5 lần tai nạn đáng tiếc đến từ việc không thống nhất hệ thống đo lường, lúc thì pound lúc thì kg, khi thì mét khi thì feet
Trong khi đại đa số các quốc gia trên thế giới đều sử dụng hệ đo lường quốc tế SI thì Mỹ là quốc gia duy nhất vẫn trung thành với hệ thống đo lường Anh Mỹ. Và chính việc không có sự thống nhất về đơn vị đo lường giữa các quốc gia, đôi khi dẫn đến những vụ tai nạn hết sức đáng tiếc.
Ở thời điểm hiện tại, hầu hết các quốc gia trến thế giới đều đã thống nhất sử dụng một hệ đơn vị đo lường chung - hệ đo lường quốc tế SI. Tuy nhiên, vẫn còn một quốc gia rất lớn là Mỹ không sử dụng hệ đo lường này, mà vẫn trung thành với hệ thống đo lường Anh Mỹ. Và chính sự "không thống nhất" này đôi khi đã dẫn đến những tai nạn đáng tiếc, mà chúng ta có thể thấy ở dưới đây:
Tàu quỹ đạo khí hậu Sao Hỏa gặp tai nạn vào năm 1999
Ngày 23 tháng 9 năm 1999, tàu quỹ đạo khí hậu Sao Hỏa trị giá 125 triệu USD của NASA đã lao xuống bề mặt sao Hỏa, khiến con tàu thăm dò này bị phá hủy hoàn toàn. Sau khi các nhà khoa học tại NASA tiến hành điều tra, họ đã phát hiện ra nguyên nhân của vụ tai nạn: phần mềm tính toán lực đẩy cho tàu thăm dò đã trả kết quả dưới dạng Pound/giây, trong khi đúng ra phải là Newton/giây theo hệ đo lường quốc tế.
Thế nhưng, chính những người chịu trách nhiệm cho dự án này tại NASA lại kiên quyết đổ tại lý do "kinh phí eo hẹp" cho thất bại này:
"Câu khẩu hiệu mà bọn họ gán cho dự án này là 'nhanh hơn, tốt hơn, rẻ hơn'," kỹ sư NASA Richard Cook trả lời trong một cuộc phỏng vấn sau này. "Rõ ràng là bọn họ kỳ vọng dự án này làm được quá nhiều thứ với một nguồn kinh phí eo hẹp như vậy."
Cũng từ lúc đó, vụ tai nạn của Tàu quỹ đạo khí hậu Sao Hỏa luôn được đưa ra làm lý do để yêu cầu Mỹ chuyển sang dùng hệ đo lường SI, một phần để thống nhất hệ do giữa mọi quốc gia, phần khác để tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc như vậy nữa. Tuy nhiên, đến tận bây giờ, hơn 20 năm sau vụ tai nạn đáng tiếc đó, vẫn không có sự thay đổi nào xảy ra.
Vụ rùa Clarence xổng chuồng vào năm 2001
Năm 2001, sở thú Los Angeles đồng ý cho trường Đại học Moorpark mượn chú rùa cạn 75 tuổi Clarence, thuộc giống rùa quý Galapagos để đưa vào chương trình đào tạo quản lý các loài động vật quý hiếm. Khi đại diện của trường hỏi sở thú về cân nặng của Clarence để chuẩn bị rào vây, họ chỉ nhận được một câu trả lời gọn lỏn: 250.
250? Nhưng là 250 gì mới được chứ?
Thế là trường cứ đinh ninh rằng Clarence chỉ nặng 250 pound, cho đến khi chú rùa này được giao đến. Lúc này, mọi người mới tá hỏa khi biết thực ra Clarence nặng 250kg (tức khoảng 551 pound), gấp hơn 2 lần so với dự tính của họ. Và điều gì phải đến cũng đến, hàng rào mà trường Moorpark chuẩn bị dễ dàng bị chú rùa nặng ký này xô đổ, và thế là chú sổng chuồng.
May mắn thay là Clarence chỉ là một chú rùa nặng ký chậm chạp, nên họ nhanh chóng tìm thấy chú rùa quý này ở gần trường.
Máy bay Air Canada hết nhiên liệu (1983)
Khoảng cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, Canada hoàn thành việc chuyển đổi sang sử dụng hệ đo lường quốc tế SI. Tuy nhiên, vì sự chuyển đổi này khi ấy hãy còn rất mới, nên đã xảy ra rất nhiều lần nhầm lẫn "theo thói quen" sử dụng hệ đo lường cũ, mà trong đó đáng nhớ nhất có lẽ là vụ máy bay Air Canada hết nhiên liệu giữa đường vào năm 1983.
Cụ thể, hãng hàng không Air Canada khi ấy mới bắt đầu chuyển sang sử dụng máy bay Boeing 767, với các yêu cầu như lượng nhiên liệu cần đổ được ghi dưới dạng kg thay vì pound như trước. Thế nhưng, theo thói quen, lượng nhiên liệu đổ vào chiếc máy bay Boeing 767 khi đó lại tính bằng pound - tức không bằng một nửa yêu cầu.
Thế là chiếc máy bay này mới chỉ bay được chưa đầy nửa chặng từ Ottawa đến Edmonton đã rơi vào tình trạng sắp hết nhiên liệu và buộc phải hạ cánh khẩn cấp tại Gimli, Manitoba. Nhưng vận xui chưa dừng lại ở đó, máy bay còn gặp trục trặc và hạ cánh với tốc độ cao hơn rất nhiều so với dự tính.
May mắn là không có thiệt hại nào về người xảy ra, với 69 hành khách trên máy bay chỉ bị thương nhẹ mà thôi. Nhưng từ sau đó, các phi công của Air Canada không còn dám bất cẩn không kiểm tra kim hiển thị nhiên liệu trước mỗi chuyến bay nữa.
Vụ tàu lượn trật đường ray tại Tokyo Disneyland năm 2003
Năm 2003, tại điểm vui chơi Space Mountain thuộc Tokyo Disneyland xảy ra một vụ tàu lượn trật đường ray do trục bánh xe của tàu lượn bị gãy. Kết quả điều tra sau này cho biết, nguyên nhân của vụ việc này đến từ việc trục bánh xe bị gãy được làm sai kích thước, xảy đến cũng vì nhẫm lẫn đơn vị đo lường.
Điểm vui chơi Space Mountain, nơi đã từng xảy ra vụ tai nạn
Cụ thể, tháng 9 năm 1995, bản vẽ của các phụ kiện cho thiết bị dùng tại Tokyo Disneyland được thay đổi toàn bộ đơn vị đo từ inch sang cm, dẫn đến kích thước đường kính của trục bánh xe cũng cần phải được thay đổi lại cho phù hợp, từ 44,14 mm thành 45mm. Thế nhưng, không rõ vì lý do gì mà những chỉnh sửa cần thiết trong bản thiết kế lại không được thực hiện, khiến cho đơn vị đo giữa các linh kiện như bánh xe và trục không được thống nhất.
May mắn là 12 hành khách tham gia không ai bị thương cả, thế nhưng vụ tai nạn này cũng đã gây ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến với uy tín của Tokyo Disneyland trong suốt một thời gian dài sau đó.
Sai lầm chết người của chiếc máy bay chở hàng 6316 của hãng hàng không Hàn Quốc năm 1999
Ngày 15 tháng 4 năm 1999, chuyến bay chở hàng 6316 của hãng hàng không Hàn Quốc khởi hành từ Thượng Hải để bay đến Seoul. Ít lâu sau khi cất cánh, đài chỉ dẫn tại Thượng Hải thông báo rằng chiếc may bay được phép bay đến độ cao 1500 mét, tức 4900 feet.
Thế nhưng, khi bay đên độ cao 4500 feet, phi công lại giật mình cho rằng mình đã nghe nhầm và bay quá cao so với chỉ dẫn, đinh ninh rằng mình chỉ được bay ở độ cao 1500 feet mà thôi. Thế là anh liền đột ngột hạ độ cao của chiếc máy bay - dẫn đến việc máy bay mất lái và lao thẳng xuống đất, đâm vào một vài căn nhà dân ở gần đó. Hậu quả là toàn bộ đoàn bay 3 người đều thiệt mạng, cùng với 5 người khác ở dưới mặt đất cũng bị vạ lây.
Anh Mỹ hay SI?
Mặc dù có rất nhiều vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra không chỉ ở Mỹ, mà ở nhiều quốc gia khác trên thế giới vì việc không có một hệ đo lường thống nhất, nhưng Mỹ vẫn chưa hề có ý định sẽ "hòa nhập" với thế giới trong khía cạnh đo lường. Lý do được tác giả Stephen Mihm đưa ra trong cuốn sách "Mastering Modernity: Weights, Measures, and the Standardization of American Life" xuất bản năm 2015 là bởi Mỹ vẫn muốn giữ vững "truyền thống" và "thể diện quốc gia" - một lý do đã khiến rất nhiều người trong giới khoa học phải lắc đầu ngao ngán:
"Việc yêu cầu chúng tôi (người Mỹ) sử dụng hệ đo lường của quốc gia khác - trong trường hợp này là hệ đo lường quốc tế SI - giống như đang xâm phạm chủ quyền quốc gia của Mỹ vậy. Đã vậy, hệ đo lường này lại còn là sản phẩm của người Pháp, nên càng khó để thuyết phục những người theo trường phái bảo thủ của Mỹ."
Những tranh cãi như vậy thì vẫn tiếp tục kéo dài cho đến tận bây giờ, nhưng có một điều không thể phủ nhận là việc không thống nhất được hệ thống đo lường giữa các quốc gia đã, đang và sẽ còn dẫn đến nhiều vụ tai nạn đáng tiếc hơn nữa, với chỉ một chút bất cẩn mà thôi.
Còn về phía các nhà khoa học, họ tin rằng việc Mỹ chuyển sang dùng hệ đo lường quốc tế tuy sẽ dẫn đến thiệt hại kinh tế trước mắt, nhưng về lâu về dài sẽ mang đến rất nhiều lợi ích cũng như giảm thiểu những rủi ro không đáng có, khi mà cả thế giới cùng dùng một hệ thống đo lường thống nhất.
Theo Gizmodo
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"