2020, Liệu cuộc chiến giá "điên khùng" dành cho smartphone có chấm dứt?

    Liam,  

    Chiếc smartphone bán chạy nhất trong suốt 9 tháng đầu năm 2019 là iPhone XR: người dùng đã thực sự chán ngán mức giá nghìn đô được Apple đặt ra năm 2017. Nhưng điều đó không ngăn cản các nhà sản xuất tiếp tục đẩy giá smartphone lên những mức giá điên khùng hơn nữa.

    Bước ngoặt iPhone X

    Nếu phải chọn duy nhất một chiếc smartphone làm bước ngượt cho thị trường smartphone trong vòng 3 năm vừa qua thì đó chắc chắn phải là iPhone X. Ra mắt ở mức giá khởi điểm 1000 USD, bán được 60 triệu chiếc trong cả vòng đời (gấp 5 lần doanh số kỳ vọng của Galaxy Note8) và liên tục đứng đầu các bảng xếp hạng smartphone bán chạy, iPhone X là chìa khóa giúp cho Apple bước lên đỉnh nghìn tỷ vào năm 2018.

    Quan trọng hơn, iPhone X đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt của ngành công nghiệp smartphone. Đây là chiếc điện thoại đã chứng minh một sự thật mà tất cả các hãng sản xuất đều muốn nghe: giá cả không phải là trở ngại.

    2020, Liệu cuộc chiến giá điên khùng dành cho smartphone có chấm dứt? - Ảnh 1.

    Một khung giá mới: nghìn đô.

    Kể từ đó đến nay, tất cả các đối thủ Android đều đã chạy theo Apple. Từ khung giá 600 – 800 USD giống iPhone "thường", dòng Galaxy S và Note của Samsung đã được nâng lên khung nghìn đô để đối đầu trực diện cùng iPhone XS/11 Pro. Tương tự, các dòng Mate và P "thường" (không phải bản Porsche) của Huawei cũng nhích lên khung giá nghìn đô. OnePlus nhích giá dần dần, OPPO lần đầu tiên có dòng đầu bảng (Reno); đến cả Xiaomi cũng ra mắt thêm phiên bản đặc biệt cho dòng Mi để thu tiền người dùng qua những giá trị nằm ngoài cấu hình.

    2019 – Leo thang chóng mặt

    Những tưởng cuộc đua tăng giá sẽ dừng lại ở đây và 1000 USD sẽ là khung giá "siêu cấp" cuối cùng, nhưng năm 2019 đã chứng minh điều ngược lại. Đầu năm, cùng công bố màn hình gập, Samsung và Huawei đẩy giá smartphone thương mại lên khung cao chưa từng thấy: ~2500 USD. Chỉ với công nghệ đến nay vẫn còn khiến người ta băn khoăn về độ bền, 2 hãng châu Á này đã tìm ra lý do để thuyết phục người dùng bỏ ra những khoản tiền "hoang đường": mức giá 2600 USD hay 2400 USD dành cho Galaxy Fold thừa đủ để người dùng mua cả iPhone 11, Galaxy Note10 VÀ Mi 9.

    2020, Liệu cuộc chiến giá điên khùng dành cho smartphone có chấm dứt? - Ảnh 2.

    Công nghệ màn hình gập là chìa khóa để các nhà sản xuất "làm giá" cho smartphone mới.

    Ấy vậy mà 2 hãng smartphone lớn nhất thế giới vẫn chưa phải là kẻ đứng đầu về mức giá. Ngày 24/9, Xiaomi vén màn smartphone có màn hình bao "180% mặt trước" Mi Mix Alpha. Mức giá được hãng điện thoại vốn thường khoe khoang "giá rẻ" đặt ra là 2800 USD, tức bằng 4 lần mẫu Mi 9 Explorer Edition khởi điểm.

    Mọi thứ vẫn chưa dừng lại ở đây. Sau khá nhiều tin đồn, tháng 11 Motorola (nay thuộc Lenovo) đã chính thức hồi sinh chiếc Razr huyền thoại dưới dáng hình của smartphone: thay vì sử dụng màn hình nhỏ và bàn phím vật lý, Razr thế hệ mới có màn hình uốn dẻo bên trong nắp gập. Khung giá được Motorola đặt ra cho những tín đồ của điện thoại thời trang 2004: 1500 USD, rẻ hơn Galaxy Fold nhưng vẫn đắt hơn phiên bản iPhone 11 Pro Max đắt nhất bán trên thị trường lúc này.

    2020 - Liệu có điểm dừng?

    Thực tế, không phải vô cớ mà các hãng smartphone tăng giá. Xét về mặt doanh số (lượng smartphone bán ra), thị trường toàn cầu đã bão hòa suốt từ 2015 tới nay. Một khi lượng smartphone bán ra giảm sút, các nhà sản xuất buộc phải điều chỉnh khung giá để giữ vững chỉ số doanh thu/lợi nhuận. Muốn làm được điều này, họ cũng buộc phải ra mắt những sáng tạo ấn tượng để thuyết phục người dùng rằng mức giá gia tăng là hợp lý.

    2020, Liệu cuộc chiến giá điên khùng dành cho smartphone có chấm dứt? - Ảnh 3.

    Đẩy giá bằng mọi cách, bao gồm cả những sáng tạo vô dụng?

    Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, liệu mức giá đắt hơn gần 2000 USD so với khung đầu bảng của 3 năm về trước có thể coi là hợp lý? Galaxy Fold vẫn chưa thực sự được giới chuyên môn đánh giá hoàn hảo, Mate X vừa ra mắt đã hỏng nặng và thậm chí còn chỉ bán tại Trung Quốc. Mi Mix Alpha thì tuyệt nhiên chẳng có chút "hợp lý" nào cả: khi nào thì người dùng sẽ cần đến 2 đường "viền" màn hình thô cục ở hai bên thân máy??? Và, màn hình "80%" ở mặt lưng với phần camera cắt đôi sẽ có tác dụng gì khi người dùng chỉ cần lật lại là đã có... 100% để sử dụng???

    Nếu không biết điểm dừng, các nhà sản xuất có thể sẽ sớm bóp chết tương lai của chiếc smartphone. Khi những ý tưởng độc đáo được dành cho những chiếc smartphone giá siêu đắt còn smartphone đầu bảng loại thường chỉ nhận được những cải tiến quen thuộc cho chip và camera, người dùng mua mới sẽ phải trả lời một câu hỏi không dễ chịu: trả giá rất đắt cho sáng tạo hay trả giá "thường" cho trải nghiệm không quá thay đổi? 

    Một nghiên cứu mới gần đây đã cho thấy iPhone XR là mẫu smartphone bán chạy nhất cả năm; danh sách top 10 trong quý 3 cũng không bao gồm mẫu smartphone nào trên nghìn đô cả (iPhone XS bị đánh bật). Thị trường bão hòa, sức mua vốn đã giảm sút, nay lại thêm một gọng kìm kìm kẹp, doanh số những năm tới có lẽ sẽ chỉ lao dốc mà thôi.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ