Không phải phần cứng, mà phần mềm mới là điểm yếu lớn nhất của camera trên chiếc Nokia 6.
Chê #1: Phần mềm chưa thật sự hoàn thiện
Ngay lần đầu mở ứng dụng Máy ảnh mà chưa chụp bất kỳ một tấm hình nào, người dùng đã có thể ngay lập tức nhận ra những vấn đề cho thấy sự thiếu đầu tư của Nokia - đặc biệt là khi bạn là người Việt và sử dụng tiếng Việt làm ngôn ngữ chính. Bên cạnh những lỗi nhỏ về font chữ hay các thành phần chưa được Việt hóa, thì dịch thuật của một số cụm từ cũng rất khó hiểu, khiến ngay cả những tay chơi ảnh chuyên nghiệp còn cảm thấy lúng túng, huống chi là người dùng bình dân.
Ứng dụng chụp ảnh còn rất nhiều lỗi về dịch thuật
Chúng ta có thể tạm "thông cảm" cho Nokia về vấn đề này, vì dù sao đây vẫn là chiếc máy dành riêng cho thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, tôi tin rằng Nokia vẫn còn có thể làm rất nhiều điều để ứng dụng này trở nên tốt hơn.
Nokia 6 cho phép người dùng chụp liên tục (burst) bằng cách giữ vào nút chụp. Tuy nhiên, thay vì hiển thị một giao diện trực quan giúp cho người dùng nhanh chóng lựa chọn những ảnh đẹp và xóa những ảnh xấu, thì Nokia 6 lại "đẩy" tất cả ảnh vào một thư mục trong bộ nhớ máy, và ứng dụng Thư viện sẽ hiển thị nó dưới dạng một album. Điều này không khác gì một "thảm họa" với người dùng, khi họ không những sẽ phải "đối mặt" với hàng loạt album, mà trong mỗi album đó còn là rất nhiều ảnh mà họ sẽ phải chọn và xóa một cách thủ công - một công việc rất tốn thời gian và cũng không lấy gì làm vui vẻ.
Ảnh chụp liên tục (burst) sẽ bị đưa ra một album riêng, rất khó để quản lý và phân loại
Chế độ chỉnh tay (Manual Mode) cũng được tích hợp, tuy nhiên nó cũng chỉ là dạng "thêm cho đủ, có cho vui". Thông số được nhiều người quan tâm là tốc độ màn trập (hay phơi sáng) hoàn toàn thiếu vắng, trong khi đó chế độ lấy nét tay cũng chỉ có hai mức là vô cực (infinity) và cận cảnh (macro) chứ không có thanh trượt để điều chỉnh.
Nokia 6 cho phép người dùng chỉnh tay nhưng ở mức rất hạn chế
Để kích hoạt hai tính năng trên, người dùng sẽ phải sử dụng các ứng dụng bên thứ ba như Camera FV-5. Với ứng dụng này, người dùng sẽ có thể điều chỉnh tốc độ màn trập và khoảng cách lấy nét một cách chính xác hơn, tuy nhiên tốc độ màn trập tối đa cũng chỉ là 0.5s - chưa thật sự đủ để tạo nên các tác phẩm nghệ thuật.
Chê #2: Nhiều tính năng thừa thãi
Mặc dù chưa thật sự hoàn thiện, nhưng ứng dụng camera của Nokia 6 lại có rất nhiều tính năng thừa thãi mà có lẽ sẽ chẳng có ai dùng đến.
Ba tính năng thừa thãi trong ứng dụng camera của Nokia 6
Thừa thãi nhất có lẽ là tính năng... thay đổi giao diện của ứng dụng, khi người dùng sẽ có thể thay đổi màu của nút chụp, gridlines và các thành phần giao diện khác. Nghe đến đây có lẽ các bạn cũng đã thấy nó thừa thãi của nó là đến mức nào rồi, vậy nên tôi sẽ không giải thích gì thêm.
Thứ hai là tính năng la bàn. Về bản chất, la bàn là một công cụ cực kỳ hữu ích, đặc biệt là khi bạn đang mất phương hướng. Tuy nhiên, trong khi các nhà sản xuất khác tách nó ra làm một ứng dụng riêng, thì không hiểu vì lý do gì mà Nokia lại tích hợp nó vào trong ứng dụng Máy ảnh. Việc bị đặt sai chỗ đã khiến cho tính năng này không những dễ dàng bị người dùng bỏ quên (do ai nghĩ la bàn được tích hợp vào máy ảnh?), mà còn khiến cho ứng dụng này phải chứa thêm những đoạn mã không cần thiết, ảnh hưởng đến tốc độ khởi động.
Thứ ba là khả năng chèn các thông tin vào ảnh chụp như thời gian, địa điểm và nhiệt độ, khá giống với ứng dụng Instaweather từng một thời làm mưa làm gió, chỉ khác là xấu gấp ngàn lần. Tôi nghĩ sẽ không ai muốn bức hình đẹp của mình bị phá hỏng bởi những dòng chữ này, trong khi họ có thể dễ dàng bổ sung nó sau khi chụp bằng các phần mềm khác.
"Sản phẩm" từ tính năng Watermark
Bên cạnh ba tính năng trên, Nokia 6 còn được trang bị một chế độ mang tên "Boost Light". Nokia không có bất kỳ lý giải nào về chế độ này, thế nhưng nếu dựa theo tên gọi, có lẽ nó sẽ giúp tăng cường độ sáng trong điều kiện ánh sáng thấp. Tuy nhiên qua thử nghiệm của cá nhân tôi, chế độ này không đem lại nhiều cải thiện cho bức ảnh, mặc dù cho tốc độ chụp chậm hơn khá nhiều chế độ thông thường. Vậy là thêm một tính năng vô dụng nữa mà người dùng sẽ chẳng bao giờ sử dụng lần thứ hai.
Tính năng Boost Light không mang đến hiệu quả rõ rệt
Chê #3: Khó sử dụng
Bên cạnh những tính năng thừa thãi trên, ứng dụng camera của Nokia 6 không có nhiều tính năng "hoa hòe" như các nhà sản xuất khác như bộ lọc (filter), chế độ chụp đồ ăn hay chụp ảnh bằng giọng nói. Tuy nhiên, do được thiết kế không thật sự khoa học, thao tác trên ứng dụng này rất rườm rà và khó sử dụng. Ví dụ, để kích hoạt chế độ chỉnh tay hay "Boost Light" ở trên, người dùng sẽ cần phải vào hẳn phần Cài đặt, tốn khoảng 5-7 giây nhưng cũng đã đủ để khiến bạn mất đi khoảnh khắc đẹp.
Người dùng sẽ phải vào phần cài đặt để chuyển giữa các chế độ chụp ảnh thường, chỉnh tay hay "Boost Light"
Trong khi đó, ở giao diện chụp chính thì máy lại có một nút nhỏ với biểu tượng y hệt nút chụp, khiến người dùng tỏ ra bối rối. Nhưng, thực chất nó lại được dùng để chuyển giữa các chế độ. Lý do tại sao Nokia không tích hợp hai chế độ trên kia vào đây? Tôi cũng không rõ.
Nút chuyển chế độ với thiết kế giống y hệt nút chụp khiến cho không ít người bị hiểu nhầm
Camera của Nokia 6 cũng có chế độ làm đẹp, chủ yếu hướng đến các bạn nữ với nhu cầu selfie mang tên Touch Up. Tuy nhiên, cách thức mà ứng dụng này sử dụng để biểu hiện mức độ làm đẹp là rất thiếu trực quan, khi chúng ta chỉ có các mức 0/5/10/15... mà không rõ là yếu tố nào của khuôn mặt đang được điều chỉnh (độ to của mắt, độ mịn da mặt hay "bóp" mặt V-line?).
Chế độ làm đẹp mang tên "Touch Up"
Về video, Nokia 6 được trang bị khả năng quay time-lapse và slow-motion với hai mức 120fps@480p và 90fps@720p. Tuy nhiên, cả hai tính năng này được gộp vào một thanh cuộn duy nhất với 5 mức là 3x, 2x, 1x, 1/2x và 1/3x. Nếu như bạn đã quen sử dụng tính năng này, thì có lẽ nó sẽ không gây cho bạn nhiều trở ngại. Tuy nhiên đối với những người dùng lần đầu, thì chắc chắn cách sử dụng của nó là rất khó hiểu. Chế độ này cũng không tự động đặt độ phân giải phù hợp khi người dùng chuyển sang mức slow-motion tương ứng, khiến cho họ lại phải vào phần Cài đặt và đổi bằng tay. Rất rắc rối.
Chế độ Time-lapse và Slow-motion được gộp lại trong một thanh cuộn
Chê #4: Tốc độ chậm
Thứ duy nhất mà tôi có thể đánh giá là 'nhanh' ở camera Nokia 6 là tốc độ khởi động, khi người dùng có thể bấm hai lần phím nguồn để kích hoạt camera nhanh. Còn lại, tốc độ chụp của máy là khá chậm.
So sánh với Galaxy J7 Prime - một sản phẩm trong cùng phân khúc 6 triệu với cùng một khoảng thời gian, trong khi J7 Prime có thể chụp 32 tấm thì Nokia 6 chỉ là 14 tấm. Điều này khiến cho trải nghiệm chụp ảnh với Nokia 6 không thật sự thích thú, do người dùng sẽ phải đợi trong tích tắc mỗi khi bấm phím chụp.
So sánh tốc độ chụp ảnh giữa Nokia 6 và Galaxy J7 Prime
Với chế độ HDR, mọi thứ còn trở nên tệ hơn. Và như đã đề cập ở trên, chế độ Boost Light cũng sẽ khiến máy chụp chậm đi, mặc dù không đem lại hiệu quả rõ rệt
Tốc độ chụp HDR và tính năng "Boost Light"
Khen: Chất lượng ảnh chấp nhận được ở phân khúc giá
Mặc dù phần mềm vẫn còn rất nhiều vấn đề, tuy nhiên điều quan trọng là Nokia 6 vẫn cho ảnh ở mức chấp nhận được. Không phải tốt, không phải tệ, mà là chấp nhận được và hoàn toàn có thể cạnh tranh với các sản phẩm trong cùng phân khúc.
Thông số kỹ thuật camera Nokia 6
Camera chính: 16MP, f/2.0, lấy nét theo pha (PDAF), kích cỡ điểm ảnh 1.0 µm, quay phim Full HD, hỗ trợ slow-motion, đèn flash dual-tone
Camera phụ: 8MP, f/2.0, kích cỡ điểm ảnh 1.12 µm, quay phim Full HD
So sánh với một số chiếc máy như Galaxy J7 Prime hay Galaxy A5 2017, Nokia 6 tuy không cho những bức ảnh "tỏa sáng màn đêm", tuy nhiên đây thực chất là do những chiếc máy Samsung luôn có thuật toán kéo sáng lên rất mạnh, trong khi Nokia 6 lại không cố làm điều này. Độ phân giải 16MP vượt trội cũng giúp cho ảnh của Nokia 6 đạt được độ chi tiết cao.
So sánh camera Nokia 6 với Galaxy J7 Prime và Galaxy A5 2017
So sánh camera Nokia 6 với Galaxy J7 Prime, Galaxy A5 2017 và iPhone 6
Ảnh do Nokia 6 chụp
Do Nokia 6 không có OIS, vậy nên những đoạn video mà chiếc máy này ghi lại được sẽ không thật sự mượt mà nếu như bạn rung tay. Tuy nhiên, nếu tránh được điều này, thì chất lượng của nó vẫn đủ tốt đối với đa số người dùng.
Video quay thử bằng Nokia 6
Camera selfie 8MP của máy tuy không thật sự "ảo diệu" (do bộ phần mềm đi kèm quá tệ) và vẫn thua kém xa một chiếc máy nổi bật trong cùng phân khúc là Oppo F1s, tuy nhiên, cũng như hai yếu tố ở trên, chất lượng mà nó đem lại là ở mức chấp nhận được.
Ảnh selfie từ Nokia 6
Tổng kết
Mặc dù Nokia 6 không để lại bất kỳ ấn tượng nào trong tôi về camera, tuy nhiên, tôi không đánh giá thấp nó. Đừng quên rằng Nokia 6 chỉ là một chiếc máy tầm trung, và qua những gì mà chúng ta được thấy, nó hoàn toàn đủ sức để có thể cạnh tranh với các sản phẩm trong cùng phân khúc. Sẽ không ai mua Nokia 6 vì camera, tuy nhiên nếu như bạn quan tâm đến chiếc Nokia 6, thì tôi nghĩ rằng camera của nó cũng sẽ không khiến bạn phải thất vọng.
Camera Nokia 6 cho chất lượng tốt, tuy nhiên phần mềm vẫn chưa thật sự hoàn thiện
Thế nhưng, Nokia còn rất nhiều việc để làm - đặc biệt là về phần mềm. Ứng dụng máy ảnh của Nokia 6 có lẽ là một trong những ứng dụng tệ nhất hiện nay, cả về tính năng lẫn cách sử dụng. Điều này sẽ khiến người dùng Lumia cảm thấy rất thất vọng, khi ứng dụng Lumia Camera trên Windows Phone trước đây tốt bao nhiêu, thì trên Android lại là một câu chuyện hoàn toàn trái ngược. Để có thể tiếp cận thị trường Việt Nam, Nokia sẽ cần phải hoàn thiện nó hơn rất nhiều.
Xin cảm ơn cửa hàng Mi Việt Nam đã giúp đỡ chúng tôi thực hiện bài viết này!
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming