5 điều nên cân nhắc trước khi gửi thư từ chối ứng viên hay “nhảy” việc

    Quang Vũ,  

    Trong thực tế, đa phần các nhà tuyển dụng thường ngần ngại tuyển dụng một ứng viên có lịch sử “nhảy” việc thường xuyên, bởi họ cho rằng cách ứng viên đó sẽ không ở lại với công ty trong thời gian dài. Tuy nhiên, trước khi gửi thư từ chối ứng viên, hãy cân nhắc 5 điều sau đây.



    Liệu rằng ứng viên thực sự là những người có tài?

    Khi tuyển dụng, bạn cần phải xác định: Cần một nhân viên tạo ra hiệu quả cao cho doanh nghiệp hay cần một người trung thành?  

    Rủi ro của việc tuyển dụng những ứng viên thường xuyên "nhảy" việc đó là bạn có thể mất thời gian vì tuyển dụng nhiều lần. Tuy nhiên, cần bình tĩnh đánh giá xem họ có những đặc điểm mà công ty của bạn đang cần hay không. Theo Trưởng phòng Tư vấn Tuyển dụng CareerLink thì nếu họ là ứng viên duy nhất đang sở hữu những yếu tố mà công ty bạn đang hướng đến, hãy cân nhắc thật kỹ trước khi đưa ra quyết định từ chối.

    5 điều nên cân nhắc trước khi gửi thư từ chối ứng viên hay “nhảy” việc - Ảnh 1.

    Ứng viên "nhảy" việc thích ứng với công việc nhanh hơn

    Đây thực sự là điều cần cân nhắc trước khi loại những ứng viên "nhảy" việc. Những người đã có hành trình "dạo quanh" nhiều công ty trước khi đặt CV lên bàn phòng vấn của bạn chắc chắn sẽ sẵn sàng để hòa nhập vào một môi trường mới.

    Họ đã làm điều đó nhiều lần, do đó, họ không ngại bước vào một tình huống mới và tìm ra cách thức hoạt động của công ty một cách nhanh nhất. Thích ứng nhanh là điều kiện cần để tất cả chúng ta đối mặt với những yêu cầu công việc cụ thể.

    Mặt khác, ứng viên "nhảy" việc đã làm việc cho nhiều nhà quản lý. Họ đã học cách thích nghi với các phong cách quản lý khác nhau sẽ nhanh chóng hiểu và nắm bắt được những thông tin cốt lõi từ nhà quản lý, đây chính xác là kỹ năng mà mọi tổ chức đều cần.

    Ứng viên "nhảy" việc có mạng lưới mối quan hệ rất tốt

    Ứng viên thường "nhảy" việc có mạng lưới mối quan hệ lớn hơn những người làm việc cố định một chỗ trong nhiều năm. Điều đó quan trọng đối với họ và là một lợi ích cho doanh nghiệp của bạn.

    Mối quan hệ rộng rãi giúp đỡ họ trong công việc và là nguồn tuyển dụng giá rẻ cho doanh nghiệp của bạn khi cần thiết. Đừng đánh giá thấp những mối quan hệ này, chúng không chỉ giúp việc tuyển dụng dễ dàng hơn mà còn giúp doanh nghiệp của bạn giúp kết nối với các cộng đồng khác nhau. Đó là một trong những lí do đừng vội vàng gửi thư từ chối ứng viên hay "nhảy" việc.

    5 điều nên cân nhắc trước khi gửi thư từ chối ứng viên hay “nhảy” việc - Ảnh 2.

    Ứng viên "nhảy" việc có nhiều kinh nghiệm

    Họ đã học được rất nhiều điều ở mọi tổ chức mà họ đã dành thời gian làm việc dù ít hay nhiều. Chúng ta luôn học được nhiều nhất khi ở trong một môi trường mới. Những người thường "nhảy" việc đã học được cách phát hiện ra những dấu hiệu cho thấy sự thành công hay thất bại đối với một sáng kiến, quy trình hoặc kế hoạch. Họ đã "chinh chiến" qua nhiều dự án thành công và không thành công để chứng minh kinh nghiệm của mình.

    Thêm nữa, nhờ vào những kinh nghiệm cũ, ứng viên "nhảy" việc sẽ đem đến cho bạn những ý tưởng mới tuyệt vời. Điều mà những người làm việc lâu năm theo lối mòn chưa chắc đã có.

    Ứng viên "nhảy" việc cũng có thể trung thành nếu bạn có một môi trường tốt

    Mọi người nghỉ việc vì nhiều lý do. Họ có thể buồn chán, muốn thăng tiến, muốn kiếm được một khoản tiền lương lớn hơn hoặc đang tìm kiếm một sự thay đổi môi trường tốt hơn. Mỗi ứng viên "nhảy" việc đều không giống nhau, và bạn - nhà tuyển dụng không nên áp đặt bất cứ định kiến nào lên ứng viên của mình.

    Với vai trò là nhà tuyển dụng, bạn cần cân nhắc trước khi loại những ứng viên "nhảy" việc để xem xét lý do họ thường xuyên "nhảy" việc, và liệu bạn đang có những gì để níu chân một ứng viên tốt. Chuyển từ công việc này sang công việc khác là điều không dễ dàng cho một ứng viên, nhưng nó thường khiến họ trở thành một người rất có giá trị để tuyển dụng.

    Một ứng viên thường "nhảy" việc có thể khiến bạn mất thời gian và tiền bạc trong tương lai nếu cuối cùng bạn phải tuyển dụng người khác. Nhưng hãy cân nhắc thật kỹ trước khi gửi thư từ chối ứng viên vì biết đâu họ có thể là ứng viên phù hợp nhất cho vị trí mà bạn đang cần.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày