5 lý do khiến cho "tiền khô cháy túi" và cách khắc phục tình trạng này

    Long.J,  

    Kiếm tiền đã khó, tiêu tiền sao cho hợp lý lại càng khó hơn.

    Kế hoạch tài chính, tiết kiệm của chúng ta bị phá hoại bởi những thói quen xấu trong việc chi tiêu. Vấn đề này từ trước đến nay vẫn luôn nóng bỏng và luôn đúng với thế hệ trẻ - năng động, nhiệt tình, có năng lực. Tuy nhiên, tiền làm ra bao nhiêu vẫn "chẳng thấy đâu".

    Rõ ràng, tiền của chúng ta, chi tiêu ra sao là bản thân tự quyết định chứ không thể đổ lỗi cho những dịp sale cuối năm...

    Để giải quyết bất cứ vấn đề nào, câu hỏi đầu tiên cần đặt ra là "tại sao?". Dưới đây là 5 lý do khiến đại đa số người trẻ mãi chẳng tiết kiệm được đồng nào và hướng giải quyết chúng.

    1. Tiêu xài hoang phí

    Nếu chi tiêu tất cả hoặc thậm chí nhiều hơn số tiền mình kiếm được mỗi tháng, bạn cần phải cố gắng xác định được những nguyên nhân gây ra tình trạng “chảy máu tiền bạc” nằm ở đâu. Lý do "ném tiền qua cửa sổ" của mỗi người là khác nhau, có thể nằm ở thói quen shopping mỗi tuần, với người khác có thể do nghiện những món đồ công nghệ hiện đại và đắt tiền...Có vô vàn thứ cám dỗ ngoài kia khiến bạn "lạc lối" và sẵn sàng xì tiền ra bất cứ lúc nào.

    Tuy nhiên, sự thật là chi tiêu cho thực phẩm mới chính là nguyên nhân gây ra các rắc rối về tiền bạc. Mỗi khi bạn trải nghiệm dịch vụ ăn uống ở ngoài, trung bình đắt hơn cơm nhà từ 2 - 4 lần, tùy vào độ "xịn".

    Thay vào đó, hãy đem theo thức ăn tự nấu sẵn ở nhà. Nếu bạn có một công việc tốt và trong tiền lương mỗi tháng có bao gồm tiền ăn trưa, bạn có thể tiết kiệm được một số tiền kha khá. Hãy nhân con số của mỗi ngày với 7 ngày của một tuần, với 30 ngày của một tháng, với 365 ngày của một năm, với 10 năm. Bạn có thể “choáng” với kết quả. Không những vậy, bạn còn khỏe mạnh hơn vì có được những bữa ăn đảm bảo và đủ chất.

    2. Không có bất kì mục tiêu rõ ràng nào trong cuộc sống

    Chuyên gia kế hoạch tài chính Joseph Carbone đến từ Focus Planning Group cho biết, việc không có mục tiêu có thể gây thất thoát nhiều hơn chúng ta có thể tưởng tượng. Nhiều người vẫn muốn tiết kiệm tiền để nghỉ hưu hay mua nhà, mua ô tô mới hoặc đơn giản chỉ là để đi du lịch, nhưng họ lại không có khái niệm gì về một con số cụ thể.

    Nếu muốn tiết kiệm cho một mục tiêu nào đó, nên bắt đầu bằng cách đề ra một con số. Ví dụ, sau khi tìm hiểu kỹ lưỡng, bạn biết rằng mình cần một số tiền có bảy con số để nghỉ hưu, hãy xác định xem còn bao nhiêu năm nữa đến tuổi nghỉ hưu, và cuối cùng là mỗi tháng phải kiếm được bao nhiêu và cần để dành bao nhiêu tiền. Điều đó nghe hơi xa một chút, hãy bắt đầu từ những món tiết kiệm nhỏ và thiết yếu với cuộc sống hàng ngày trước.

    3. Không thể nói "không"

    Dường như, ngành công nghiệp quảng cáo được sinh ra để "chia rẽ" chúng ta ra khỏi tiền của mình. Chúng ta xếp hàng dài để có được những món đồ xịn và mới nhất, chấp nhận trả bằng cả tháng lương hoặc nhiều hơn. Nếu cơn mua sắm đang lên, vay nợ cũng chấp hết!

    Phần lớn mọi người không thể cưỡng lại sự cám dỗ của cảm giác hài lòng ngay lập tức khi được tiêu tiền. Nói cách khác, chúng ta không biết cách nói “Không” với những điều mình muốn”, Charles C. Scott - nhà sáng lập Công ty kế hoạch tài chính Pelleton Capital Management cho biết.

    Hãy học cách trì hoãn sự hài lòng lại, tiết kiệm tiền cho những mục tiêu cụ thể và sắp xếp một thứ tự ưu tiên cho các khoản chi tiêu.

    4. Không biết sắp xếp thứ tự ưu tiên cho việc chi tiêu

    "Thả rông" tình hình tài chính luôn là cách rất tệ, đó không phải chi tiêu bừa bãi mà là không biết thứ tự những khoản bắt buộc phải móc hầu bao.

    Chuyên gia kế hoạch tài chính Clint Haynes – nhà sáng lập NextGen Wealth cho biết, khi rơi vào tình trạng này, nhiều người sẽ đưa ra lý do là “không có đủ thời gian”, nhưng thật ra lý do chính là chúng ta không dành cho nó sự ưu tiên. Và hệ quả là tình hình tài chính không bao giờ có sự thay đổi đáng kể.

    “Đây chỉ là cái cớ cho thấy bạn không đủ khả năng để tiết kiệm. Phần tiền để tiết kiệm có thể dễ dàng được tìm thấy trong các khoản thu nhập định kỳ nhưng nó lại không được ưu tiên”, Clint Haynes nói.

    Hãy dành sự ưu tiên từng bước cho các kế hoạch tiết kiệm, trả nợ và đầu tư.

    5. Không theo dõi tình hình chi tiêu

    Theo chuyên gia tài chính Kenneth Feyers, nhiều người có thu nhập cao nhưng khả năng tiết kiệm lại rất thấp. Ông thường xuyên phải hướng dẫn khách hàng cách tiết kiệm và chi tiêu, giúp họ đưa ra các quyết định chi tiêu gắn liền với những mục tiêu dài hạn.

    Nếu không theo dõi các danh mục chi tiêu, bạn sẽ có xu hướng lãng phí rất nhiều tiền mỗi tháng. Josh Brein - chuyên gia tài chính của Brein Wealth Management cho hay, ông luôn khuyên khách hàng và bạn bè của mình nên chú trọng việc theo dõi chi tiêu cũng giống như theo dõi các nguồn thu nhập vậy. Bằng cách này, chúng ta sẽ biết chính xác cần phải cắt giảm chi tiêu ở danh mục nào để tiết kiệm cho những tình huống xấu có thể xảy ra trong tương lai.

    Hãy giữ hóa đơn, ghi chép lại các khoản chi theo tuần hoặc dùng các ứng dụng giúp quản lý tiền bạc hàng tháng.

    Theo AOL Finance

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày