3 sai lầm tai hại 90% người đi xin việc mắc phải mà bạn cần tránh

    Nguyễn Linh, Theo Trí Thức Trẻ 

    Vượt qua một cuộc phỏng vấn xin việc làm thường là một trải nghiệm không hề dễ dàng với hầu hết những người đi xin việc. Đôi khi bạn có thể bị loại chỉ vì những sai lầm ngớ ngẩn, nhưng nếu biết cách giải quyết các tình huống và tránh những lỗi thường gặp thì tỷ lệ thành công của bạn sẽ tăng lên rất nhiều.

    Mới đây, các nhà nghiên cứu đã tiến hành phỏng vấn một số tình nguyện viên để tìm ra những lỗi mà các ứng viên xin việc thường hay mắc phải. Họ tổ chức một buổi phỏng vấn cho một công việc thực sự trong một phòng kín, những người phỏng vấn gây áp lực, đặt câu hỏi kiểm tra cho tất cả những người có mặt tại Rockefeller Plaza. Ariel Schur, giám đốc điều hành, giám đốc tuyển dụng và cũng là người sáng lập ra công ty tuyển dụng ABS Staffing Solutions, đã phỏng vấn các ứng viên ứng tuyển cho một công việc tại công ty Baked By Melissa – một công ty nổi tiếng về sản xuất bánh quy tại New York. Sau khi nói chuyện với những người ứng tuyển, bà đã nhận thấy ba sai lầm lớn nhất mà người tìm việc cần phải tránh.

    1. Trình bày như đọc thuộc bản lý lịch của bạn

    Ariel Schur chia sẻ với hãng tin CNBC: "Chiến thuật của tôi là, tôi có thể đọc những gì bạn viết trên giấy, vậy nên hãy nói cho tôi biết những gì không có trên bản lý lịch của bạn. Hãy nói cho tôi biết bạn là ai và điều gì làm bạn khác biệt với những người khác".

    Theo Schur, một số ứng cử viên dường như đã có kinh nghiệm đi phỏng vấn nên chỉ dựa vào các câu trả lời cực kỳ chuyên nghiệp trên các trang web hướng dẫn. Mặc dù câu trả lời của họ có vẻ khá trôi chảy nhưng điều đó khiến phần trình bày của họ không có sự khác biệt.

    Schur khuyên bạn cần nói về sự nghiệp và kỹ năng của mình, bạn cũng cần chia sẻ một vài chi tiết về bản thân. Đừng ngại thảo luận về các mục tiêu nghề nghiệp của bạn, điều bạn quan tâm và điều gì làm bạn hứng thú.

    2. Nói không đúng trọng điểm

    Mỗi phút của cuộc phỏng vấn xin việc của bạn đều quý giá như vàng, do đó, bạn không nên trình bày dài dòng. Schur nói rằng, nếu bà không hiểu những gì một ứng viên đang đề cập đến, anh chắc chắn có rất ít cơ hội nhận được công việc. Bà nói: "Tôi nghĩ bạn cần hiểu rõ ngôn ngữ cơ thể và đoán được thái độ của người đang phỏng vấn bạn để chuyển chủ đề đúng thời điểm. Hãy tìm các dấu hiệu ngôn ngữ như một cái nhìn trống rỗng hoặc nhìn xung quanh căn phòng, đó có thể là dấu hiệu họ đang mất tập trung”.

    3. Trình bày bản lý lịch cẩu thả

    Schur nói: "Sơ yếu lý lịch của bạn giống như hồ sơ trên Facebook. Bạn chắc hẳn sẽ không muốn hình ảnh hồ sơ – một trong những yếu tố được coi là đại diện cho con người ứng viên – lại chính là nguyên nhân chính khiến bạn bị loại. Hãy kiểm tra hồ sơ một cách cẩn thận nhất: phông chữ, lỗi chính tả, cách trình bày khoa học,… Một số người có thể cho rằng việc soi mói từng dấu chấm câu là tiểu tiết, nhưng điều này thực sự hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, bạn cũng cần cố gắng trình bày bản giới thiệu bản thân một cách thú vị và mới mẻ”.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày