5 thành tựu khoa học nổi bật nhất của nước Nga những năm gần đây

    PnM,  

    Sau khi Liên Xô tan rã, nạn quan liêu, trì trệ và tình trạng tham nhũng trong nghiên cứu khoa học đã khiến nền khoa học vàng son một thời này bị tụt dốc.

    Một nền khoa học kỹ thuật tầm cỡ thế giới được xây dựng trong hơn 80 năm tồn tại của Liên bang Xô Viết hiện đang có nguy cơ suy tàn và tụt hậu nặng nề trong khung cảnh phát triển kinh tế thị trường tư bản tại nước Nga. Ở bài viết hôm nay, các bạn hãy cùng chúng tôi điểm mặt những thành tựu nổi bật nhất của nền khoa học Nga trong vòng một thập niên trở lại đây để thấy người Nga có gì để tự hào về nền khoa học nước nhà.

    1. Máy vi tính sản xuất trong nước

    Trong năm 2015, nhà máy "Izhevski" đã đi tiên phong sản xuất máy vi tính “cây nhà lá vườn”. Sản phẩm có tên "Elbrus-401" được sản xuất 100% trong nước dựa trên nền tảng bộ vi xử lý cũng do nước Nga chế tạo toàn bộ.

    Chiếc máy tính này cũng sử dụng hệ điều hành cùng tên "Elbrus" được xây dựng trên nhân Linux. Máy vi tính tự sản xuất được đánh giá là công cụ quan trọng để xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng, cũng như sử dụng trong những lĩnh vực yêu cầu cao về an ninh thông tin.

    Trông mẫu máy tính này không có gì nổi bật, thậm chí là còn rất xấu xí. Thế nhưng giá của nó không hề rẻ: 400.000 rúp, tương đương 136 triệu VND.

    2. Động cơ máy bay

    Chế tạo chiếc động cơ phản lực PD-14 là một dự án rất lớn của nước Nga. Người ta đã phải tạo ra 20 mẫu vật liệu mới hoàn toàn để phục vụ riêng cho dự án này.

    Động cơ dòng PD sẽ được lắp đặt trong các loại máy bay phản lực và trực thăng thế hệ mới của Nga. Các kỹ sư Nga đã thành công trong việc tối ưu hóa động cơ để nó trở nên thân thiện với môi trường và hoạt động cực kỳ yên tĩnh.

     PD-14 sẽ là trái tim của mọi loại máy bay Nga trong tương lai

    PD-14 sẽ là trái tim của mọi loại máy bay Nga trong tương lai

    Động cơ là một trong những thành phần quan trọng nhất của bất kỳ máy bay chiến đấu nào. Lịch sử công nghệ hàng không đã cho thấy giá trị của động cơ đối với hiệu suất của máy bay. Trong Chiến tranh Thế giới II, tiêm kích P-51 Mustang của Mỹ đã chứng minh sức mạnh vượt trội so với máy bay Đức sau khi thay thế động cơ.

     TU-334 với động cơ PD-14А

    TU-334 với động cơ PD-14А

    Tương tự, tiêm kích F-14 Tomcat của Hải quân Mỹ ban đầu có động cơ quá yếu, dẫn đến 30% tai nạn. Bộ trưởng Hải quân Mỹ John Lehman từng gọi động cơ của F-14 là nỗi kinh hoàng. Các tiêm kích hiện đại như F-15 và tiêm kích thế hệ V F-22 Raptor phải trải qua nhiều lần thay đổi động cơ để đạt sức mạnh như ngày hôm nay, vị chuyên gia giải thích. Chính vì thế, các công nghệ sử dụng trong chế tạo động cơ PD-14 là bí mật quốc gia được bảo vệ cực kỳ nghiêm mật của Nga.

    3. Vũ khí gây nhiễu

    Đài phát quang học "Grach" được sử dụng cho những tàu đổ bộ hoặc tàu tên lửa cỡ nhỏ hoạt động ven biển. Nó sẽ khiến kẻ thù “bị mù” trong chiến đấu, giúp tàu thuyền có thể đổ bộ ngay lập tức lên bờ biển và bảo vệ sinh mạng cho binh lính khỏi hỏa lực địch. Điểm đặc trưng của loại vũ khí này được các nhà phát triển nhấn mạnh là không gây sát thương và phạm vi hoạt động hẹp.

    Grach có thể dùng trong công tác chống cướp biển hoặc ngăn chặn những kẻ xâm nhập trái phép, đặc biệt hiệu quả vào ban đêm. Người Nga tự hào tuyên bố thứ vũ khí này của họ hiện tại có một không hai trên thế giới.

    4. Smartphone 2 màn hình

    Khi cả thế giới chao đảo vì iPhone thì điện thoại thông minh YotaPhone của Nga đã chuẩn bị ra mắt phiên bản thứ 3. Vladislav Martynov - giám đốc điều hành của công ty đã tiết lộ một số thông tin: máy sẽ có hai SIM, pin khỏe và thiết kế cao cấp.

    2 phiên bản trước của YotaPhone đều có giá rất cao, thiết kế lại không hợp thời nên chưa đạt được thành công như mong muốn. Đại diện YotaPhone hứa hẹn rằng chiếc điện thoại thông minh 2 màn hình thế hệ thứ 3 sẽ được bán ra với mức giá hấp dẫn, nhưng cụ thể thì chưa tiết lộ.

    Có nhiều nhà sản xuất smartphone của Trung Quốc cũng bày tỏ sự chú ý tới chiếc điện thoại đầy hứa hẹn này của Nga. Rõ ràng, trong tương lai gần người Nga có thể mong đợi sự tăng trưởng trong doanh số bán hàng của YotaPhone.

    5. In nội tạng sống

    Mặc dù công nghệ in 3D xuất hiện đầu tiên ở Mỹ, song cơ quan nội tạng sống được in 3D đầu tiên trên thế giới không phải được tạo ra ở đâu đó tại Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào khác, mà chính là ở Skolkovo, ngoại ô Moscow.

    Cho dù dự án hiện vẫn còn đang trong giai đoạn thí nghiệm nhưng các nhà khoa học Nga cho biết họ đang nỗ lực hoàn thiện công nghệ này. Ngày mà con người có thể sử dụng thận và gan nhân tạo với giá thành rẻ, chất lượng tốt sắp trở thành hiện thực.

    Thông tin bên lề:

    Các nhà khoa học Xô Viết với những dự án tuyệt vời từ lâu đã được biết đến trên toàn thế giới, thậm chí nhiều ý tưởng của họ còn trở thành huyền thoại. Thế nhưng sau khi Liên Xô tan rã, nền khoa học vàng son một thời này đã bị tụt dốc.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ