thoại của mình. Đây là một công cụ hữu hiệu để thúc đẩy cạnh tranh được nhiều nước trên thế giới triển khai. Đây cũng là một trong những cam kết của Việt Nam khi gia nhập Hiệp định TPP.

    Các chuyên gia cho rằng, nhiều nước trên thế giới triển khai chính sách cho khách hàng chuyển mạng giữ nguyên số từ lâu. Đã đến lúc Việt Nam phải thực thi để đảm bảo quyền lợi khách hàng. Chính sách chuyển mạng giữ nguyên số được đưa ra nhằm thúc đẩy cạnh tranh, đảm bảo quyền lợi của người dùng để tránh tình trạng khách hàng bị “cầm tù” với một nhà mạng mà không chuyển sang mạng khác được chỉ vì số thuê bao. Điều này thúc đẩy các mạng luôn phải đảm bảo chất lượng dịch vụ cũng như chăm sóc khách hàng ngay cả khi thị trường bão hòa.

    Trước đó, tại cuộc hội thảo Việt – Úc về Chia sẻ kinh nghiệm quản lý viễn thông trong môi trường cạnh tranh đã diễn ra ở Hà Nội, bà Imogen Colton, Cố vấn cao cấp chính sách và cơ sở hạ tầng của Bộ Truyền thông Australia cho biết, Cơ quan Quản lý Thông tin và Truyền thông của Úc (ACMA) yêu cầu các nhà mạng phải áp dụng chính sách chuyển mạng giữ số, như là một phần trong tiêu chuẩn của ngành và được thực thi bởi ACMA. Cơ chế chuyển mạng giữa số đòi hỏi sự hợp tác giữa các bên, được ghi rõ trong mục tiêu chuẩn, đó là khi khách hàng yêu cầu giữ số nào, bên nhà mạng mới sẽ có yêu cầu gửi sang nhà mạng cũ để xác nhận và chuyển số cho khách hàng.

    “Khoảng 8% dân số Úc đã từng chuyển mạng giữ số, đây là một quy định hiệu quả", bà Imogen cho biết.

    Đại diện phía Úc cho hay, nếu áp dụng chính sách này, việc cạnh tranh trên thị trường di động sẽ rất khốc liệt, các nhà mạng sẽ phải cạnh tranh về chất lượng dịch vụ, nếu khách hàng không đồng ý sẽ chuyển sang nhà mạng khác và vẫn giữ nguyên số của họ.

    Quản lý cao cấp của Tập đoàn Telstra, ông Simon Brooks nói, chuyển mạng giữ nguyên số nằm trong một cơ chế tự quản của các nhà viễn thông Úc và ngành tự giải quyết được vấn đề này.

    Ông Simon nhấn mạnh một điều: “Chuyển mạng giữ nguyên số quan trọng là phải tính toán tới tư duy của các doanh nghiệp, các bạn muốn tạo ra rào cản ngăn người dùng chuyển sang mạng khác, hay để họ tự chọn đến nơi tốt hơn, bằng cách loại bỏ rào cản, giúp người dùng có được trải nghiệp liên tục, không bị trục trặc gì khi chuyển mạng?”. Ông cho rằng việc chuyển sang chính sách mới này có khó khăn hay không, cần phải xem các nhà mạng Việt có thật muốn cho người dùng chuyển mạng giữ nguyên số hay không?

    Đại diện Tesltra nói về kinh nghiệm của tập đoàn này trước đây: chuyển mạng giữ nguyên số là một cơ hội tốt cho Telstra tìm được khách hàng mà còn có được những thông tin quan trọng. Chẳng hạn, nếu mất khách hàng thì chúng tôi cũng biết trải nghiệm sản phẩm dịch vụ của mình đang như thế nào? Telstra đang thấy những gia tăng rất lành mạnh về thị trường với 600.000 thuê bao trong vòng 12 tháng, tỉ lệ tham gia thị trường tăng do có thêm khách hàng mới.

    “Việc này cần được tiến hành như một cơ chế tập thể, ví dụ như trường hợp khách hàng vẫn nợ tiền mạng thì phải có một cơ chế để cho phép nhà mạng cũ này từ chối không cho chuyển sang nhà mạng mới, đương nhiên việc này không nhất thiết phải có toà án tham gia, nhưng không được dùng cách này như một cách đùn đẩy sang các bên”, ông Simon tiếp lời.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ