Nhiều nhất là 11 ngày nữa là năm 2012 sẽ kết thúc (trường hợp người Maya đúng thì đây có lẽ là một trong những bài viết cuối cùng bạn đọc). Một năm đầy biến động đã trôi qua. Đối với Apple, năm 2012 có lẽ là một năm không vui lắm và 2012 đã cho thấy vai trò của Steve Jobs tại Apple.
Hãy cùng điểm qua 5 nét chính của bức tranh Apple trong năm vừa qua
Rắc rối nội bộ
Cuộc đời luôn là thế này: người tài thường đi liền với cá tính rất mạnh. Điều này đúng với đa phần các lãnh đạo của Apple, đặc biệt là ông trùm iOS - Scott Forstall, người được cho là có mâu thuẫn trong cách làm việc với hầu hết các nhân vật cao cấp khác của Apple. Edđy Cue còn được cho là quyết tâm nghỉ hưu vì không chịu nổi Scott - người nắm giữ linh hồn của sản phẩm mang lại nhiều tiền nhất cho Apple, người được cho là đứng đầu danh sách CEO in-waiting của hãng.
Và cuối cùng, không thể chịu nổi những rắc rối do Scott đem lại, Tim Cook đã say goodbye nhân vật quan trọng hàng đầu này. Động thái này được cho là nhằm ổn định đội ngũ đang rối loạn của Apple bởi những xích mích giữa các mắt xích chủ chốt, nhất là khi CEO không thực sự "khủng khiếp" như người tiền nhiệm.
Thế mới thấy, sức mạnh của Steve Jobs lớn cỡ nào khi mà ngay cả những nhân vật cứng đầu thế này cũng phải ngoan ngoãn dưới thời của ông.
Mất đi bản sắc
Nhắc tới Apple, đặc biệt là Apple dưới thời Steve Jobs, người ta luôn thấy một sự hoàn hảo đến đáng sợ từ vị CEO này và những sản phẩm của Apple. Sản phẩm của Apple hầu như rất ít bị chê và nếu có ai chê thì vài tháng sau cũng phải "câm nín" bởi những thành công vĩ đại mà chúng có được. Sự hoàn hảo đến kỳ quái của Steve không cho phép các sản phẩm có những khuyết điểm dù là nhỏ nhất. Thậm chí vị CEO này còn nhất quyết "bảng mạch (mainboard) của Mac phải... đẹp" cho dù chả mấy ai nhìn thấy nó.
Thế nhưng Apple thời hậu Steve Jobs lại không cho thấy điều này. Apple cho thấy sự cẩu thả khó có thể tha thứ trong việc ra mắt sản phẩm: iPhone 5 lắm lỗi mà hầu như toàn lỗi lặt vặt, Siri xuất hiện dưới dạng Beta và đang ngày càng gây ra nhiều thất vọng.... Đỉnh điểm là thảm họa Apple Maps, ứng dụng hoàn thành một nhiệm vụ duy nhất là giúp người dùng iOS nhớ Google hơn bao giờ hết.
Một nét nữa làm nên sự hấp dẫn của Apple dưới thời Steve Jobs là bức màn bí ẩn bao quanh cách sản phẩm của hãng. Steve Jobs và Apple của ông. Cũng phải thôi khi mà sản phẩm của Apple luôn được coi là chuẩn mực và các hãng khác khao khát copy. Apple dưới thời Tim Cook thiếu hẳn điều này. Không rõ là Tim Cook bảo mật kiểu gì mà thông tin sản phẩm hầu như bị leak ra rất sớm và rất chính xác. Đến nỗi mà mẫu iPhone Trung Quốc xuất hiện trước cả khi iPhone 5 ra mắt.
Tầm ảnh hưởng dần kém đi
Dưới thời Steve Jobs, những gì Apple làm là chuẩn mực của thế giới và việc của các hãng khác không phải là cạnh tranh mà là chạy theo những thay đổi của quả táo. Hãy nhìn sự thất bại của Microsoft, Nokia, RIM khi quyết định cạnh tranh với Apple thời điểm đó. Apple thậm chí đã khai tử thành công Flash - thứ mà không ai nghĩ họ có thể thành công tại thời điểm đó. Apple - Steve mở ra thời kỳ máy tính bảng, phát minh lại điện thoại, thay đổi ngành âm nhạc bằng những sản phẩm đi trước thời đại vài năm.
Còn Apple 2012, vẫn thành công nhưng họ đã yếu đi rất nhiều. Người ta bắt đầu so sánh iPhone với Galaxy, iPad mini chỉ là kẻ đi sau, các sản phẩm Mac chẳng qua là kế thừa sự thành công từ trước và khoảng cách giữa họ và các đối thủ đã giảm đi nhiều. Lần đầu tiên kể từ khi chính thức bán ra, iPhone không còn là chiếc điện thoại bán chạy nhất một quý...
Các sản phẩm của Apple vẫn hấp dẫn và mạnh mẽ nhất thế giới nhưng họ không còn là tuyệt đối. Tỷ lệ người khẳng định chiếc điện thoại thông minh tiếp theo của họ là iPhone giảm lần đầu tiên sau nhiều năm liên tục tăng. Tuy vẫn ở mức 90% nhưng đó là dấu hiệu cho thấy sự trung thành của khách hàng với iPhone đang giảm.
Một năm đầy biến động của Apple đã trôi qua. Nếu như năm 2013 vẫn tiếp tục như vậy, có lẽ, thời của Apple đã bắt đầu qua đi. Cá nhân tôi, vẫn hi vọng vào sự trở lại mạnh mẽ của táo khuyết trong năm tới.