4 công nghệ đang trở thành xu hướng của smartphone năm 2015

    Yến Thanh,  

    Công nghệ quét võng mạc, công nghệ cảm ứng lực... đều là những tính năng mới, lạ và hữu ích trên smartphone ngày nay.

    1. Công nghệ quét võng mạc

     

    Thử dùng tính năng Windows Hello trên Lumia 950 XL

    Dù không phải công ty đi đầu trong xu hướng bảo mật sinh trắc học, cụ thể là công nghệ quét võng mạc mắt. Nhưng bản thân Microsoft đã và đang áp dụng rất tốt công nghệ này trên các sản phẩm hàng đầu của mình. Đó là tính năng Windows Hello trên bộ đôi Lumia 950/950 XL và Surface Pro 4/Book.

    Điểm vượt trội của công nghệ này là việc thiết bị sẽ nhận diện các thuộc tính vật lý và đặc điểm sinh học chỉ tồn tại riêng biệt trên từng bộ phận của cơ thể người như võng mạc, khuôn mặt… Ngoài ra, Windows Hello cũng không dễ bị đánh lừa bởi những bức ảnh kỹ thuật số thông thường.

    Về cơ bản, điều này cho phép máy tính được bảo vệ tốt hơn, đồng thời, phòng ngừa những rủi ro có thể xảy ra. Về cơ chế hoạt động, Windows Hello của Microsoft sẽ cho phép truy cập nhanh vào các smartphone, tablet, laptop thông qua bảo mật bằng sinh trắc học.

    Tính năng này hoạt động bằng cách quét khuôn mặt, võng mạc của người dùng để mở khóa thiết bị, thay thế mã PIN hoặc mật khẩu đăng nhập vào smartphone. Nhìn về tương lai, công nghệ quét võng mạc hứa hẹn sẽ là một giải pháp toàn diện nhằm tăng cường an ninh tổng thể và hỗ trợ đắc lực cho các hoạt động bảo mật.

    2. Công nghệ cảm ứng lực

     

    Tính năng 3D Touch trên iPhone 6s Plus

    Như chúng ta đã biết, một trong những cải tiến lớn nhất trên màn hình của bộ đôi iPhone 6s và iPhone 6s Plus thế hệ mới chính là công nghệ 3D Touch, hay còn được gọi là công nghệ cảm ứng lực. Về cơ bản, 3D Touch là một tính năng hoàn toàn mới trên iPhone.

    Tính năng này cho phép màn hình nhận diện được hai cấp độ cảm ứng lực trên màn hình iPhone. Trong đó, Peek và Pop là hai cách để người dùng có thể tương tác được với màn hình, qua đó cho phép xem trước nội dung của một ứng dụng và trải nghiệm nội dung đó theo một cách hoàn toàn mới lạ.

    Hiểu đơn giản, khi người dùng nhấn một lực mạnh lên màn hình, hệ thống sẽ nhận lệnh và mở ra màn hình xem trước nội dung mục hoặc ứng dụng đã chọn. Chế độ Peek nói chung sẽ hoạt động giống như một pop-up hiển thị nội dung email, hình ảnh, trang web.

    Đồng thời, người dùng cũng có thể tương tác ngay trên những pop-up này. Trong khi đó với thao tác ấn nhẹ, người dùng có thể truy cập ứng dụng hoặc mục như bình thường. Ngoài ra, 3D Touch còn có thể giúp giảm các hoạt động thừa cho các tính năng thường được sử dụng trên các ứng dụng phổ biến.

    3. USB Type-C

    Trong thời gian gần đây, chúng ta đã nghe nói rất nhiều về chuẩn USB Type-C trên các thiết bị thông minh như smartphone, tablet hay laptop. Vì tính chất mới nên đã có rất nhiều người dùng tỏ ra thèm khát chuẩn USB này, dù chưa hề biết rõ về USB Type-C.

    Về cơ bản, đây là 1 chuẩn USB mới với đầu jack kết nối có thể cắm cả 2 mặt. Điều này đồng nghĩa, trong tương lai, chúng ta sẽ không cần phân biệt đầu cắm như những cổng USB trước đây. Bên cạnh đó, kích thước đầu kết nối của USB Type-C nhỏ gọn hơn so với Type-A truyền thống.

    Một minh chứng đơn giản nhất chính là việc Apple đã giới thiệu dòng laptop Macbook 12 inch với chuẩn kết nối USB 3.1 Type-C. Với bước đi này, Apple đã nổ một phát súng tiên phong trong việc áp dụng chuẩn công nghệ USB mới, cũng như các hãng sản xuất khác bắt đầu chú tâm đến nhiều hơn và sự xuất hiện của các thiết bị sử dụng cổng USB Type-C bắt đầu nhen nhóm từ đây.

    Ngoài ra, USB 3.1 có tốc độ truyền tải dữ liệu nhanh hơn rất nhiều, đạt mức 10Gbps (gigabits/giây), gấp đôi so với tốc độ của USB 3.0 hiện nay. Không những truyền tại dữ liệu nhanh mà USB 3.1 còn có khả năng tải điện năng lên tới 100 Watt. Điều đó cũng có nghĩa, người dùng có thể sạc các thiết bị ngoại vi bằng cáp USB nhanh hơn rất nhiều.

    4. Công nghệ màn hình không thể vỡ

     

    Công nghệ màn hình "không thể vỡ" của Motorola

    Nhằm quảng bá cho smartphone của mình, Motorola từng tung ra 1 video quảng cáo về smartphone Droid Turbo 2 trong đó hướng tới chức năng chống vỡ màn hình. Ngay sau khi video quảng cáo được phát đi, rất nhiều người dùng đã cùng đặt ra câu hỏi: Motorola đã sử dụng công nghệ nào trên chiếc Droid Turbo 2 này?

    Theo những công bố của Motorola, để chiếc Droid Turbo 2 có khả năng chống va đập tốt như vậy, hãng này đã đưa ra công nghệ có tên ShatterShield. Được biết, Motorola đã bắt đầu triển khai công nghệ này từ cách đây khoảng 3 năm trước.

    Hiểu đơn giản, ShatterShield chính là một công nghệ bảo vệ màn hình, nhưng được cải biên và tích hợp thêm một số kỹ thuật cần thiết giúp nó có khả năng chống vỡ, chống xước tốt hơn. Ở thời điểm hiện tại, Motorola cho rằng, ShatterShield là công nghệ màn hình duy nhất trên thế giới "không thể vỡ".

    Trong trường hợp người dùng có những sự cố nứt, vỡ liên quan tới màn hình, Motorola sẵn sàng bảo hành phần màn hình này lên tới 4 năm, kể từ ngày mua sản phẩm. Tất nhiên, để kiểm nghiệm những khẳng định trên, chúng ta cần phải chờ tới những màn so sánh giữa ShatterShield và tấm kính Gorilla Glass 4 mới nhất.

    Tổng hợp

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ