Sau 1 tuần trải nghiệm Redmi Note 13 Pro 4G mới, tôi đã xác định được ngay đây chính là 4 kiểu người dùng cực kì phù hợp để sở hữu chiếc máy này.
Số 1: Người mê cái đẹp
Điểm ấn tượng đầu tiên về Redmi Note 13 Pro 4G mà thôi thấy chính là máy quá đẹp. Dù chất liệu bên ngoài đều là nhựa nhưng khung viền cho cảm giác như kim loại, mặt lưng cũng cứng cáp, phủ lớp nhám lên sờ vào còn tưởng kính cường lực xịn. Cảm giác cầm nắm máy trên tay cũng rất tốt vì vừa đủ nhẹ nhàng, các góc bo cong nhẹ không gây cấn.
Hiện tại máy đang có 3 màu sắc để lựa chọn là Xanh thẫm, Tím và Đen. Bản màu Xanh tôi cầm trên tay thật sự rất đẹp, sang, vừa đủ trầm mà cũng nổi bật với kiểu thiết kế mà tôi gọi là “bậc thang”, màu nhạt dần về phía đỉnh máy. Cách gia công các chi tiết nhỏ cũng hoàn hảo, không chê được gì. Tính ra, chiếc máy này thực sự là nhìn trên ảnh đẹp bao nhiêu thì khi cầm trên tay đẹp bấy nhiêu.
Trong hộp máy được tặng kèm 1 ốp lưng silicon dẻo màu xám trông khá xịn nhưng tôi lại thấy chưa ưng lắm. Thiết kế gồ lên ở phần camera làm cảm giác cầm nắm khi xem phim, chơi game theo chiều ngang khá khó chịu. Chưa kể nút bấm nguồn và âm lượng của chiếc ốp này cũng bị cứng, không rõ là lỗi đơn lẻ hay theo lô.
Số 2: Người thích cày phim
Màn hình của Redmi Note 13 Pro dùng tấm nền AMOLED 6.67 inch fullHD+ với độ sắc nét cao, tương phản tuyệt đối với màu đen sâu và độ sáng tối đa lên đến 1300 nits khi xem các nội dung chuẩn HDR. Dùng hàng ngày, độ sáng có thể lên tới 500 nits ở trong nhà và 1000 nits ngoài trời nắng. Con số này đã cao gần bằng các siêu phẩm giá gấp đôi, gấp 3 khác trên thị trường.
Hội mê cày phim chắc chắn sẽ thích chất lượng hiển thị của máy, chưa kể còn tích hợp loa ngoài kép với chất lượng rất ổn trong phân khúc này, nghe thoại to rõ không rè, hiệu ứng âm thanh vòm Dolby cũng sống động hơn, nhất là với các đoạn cao trào, nhạc nền nổi lên trong phim bom tấn.
Số 3: Người hay sửa ảnh bằng điện thoại
Tôi thấy các máy tầm trung như thế này mà tích hợp cảm biến chính độ phân giải cao hợp lý hơn cả các siêu phẩm nghìn đô. Lý do là vì chúng không thể tích hợp thêm camera zoom quang. Với Redmi Note 13 Pro 4G, khả năng zoom số của máy là rất tốt đến mức 3 - 4x. Độ chi tiết vẫn đủ cao, không bị vỡ hạt quá xấu, hoàn toàn đủ đăng lên mạng xã hội. Tuy nhiên, điểm trừ nhỏ là màu sắc đôi khi hơi nhợt nhạt, cần chỉnh sửa hậu kì để bắt mắt hơn.
Chi tiết tốt là vậy nhưng điểm yếu của Redmi Note 13 Pro 4G là xử lý màu sắc chưa ổn lắm, khi đậm quá, khi lại mờ nhạt, tương phản kém.
Dù vậy, thứ mà tôi đánh giá cao hơn cả vẫn là màn hình của máy. Vì máy thể hiện màu sắc rất tốt, độ chính xác cao nên cực kì hợp với những người thích chụp và sửa ảnh ngay trên điện thoại như tôi, kể cả khi xử lý ảnh từ máy ảnh chuyên nghiệp.
So với chiếc iPhone 13 Pro, Redmi Note 13 Pro 4G gần như không khác biệt trong việc tái tạo các màu sắc, độ tương phản và chi tiết vùng sáng/tối. Kể cả khi đặt cạnh Galaxy S24 Ultra thì khác biệt chỉ lộ ra khi bật chế độ màn hình siêu sáng vì siêu phẩm nhà Samsung có thể đẩy độ sáng lên đến hơn 2000 nits. Vậy là, thỉnh thoảng tôi có thể chỉnh sửa ảnh chụp cho khách hàng rồi gửi trả ngay trong ngày, không cần dùng máy tính cũng được.
Số 4: Người “sống vội”
Điện thoại pin “trâu” bây giờ không khó kiếm, khi mà công nghệ chip ngày càng ít tốn pin mà dung lượng mặc định luôn là khoảng 5000mAh. Với Redmi Note 13 Pro 4G thì còn có thêm ưu điểm với bộ sạc 67W tặng kèm ngay trong hộp. Con số này chưa phải cao nhất thị trường nhưng chắc chắn vẫn là điểm cộng đáng quan tâm khi mua.
Hội “sống vội” như tôi giờ không phải quá lo lắng khi máy hết pin giữa ngày vì chỉ cần cắm khoảng 10 phút là có 20% pin. Khi muốn sạc đầy 100% cũng chưa bao giờ tốn quá 1 tiếng. Tôi còn thử vừa sạc vừa dùng xem máy có bị nóng quá không và kết quả là không hề. Xiaomi đã tích hợp sẵn trình điều khiển thông minh, tự động tăng giảm công suất sạc tùy theo cách sử dụng máy nên không lo quá nhiệt, “cháy máy” nữa.
Về khoản thời lượng sử dụng, Redmi Note 13 Pro 4G không quá xuất sắc nhưng cũng không tệ chút nào. Thử chơi game Liên Quân trong 15 phút qua Wifi với mức độ họa gần cao nhất, độ sáng 80% và loa ngoài 30%, máy chỉ hao 5% pin. Với Tốc Chiến đồ họa trung bình, tốc độ khung hình 120fps, máy cũng chỉ tiêu tốn khoảng 10% cho mỗi 30 phút đánh. Nếu dùng với nhu cầu cơ bản, ít chơi game, không bật 4G liên tục hay dùng ngoài trời nhiều, bạn hoàn toàn yên tâm máy có thể trụ được ít nhất từ sáng sớm đến tối muộn cho mỗi lần sạc đầy.
Người không ưng lắm: Hội “nghiện” game
Nếu nghĩ rằng Redmi Note 13 Pro 4G là siêu phẩm chiến game trong phân khúc thì rất tiếc, bạn sẽ thấy hơi thất vọng về máy. Con chip Helio G99 Ultra nghe tên rất hoành tráng nhưng thực tế hiệu năng chơi game không cao lắm, đặc biệt khi kết hợp với GPU chỉ 2 nhân.
Ngay cả những tựa game như Liên Quân cũng có thể bị khựng hình trong những pha combat tổng. Nếu trong trận có ai đó dùng skin “xịn”, nhiều hiệu ứng đồ họa thì máy có thể không xử lý được cả các pha giao tranh chỉ 3 - 4 tướng.
Thế nhưng, khi chơi Tốc Chiến thì có vẻ khá khẩm hơn vì game cho phép mở mức khung hình 120fps cao nhất. Chất lượng đồ họa lúc này giảm xuống nhưng lại không lag, giật trong các pha giao tranh nhiều như Liên Quân. Tôi nghĩ rằng lý do cũng có thể nằm ở việc game Liên Quân chưa được tối ưu tốt bằng chứ không hoàn toàn do cấu hình máy chưa đủ cao.
Bạn có nằm trong số này?
Nếu đang cân nhắc mua Redmi Note 13 Pro 4G, bạn sẽ còn quan tâm đến khía cạnh nào khác? Liệu những ưu điểm trên đã đủ để bạn bỏ qua nhược điểm còn lại, để cảm thấy mức giá hơn 7 triệu đồng là xứng đáng?
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Nửa đêm, Facebook sập trên toàn cầu, Instagram, Threads cũng không thể truy cập