6 bản cập nhật phần mềm tồi tệ nhất trong lịch sử

    Dee Tee,  

    Cập nhật phần mềm chưa hẳn sẽ mang lại trải nghiệm tốt hơn cho người dùng.

    Về cơ bản, các nhà cung cấp sản phẩm và dịch vụ chỉ cung cấp các bản cập nhật khi họ muốn vá lỗi, bổ sung tính năng hay tăng hiệu suất sử dụng. Việc nâng cấp các ứng dụng phần mềm đã trở nên quá quen thuộc với chúng ta, từ máy tính cho tới những thiết bị di động.

    Nhưng đôi khi, các bản cập nhật hay vá lỗi không thực sự mang lại hiệu quả cho người dùng, thậm chí xuất hiện những tình huống dở khóc dở cười. Đã từng có nhiều bản cập nhật gây ra hậu quả nghiêm trọng về tài chính cho chính hãng phát hành nó, kéo theo đó là sự phẫn nộ của người dùng.

    Dĩ nhiên, chủ đích của nhà phát triển luôn muốn mang tới hiệu năng và tính năng tốt nhất cho sản phẩm hay dịch vụ của họ. Dù vậy, mọi chuyện luôn có thể đi ngược lại điều đó. Dưới đây là 6 ví dụ điển hình nhất về các bản cập nhật "ác quỷ" từng gây ra vô số thiệt hại.

    1. Bản cập nhật khiến hàng triệu iPhone mất kết nối di động

    Bản cập nhật iOS 8 cuối tháng 9 năm 2014 là một trong những trường hợp tệ nhất trong lịch sử ngành công nghệ di động. Chỉ là một bản vá lỗi nhỏ, nhưng chính nó đã gây ra vụ việc nghiêm trọng, khiến hàng triệu người dùng iPhone mất kết nối di động hoàn toàn. Theo phản hồi từ một số người dùng, họ thậm chí còn không thể sử dụng được cảm ứng vân tay sau khi nâng cấp bảng cập nhật đó.

     Tình trạng mất hoàn toàn sóng di động sau khi bản cập nhật iOS 8 cách đây 1 năm.

    Tình trạng mất hoàn toàn sóng di động sau khi bản cập nhật iOS 8 cách đây 1 năm.

    Steve Kovach, một cây bút của trang công nghệ TechInsider chia sẻ: "Thời điểm đó, tôi chẳng thể thực hiện được bất cứ cuộc gọi nào, tất nhiên là cũng không thể dùng 3G. Quãng thời gian sau đó thật sự là một cơn ác mộng đối với tôi".

    2. Apple Maps quá tệ sau khi được ra mắt

    Một tính năng lớn trong phiên bản iOS 6 ra mắt năm 2012, Apple từng coi đây sẽ là đối trọng với Google Maps. Nhưng ngay sau đó, nỗi thất vọng về bản đồ của Apple đã bao trùm thế giới Internet. Những hình ảnh dở khóc dở cười trong ứng dụng này xuất hiện trên nhiều trang công nghệ khác nhau.

     Ai dám đi trên cây cầu này chứ?

    Ai dám đi trên cây cầu này chứ?

    Sau đó, CEO Tim Cook đã phải gửi một lá thư xin lỗi tới người dùng và giới truyền thông vì đã không cẩn trọng khi phát hành phần mềm này. Đồng thời, hãng này cũng kêu gọi người dùng tiếp tục sử dụng Apple Maps và thông báo các lỗi cho hãng. Tuy vậy, hầu hết người dùng iOS đã lựa chọn tải về ứng dụng bản đồ khác chứ không muốn sống chung với những hình ảnh quái gờ trong bản đồ của Apple.

    3. Mọi người ghét Windows 8

    Có thể gọi Windows 8 là 1 bản cập nhật lớn từ Windows 7. Và cho tới nay, Windows 8 vẫn là 1 "bản nâng cấp" vô cùng tệ. Với tham vọng đánh chiếm thị trường máy tính bảng, Microsoft ra mắt Windows 8 có nhiệm vụ tối ưu hóa cho màn hình cảm ứng. Nhưng điều này vô tình khiến người dùng PC cảm thấy khó chịu hơn bao giờ hết. Giao diện Metro trên Windows 8 và 8.1 bị cho là sự thất bại của hệ điều hành Windows, và đặc biệt bị đem so sánh với Windows 7 với giao diện truyền thống.

     Giao diện Metro của Windows 8 đã nhận rất nhiều gạch đá từ người dùng.

    Giao diện Metro của Windows 8 đã nhận rất nhiều "gạch đá" từ người dùng.

    Chưa hết, tham vọng lấn sân sang máy tính bảng cũng chẳng thể thực hiện, lý do không đâu khác tới từ phiên bản Windows RT vô dụng. Nhưng Windows 10 đã sớm ra mắt và đưa Microsoft trở lại đường đua một cách đầy ấn tượng.

    4. Bản cập nhật của AMD "nướng chín" nhiều VGA của người dùng

    Vụ việc gần đây nhất tới từ driver Crimson do AMD cung cấp. Theo đó, sau khi thay thế Catalyst Control Center bằng một phiên bản Radeon Software mới, rất nhiều phản hồi từ người dùng cho biết nhiệt độ VGA đã tăng đột ngột, thậm chí dẫn tới cháy card.

    Nguyên nhân của hiện tượng này tới từ thiết lập mặc định trên driver Crimson. Điều tra ban đầu cho thấy tốc độ quạt đã bị đặt cứng ở 20% dẫn tới nhiệt độ tăng cao khi người dùng chơi các tựa game nặng.

    Sau những lùm xùm này, AMD đã nhanh chóng tung một bản vá lỗi khác để giải quyết tình trạng trên. Nhưng trên hết, hãng không hề gửi lời xin lỗi tới những trường hợp hỏng VGA vì phần mềm của họ.

    5. Cập nhật phần mềm biến PlayStation 3 thành cục gạch

    Người dùng sở hữu máy chơi game của Sony đã được 1 phen hú hồn khi PlayStation 3 biến thành "cục gạch lớn" chỉ sau 1 bản nâng cấp. Firmware mà hãng công nghệ Nhật Bản phát hành cho PS 3 đã khiến thiết bị này khóa hoàn toàn giao diện điều khiển, không thể sử dụng tiếp.

     PS3 từng có nguy cơ bị biến thành cục gạch chỉ sau 1 bản cập nhật.

    PS3 từng có nguy cơ bị biến thành cục gạch chỉ sau 1 bản cập nhật.

    Tuy vậy, một bản cập nhật khác đã sớm cập bến, giúp giải quyết tình trạng trên đồng thời Sony đưa ra lời xin lỗi tới nạn nhân của trường hợp trên.

    6. Một lỗi phần mềm khiến Trạm Không Gian Quốc Tế dừng hoạt động

    Đôi khi, một bản cập nhật phần mềm có thể đẩy nhiều người vào tình thế nguy hiểm tới tính mạng. Mỗi năm một lần, các máy tính trên Trạm Không Gian Quốc Tế nhận một bản cập nhật lớn, tất cả được gửi từ Trái Đất.

     Trạm Không Gian Quốc Tế cũng từng là 1 nạn nhân của bản cập nhật lỗi.

    Trạm Không Gian Quốc Tế cũng từng là 1 nạn nhân của bản cập nhật lỗi.

    Ngày 19/12 năm 2013, sáu phi hành gia làm việc trên trạm không gian đã gặp phải tình trạng chưa từng có khi một dòng mã nhỏ trong bản cập nhật trước đó khiến toàn bộ công cụ truyền tín hiệu dừng hoạt động.

    "Chúng tôi đã mất liên lạc với mặt đất và cũng không thể can thiệp được vào các hệ thống trên Trung Tâm Không Gian Quốc Tế", đại tá Chrius Hadfield, một trong 6 người bị mắc kẹt thời điểm đó. Phải mất 1 khoảng thời gian sau đó, các chuyên gia dưới mặt đất mới có thể giải quyết tình trạng này.

    Tổng hợp

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày