4.0 được tôn vinh ở mọi nơi, nhưng các nhà máy và phân xưởng Việt Nam hầu hết mới ở giai đoạn công nghệ từ 2.0 đến 3.0, rất hiếm có công nghệ 4.0

    Quỳnh Như, Theo Trí Thức Trẻ 

    Về lý thuyết, thị trường Việt Nam có thể cung cấp cho các nhà máy sản xuất công nghệ từ 1.0 đến 4.0, nhưng thực tế lượng doanh nghiệp chấp nhận đầu tư tới công nghệ 4.0 chỉ đếm trên đầu ngón tay.

    Trong thời gian gần đây, chúng ta đã nghe Nhà nước lẫn các tổ chức khác nhau đề cập rất nhiều về việc ứng dụng công nghệ 4.0 hay chuyển đổi số ở các nhà máy.

    Tuy nhiên, nói thì dễ, làm rất khó. Sau vài năm thúc đẩy, tỷ lệ nhà máy ứng dụng công nghệ 4.0 ở Việt Nam vẫn còn rất hạn chế. Tại Việt Nam, rất khó để tìm được một nhà máy 4.0 thực sự, mà hầu hết doanh nghiệp sản xuất chỉ chọn thông minh hóa một vài phần trong nhà máy mà họ cảm thấy cần thiết hoặc mua các loại máy thông minh và... hết, tức chỉ ở giai đoạn khoảng 2.0 đến 3.0.

    Thế nào là một nhà máy thông minh 4.0?

    Theo ông Vanti Fan – Quản lý khu vực mảng Giải pháp tự động công nghiệp của công ty Delta Electronics, thuộc Tập đoàn Delta – Đài Loan, thì một nhà máy thông minh gồm 6 thành phần: các loại máy móc – robot tự động thông minh; được quản lý bởi một hệ thống thông minh; thông qua internet vạn vật – IoT, lưu trữ đám mây – i-cloud; được cải tiến liên tục nhờ big data, học máy – machine learning cùng sự phân tích của các chuyên gia; có thiết kế hệ thống điều khiển vật lý thông qua giả lập quy trình sản xuất cũng như hệ thống tiết kiệm năng lượng.

    Tập đoàn Delta là một trong những doanh nghiệp sản xuất điện tử và máy công cụ thông minh ứng dụng công nghệ 4.0 hàng đầu Đài Loan. Năm 2018, doanh thu của họ trên 9 tỷ USD.

    Doanh nghiệp này hiện đang cung cấp cho thị trường Việt Nam đầy đủ những máy móc, công nghệ, giải pháp để các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam có thể xây dựng các nhà máy thông minh như ông Vanti Fan đã miêu tả ở trên, thông qua đối tác ETEC.

    Công ty TNHH Kỹ thuật tự động ETEC đóng vai trò như đại diện của Delta tại thị trường Việt Nam trong 15 năm qua. ETEC hiện đứng trong top 5 nhà phân phối chính thức và nhà tích hợp hệ thống lĩnh vực tự động hóa công nghiệp tại thị trường Việt Nam.

    Tuy nhiên, theo đại diện của ETEC, trong vài năm gần đây, dù đã có rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam tìm đến sử dụng hàng hóa cũng như dịch vụ của họ, song rất ít xây dựng mới hoặc thay mới toàn bộ nhà máy để lên hẳn 4.0, mà hầu hết chỉ thông minh hóa và tự động hóa một vài công đoạn/máy móc/quy trình trong nhà máy của họ.

    4.0 được tôn vinh ở mọi nơi, nhưng các nhà máy và phân xưởng Việt Nam hầu hết mới ở giai đoạn công nghệ từ 2.0 đến 3.0, rất hiếm có công nghệ 4.0 - Ảnh 1.

    Đại diện của ETEC đang giới thiệu các sản phẩm thông minh cho nhà máy thông minh.

    Ví dụ: Tập đoàn Masan cải tiến tủ bơm điều áp, Panasonic Việt Nam nâng cấp hệ thống máy nén khí, Dệt Thành Công thông minh hóa hệ thống tủ điều khiển máy dệt sợi, nhựa Duy Tân sắm tủ điều khiển máy đùn nhựa công suất 55kW, Đường Biên Hòa thay mới tủ điều khiển bàn lọc và thùng phản ứng, đài truyền hình TP. HCM lắp đặt thử nghiệm 2 điểm đo nhiệt độ trên ống dãn sóng tháp anten….

    Ngoài ra, mặc dù các giải pháp về tiết kiệm năng lượng rất kinh tế trong thời buổi giá điện đang leo thang như thế này, ví dụ như giải pháp máy nén khí mà ETEC-Delta cung cấp có thể tiết kiệm tới 30% năng lượng và 47% chi phí năng lượng hay giải pháp tiết kiệm năng lượng thang máy có thể giúp tiết kiệm trên dưới 40% năng lượng, song vẫn chưa nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm tới vấn đề này.

    "Còn về hệ thống quản lý năng lượng đạt chuẩn ISO 50001 hay dịch vụ kiểm toán năng lượng mà chúng tôi đang hợp tác với đối tác ENVIDATEC đến từ Đức, thì chỉ có những doanh nghiệp/nhà máy nào đó được khách hàng yêu cầu phải có chứng chỉ hoặc tiêu chuẩn đó thì họ mới sử dụng", đại diện ETEC cho biết.

    Nhà máy chủ yếu chỉ có máy thông minh

    Có thể, tại Việt Nam có những nhà máy thông minh hoàn toàn đạt chuẩn 4.0, nhưng có lẽ cũng chỉ là số ít, còn hầu hết ở đâu đó giữa khoảng 2.0 và 3.0, ví dụ như trong phân xưởng của Công ty Cơ khí Duy Khanh và nhà máy của Công ty TNHH Cách âm – Cách nhiệt Phương Nam.

    Duy Khanh là công ty có lịch sử gần 30 năm và là cánh chim đầu đàn trong ngành cơ khí – chế tạo ở TP. HCM. Hiện họ đang sản xuất 4 lĩnh vực chính: phụ tùng chi tiết máy chính xác, thiết bị máy móc chuyên dùng, khuôn mẫu cho ngành nhựa và dập kim loại, máy tự động dập nắp chai nhựa.

    Thế nên, trong phân xưởng của họ tại đường Lũy Bán Bích – quận Tân Phú, hầu hết là máy đơn độc lập, sản xuất từng linh kiện và chi tiết đơn lẻ. Theo lời giới thiệu trên website của Duy Khanh thì xưởng của họ đang được trang bị các máy công cụ với nhiều máy điều khiển bằng kỹ thuật số (CNC), trong đó có hơn 10 máy CNC chất lượng cao nhập từ Đức - Ý - Nhật - Đài Loan trong năm 2014 - 2016.

    Những thiết bị đầu tư mới sau này của Duy Khanh có khả năng ghi nhận và tích hợp được các dữ liệu đầy đủ hơn trước, tính thông minh của từng máy là riêng biệt và khi máy có sự cố, dữ liệu được tích hợp trên iCloud sẽ chuyển thẳng đến trung tâm xử lý tại công ty sản xuất, ví dụ như Đài Loan hoặc Nhật. Tuy nhiên, kể cả thế thì Duy Khanh đơn thuần mới chỉ có một phân xưởng để đặt các loại máy thông minh chứ chưa phải là một nhà máy thông minh đúng nghĩa.

    Khác với Duy Khanh, công ty sản xuất tôn cách âm – cách nhiệt Phương Nam có hẳn một dây chuyền sản xuất tự động.

    4.0 được tôn vinh ở mọi nơi, nhưng các nhà máy và phân xưởng Việt Nam hầu hết mới ở giai đoạn công nghệ từ 2.0 đến 3.0, rất hiếm có công nghệ 4.0 - Ảnh 2.

    Dây chuyền sản xuất của tôn Phương Nam hoàn toàn tự động, từ đầu vào....

    4.0 được tôn vinh ở mọi nơi, nhưng các nhà máy và phân xưởng Việt Nam hầu hết mới ở giai đoạn công nghệ từ 2.0 đến 3.0, rất hiếm có công nghệ 4.0 - Ảnh 3.

    ....đến đầu ra.

    Dây chuyền sản xuất tôn cách nhiệt hoàn toàn tự động đến từ Đài Loan này bao gồm hệ thống máy vận hành từ khâu đưa nguyên liệu đầu vào, dập gân, phun PU, sấy nhiệt và cắt. So với hệ thống sản xuất tôn cách nhiệt bán tự động hiện nay, thì hệ thống này tiết kiệm nhân công đáng kể, chỉ cần 1-2 thợ chính vận hành cả dây chuyền, sản phẩm có độ chính xác gần 100%, công suất đạt 16m/1 phút, sản lượng đạt 7.000m/ngày.

    "Tôi có thể tự tin khẳng định, chúng tôi đang sở hữu dây chuyền hiện đại và thông minh nhất trong lĩnh vực sản xuất tôn cách âm cách nhiệt tại Việt Nam. Công nghệ mới này đã giúp tôn Phương Nam giảm 10 lần lượng nhân công và tăng 10 lần năng xuất sản xuất", ông Giáp Văn Vân - Phó Giám đốc Phương Nam, nhận định.

    Dù thế, thì ngoài dây chuyền nói trên ra, trong nhà máy sản xuất của Tôn Phương Nam không còn gì khác, các công nhân làm những việc như bốc vác và sắp xếp thành phẩm không được trang bị bất cứ trang bị bảo hộ nào. Tất nhiên họ cũng không có hệ thống quản lý vận hành thông minh hay hệ thống tiết kiệm năng lượng.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ