4 đặc điểm này trên Galaxy S10 hứa hẹn sẽ trở thành xu hướng smartphone 2019
Samsung đã nói rất nhiều điều về thế hệ Galaxy S10 tại sự kiện ra mắt. Chỉ có điều hãng đã quên không nhắc đến việc một số tính năng trên máy có khả năng sẽ trở thành chuẩn mực của smartphone trong năm 2019.
Samsung Galaxy S10 đã ra mắt theo cách không quá bất ngờ bởi trước đó cấu hình và tính năng của máy đã rò rỉ khá nhiều. Nhưng điều làm giới công nghệ bất ngờ, đó là việc Samsung đã biết cách biến các khái niệm mơ hồ trở nên dễ hiểu hơn, điều mà nhiều hãng Trung Quốc vẫn đang loay hoay chưa làm được.
Thậm chí nếu những tính năng này được người dùng đón nhận, nó sẽ sớm trở thành một chuẩn mực mới của ngành công nghiệp smartphone trong năm 2019
Màn hình nốt ruồi: Lựa chọn thay thế hoàn hảo cho tai thỏ
Còn nhờ năm 2018, khái niệm màn hình nốt ruồi còn khá mơ hồ với nhiều người. Ngay cả khi Samsung tiên phong ra mắt Galaxy A8s với màn hình nốt ruồi (Infinity-O) tại thị trường Trung Quốc vẫn không có nhiều người hiểu rõ về nó.
Nhưng khi Galaxy S10/S10 /S10e ra mắt, giới công nghệ mới hiểu chính xác hiệu quả sử dụng của màn hình này đối với trải nghiệm nội dung. Màn hình nốt ruồi thoạt nhìn có thể khiến bạn cảm thấy hơi lạ nhưng việc khuyết đi một lỗ tròn nhỏ không đáng quan ngại như tai thỏ.
Tai thỏ chiếm tỷ lệ khá lớn trên màn hình, thậm chí còn gián tiếp làm giảm không gian sử dụng và tạo ra sự mất cân đối. Giải pháp duy nhất là bổ sung thêm cho nó một dải đen để đồng bộ.
Lợi thế của màn hình nốt ruồi là việc camera selfie được bảo vệ ổn định dưới lớp kính màn hình. Hướng thiết kế camera này về cơ bản đảm bảo được độ bền cơ học tốt hơn so với các giải pháp camera selfe khác như trượt hay thò thụt.
Với những lợi ích đã được chứng minh, sẽ không ngạc nhiên khi màn hình nốt ruồi sẽ là khái niệm mới định hình thế giới Android. Năm ngoái Huawei cũng có model Nova 4 trang bị màn hình nốt ruồi và rất có thể trong năm nay là các hãng khác như Xiaomi, Oppo hay Vivo.
Vân tay dưới màn hình sẽ nở rộ trong năm nay
Bộ đôi Galaxy S10/S10 trang bị cảm biến vân tay siêu âm 3D dưới màn hình. Samsung chính xác đã chậm chân hơn các hãng Trung Quốc trong việc đưa cảm biến xuống dưới màn hình. Thế nhưng "chậm mà lại chắc". Dù đi sau nhưng Samsung lại biết cách học hỏi từ đối thủ và chọn giải pháp cảm biến rất thông minh.
Khác với cảm biến vân tay diện dung truyền thống hay cảm biến quang học dưới màn hình, cảm biến vân tay siêu âm 3D trên Galaxy S10 có nhiều ưu điểm nổi trội hơn hẳn. Đơn cử như việc công nghệ này cho độ bảo mật cao hơn gấp nhiều lần. Việc dùng máy quét hình ảnh 3D vân tay khiến việc làm giảm vân tay như hình ảnh 2D trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Ngoài ra, cảm biến này có tốc độ nhận diện nhanh không kém các cảm biến vân tay truyền thống, thậm chí có thể dùng ngay cả khi ngón tay của bạn bị bẩn hoặc dính nước. Trước đó các model smartphone như Mi 8 hay Vivo X20 Plus USD chỉ dùng cảm biến vân tay quang học.
3 camera sau sẽ trở thành tiêu chuẩn camera của năm 2019
Có lẽ từ năm 2019 này, xu hướng camera sẽ lại thay đổi giống như cách các hãng ồ ạt nâng cấp từ camera đơn lên camera kép hồi năm 2017.
Năm 2018, chúng ta đã thấy sự nhen nhóm của xu hướng 3 camera, đơn cử như các model Huawei P20 Pro hay Galaxy A7 (2018). Có lẽ nhận thấy được tiềm năng của xu hướng 3 camera nên Samsung đã quyết định chơi lớn trong năm 2019. Hai model Galaxy S10/S10 đều trang bị ít nhất 3 camera sau. Trong đó Galaxy S10 có thêm cảm biến ToF.
Tất nhiên với người dùng phổ thông, việc có thêm một camera hay nhiều camera không quan trọng với họ. Nhưng mặt khác đối với người dùng chuyên nghiệp hay các nhà sản xuất, họ rất quan tâm đến việc cải thiện chất lượng hình ảnh và bổ sung thêm các chế độ chụp ảnh sao cho hấp dẫn nhất. Cuối cùng thì người dùng vẫn là bên được lợi nhất.
Có nhiều camera, người dùng sẽ có nhiều lựa chọn hơn khi chụp ảnh trong các điều kiện khác nhau. Đơn cử như cần chụp phong cảnh, nhóm đông đã có camera góc rộng trợ giúp hay khi chụp ảnh xóa phông, đã có camera tele hỗ trợ. Hoặc nếu muốn chụp trong điều kiện ánh sáng tối thì camera chính với khẩu độ thay đổi được là một lựa chọn tuyệt vời.
Sạc không dây ngược cho thiết bị khác: Xu hướng mới lạ hứa hẹn sẽ hút người dùng
Đi trước Samsung, Huawei đã sớm cho ra mắt tính năng sạc ngược không dây trên bộ đôi Huawei Mate 20 và Mate 20 Pro. Thậm chí công nghệ sạc của Huawei còn hỗ trợ công suất lên tới 15W. Thế nhưng như đã chỉ ra trước đó, tính năng sạc ngược không dây của Huawei khá bất tiện khi người dùng không có tùy chọn để kích hoạt nhanh.
Còn với Samsung, hãng đã giới hạn dung lượng pin tối thiểu cho phép sạc ngược không dây là 30% và khéo léo tích hợp một nút kích hoạt nhanh tính năng này. Có thể thấy, dù đi sau nhưng Samsung lại chăm chút rất tỉ mỉ cho từng chi tiết nhỏ.
Sạc không dây ngược không phải là tính năng quá mới nhưng trên thực tế vẫn còn khá lạ lẫm với nhiều người. Nếu biết cách tận dụng, người dùng hoàn toàn có thể biến điện thoại trở thành một cục sạc dự phòng tiện lợi cho các thiết bị khác.
Sẽ không có gì lạ nếu chúng ta có thể thấy các model smartphone cao cấp trang bị tính năng sạc không dây ngược trong năm nay. Bởi đây chắc chắn là một xu hướng mà nhiều người dùng điện thoại rất quan tâm.
Tổng kết
Chạy đua công nghệ là một cuộc đua đòi hỏi tốc độ. Ở đó, các hãng đi trước sẽ có lợi thế hơn hẳn về mặt truyền thông và sự ghi nhận của người dùng. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, trường hợp của Apple đã minh chứng, không phải ai tiên phong cũng trở thành "hiện tượng".
Mặc dù đã có những thứ các hãng Trung Quốc đi trước cả Samsung hay Apple. Nhưng rốt cuộc, ai đạt được độ phủ sóng cao hơn, độ nhận diện thương hiệu lớn và doanh số tốt hơn mới chính là những người được công nhận là tạo ra xu hướng. Nói đến đây có thể hiểu, Samsung và Apple đang nắm trong tay lợi thế quan trọng để định hình thị trường smartphone.
Chúng ta hãy cùng chờ đợi xem, sức ảnh hưởng của thế hệ Galaxy S10 đối với xu hướng của ngành công nghiệp smartphone trong năm 2019 này sẽ như thế nào.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?