Vài ngày trước,
Genk đã giới thiệu đến các bạn
một số tính năng hữu ích nhưng ít được biết đến trên router Wireless. Tuy nhiên thực lòng mà nói, đa số người dùng khi chọn mua chắc hẳn chỉ muốn chọn một chú router hỗ trợ chuẩn kết nối phù hợp, dễ cài đặt, sóng tốt và hoạt động ổn định là đủ. Dù sao thì mục đích chủ yếu khi mua router wireless cũng chỉ là để thiết lập khả năng kết nối Internet không dây cho các thiết bị trong gia đình.
Khi mà giới hạn băng thông của kết nối ADSL, hay thậm chí là cáp quang giá rẻ ở VN thường không mấy khi đạt nổi gần một nửa băng thông hỗ trợ tối đa của chuẩn Wifi chuẩn G (802.11g) chứ đừng nói là vượt, chẳng có lí do gì để phải vội vàng để tâm đến các chuẩn ac hay ad (chuẩn 802.11) mới nhất cả. Cùng lắm thì để phục vụ việc gaming trong LAN, share file hay stream video được ổn định, chúng ta chỉ cần đến các router hỗ trợ chuẩn N.
Hơn thế nữa, giá thành sản phẩm cũng là điều đáng quan tâm. Bỏ thêm vài trăm ngàn đồng, nhiều khi bạn chỉ có thể “lên đời” được tới một chú router hạng thấp nhất của phân khúc tầm trung, thêm được một vài tính năng (chưa chắc đã dùng tới) nhưng độ ổn định chưa chắc đã bằng mẫu tốt nhất của phân khúc bình dân. Vậy giải pháp là gì, sau đây Genk xin giới thiệu đến các bạn 5 lựa chọn hàng đầu của các chuyên gia trang tin Cnet cho phân khúc này.
D-Link DIR-605L Cloud
Sản phẩm D-link này được nhận xét là “đáng giá từng đồng một” ,với cái giá rất hấp dẫn tại VN là 649.000 VND. Ngoài các chức năng cơ bản, dễ cài đặt và sử dụng, mẫu router này còn cung cấp chức năng Cloud cho phép người dùng điều khiển mạng gia đình khi đang ở xa bằng cách cài đặt ứng dụng điều khiển lên thiết bị di động.
Ưu: Gía thành hợp lí, tính năng Cloud - điều khiển từ xa bằng ứng dụng đi kèm trên thiết bị di động hoặc trình duyệt thực sự rất tiện lợi cho những ai có nhu cầu truy cập mạng gia đình từ xa ở mức đơn giản. Hơn nữa chất lượng sóng cũng rất ổn định.
Nhược: Ngoại trừ chức năng Cloud nổi bật, DIR-605L thiếu khá nhiều chức năng từ đơn giản đến nâng cao của router Wireless. Trong số đó quan trọng nhất phải kể đến việc thiếu hỗ trợ Ipv6, Gigabit Ethernet và sóng wireless băng tần kép (dual-band).
Kết luận: Sản phẩm D-Link DIR-605L Cloud Router là lựa chọn hàng đầu cho những ai muốn chia sẻ kết nối không dây trong nhà ở mức cơ bản. Tính năng quản lí tử xa đi kèm cũng rất hữu dụng trong nhiều trường hợp.
Belkin N
Belkin N có thể nói là sản phẩm “lão làng” trong danh sách này. Được giới thiệu lần đầu vào năm 2008 với mức giá xấp xỉ 120$, hiện nay giá của sản phẩm này tuy đã giảm xuống khoảng 60-100$ (thị trường US) nhưng hiệu năng thì dĩ nhiên vẫn tốt hơn rất nhiều các sản phẩm phân khúc bình dân khác. Thương hiệu Belkin ở Việt Nam có thể không được phổ biến, nhưng nếu bạn có thể tìm được một chiếc thì với số lượng đánh giá tích cực về sản phẩm này trên các trang review uy tín của nước ngoài, chắc chắn bạn sẽ không có gì nhiều để phàn nàn.
Ưu: Tầm phủ sóng tuyệt vời, chịu tải tốt, hỗ trợ hiệu quả việc chia sẻ tài nguyên trong mạng, giá hiện ở mức ở mức lý tưởng.
Nhược: thiết kế hơi thô, chỉ hỗ trợ một băng tần (không có tùy chọn băng tần 5GHz), bảo hành hạn chế do sự kèm phổ biến hơn của thương hiệu Belkin tại VN ( nếu mua hàng xách tay rủi ro càng cao hơn).
Kết luận: Belkin N Wireless tuy là một sản phẩm khá cũ và đã bị nsx tách khỏi phân khúc trên, nhưng hiệu năng hiện nay của sản phẩm vẫn hoàn toàn đủ sức đánh bật các sản phẩm khác ở phân khúc bình dân.
Linksys E2500
Không như Belkin, thương hiệu Linksys nói riêng và Cisco nói chung không còn gì xa lạ với người dùng trên tất cả các phân khúc thị trường. Đặc biệt nếu bạn từng tìm hiểu qua về router wireless trên các trang tin công nghệ tại Việt Nam thì chắc hẳn cũng đã từng nghe qua đến 2 mẫu E2500 và E1200. Tuy khi so sánh p/p thì E1200 hơi đuối so với các sản phẩm khác trong danh sách nhưng bù lại E2500 - được liệt vào nhóm router Wifi N600 ( băng tần kép trong đó mỗi băng tần hỗ trợ tốc độ tối đa 300Mbps ) – lại có vẻ là ứng cử viên sáng giá cho những ai muốn đầu tư thêm một chút để có một router ổn định hỗ trợ cả 2 băng tần 2.4Ghz và 5Ghz.
Bất chấp những phàn nàn có phần cảm tính mà bạn có thể từng nghe về kiểu dáng và việc thiếu “râu” của các sản phẩm wireless linksys, Ciso vẫn luôn đảm bảo được tính ổn định và chất lượng sóng cho các sản phẩm của mình (bản thân người dịch sử dụng modem WAG120N hoạt động 24/24 và sản phẩm luôn cho sóng ổn định dù cách 2 tầng nhà).
Ưu: Hỗ trợ băng tần kép với tốc độ tối đa 300Mbps/ băng tần. Dễ dàng cài đặt và quản lí mạng không dây cỡ nhỏ khi sử dụng gói phần mềm đi kèm Cisco Connect. Hoặc những người dùng đã quen với việc cấu hình qua giao diện Web cũng có thể làm quen ngay lập tức với giao diện quản lí thân thiện trên nền Web của E2500. Vẻ ngoài sang trọng cũng là một điểm cộng đáng kể.
Nhược: Tầm phủ sóng của các mẫu router wireless mang nhãn hiệu linksys vẫn thường tỏ ra tho kém so với các đối thủ cạnh tranh, và đáng tiếc E2500 cũng không phải ngoại lệ. Gói phần mềm Cisco Connect vẫn chưa cung cấp toàn bộ chức năng điều khiển cho người dùng ( các chức năng nâng cao vẫn phải cấu hình qua giao diện web) và đòi hỏi phải có kết nối Internet.
Kết luận: Dù còn nhiều điểm cần cải thiện và mức giá cũng chưa được thực sự thân thiện với người dùng bình dân, các ưu điểm như hỗ trợ băng tần kép tốc độ cao, hoạt động ổn định, dễ cấu hinh ( hỗ trợ cả nhiều chức năng nâng cao) và thiết kế đẹp khiến E2500 là một lựa chọn đáng cân nhắc cho những ai đủ khả năng chi trả.
Netgear WNDR3400
Chung số phận với Belkin, thương hiệu Netgear tại Việt Nam có thể không được nhiều người dùng bình dân biết tới như linksys, TP-Link hay D-link, tuy nhiên chất lượng kết nối của mẫu router N600 này rất đáng để nhắc tới. Cùng hỗ trợ băng tần kép với tốc độ 300Mbps/băng tần như E2500, nhưng cái giá của WNDR3400 có vẻ dễ chịu hơn ( khoảng 70$ cho thị trường US và khoảng 1.500.000 khi tham khảo một số nơi bán hàng xách tay tại VN).
Ưu: Hỗ trợ 2 băng tần 2.4 và 5GHz với tốc độ tối đa 300Mbps/ băng tần. Tích hợp nhiều tính năng cao cấp để kiểm soát và theo dõi lưu lượng kết nối, hỗ trợ kết nối với ổ cứng ngoài qua cổng USB để phục vụ chia sẻ trong mạng.
Nhược: Thiếu kết nối Gigabit Ethernet. Chất lượng kết nối khi chia sẻ dữ liệu trong LAN chưa thực sự tốt.
Kết luận: WNDR3400 có các chức năng khá tương đồng E2500, cộng thêm việc hỗ trợ chia sẻ từ HDD gắn ngoài bằng cách sử dụng cổng USB 2.0 tích hợp sẵn khiến cho đây là một trong những giải pháp thay thế sáng giá cho E2500 khi ngân sách của bạn còn hạn hẹp.
TP-Link 150Mbps Wireless N Nano Router
Hiện nay khi mà các giải pháp mạng giá rẻ của TP-Link hay Tenda, Wacom đang tràn ngập thị trường, chắc hẳn bạn sẽ nghĩ không có gì nổi bật để nói khi nhắc tới router wireless TP-link. Tuy vậy, thiết kế độc đáo của sản phẩm này cũng đáng để ngó qua. Với một cổng Ethernet duy nhất, có thể hoạt động như cổng LAN hoặc WAN, lại chỉ hỗ trợ wireless-N với tốc độ tối đa 150Mbps, không phải ai cũng muốn sở hữu TP-link Wireless N Nano Router. Tuy nhiên đây lại là giải pháp khá tiện lợi cho những ai ưa chuộng sự cơ động. Bạn có thể luôn mang theo sản phẩm này để sử dụng khi nghỉ ở khách sạn hay thậm chí là khi đi tàu xe, với các chế độ hoạt động như Access Point, Repeater hay đơn giản là cổng chia sẻ dữ liệu, stream media. Giá cả của bé hạt tiêu này cũng rất "hạt tiêu" so với các sản phẩm khác trong danh sách.
Ưu: Nhỏ, gọn, bổ, rẻ. Các ưu điểm của bé hạt tiêu này cũng chỉ nhỏ gọn như kích thước của nó. Dù sao thì với kích thước như vậy, chất lượng kết nối của Nano cũng vẫn khác ổn định.
Nhược: Việc thiếu nhiều chức năng cần thiết cũng như giao diện quản lí đơn giản khiến cho người dùng một chút thời gian để làm quen với Nano, dù sao đây cũng không phải sản phẩm phục vụ những nhu cầu sử dụng dạng “cấu hình một lần rồi vứt đó”.
Kết luận: Nhỏ gọn và giá hợp lí, tuy rằng không phải ai cũng có thể quen với việc sử dụng Nano, nhưng với những người dùng thực sự cần giải pháp kết nối cơ động, một khi đã quen cấu hình chắc hẳn sẽ thấy bứt rứt mỗi khi bỏ quên bé hạt tiêu này ở nhà.