200 kỹ sư và tài năng Việt đã tạo ra ‘super app’ Giúp tôi! – nhằm hỗ trợ y tế cho người dân Việt ở mùa dịch, trong 2 tuần như thế nào?

    Quỳnh Như, Doanh nghiệp và Tiếp thị 

    Theo anh Hùng Trần – người khởi xướng dự án, thì hướng phát triển của Giúp tôi! sẽ giống như ‘siêu app’ như Grab hay Shopee, phục vụ nhu cầu y tế cho người dân trong mùa dịch và các nhu cầu dân sinh sau này. Tất cả các nguồn lực của dự án đều là đóng góp từ xã hội, như nhân lực, server cho đến làm thương hiệu.

    APP GIÚP TÔI! SẼ DẦN TRỞ THÀNH 1 SUPER APP NHƯ GRAB ĐỂ PHỤC VỤ NHU CẦU DÂN SINH CHO NGƯỜI VIỆT 

    200 kỹ sư và tài năng Việt đã tạo ra ‘super app’ Giúp tôi! – nhằm hỗ trợ y tế cho người dân Việt ở mùa dịch, trong 2 tuần như thế nào? - Ảnh 1.

    Hùng Trần (trái) - CEO Got It là người khởi xướng và Hiệp Nguyễn - Filum AI là Head of Engineering của dự án.

    "Giúp tôi! là một ví dụ vô cùng điển hình trong việc chúng ta xác định cơ hội và nắm lấy cơ hội, xây dựng team và làm sản phẩm để đưa ra thị trường như thế nào. Giúp tôi! là lò luyện startup tốt nhất có thể bất chấp những hội nhóm đào tạo hoặc môi trường các startup khác.

    Bởi, đây là môi trường học làm 1 dự án khởi nghiệp tốt nhất có thể: không chỉ học làm sản phẩm mà còn học về phát triển sản phẩm, marketing, vận hành; không có lò luyện startup nào tốt như dự án này, vì mọi phải làm việc cùng nhiều đồng nghiệp dưới áp lực cao.

    Bởi rất hiếm dịp mà chúng ta có thể xây dựng 1 đội nhóm và sản phẩm đi nhanh như Giúp tôi! ở thời điểm đặc biệt như bây giờ. Có thể tôi hơi chém 1 chút, nhưng đó là sự thật!", Hùng Trần – Founder kiêm CEO Got It, 1 trong 2 người khởi xướng dự án mở đầu buổi tọa đàm Đối mặt với đại dịch bằng công nghệ do Endeavor tổ chức, như thế.

    Theo lời kể của anh Hùng Trần, mọi chuyện bắt đầu từ giữa tháng 7, CEO của Kompa là Cường Vòng có nói chuyện với anh và kể rằng: tình hình lây nhiễm tại Sài Gòn đang rất nghiêm trọng và mọi người bắt đầu tìm kiếm sự trợ giúp trên các group ở Facebook – mà như mọi người đều biết, các bác sỹ trên Facebook kinh dị như thế nào. Nếu cứ để tình trạng đó kéo dài sẽ rất nguy hiểm.

    Nên anh Cường hỏi anh Hùng Trần: là chúng ta có thể xây dựng 1 hệ thống kết nối các nguồn lực y tế lại để giúp đỡ người dân hay không hay không? Với anh Hùng Trần, yêu cầu này cũng khá đơn giản, bởi nếu mọi người để ý thì sản phẩm này giống 1 sản phẩm của Got It – kết nối 1 em học sinh với 1 gia sư.

    Vậy nên, anh Hùng Trần bảo là được, vì cách thức làm và vận hành app kiểu đó như thế nào anh đã biết, giờ chỉ cần chuyển qua một mảng mới – tư vấn y tế và hỗ trợ miễn phí cho bà con. Theo đó, anh Hùng Trần và anh Cường Vòng chính là 2 người khởi xướng dự án này.

    Hướng tiếp cận rất đơn giản – on demand platform. Khi người dân cần di chuyển cần tài xế thì gọi Grab, cần đồ ăn thì gọi ShopeeFood, còn cần hỗ trợ về y tế - tư vấn tâm lý thì gọi Giúp tôi!. Bấm 1 nút thì có sự kết nối và trợ giúp. Đối tượng phục vụ là những F0 đang tự chữa tại nhà và người dân cần tư vấn y tế về những bệnh tật khác.

    200 kỹ sư và tài năng Việt đã tạo ra ‘super app’ Giúp tôi! – nhằm hỗ trợ y tế cho người dân Việt ở mùa dịch, trong 2 tuần như thế nào? - Ảnh 2.

    Hùng Trần – Founder kiêm CEO Got It

    Sau khi dự án khởi hành chưa bao lâu, thì Bộ Thông tin Truyền thông liên lạc và cho biết Chính phủ cũng đang có dự định xây dựng 1 dự án tương tự và nếu nhóm anh Hùng Trần đã làm, thì tiếp tục làm; như cách tận dụng các nguồn lực 1 cách tốt nhất. Dự án này cũng có nhiều nhà tài trợ, nhằm cung cấp những nguồn lực cần thiết để nó nhanh hoàn tất cũng như scale-up.

    Hơn nữa, dự án này nhanh vì nó có tới 200 con người tham gia. Cơ cấu nhân sự của dự án này chẳng khác gì 1 startup cả - có đầy đủ đội nhóm, các bộ phận, cách thức vận hành, có cả tư vấn về pháp luật và sự tuân thủ. Thật ra, cơ cấu của dự án khá phức tạp chứ không đơn giản như mọi người tưởng tượng, vì để 200 con người hoạt động được cùng 1 lúc, thì phải quản lý tốt mọi việc mới trôi chảy được.

    Về phần thiết kế app: nhiệm vụ đưa ra làm sao 1 ca tư vấn chỉ gói gọn trong vòng 15 phút – là thời gian rảnh của các y bác sỹ, ví dụ như trong quá trình thay ca; khi nào rảnh, họ sẽ bật app lên và giúp mọi người. Đối với người dùng thì rất dễ - nhất là với những ai đã quen sử dụng các app như Grab hoặc ShopeeFood, chỉ cần bật app lên, gửi câu hỏi rồi đợi kết nối chuyên gian sau đó nói chuyện qua chat hoặc video.

    "Về nhân sự: kỹ sư công nghệ là một nghề rất vất vả nhưng mọi người vẫn tình nguyện làm thêm ngoài giờ cho dự án là những người tốt; kiểu chọn lọc tự nhiên, nên dễ làm việc với nhau. Có những ông kỹ sư phần mềm ‘bố đời’, chưa ra trường đã đòi 5.000 – 6.000 USD, phỏng vấn dài 1 chút thì vùng vằng khó chịu, những thành phần đó không bao giờ có mặt ở đây. Phần thái độ rất quan trọng, kể cả những em còn non nớt vào đây cũng rất chịu khó học tập từ các anh chị lớn.

    Nói là 2 tuần, xong thật ra thời gian mọi người dành ra để hoàn thành sản phẩm ngắn hơn rất nhiều, vì mọi người phải đi làm việc để kiếm cơm – chỉ dành thời gian tối hoặc cuối tuần để tham gia dự án. Vậy nên, thời gian ngắn hơn rất nhiều so với tưởng tượng. Ngoài ra, "Giúp tôi! giống như 1 startup đã ở giai đoạn Serie B, chứ không phải công ty mới chưa đầu vào đâu", CEO Got It tiết lộ.

    200 kỹ sư và tài năng Việt đã tạo ra ‘super app’ Giúp tôi! – nhằm hỗ trợ y tế cho người dân Việt ở mùa dịch, trong 2 tuần như thế nào? - Ảnh 3.

    Các cố vấn chuyên môn của Giúp tôi!

    Anh Hùng Trần cũng phân tích tiếp: nếu làm 1 dịch vụ như thế này, công nghệ quan trọng nhưng chuyên môn quan trọng không kém, may mắn là dự án ngay từ giây phút đầu đã có những bác sỹ ‘cây đa, cây đề’ trong ngành tham gia cố vấn chuyên môn – cố vấn – đào tạo các tình nguyện viên.

    Đây là nền tảng kết nối trung gian giữa bên cung và cầu, để có được dịch vụ tốt thì phải làm tốt phần cung, mục tiêu là phải tuyển được 15.000 đến 20.000 bác sỹ vào trong hệ thống. Nhờ đội ngũ này trong dự án, chúng ta mới tuyển dụng và đào tạo được dựa trên các quy trình – quy chuẩn cụ thể; chứ không phải làm 1 cái app xong, thảy lên iOS và Android, rồi tự có chạy.

    Đối với các y bác sỹ: khi người ta thấy đất nước mình bị dịch nghiêm trọng, họ sẵn sàng lao vào giúp đỡ và không đòi thù lao gì hết. Bác sỹ là 1 nghề rất khác, họ có những quy chuẩn về nghề nghiệp và đạo đức riêng.

    Ví dụ: như bác Đỗ Quốc Huy (PGĐ Bệnh viện 115) – 1 trong những cố vấn chuyên môn của Giúp tôi!, khi bác đào tạo các đội ngũ y bác sỹ, bác vừa nói vừa khóc. Bác bảo: "Trong 38 năm sự nghiệp của tôi, tôi chưa bao giờ thấy nhiều người chết như thế này và họ ra đi trong sự bất lực của y bác sỹ’.

    Định hướng phát triển của dự án: trong 12 tháng với 2 triệu người được hỗ trợ, 20.000 tư vấn viên và 20 triệu cuộc gọi trợ giúp; đây là mục tiêu hiện tại của dự án, có thể mở rộng ra sau này như hỗ trợ người dân các nhu cầu an sinh khác.

    Vì bên dưới là kết nối nền tảng, nên khi nào có nhu cầu gì về bên cung – cầu sẽ thêm tính năng, như chúng ta biết nay có những em vào học muộn thì có thể được kết nối với gia sư để kịp theo chương trình, kết nối cho nhận thực phẩm.

    "Như chúng ta đã biết, ngoài Got It và Kompa, thì có thêm Filum – Steam cũng là những doanh nghiệp khởi xướng dự án; nhưng chúng tôi đã thỏa thuận trước, không ai sở hữu – kiếm chác gì ở trên đây cả.

    Sau khi dịch qua đi, dự án này sẽ tạm dừng, nhưng chúng tôi có ý định biến app này thành 1 hệ thống dịch vụ cộng đồng sau đó. Có thể là Chính phủ hoặc tổ chức phi chính phủ nào đó tiếp quản, rồi mọi người sẽ kêu gọi tài trợ để app sống tiếp và phục vụ lợi ích cho xã hội khác.

    App Giúp tôi! sẽ dần dần trở thành 1 ‘super app’, hệ thống kết nối giữa người dân và chuyên gia. Còn nói đến chuyện cứu bao nhiêu mạng người thì quá to!", anh Hùng Trần bày tỏ.

    200 kỹ sư và tài năng Việt đã tạo ra ‘super app’ Giúp tôi! – nhằm hỗ trợ y tế cho người dân Việt ở mùa dịch, trong 2 tuần như thế nào? - Ảnh 4.

    Các doanh nghiệp có tham gia hỗ trợ dự án.

    Hiện tại, app đã chính thức ra mắt vì tình thế quá cấp bách, nhưng trong giai đoạn này, team Giúp tôi! vẫn tiếp tục tập trung vào tuyển đội y bác sỹ tình nguyện viên, dù đã có sẵn hơn 3.000 người. Bởi thực tế mà nói, vì đây là câu chuyện ‘con gà, quả trứng’ – có đội ngũ tư vấn tốt, thì người dân mới xài.

    Sau khi tung bản xài thử, team đã có lượng số liệu nhất định và khi có data, mình phải từ đó cải tiến được chất lượng của sản phẩm. Từ các số liệu nhận được, team sản phẩm phát hiện ra thêm 1 nhu cầu mới: có những câu hỏi không thuộc loại khẩn cấp và hoàn toàn có thể chia sẻ offline được. Vậy nên, team sảnn phẩm đã đề nghị thêm tính năng Q&A, vừa giảm tải khối lượng công việc cho lực lượng tư vấn và hệ thống của mình.

    Theo anh Hùng Trần, app làm xong phải thử, quan trọng phải có cơ chế chỉnh sửa nhanh và phải linh hoạt. Còn ưu tiên lớn nhất của sản phẩm là chất lượng dịch vụ, khả năng kết nối thành công và các cuộc gọi được đánh sao cao.

    VẬY DỰ ÁN ĐÃ TRIỂN KHAI CỤ THỂ NHƯ NÀO?

    Anh Thăng Lê đến từ EOG Resources (công ty năng lượng Mỹ có mặt trong Fortune 500) là Data Engineering Manager của dự án kể: anh cũng là 1 tình nguyện viên của dự án. Khi nghe anh Hùng Trần gửi tin nhắn mời chào mọi người tham gia, anh thấy đây là 1 dự án có ý nghĩa và thiết thực vào thời điểm đó nên đồng ý tham gia ngay từ đầu.

    Đầu tiên, khi bắt đầu dự án, anh Hùng và 1 số người khác trong team lãnh đạo đưa ra những nhiệm vụ cụ thể cho team thiết kế sản phẩm UI/UX và Hiệp Nguyễn cùng một số anh em khác lên kế hoạch sẽ làm phần back-end như thế nào, rồi sau đó xé nhỏ phần back-end ra và đưa vào kiến trúc micro service, tiếp theo đưa vào từng team để thực hiện. Những chuyện đó phải diễn ra song song với nhau.

    Cho đến khi bản UI/UX gần hoàn thiện, thì cả team bắt đầu ngồi họp lại 1 lần nữa là mình nên cải thiện phần nào.

    Bí quyết vẫn là chia nhỏ nhiệm vụ xuống những team nhỏ để mọi người có thể hoàn thành công việc cùng với nhau. Sau đó các team leader đưa những task cụ thể cho từng thành viên cụ thể trong team. Trong quá trình phát triển, vì thời gian cấp bách, nên ai mà bị chậm hoặc có vấn đề gì đó không tự giải quyết được thì phải la lên để mọi người có thể vào hỗ trợ.

    "Lúc đó, tôi đang ở giữa tâm dịch nên thấu hiểu tình cảnh bệnh dịch hơn bao giờ hết. Hồi xưa, tôi làm việc ở Hà Nội có biết đến anh Hùng, sau này vào Sài Gòn thì làm việc gần văn phòng của anh Cường. Khi 2 anh đưa ra ý tưởng như thế này, tôi đã đồng ý ngay lập tức vì muốn làm gì đó giúp mọi người. Sau đó anh em cùng nhau đi gom người và bắt đầu dự án", Hiệp Nguyễn đến từ startup Filum AI - Head of Engineering của dự án tiếp lời.

    200 kỹ sư và tài năng Việt đã tạo ra ‘super app’ Giúp tôi! – nhằm hỗ trợ y tế cho người dân Việt ở mùa dịch, trong 2 tuần như thế nào? - Ảnh 5.

    Hiệp Nguyễn đến từ Filum AI - Head of Engineering của dự án.

    Vì là người có mặt trong team thời điểm ban đầu, nên anh Hiệp đã chứng kiến nhiều nhân sự đến từ nhiều công ty với nhiều background khác nhau và địa phương khác nhau. Hầu như trước đó mọi người đều không biết nhau nên có thể xem đều là người mới cả. Team của Hiệp được tập hợp rất nhanh, hiện tại team engineer có tới 40 người. Với thực trạng này, thì chuyện có phối hợp tốt với nhau hay không phụ thuộc nhiều vào cấu trúc và quy trình làm việc.

    Team của kỹ sư gồm các bộ phận như 1 startup bình thường: có team product - sản phẩm có nhiệm vụ lấy những feedback của người dùng và chia những yêu cầu cho team tech - công nghệ, team tech dựa vào những yêu cầu đấy chia ra cho các tech lead khác và các bạn có thể phân chia – giao nhiệm vụ cho 1 vài bạn trong team, tech lead làm việc với các PM để mọi người có thể clear - hiểu rõ ràng những yêu cầu đó.

    Sau đó, Hiệp có một yêu cầu phải có design space, một cái document – để khi mình có thêm một vài yếu tố gì đó, cũng thuận tiện triển khai. Khi các bạn trẻ tham gia dự án rất nhiệt tình hoặc đôi khi các bạn làm chưa được hoàn thiện; thì cái bước design space là rất quan trọng. Tụi em có một vài senior, thì cũng thấy bước này rất cần thiết, để khi 1 design hoàn thành thì đã là 1 bản vẽ mình chỉ làm theo thôi. Đến lúc post review chẳng hạn, sẽ mất rất ít thời gian.

    Dự án cũng có team QA để test sản phẩm và hôm nào tất cả QA vắng mặt, mọi người ai rảnh sẽ vào test trên 1 công cụ được cung cấp bởi team QA. Sau đó, team engineer tiếp tục fix những lỗi mà quá trình test sản phẩm đã thấy và cuối cùng là launch sản phẩm.

    "Mọi người đã quen với Covid-19 trong khoảng hơn 1 năm nay và ai cũng có những chiêu thức để làm việc hiệu quả ngay cả khi làm việc từ xa. Mọi người cũng không tham gia toàn thời gian và theo hình thức tự nguyện.

    Team của tôi có một buổi họp vào tối thứ 6, mọi người đi làm từ thứ 2 đến thứ 6 và sẽ tham gia tình nguyện vào thứ 7, Chủ nhật. Trong những lúc gấp gáp, tôi thường tổng động viên và chịu khó ngồi trên đó cả ngày, ai rảnh lúc nào thì lao vào làm ngay.

    Vì nguồn lực hạn chế, server cũng được cung cấp vài cái raw VM và việc mọi người có thể tự deploy lên các server đó cũng là 1 cái hay. Team dev-code của bọn em cũng phải dựng mọi thứ trên 4 cái raw VM và deploy mọi thứ trên đấy.

    Khi phân tách ra các service nhỏ để mọi người có thể làm việc song song nhằm hoàn thiện sản phẩm nhanh hơn; cũng có sự bất đồng về data hay thông tin giữa các team nhỏ. Nói chung, vì app có rất nhiều tác vụ mà nguồn lực lại hạn chế, nên rất thách thức.

    Lúc bắt đầu làm, cả team không ai nghĩ có thể hoàn thành dự án trong 2 tuần, dù làm việc với tinh thần ‘làm xong cái này sẽ giúp được nhiều người’, mọi người chỉ cố gắng hết sức thôi", Hiệp Nguyễn kể.

    200 kỹ sư và tài năng Việt đã tạo ra ‘super app’ Giúp tôi! – nhằm hỗ trợ y tế cho người dân Việt ở mùa dịch, trong 2 tuần như thế nào? - Ảnh 6.

    Team lãnh đạo của dự án Giúp tôi!

    Đàu tiên, team engineer của Hiệp cũng muốn ưu tiên sử dụng những gì có sẵn để đi nhanh như open source, nhưng trên tiêu chí phải cân nhắc cẩn thận. Kinh nghiệm của team là phải hỏi xem đã có ai dùng open source vào dự án nào chưa và sau thời gian cân đo đong đếm, thì quyết định là phải gầy dựng từ đầu.

    Ví dụ: cái chat server, có nhiều frame chat có sẵn và chúng chỉ cần dựng lên rồi chạy, nhưng team không ai có kinh nghiệm monitor cái này, trong khi nếu build chat server ngay từ đầu, thì team đã có vài người có kinh nghiệm rồi.

    "Dự án luôn thiếu engineer, app đơn giản bao nhiêu thì vận hành phía sau khổ bấy nhiêu. Đội ngũ growth và brand đang làm rất tốt, có cả legal và bộ phận đi quyên góp. Hiện tại, có người quyên góp thời gian, công ty ủng hộ những cơ sở - vật chất – công cụ cho hệ thống như server/hosting, có công ty ủng hộ tiền; sắp tới tất nhiên, dự án vẫn cần cả 3", CEO Got It kêu gọi.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ