Nếu so sánh về quy mô tại thị trường Trung Quốc, thật khó để gọi Didi Kuaidi là "Uber của Trung Quốc" khi nó đang lấn lướt mạnh mẽ đối thủ của mình tại đây.
Apple đang đầu tư 1 tỷ USD vào công ty dịch vụ chia sẻ chuyến đi của Trung Quốc Didi Chuxing, công ty đang cạnh tranh với Uber Technologies tại thị trường lớn nhất thế giới này. Dưới đây là năm điều cần biết về Didi:
1. Lịch sử của công ty
Didi, tên chính thức là Xiaoju Kuaizhi Inc., bắt đầu được thành lập từ năm 2012 và ứng dụng gọi taxi này cùng đối thủ của mình đều nhận được sự ủng hộ từ các công ty Internet lớn nhất Trung Quốc.
Trong khi Didi Dache được hỗ trợ bởi Tencent Holdings Ltd, công ty đã đóng góp 100 triệu USD tại vòng gọi vốn năm 2014, đối thủ của họ, Kuaidi Dache, cũng bắt đầu hoạt động từ năm 2012 và đã thu hút đầu tư từ gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba Group Holding Ltd.
Hai ứng dụng này đã hợp nhất với nhau vào tháng Hai năm 2015, sau khi cuộc cạnh tranh gay gắt đã làm cả hai bên đều thiệt hại. Sau khi hợp nhất, hoạt động kinh doanh của họ đã mở rộng nhanh chóng ra ngoài cả dịch vụ gọi taxi. Hiện họ đang phục vụ 300 triệu hành khách ở hơn 400 thành phố.
2. Những cái tên đằng sau công ty này
Giám đốc điều hành của công ty tại Bắc Kinh này là Cheng Wei, vốn là một cựu nhân viên của Alibaba. Anh đã lôi kéo Jean Liu từ tập đoàn Goldman Sachs Group, để trở thành giám đốc điều hành của Didi Dache vào năm 2014, sau đó cô được bổ nhiệm làm chủ tịch công ty vào tháng Hai năm 2015.
Hội đồng quản trị bao gồm Lucy Peng, đồng sáng lập của Alibaba và giờ đang là CEO cho công ty tài chính của tập đoàn này, Zhejiang Ant Small & Micro Financial Services Group Co. Ngoài ra còn có Martin Lau, chủ tịch của Tencent.
Bên cạnh Apple, công ty còn nhận được đầu tư từ của tổ chức khác như DST, công ty quản lý quỹ Tiger Global, Softbank Group Corp. và Temasek Holdings Pte.
3. Phạm vi dịch vụ
Ban đầu công ty này hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ gọi taxi, sau đó công ty mở rộng sang lĩnh vực chia sẻ chuyến đi, cho thuê xe khách, dịch vụ tài xế, cho vay mua ô tô và dịch vụ lái thử xe. Ứng dụng hiện được sử dụng cho hơn 11 triệu chuyến đi một ngày – hay 127 chuyến đi trong một giây – và là nền tảng giao dịch trực tuyến lớn thứ hai tại Trung Quốc, sau website mua sắm Taobao của Alibaba.
Didi cho biết họ hiện đang nắm 99% thị phần ứng dụng gọi xe taxi và 87% dịch vụ gọi xe cá nhân. Hiện đang có 14 triệu lái xe đăng ký hoạt động cho công ty này tại hơn 400 thành phố, và tại hơn một nửa các thành phố này, Didi Kuaidi đã vượt qua điểm hòa vốn.
Đến năm 2018, công ty hy vọng sẽ phục vụ cho 30 triệu lượt hành khách một ngày với thời gian chờ chỉ trong vòng ba phút.
4. Các đối thủ cạnh tranh
Didi hiện đang cạnh tranh với Uber tại Trung Quốc và đã bắt đầu tính tới việc chiến đấu ở các thị trường nước ngoài. Hiện tại Didi vẫn đang thống trị tại quê nhà, trong khi Uber cho biết họ muốn có mặt ở ít nhất 100 thành phố trong năm nay, tương đương với khoảng một phần tư thị trường mà Didi đang hoạt động.
Uber cũng thu hút đầu tư từ Baidu Inc., công ty sở hữu công cụ tìm kiếm phổ biến nhất Trung Quốc và được cho là ủng hộ bởi China Life Insurance Co., công ty bảo hiểm lớn nhất quốc gia này.
Ở các thị trường nước ngoài, Didi đã hợp tác với Lyft Inc., công ty Ola của Ấn Độ và Grab của khu vực Đông Nam Á nhằm chiến đấu với công ty tại San Francisco, Uber.
Uber hiện đang được định giá 62,5 tỷ USD. Trong khi đó, theo một nguồn tin thân cận cho biết, tại vòng gọi vốn mới nhất của Didi, công ty này được định giá 26 tỷ USD.
5. Các quy định của Trung Quốc
Chính phủ trung ương Trung Quốc thường được xem như khá thân thiện với các dịch vụ chia sẻ chuyến đi hơn các chính phủ bản địa khác, vốn đang ra sức bảo vệ cho các công ty dịch vụ taxi trong nước.
Didi tin rằng họ có thể giúp Trung Quốc giảm đi nạn ùn tắc giao thông phổ biến tại quốc gia này và góp phần làm giảm ô nhiễm tại các thành phố. Trong tháng Ba vừa qua, cơ quan quốc gia về giám sát hoạt động của taxi đã loại bỏ một số quy định để làm dịch vụ chia sẻ chuyến đi được hoạt động kinh doanh dễ dàng hơn.
Vào tháng Mười năm ngoái, thành phố Thượng Hải đã cấp phép cho Didi kinh doanh dịch vụ đặt xe cá nhân, và công ty đang làm việc với chính quyền nhiều thành phố khác để chấp nhận mô hình kinh doanh này. Thượng Hải được xem là nơi thử nghiệm truyền thống cho các chính sách kinh tế trên phạm vi toàn quốc, để sau đó các thành phố khác sẽ có thể học tập theo.
Tuy nhiên, cho đến nay cả Didi và Uber đều đang phải đối mặt với những trở ngại từ các chính quyền địa phương. Didi đang cố gắng để liên minh với những startup được thành lập bởi chính quyền các tỉnh, thành phố khác, mời chào họ kết nối dịch vụ của mình với ứng dụng và website của Didi.
Tham khảo Bloomberg
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"