21 năm kinh doanh điện thoại, ông chủ Mai Nguyên đưa ra quan điểm bất ngờ: “Còn nhao nhao vì cái điện thoại thì còn chưa đạt trải nghiệm sống”
Trước bối cảnh kinh tế khó khăn, ông Mai Triều Nguyên nhận định tâm lý người tiêu dùng đang có sự thay đổi để đề cao sự thực dụng.
Thành lập năm 2002, Mai Nguyên là một trong số những hệ thống kinh doanh thiết bị công nghệ thuộc hàng “lão làng” tại Việt Nam. Hiện Mai Nguyên đang vận hành chuỗi sáu cửa hàng tại TP.HCM, trong đó bao gồm hai cửa hàng Mai Nguyên Flagship Store, hai cửa hàng Bose Store, một trung tâm chăm sóc khách hàng và gần đây là Mai Nguyên Rider Store chuyên kinh doanh các sản phẩm cho biker.
Người có công gây dựng và điều hành Mai Nguyên là ông Mai Triều Nguyên. Trước khi sáng lập Mai Nguyên vào năm 2002, ông Mai Triều Nguyên đã có hơn 3 năm khởi nghiệp trong lĩnh vực phần cứng máy tính và phòng game. Sau hơn 20 năm kinh doanh và nhiều giai đoạn thăng trầm, ông Mai Triều Nguyên đã dẫn dắt Mai Nguyên để luôn giữ vững vị thế của mình trên thương trường, bất chấp sự thay đổi và liên tục đào thải của lĩnh vực công nghệ.
Là một trong số những thành viên của Hội đồng thẩm định chung khảo giải thưởng Better Choice Awards, mới đây chúng tôi đã có dịp được trò chuyện với ông Mai Triều Nguyên về xu hướng mua sắm thiết bị công nghệ của người dùng, đặc biệt là trong những năm gần đây trước tác động của dịch COVID-19 và tình hình suy thoái kinh tế.
Ông Nguyên nhận định rằng giai đoạn người dùng nâng cấp điện thoại liên tục qua từng năm đã qua, và đa số người dùng sẽ tiếp tục sử dụng chiếc máy cũ của mình, chỉ trừ khi hỏng hoặc quá chậm (lag) thì mới tính đến chuyện đổi máy mới. “Nhiều người dùng máy 2-3 năm không đổi rồi. Ngay cả ở một số nước phát triển, họ đâu có quan trọng mấy cái điện thoại này nữa, còn dùng được là người ta cứ dùng thôi”.
Mặc dù như vậy, vẫn có một số ít người dùng mong muốn được sở hữu những dòng điện thoại mới sớm nhất, kể cả khi họ sẽ phải bỏ ra số tiền cao hơn đáng kể. Ví dụ, những chiếc iPhone 15 mới về Việt Nam được rao bán trên thị trường chợ đen với mức giá cao hơn cả chục triệu đồng so với giá niêm yết của Apple. Theo ông Nguyên, đối tượng khách hàng của những dòng máy này không chỉ là những người có điều kiện, mà còn là những người “đặt chiếc điện thoại lên hàng đầu”.
“Dĩ nhiên vẫn có một nhóm khách hàng vẫn thích trải nghiệm công nghệ hiện đại nhất, cứ có máy mới là họ lại “nhao nhao”, phải có máy nhanh nhất có thể. Những người đó thường là có điều kiện, nhưng cũng có một số người đặt chiếc điện thoại lên hàng đầu. Việt Nam mình vẫn có một nhóm như vậy, nên mới tạo ra tình trạng người ta bất chấp để mua với giá cao.
Theo cảm nhận của tôi, không biết là đúng hay sai, nhưng những người này thường ít có những trải nghiệm khác trong cuộc sống lắm. Tôi không quá quan trọng chiếc điện thoại mà còn nhiều thú vui khác như xe cộ, máy chụp hình, du lịch, thể thao... Chứ không phải dùng được cái điện thoại trước mấy ngày là hay”.
Nhận định về việc con người ưu tiên trải nghiệm cuộc sống thay vì những chiếc điện thoại đã tạo động lực cho những người đứng đầu Mai Nguyên thoát ra khỏi “vùng an toàn” của bản thân là lĩnh vực công nghệ để dấn thân một lĩnh vực kinh doanh hoàn toàn mới: các sản phẩm dành cho dân “phượt”.
Tham gia vào một lĩnh vực mới chắc chắn sẽ kéo theo với hàng loạt những khó khăn, trắc trở, nhưng đây là điều mà mọi doanh nghiệp phải thích ứng, đặc biệt trong thời điểm khó khăn này. Bởi lẽ, bí quyết để Mai Nguyên vẫn tồn tại trong suốt hơn 20 năm qua luôn bắt nguồn từ sự liên tục đổi mới, sáng tạo trong chiến lược kinh doanh.
Theo ông Nguyên, ở thời điểm kinh tế suy thoái và người tiêu dùng thắt chặt hầu bao, “thực dụng” là yếu tố mà tất cả mọi người đều hướng tới. “Người ta sẽ thực dụng hơn, tính toán hơn mỗi khi quyết định chi tiền cho một thứ gì đó. Sau thời kỳ cách ly xã hội kéo dài, con người sẽ có mong muốn được đi du lịch, trải nghiệm cuộc sống thay vì mua đồ xa xỉ”.
“Như vừa rồi Samsung họ ra cái máy gập rồi công nghệ mới này nọ nhưng đâu có bán được số lượng lớn đâu. Người dùng cũng đặt ra câu hỏi, liệu Fold hay Flip dùng có thực sự tiện không, hay chỉ vì cái mác “điện thoại gập” mà hồi sau mua về chỉ dùng màn hình ngoài mà không dùng màn hình trong? Bỏ ra 10 đồng có dùng hết 10 đồng không, hay chỉ được 2 hay 3 đồng? Điều đó cho thấy tính thực dụng được đặt lên, chứ không phải là sự hào nhoáng vẻ bề ngoài”.
Tuy vậy, điều này không đồng nghĩa với việc mọi sản phẩm công nghệ đắt tiền đều là lãng phí, viển vông. Ông Nguyên đưa ra ví dụ về chiếc MacBook mà ông đang sử dụng. Mặc dù mức giá của những chiếc MacBook là cao hơn đáng kể so với đại bộ phận laptop trên thị trường, nhưng những gì mà dòng máy này mang lại là khả năng chỉnh sửa video 4K mạnh mẽ bên trong một cỗ máy nhỏ, nhẹ, đẹp và thời lượng pin lâu. Là một người thường xuyên quay và chỉnh sửa những đoạn video để đăng tải lên MXH, lợi thế trên của MacBook khiến cho dòng máy này có tính thực dụng rất cao với ông Nguyên, bất kể mức giá đắt đỏ đến đâu.
Sự thực dụng cũng là lý do khiến cho ông chủ Mai Nguyên đề cao Better Choice Awards, khi giải thưởng này không chỉ đi tìm sản phẩm tốt nhất (mà trong đa số trường hợp là đi đôi với mức giá cao nhất), mà còn là những sản phẩm phù hợp nhất với từng nhu cầu của người dùng.
“Với hơn 20 năm trong nghề, từ những ngày đầu tiên đi sửa điện thoại, máy tính, tới bây giờ vận hành một chuỗi hệ thống bán lẻ, tôi chứng kiến rất nhiều thăng trầm trên thị trường công nghệ. Từ những hãng smartphone nổi tiếng một thời cho đến cái tên mà giờ không ai nhắc tới như Nokia, BlackBerry,... Cùng với đó là sự xuất hiện của hàng loạt thương hiệu mới, chắc chắn với những ai không am hiểu công nghệ, họ sẽ khó lòng lựa chọn ra được sản phẩm cần thiết với nhu cầu của mình. Better Choice Awards là một giải thưởng cần thiết để giúp người dùng nhận ra nhu cầu thực sự của bản thân” , ông Nguyên nhận định.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Thủ tướng và CEO Jensen Huang dạo phố cổ Hà Nội, thưởng thức nem tai, nem chua rán, uống bia Trúc Bạch
Tối 5/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cùng nhà sáng lập, Chủ tịch Tập đoàn công nghệ NVIDIA Jensen Huang thăm đền Ngọc Sơn, dạo ngắm hồ Hoàn Kiếm, thăm khu phố cổ Hà Nội.
OpenAI ra mắt gói dịch vụ "ChatGPT Pro" với mức giá khủng: 5 triệu đồng/tháng