Hơn 30 tháng, vành tai cấy ghép mới vẫn phát triển tốt.
Mới đây, một nhóm 5 bệnh nhi Trung Quốc mắc microtia (một loại dị tật tai) đã được cấy ghép vành tai mới. Điều đặc biệt là những vành tai này được nuôi theo mô hình 3D, từ chính tế bào sụn của các em. Đây là những ca bệnh đầu tiên trên thế giới được chữa trị theo hình thức này.
Về cơ bản, kỹ thuật giống như các bác sĩ dùng lệnh “copy”, đối với phía tai nguyên vẹn của bệnh nhân, rồi “paste” nó sang phía đối diện bị dị tật. Đó là điều mà họ đã ấp ủ thực hiện từ những năm 1990, và bây giờ, đã trở thành hiện thực.
Các nhà khoa học hi vọng họ sẽ nhân rộng được loại hình cấy ghép “copy-paste” này, không chỉ với tai, mà là tất cả các cơ quan chứa mô sụn.
5 bệnh nhi đầu tiên trên thế giới được phẫu thuật ghép tai kiểu "copy/paste"
Theo báo cáo mới, các bệnh nhi Trung Quốc mắc microtia trong độ tuổi từ 6 đến 9. Tất cả các em đều chỉ bị teo nhỏ một bên vành tai. Bởi vậy, các nhà khoa học có thể dựa trên vành tai còn lại để phát triển một vành tai mới cho phía bên kia.
Họ thu thập các tế bào sụn gọi là chondrocytes từ tai không bị biến dạng. Sau đó, các tế bào này được nuôi trong môi trường ống nghiệm, phát triển thành một vành tai mới theo khuôn 3D được “copy” từ chính vành tai của bệnh nhi.
Các nhà khoa học đã sử dụng chụp cắt lớp vi tính để tạo nên chiếc khuôn này từ vành tai khỏe mạnh. Theo thời gian, các tế bào sụn được nuôi và sẽ phát triển dần thành một vành tai mới, theo mô hình đảo ngược của tai phía đối diện
Cuối cùng, vành tai mới này sẽ được “paste” vào vị trí của nó, bằng một cuộc tiểu phẫu thuật thẩm mỹ. Nó hứa hẹn sẽ mang lại một cuộc sống hoàn toàn mới cho người bệnh.
Quy trình tái tạo tai cho bệnh nhi bị teo nhỏ một bên tai
Trên thực tế, các nhà khoa học đã ấp ủ điều này từ những năm 1990. Vào thời điểm đó, họ đã hoàn thiện được một kỹ thuật nuôi cấy mô theo hình vành tai của người trên lưng chuột. Cá thể chuột Vacanti ra đời ở thời điểm đó đã làm dậy sóng một cuộc tranh luận trong giới khoa học. Con chuột thí nghiệm này không có lông, hơn nữa, trên lưng của nó mọc ra một chiếc tai người.
Cho đến một vài năm gần đây, kỹ thuật đã được hoàn thiện với mô người. Các nhà khoa học đã tạo ra được một vành tai từ mô của chính bệnh nhân và cấy ghép nó trở lại cơ thể họ.
Ca bệnh đầu điên trong số 5 bệnh nhi Trung Quốc áp dụng thủ thuật này đã thành công cách đây 30 tháng. Điều này cho thấy triển vọng tốt, bởi cơ quan cấy ghép được nuôi từ chính tế bào của bệnh nhân, nó sẽ tránh được nguy cơ bị đào thải bởi hệ miễn dịch.
"Việc dùng sụn tạo hình, tái tạo tai cho bệnh nhân microtia, đã trở thành mục tiêu của các nhà nghiên cứu mô trong hơn hai thập niên”, Lawrence Bonassar, giáo sư kỹ thuật y sinh từ Đại học Cornell ở New York, cho biết.
Mặc dù là người không tham gia vào nghiên cứu, nhưng giáo sư Bonassar nhận định: “Nghiên cứu này cho thấy các phương pháp kỹ thuật mô để tái tạo tai và các mô sụn khác sẽ sớm trở thành hiện thực”.
Ở một số quốc gia, tỷ lệ dị tật tai nhỏ cao tới 17,4 trên 10.000, ảnh hưởng đến cả thính giác và sự tự tin của những đứa trẻ sinh ra với nó.
Các phương pháp điều trị hiện tại bao gồm gắn một vành tai nhân tạo, hoặc tạo ra một tai mới từ sụn sườn. Nhưng hạn chế của những cách tiếp cận mới này là những vành tai thiếu thẩm mỹ và nguy cơ biến chứng cũng cao. Bởi vậy, kỹ thuật mới được phát triển để khắc phục những tồn tại ấy.
"Các bác sĩ phẫu thuật đã sử dụng ý tưởng lấy mô sụn từ chính bệnh nhân, nuôi mô đó thành các thành phần tế bào cá nhân hóa với họ, sau đó đa dạng hóa các thành phần tế bào", chuyên gia Tessa Hadlock đến từ Bệnh viện Tai và Mắt Massachusetts, người không tham gia nghiên cứu, nói với CNN.
"Điều khác biệt ở nghiên cứu này, đó là lần đầu tiên họ thực hiện nó trên một loạt 5 bệnh nhân và theo dõi lâu dài kết quả cho thấy nó rất khả quan".
Tuy nhiên, có một số lưu ý. Các chuyên gia cho biết ca cấy ghép thành công đầu tiên cách đây 2,5 năm và đến hiện tại nó vẫn cho kết quả tốt. Nhưng cần theo dõi thêm 5 năm nữa trước khi chúng ta chắc chắn rằng kỹ thuật này thực sự đem đến một vành tai vĩnh viễn mới.
Hơn nữa, hai trong số các trường hợp cho thấy vành tai cấy ghép phát triển méo, các nhà khoa học sẽ phải theo dõi cẩn thận trường hợp này.
Mặc dù vậy, cũng phải nói rằng đây là một bước tiến đầy hứa hẹn đối với tương lai của kỹ thuật này. Đó đang là một lựa chọn mới cho những người có tai teo nhỏ.
"Chúng tôi đã thành công trong việc thiết kế, chế tạo và tái tạo phần ngoại vi của tai cho bệnh nhân”, các nhà nghiên cứu viết. Họ tự nhận cần phải nỗ lực hơn nữa để nhân rộng kỹ thuật này, từ những thử nghiệm sang thực tiễn, cung cấp cơ hội cho nhiều bệnh nhân hơn nữa.
Tham khảo ScienceAlert, Futurism
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Chủ tịch Huawei tự hào khoe Mate 70 là điện thoại với chip 100% Made in China: "Tự chủ ngành bán dẫn đã trở thành hiện thực"