2018 là năm các hãng Android đổ xô đi copy lại đặc điểm xấu nhất của iPhone X?
2017 là năm đầu tiên iPhone thoát khỏi cái khuôn đã được định hình bởi iPhone 6 vào năm 2014. Đến hẹn lại lên, các hãng Android lại đổ xô đi học theo cái khuôn mới nhất của Táo. Có điều, năm nay họ quyết tâm biến một đặc điểm dở tệ của iPhone X thành tiêu chuẩn của Android.
Kể từ khi Google và HTC cùng nhau khai sinh ra Android vào 10 năm trước, câu chuyện “ai copy ai” đã luôn luôn là chủ đề nóng hổi giữa các fan táo và các fan của chú robot xanh. Rõ ràng, sự ra đời của iPhone có ảnh hưởng rất lớn đến Android: nếu không vì iPhone, chiếc smartphone Android đầu tiên sẽ có bàn phím vật lý và dáng vẻ giống với BlackBerry.
Nhưng, trong suốt 10 năm qua, Android đã luôn luôn mang đến những thay đổi bước ngoặt. Trong rất nhiều trường hợp, Apple mới là kẻ chạy sau, rõ rệt nhất là trong cuộc chiến smartphone màn hình lớn. Đến tận 2014, tức... 3 năm sau khi Samsung khai phá chiến trường phablet, Apple mới vén màn chiếc điện thoại đầu tiên có kích cỡ hơn 4 inch.
Thế nhưng, đến tận 2018, khi “copy” đã không còn là chủ đề tranh cãi nóng hổi giữa Apple với Samsung, các hãng Android bỗng dưng lại lên tiếng xác nhận sức ảnh hưởng của iPhone với cả thế giới.
Một danh sách buồn
Minh chứng: hãy nhìn vào bức ảnh sau đây. Đây không phải là một sản phẩm “vô danh” từ một hãng phần cứng Trung Quốc/Ấn Độ “nào đó”. Đây là chiếc Zenfone mới nhất, đỉnh nhất của ASUS:
Bạn có thấy "quen quen"?
Tiếp đến, đây là chiếc LG G7 bị rò rỉ tại MWC 2018. Dù hãng smartphone Hàn Quốc vẫn chưa công bố chính thức sản phẩm này, ai ai cũng có thể hiểu tại sao bộ sậu lãnh đạo LG lại phải hủy bỏ luôn cả lịch ra mắt thường niên để chuyển sang vén màn một mẫu “đầu bảng” khác: hãy cứ nhìn vào 2 chiếc tai thỏ xấu xí trên LG “G7”:
Chưa dừng lại ở đó, hình ảnh rò rỉ về OnePlus và Huawei đều cho thấy những chiếc tai thỏ xấu xí. Cả 2 hãng smartphone Trung Quốc tên tuổi này đều sẽ sử dụng tai thỏ cho smartphone đầu bảng của mình: OnePlus 6 và Huawei P20.
OnePlus 6.
Huawei P20.
Danh sách những hãng Trung Quốc kém tên tuổi sử dụng tai thỏ thậm chí còn dài hơn. Oukitel. Doogee. Blackview. UleFone. OtOt. Ila. Một trong số này, “Leagoo”, còn thuê hẳn dàn sao Totenham và vua phá lưới Harry Kane để quảng bá một sản phẩm có tên “S9 Pro”. Bất chấp tên gọi, đó là một bản sao kém hoàn hảo của iPhone X.
Cùng một đẳng cấp
Chưa bao giờ vị thế của iPhone lại được khẳng định đến thế. Và lý do không phải là bởi các hãng Android chưa bao giờ copy Apple. Chắc chắn, nếu đứng từ xa và yêu cầu một ai đó phải phân biệt được chiếc điện thoại đang được giơ lên tay tự sướng là iPhone hay Vivo V5/HTC One A1/Lenovo Sisley thì chưa chắc người đó đã có câu trả lời đúng. Mặc cho ai có đưa ra lời bào chữa tệ hại đến thế nào đi chăng nữa, sự thật là các hãng Android – bao gồm cả những tên tuổi lớn – đều đã có lần tìm cách gợi nhắc thiết kế của mình tới iPhone.
Họ muốn đem đến cảm xúc cho người dùng rằng, dù rẻ hơn, dù sử dụng một hệ điều hành khác, điện thoại của họ vẫn đứng cùng một đẳng cấp với iPhone.
Huawei/Honor...
“Học hỏi” về thiết kế, về giao diện không hẳn là đáng chê trách khi đến cả Picasso cũng từng tuyên bố “Họa sĩ giỏi thì chỉ copy, họa sĩ vĩ đại thì đi ăn cắp”. Nhưng tới iPhone X thì sự “học hỏi” này lại mang một ý nghĩa khác hẳn.
Sự khác biệt lớn nhất giữa lớp vỏ màu kim loại màu gold của iPhone 6 và hai tai thỏ của iPhone X là ở chỗ, hai tai thỏ này không có giá trị gì tới người dùng cả.
Hãy nhìn mà xem. Về mặt phần mềm, khi phát triển ứng dụng mới, các lập trình viên bỗng nhiên sẽ phải nghĩ cách sử dụng tốt hai khối giao diện nhỏ nhỏ nhô lên ở 2 phía màn hình.
Về mặt phần cứng, màn hình tai thỏ chắc chắn khó sản xuất hơn màn hình chữ nhật hay thậm chí là màn hình bo tròn thông thường.
Quan trọng nhất, về mặt trải nghiệm sử dụng, bạn sẽ thấy từ TV CRT cho đến smartphone có màn hình phụ và nay là kính VR, chẳng có loại thiết bị hiển thị nào lại cần 2 cái tai thỏ này cả.
"Rãnh của chúng tôi nhỏ hơn" chắc chắn là tuyên ngôn marketing hài hước nhất năm 2018.
Nói cách khác, tai thỏ trên iPhone X chỉ giống như một nỗ lực “chơi trội” khác biệt của Apple nhằm kỷ niệm iPhone 10 năm. Thiết kế đó không có giá trị thực tế, và thậm chí còn bị nhiều người, bao gồm cả các fan của Apple, phản đối kịch liệt. Nhưng vì sự ám ảnh của thế giới Android với Apple, quyết định dở tệ nhất của Apple trên iPhone X nay đã trở thành một loại tiêu chuẩn. Một thiết kế mẫu mực mà các hãng Android phải học theo.
11 năm sáng tạo, nhiều khi đi trước cả Apple. Nay lại quay trở lại với sự ám ảnh dành cho Apple.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI