2017: Cuộc chiến giữa OLED và LCD uốn dẻo
Phần thắng sẽ nghiêng về lựa chọn cho màn hình OLED hay LCD linh hoạt cải tiến mới? Tất cả đều phải đợi một thời gian nữa mới có thể hé lộ câu trả lời.
AMOLED và LCD vẫn luôn là chủ đề khá nóng giữa những lựa chọn của các tín đồ đam mê smartphone, nhưng dường như thế trận đang dần nghiêng về AMOLED vì những lợi thế nổi trội của công nghệ hiển thị này trên nhiều phương diện về chất lượng và cả kết cấu, đặc biệt là bằng chứng về thiết kế màn hình AMOLED cạnh cong có 1 không 2 của Samsung Galaxy Edge. Tuy nhiên, có vẻ như thế giới công nghệ lại chuẩn bị được làm nóng và sôi động lên một lần nữa vì những cải tiến đáng kể tương tự đang dần đến với cả LCD để cạnh tranh với AMOLED trong lòng người dùng.
2016 thực sự là một năm chứng kiến nhiều biến động bất ngờ xảy ra giữa 2 khái niệm này, nhất là khi giá thành sản xuất cho một tấm màn AMOLED 5 inch lần đầu tiên giảm chạm ngưỡng hoặc thấp hơn cả tiêu chí đó của màn LCD. Một trong những ưu thế lớn của LCD so với OLED đó là chi phí đầu tư sản xuất thấp hơn, nhưng khi xu hướng ngày nay lại tiến triển theo hướng bất ngờ về sự giảm giá thành của màn AMOLED thì các thương hiệu smartphone tầm trung và dưới lại dần tìm đến nó nhiều hơn, gây ra áp lực tăng cao cho các nguồn cung AMOLED vốn có.
Trước hết, có thể nhiều người còn hơi lạ lẫm với những thuật ngữ liên quan đến các công nghệ màn hình kể trên. Cụ thể, LCD là Liquid Crystal Display - màn hình tinh thể lỏng. Đúng như tên gọi của nó, đây là cơ chế sử dụng dung dịch tinh thể và được kích hoạt phát sáng nhờ tấm nền huỳnh quang đằng sau. Về phần OLED, đây là cụm chữ cái viết tắt cho Organic Light Emitting Diode (tạm hiểu: Điện cực phát quang hữu cơ). Đây là công nghệ ứng dụng chất liệu hữu cơ có khả năng tự tạo ra nguồn sáng phát ra khi có dòng điện đi qua, chiếm ưu thế khi có thể hiển thị sắc thái màu đen sâu hơn và không tiêu tốn nhiều điện khi phát màu tối.
AMOLED là tấm nền màn hình nâng cấp được xây dựng trên chính nền tảng OLED. AMOLED - Active Matrix OLED - tương đương công nghệ OLED ma trận động, được đặt trên một tấm nền bán dẫn mỏng TFT có tác dụng như một bộ xử lý chuyển đổi các điểm ảnh, tích hợp tụ điện lưu trữ hỗ trợ cho kích thước màn hình lớn hơn.
Sự tăng trưởng nhanh chóng của AMOLED Khởi đầu với một vài thống kê khái quát, các số liệu đầu tiên từ Đài Loan đã chỉ ra dấu hiệu vô cùng khả quan trong lượng hàng xuất xưởng dự kiến của năm 2017, ước tính tăng thêm 200%. Cụ thể, công bố đó đã nói đến con số chi tiết là 150 triệu tấm nền AMOLED được đem đi tiêu thụ, vượt xa so với 50 triệu của năm ngoái. Một số phân tích thận trọng hơn cũng chỉ ra tỷ lệ dự kiến tăng lên đạt 50% - vẫn sẽ là một thành tích ấn tượng. Hiện nay, Samsung là nhà sản xuất dẫn đầu về tấm màn AMOLED linh hoạt, trong đó phần lớn là đầu tư ưu tiên cho chính sản phẩm của công ty và một vài nhà sản xuất khác.
Theo như một số dẫn chứng thị trường, Sharp - công ty con của Foxconn - đang cân nhắc đổ vào 864 triệu USD (cao hơn so với thông tin 568 triệu USD vào năm ngoái) để khởi động một chuỗi sản xuất tấm màn OLED của riêng mình. Công ty cũng được cho là đang chuẩn bị xây dựng cả một cơ sở nhà máy mới tại Mỹ trị giá 7 tỷ USD để cung ứng cho Apple, nhưng độ xác thực có vẻ chưa cao lắm. Ít nhất thì cũng đã xuất hiện nhiều tin đồn về bước biến chuyển, nâng cấp của Apple liên quan đến quyết định chuyển sang dùng màn OLED thay cho LCD, và nếu đúng như vậy, thị trường sẽ cần thêm nhiều tiềm lực tương xứng để cung cấp đủ nguồn hàng cần thiết.
Đối thủ chính của Samsung trong lĩnh vực này là LG cũng đang hướng đến mục tiêu đầu tư 1,75 tỷ USD vài kế hoạch sản xuất tương tự. Trong một tài liệu của mình, LG có nhắc đến dự định tiến hành lập ra một dây chuyền sản xuất mới dành cho các sản phẩm màn hình OLED linh hoạt cỡ vừa và nhỏ ở Hàn Quốc để đáp ứng nhu cầu chung. Cùng với Samsung, đây là 2 cái tên lớn mạnh nhất khi nói đến số lượng các sản phẩm màn hình OLED cũng như tư tưởng chung khi coi công nghệ OLED là nhân tố quan trọng hơn hẳn so với cách nghĩ của các đối thủ khác. Với tốc độ hiện giờ, số smartphone sử dụng tấm màn OLED sẽ nhanh chóng vượt qua LCD trong thời gian vài năm tới.
Tại Trung Quốc, các nhà sản xuất nội địa cũng đang tìm cách thoát ly khỏi sự phụ thuộc vào Samsung khi tự mình phát triển quy mô của riêng mình. Theo dự đoán từ Digitimes Research, diện tích được sử dụng để đầu tư vào cơ sở hạ tầng sản xuất OLED sẽ tăng từ 272.000 m2 vào năm 2016 lên hơn 1,5 triệu m2 vào năm 2018, gần 4,5 triệu m2 vào năm 2019 và 7,8 triệu m2 vào năm 2020. Để có một cái nhìn rõ hơn, Samsung Display và LG Display đã còn đạt đến con số gần 5 triệu m2 vào năm 2016 này, và dự kiến tăng chạm ngưỡng 15 triệu m2 vào năm 2020. Những cái tên đến từ Trung Quốc đang nuôi mộng cạnh tranh có thể kể đến như BOE Technology, Tianma Micro-electronics, và Visionox.
Quả đúng khi nói rằng AMOLED đã và đang trở thành tiêu chuẩn được ưu ái cao trong làng công nghệ thế giới, bù lại cũng sẽ khiến cho sự tăng trưởng và đầu tư vào màn hình LCD bị giảm chậm hơn. Đó cũng là dấu hiệu cho thấy sự khắc nghiệt và sôi động không ngừng nghỉ của thị trường thiết bị, nhưng có vẻ như vẫn còn đó một vài khía cạnh khác đang sẵn sàng "tuyên chiến" lại với AMOLED.
Màn OLED có khả năng uốn dẻo linh hoạt - LCD cũng vậy
Trước đây, công nghệ điểm ảnh lượng tử từng được đem ra thảo luận và so sánh như một bản cải tiến về tính chất độ sáng cũng như màu sắc của công nghệ LCD để có thể cạnh tranh lại với các cái tên tiềm năng khác. Điểm ảnh lượng tử là công nghệ cốt lõi để tạo tiền đề ra đời cho màn LCD tích hợp chức năng HDR (dải tương phản rộng), từ đó thu hẹp khoảng cách đối với sự ưu tiên nói chung dành cho OLED.
Được biết, cuối tháng 1 vừa qua, Japan Dipslay đã giới thiệu một sản phẩm màn LCD 1080p 5,5inch có thể uốn dẻo như các tấm nền OLED đầu tay bởi Samsung và LG. Đó là bằng chứng đầu tiên thực sự mở ra một thế trận cân bằng cho các smartphone tích hợp công nghệ LCD mà vẫn cạnh tranh được với thiết bị như Samsung Galaxy S7 Edge.
Sở dĩ công nghệ trên của Japan Display giúp LCD có ưu điểm như vậy là vì màn hình được gắn kèm thêm 2 màng tấm nền nhựa ở cả 2 mặt tinh thể lỏng, thay vì cách thức truyền thống là áp 2 tấm kính cứng. Điều này không chỉ giúp cho sản phẩm linh hoạt uốn dẻo dễ hơn mà còn khó bị tổn thương khi va đập.
Japan Display cũng dự định bắt đầu sản xuất sáng chế màn hình Full Active Flex nâng cấp đó vào năm 2018. Công ty cho biết họ cũng đã nhận được những đơn đặt hàng sớm cho linh kiện này, nhưng không nói rõ đối tác là ai. Năm nay có thể chưa phải thời điểm "nóng" nhưng hãy kiên nhẫn đợi thêm vài tháng nữa, chúng ta sẽ được chứng kiến nhiều bất ngờ dần xảy đến.
Quên 4K đi, giờ là thời khắc của HDR
Thời hoàng kim hiếm hoi của Sony khi giới thiệu trải nghiệm 4K đầu tiên trên thiết bị của mình có vẻ như không đáp ứng như kỳ vọng khi người dùng và các chuyên gia kết luận rằng những cải tiến đó thực sự không xứng đáng với chi phí tăng cao bỏ ra thêm, đồng thời còn ảnh hưởng tiêu cực đến thời lượng pin. Qua đó, các nhà sản xuất lại dần chuyển hướng sang nhắm đến các điểm hấp dẫn của màn hình tích hợp công nghệ hiển thị HDR, đem lại màu sắc sống động và tỷ lệ tương phản rộng hơn bao giờ hết.
Cụ thể, công nghệ HDR cần đến độ sáng và đặc tính tương phản cao để tạo điều kiện cho kết quả hiển thị như đã đề cập. OLED và LCD điểm ảnh lượng tử đều là những lựa chọn phù hợp để phát triển. Yếu tố còn lại phụ thuộc vào phần mềm và sức mạnh đồ họa của thiết bị nữa.
Mới đây, Qualcomm Snapdragon 835 đã được tiết lộ là con chip có tính năng hỗ trợ hệ màu 10-bit, nâng cấp từ định dạng 8-bit trước đó. Đây là bước tiến đáng kể dành cho việc hiển thị và cấu thành, kết hợp các gam màu cơ bản, tạo nên 1,07 tỷ sắc thái màu sắc khác nhau so với 16,78 triệu của hệ 8-bit.
Vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy các thương hiệu di động sẽ tăng độ phân giải màn hình lên quá 2K, vì 4K có vẻ như quá xa vời và không thực sự đáp ứng nhu cầu cũng như thành tích mong muốn. Tuy vậy, sự chú ý dành cho công nghệ HDR lại đang dần tăng lên, cộng với sự xuất hiện của Snapdragon 835 vào nửa sau của năm 2017, rất có thể đó sẽ là khoảng thời gian đúng đắn dành cho các nhà sản xuất tận dụng và làm nóng thị trường thiết bị di động.
Bước tiến hướng đến thực tế ảo (VR)
Nếu công nghệ thực tế ảo thực sự có tiềm năng phát triển đột phá như nhiều lời phân tích, thì nhiều khả năng các ứng dụng màn hình hiển thị cũng được tinh chỉnh và sáng tạo để phù hợp nhất với nền tảng mới nổi này. Mật độ điểm ảnh cao, tần số quét nhanh, độ trễ thấp đều là những yếu tố quan trọng, tất nhiên không thể bỏ qua sự góp mặt của HDR như đã đề cập.
Dù Google Daydream có vẻ như được làm ra với định kiến dành phần ưu ái hơn cho màn OLED, nhưng công nghệ cải tiến mới của LCD đang dần thay đổi cục diện cuộc chơi đó. Độ trễ màu của màn LCD nay đã có thể được hạn chế xuống ngang bằng OLED, trong khi tần số quét cao không còn là trở ngại đối với cả OLED và LCD nữa rồi.
Trong vài tháng cuối năm vừa qua, cả Sharp và Japan Display đã ra mắt công nghệ màn hình LCD độ phân giải cao dành riêng tương thích cho kết nối hiển thị giao diện thực tế ảo, mở ra viễn cảnh không cần đến một thiết bị headset chuyên dụng. Các nhà sản xuất smartphone đi theo con đường đó cũng không năm ngoài khả năng. Vẫn còn một chặng đường dài nữa cần vượt qua, nhưng những tác động và tiềm năng của công nghệ này thì không thể phủ nhận được.
Còn gì đang mong chờ ở năm 2017?
Nhìn chung, chúng ta rất có thể sẽ chỉ thấy một vài bước tiến nhỏ trong năm nay về công nghệ màn hình hiển thị thay vì một nước đi đột phá thực sự. Ngoài ra, xác suất để tấm màn AMOLED xuất hiện trên nhiều thiết bị không phải là flagship cũng ngày một tăng cao, nhờ vào chi phí sản xuất rẻ đi cùng quy mô chế tạo được tăng cường đầu tư.
Trong lúc đó, các thương hiệu hướng đến thị trường cao cấp cũng đang rục rịch chuẩn bị cho sự tích hợp liên quan đến tính năng HDR, màn hình uốn dẻo và những cải tiến bên lề khác nhằm tách biệt đẳng cấp sản phẩm của mình đối với xu hướng chung. LCD có thể không phải là lựa chọn tồn tại mãi mãi trong tương lai, nhưng chắc chắn nó sẽ vẫn giữ cho mình được một "phong độ" khá bền vững nữa trong thời gian sắp tới, đủ để cạnh tranh với OLED.
Tham khảo: AndroidAuthority
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời