6 cách chống lạnh, phòng bệnh hiệu quả khi rét đột ngột

    PV,  

    Cơ thể run rẩy là dấu hiệu cho thấy bạn đang mất nhiệt và rất dễ bị cảm lạnh, thậm chí với người cao tuổi có thể gây đột quỵ. Một số lưu ý dưới đây giúp bạn chống lạnh hữu hiệu.

    Ngày 23/1, do ảnh hưởng của không khí lạnh, Tây Bắc Bộ xuống mức 10-13 độ C. Đông Bắc Bộ mưa nhỏ, thấp nhất 8-11 độ C, vùng núi 5-8 độ C, có nơi xuống 0-3 độ C. Trong những ngày tiếp theo, nhiệt độ tại vùng núi cao trên 1.500 m có thể xuống 3-6 độ C, thậm chí có nơi sẽ xuống 1 và dưới 0 độ C.

    Nhiệt độ xuống thấp mang tới cảm giác rét buốt khiến cơ thể mất nhiệt và dễ sinh bệnh. Để ngăn ngừa bị tê cóng hay giảm thân nhiệt, bạn cần lưu ý:

    Không để tay chân lạnh, cơ thể run rẩy

    Vào những ngày lạnh rét, bạn cần mặc ấm với quần áo chống gió, cài chặt khuy áo, dây khóa, đừng quên đeo găng tay, quàng khăn, đội mũ, bịt tai và vào ngay phòng kín khi bắt đầu cảm thấy lạnh.

    Nếu bạn chuẩn bị đi ra ngoài, đừng bỏ qua hiện tượng run rẩy của cơ thể. Đó là dấu hiệu cho thấy cơ thể mất nhiệt và là tín hiệu báo bạn cần nhanh chóng trở về nhà.

     Mặc quần áo chống gió, đeo găng tay, quàng khăn, đội mũ, bịt tai giúp giữ ấm cơ thể ngày lạnh giá. Ảnh: Anh Tuấn.

    Mặc quần áo chống gió, đeo găng tay, quàng khăn, đội mũ, bịt tai giúp giữ ấm cơ thể ngày lạnh giá. Ảnh: Anh Tuấn.

    Bạn cần tránh tiếp xúc đột ngột với lạnh. Khi đi từ trong nhà ra ngoài, hãy mở cửa chậm để cơ thể thích nghi dần. Tuyệt đối không lao ngay ra ngoài vì dễ sốc nhiệt.

    Ăn đủ chất, tăng cường đạm, các gia vị cay

    Chế độ dinh dưỡng cũng là yếu tố bạn cần chú ý. Nên tăng cường ăn rau xanh, trái cây để nâng cao sức đề kháng. Các gia vị như hành, tỏi, gừng, quế… giúp giữ ấm rất tốt, giải cảm, ấm bụng, kích thích tiêu hóa.

    Ăn uống ưu tiên các chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất để tăng sức đề kháng.

    Tránh uống nước lạnh, đồ có cồn

    Tăng cường uống nước ấm, trà gừng, trà thảo mộc, nước trái cây trong những ngày mùa đông lạnh giá. Hãy nhớ, nước lạnh, đồ uống có cồn làm cơ thể mất nhiệt nhanh hơn.

    Trước khi đi ngủ hoặc sau khi thức giấc, nên uống sữa ấm hoặc mật ong để tốt cho đường hô hấp và giữ thân nhiệt.

     Trà gừng giúp cơ thể ấm hơn trong ngày đông.

    Trà gừng giúp cơ thể ấm hơn trong ngày đông.

    Duy trì chế độ luyện tập trong nhà

    Để giữ ấm cơ thể, chống lạnh rét mùa đông, bạn cần tăng cường hoạt động, lao động chân tay để cơ thể sản sinh nhiều nhiệt. Cần xoa xát da để làm giãn mạch máu đưa nhiều chất dinh dưỡng đến nuôi da. Buổi tối, hãy ngâm chân vào nước muối ấm để điều hòa khí huyết, giữ ấm cơ thể.

    Không phải tắm hàng ngày

    Tuyệt đối không tắm khuya, lâu, hoặc tắm nơi không kín gió. Sử dụng nước ấm để vệ sinh thân thể. Trẻ em chỉ cần lau người, rửa chân tay mặt mũi sạch bằng nước ấm trong phòng kín gió, có thiết bị sưởi và ủ ấm ngay để không bị nhiễm lạnh.

    Nếu thấy ho, không tự ý dùng kháng sinh

    Theo bác sĩ Phạm Văn Tiến - Trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện 103 - cảm cúm, lạnh là triệu chứng thường gặp, không quá đáng lo ngại và có thể khỏi trong vòng một tuần. Khi có các triệu chứng: mệt mỏi, sốt, nhức đầu, đau rát họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, ho, hắt hơi..., người bệnh tuyệt đối không dùng kháng sinh. Thói quen tự ý sử dụng kháng sinh mỗi khi có bệnh của người Việt hiện rất nguy hiểm.

    Theo bác sĩ Tiến, chỉ dùng kháng sinh khi bị sốt giảm bạch cầu hoặc có nhiễm trùng. Với các loại cúm thông thường, không được dùng thuốc tùy ý. Thuốc hạ sốt cũng chỉ dùng khi nhiệt độ cơ thể trên 38,5 độ C quá 3 ngày.

    Người bệnh chỉ nên điều trị triệu chứng, chẳng hạn có đờm, uống thuốc long đờm, ho điều trị ho…

    Theo Zing

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày