4 vật dụng trong nhà bẩn hơn cả toilet, đặc biệt có thứ ai cũng dùng đến 8 tiếng/ngày
Nếu nghĩ nhà vệ sinh là nơi bẩn nhất trong nhà thì bạn đã nhầm to, các “ổ” vi khuẩn thực chất lại xuất hiện trên chính những vật dụng quen thuộc đến không ngờ.
Nhắc đến những “ổ” vi khuẩn trong nhà, mọi người thường nghĩ ngay đến nhà vệ sinh, thùng rác hay gầm giường, tủ. Tuy nhiên, ít ai biết chúng còn trú ẩn trên cả những vật dụng quen thuộc như bàn chải đánh răng, vỏ gối và cả bàn phím máy tính.
Bàn chải đánh răng
Các nhà khoa học của Đại học Manchester (Anh) đã nghiên cứu và phát hiện, bàn chải đánh răng thực chất là một ổ vi trùng khổng lồ. Cụ thể, mỗi chiếc bàn chải để trong buồng tắm chứa đến hơn 100 triệu con vi trùng, trong đó có cả khuẩn E.coli gây tiêu chảy và khuẩn tụ cầu gây nhiễm trùng da. Ngoài ra theo tiến sĩ nha khoa Curatola (Mỹ), vi khuẩn trên bàn chải đánh răng thậm chí còn nhiều hơn trên bệ bồn cầu.
Để tránh các bệnh về răng miệng và lây nhiễm các vi khuẩn gây bệnh nguy hiểm, bạn nên thay bàn chải đánh răng mới sau khoảng 3-4 tháng. Ngoài ra, bạn cũng nên vệ sinh bàn chải đánh răng thường xuyên và đảm bảo giữ chúng luôn được khô ráo, bởi môi trường ẩm ướt sẽ tạo điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn phát triển. Bạn có thể tham khảo sử dụng các loại máy tiệt trùng dành riêng cho bàn chải với mức giá chỉ từ 400.000 - 600.000đ/máy nhằm đảm bảo bàn chải đánh răng được làm sạch triệt để.
Bàn phím máy tính
Dân văn phòng hẳn sẽ chăm lau chùi bàn phím hơn nếu biết vật dụng này thực còn chứa nhiều vi khuẩn hơn cả bệ bồn cầu. Một bệnh viện tại Hà Lan đã nghiên cứu 100 bàn phím của họ và phát hiện ra 95 chiếc dương tính với liên cầu Streptococcus, vi khuẩn tụ cầu, và nhiều loại vi sinh vật khác có thể gây ra chứng ngộ độc. Một trong những lý do khiến bàn phím “thu hút” vi khuẩn là bởi nhiều người thường có thói quen ăn uống ngay tại bàn làm việc, những mẩu vụn thức ăn rơi xuống bàn phím sẽ kích thích vi khuẩn sinh sôi nảy nở.
Do vậy, bạn đừng quên dành thời gian để vệ sinh bàn phím sạch sẽ mỗi tuần, từ đó bảo vệ bản thân khỏi các rủi ro về sức khỏe. Bạn có thể trang bị sẵn một bộ dụng cụ vệ sinh bàn phím hoặc đơn giản hơn - sử dụng một chiếc máy hút bụi mini để làm sạch nhanh kể cả những ngóc ngách “khó nhằn” trên bàn phím.
Miếng bọt biển rửa bát
Vốn là món đồ dùng để cọ rửa, những miếng bọt biển luôn chứa một lượng “dồi dào” vi khuẩn bên trong, dù chúng luôn được làm sạch với dung dịch tẩy rửa mỗi ngày. Theo một nghiên cứu năm 2017 do Scientific Reports thực hiện, có tới 82 tỷ vi khuẩn trên mỗi inch của một miếng bọt biển nhà bếp đã qua sử dụng.
Do đó, tốt nhất bạn nên thường xuyên thay thế miếng bọt biển định kỳ (khoảng 1-2 tuần/lần). Nếu tần suất sử dụng nhiều hơn thì nên thay mới khoảng 1 tuần/lần để đảm bảo an toàn hơn cho sức khỏe người dùng.
Vỏ chăn, ga, gối
Giường là nơi chúng ta thường dành từ 6-8 tiếng để nghỉ ngơi, thư giãn và phục hồi cơ thể sau một ngày làm việc vất vả. Tuy nhiên, vỏ gối và ga trải giường lại là nơi sinh sản một lượng lớn mạt bụi và vi khuẩn. Trong một nghiên cứu của công ty chăn ga gối đệm Amerisleep (Mỹ), vỏ gối không giặt trong một tuần có có thể sản sinh ra 3 triệu vi khuẩn, tức gấp khoảng 17.442 so với bệ toilet.
Khi chúng ta nằm trên giường, cơ thể sẽ bong da chết cùng bụi bẩn, mồ hôi lên chăn, ga, gối… Ngoài ra, bụi và các chất gây dị ứng, bao gồm cả mạt bụi cũng sẽ tích tụ theo thời gian trên chăn ga, gối nệm. Do đó, vỏ chăn, ga, gối tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về sức khỏe cho người dùng như hen suyễn, dị ứng, phát ban và chàm, mụn trứng cá, viêm nang lông…
Để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và cả gia đình, bạn nên thay ga trải giường, vỏ chăn và vỏ gối ít nhất 1 lần/tuần. Nếu bạn cho thú cưng ngủ trên giường thì nên thay ga 3-4 ngày/lần. Bạn cũng có thể sử dụng thêm máy hút bụi dành riêng cho giường nệm, sử dụng các dòng máy giặt/máy giặt sấy có chế độ diệt khuẩn để đảm bảo vỏ chăn, ga, gối được làm sạch tối đa.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming