6 năm của VinFast dưới bàn tay tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Từ đầm lầy ven biển Hải Phòng đến sàn chứng khoán Mỹ!
Khởi công xây dựng nhà máy trên bãi đầm lầy ven biển Hải Phòng vào tháng 9/2017. Sau gần 6 năm, VinFast vừa khởi công tiếp nhà máy ở Mỹ và sẽ chính thức đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán Mỹ vào ngày 15/8 tới đây.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Tập đoàn Vingroup được tổ chức hồi tháng 5/2023, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã lần đầu tiên chia sẻ về lý do Vingroup tạo ra VinFast.
Ông Vượng cho biết, điều này xuất phát từ nhu cầu đóng góp của Vingroup cho xã hội chứ không đơn thuần nhắm đến câu chuyện kinh doanh. Một doanh nghiệp lớn, thành đạt, có năng lực nhất định thì phải hướng đến đóng góp cho Đất nước. Đó là xây dựng thương hiệu công nghệ đẳng cấp cao, có sức ảnh hưởng, được quan tâm trên trường quốc tế. "Nếu kinh doanh kiếm tiền thì không dại gì Vingroup lao vào một lĩnh vực khó. Nếu dễ thì cũng không đến lượt chúng ta làm", ông Vượng nói.
Và lĩnh vực cực kỳ khó nhằn này chính thức được triển khai từ tháng 9/2017 khi VinFast khởi công Tổ hợp sản xuất ô tô và xe máy điện tại Cát Hải - Hải Phòng. Mục tiêu của VinFast lúc bấy giờ là trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu Đông Nam Á với công suất thiết kế lên đến 500.000 xe/năm vào năm 2025, sản phẩm chủ lực là ô tô động cơ đốt trong, ô tô sử dụng động cơ điện và xe máy điện thân thiện với môi trường.
1 tháng sau khi khởi công nhà máy, VinFast đầu tháng 10/2017 công bố 20 mẫu thiết kế xe đầu tiên cho dòng xe Sedan và SUV và tổ chức cuộc thi bình chọn mẫu ô tô được yêu thích nhất. Đây là lần đầu tiên, người Việt được trưng cầu ý kiến để cùng nhà sản xuất tìm ra mẫu xe hiện đại theo xu hướng thế giới; đồng thời phù hợp với thị hiếu và nhu cầu thị trường Việt Nam.
Sang đầu năm 2018, VinFast chính thức ký hợp đồng sản xuất xe mẫu với nhà thiết kế hàng đầu Pininfarina, đồng thời công bố mua bản quyền sở hữu trí tuệ từ BMW nhằm phát triển sản xuất.
Tháng 6/2018, VinFast công bố thương vụ bom tấn với General Motors Việt Nam. Theo đó, VinFast sẽ tiếp nhận hệ thống đại lý uỷ quyền hiện tại của thương hiệu Chevrolet và trở thành nhà phân phối độc quyền các sản phẩm và dịch vụ mang thương hiệu Chevrolet tại thị trường Việt Nam.
Với bước đi này, VinFast lập tức có trong tay một loạt đại lý bán xe trên cả nước, đồng thời làm quen dần với thị trường trong thời gian chờ nhà máy ở Hải Phòng hoàn thiện.
Đến tháng 10/2018, VinFast công bố 2 mẫu xe concept đầu tiên tại Triển lãm Paris Motor Show 2018. Đây là sự kiện gây tiếng vang và là lần đầu tiên Việt Nam góp mặt ở triển lãm danh giá thế giới.
Đầu tháng 11/2018, VinFast khánh thành nhà máy sản xuất xe máy điện và ra mắt dòng sản phẩm đầu tiên VinFast Klara, gồm phiên bản pin Lithium-ion và phiên bản ắc quy a-xít chì.
Ngày 20/11/2018 VinFast chính thức giới thiệu dòng xe sedan Lux A2.0, SUV Lux SA2.0, cùng mẫu xe CUV cỡ nhỏ Fadil tới người Việtvà bắt đầu nhận đặt cọc từ khách hàng.
Tháng 3/2019, VinFast hoàn thành sản xuất thử nghiệm mẫu xe Lux SA2.0 đầu tiên và đưa hàng loạt xe ra nước ngoài kiểm thử.
Tháng 6/2019, nhà máy của VinFast ở Hải Phòng chính thức khánh thành sau 21 tháng thi công, lập kỷ lục về tốc độ triển khai trong ngành công nghiệp ô tô thế giới.
1 tháng sau khi khánh thành nhà máy, VinFast lập tức bàn giao những chiếc xe đầu tiên cho khách hàng.
Khoảng thời gian tiếp theo là giai đoạn VinFast tập trung sản xuất và bán 3 mẫu xe Fadil, Lux A2.0 và Lux SA2.0. Đồng thời, công ty cũng rục rịch chuẩn bị những thứ cần thiết để chuyển sang sản xuất xe điện sau này, như ký thỏa thuận hợp tác với các hãng sản xuất pin, chip và nhiều linh kiện khác. Tháng 5/2020, những hình ảnh chạy thử đầu tiên của một chiếc "VinFast Nextgen" xuất hiện trên truyền thông.
Năm 2021, VinFast cho thấy quyết tâm của mình đối với xe điện. Tháng 3/2021, VinFast chính thức công bố nhận đặt hàng mẫu ô tô điện đầu tiên có tên gọi VF e34. Sau 12 giờ mở bán, hãng nhận được tới 4.000 đơn đặt hàng. Đây cũng là khoảng thời gian xuất hiện thông tin VinFast có ý định đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán Mỹ.
Tháng 4/2021, xe bus điện của VinFast chính thức lăn bánh. Xe bus điện được người dân yêu thích hơn so với bus truyền thống, nhờ vận hành êm ái và không phát thải ra môi trường.
Tháng 12/2021, VF e34 chính thức xuất xưởng và lăn bánh trên đường phố, khai mở kỷ nguyên ô tô điện của Việt Nam.
Chỉ 1 tháng sau khi những chiếc xe điện lăn bánh, VinFast gây shock khi ngày 5/1/2022 công bố sẽ dừng sản xuất xe xăng, chỉ sản xuất xe điện từ cuối năm 2022. Đây là thông tin gây bất ngờ cho rất nhiều người.
Lý giải điều này, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho biết, thực chất ngay từ đầu VinFast vẫn nhắm tới xe điện, nhưng không thể làm ngay lập tức bởi cách đây 5 năm rất ít người mong muốn dùng xe điện. Bên cạnh đó, xe điện cũng rất khó làm, mỗi chiếc xe điện có khoảng 40 máy tính, phải mất cả năm trời để VinFast kết nối các máy tính này với nhau.
“Sau khi thấy cơ hội của xe điện mạnh, lập tức chúng tôi chuyển từ xe xăng sang xe điện, dồn toàn tâm toàn lực", ông Vượng nói.
Theo thống kê, từ khi bắt đầu công bố doanh số xe, cho đến khi dừng sản xuất, VinFast đã bán được tổng cộng 74.556 chiếc xe xăng, gồm 48.389 Fadil, 15.102 Lux A2.0 và 11.065 Lux SA2.0.
Tháng 3/2022, VinFast và chính quyền bang Bắc Carolina (Mỹ) ký kết biên bản ghi nhớ về việc xây dựng nhà máy sản xuất đầu tiên của VinFast tại thị trường Mỹ. Tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn luôn coi Mỹ là thị trường trọng điểm.
Triết lý của ông Vượng là: "Mỹ là thị trường rất khó, nếu làm được ở thị trường khó nhất, thì câu chuyện vào các thị trường khác sẽ đơn giản, dễ dàng hơn. Sau khi làm thành công, đạt đến sản lượng nhất định ở thị trường Mỹ mới triển khai tiếp các thị trường khác".
Hơn 1 năm sau, vào ngày 28/7/2023, VinFast chính thức khởi công dự án nhà máy sản xuất xe điện tại hạt Chatham, Bắc Carolina, đánh dấu bước tiến quan trọng trong chiến lược mở rộng thị trường, phát triển thương hiệu xe điện toàn cầu và tự chủ nguồn cung của hãng tại khu vực Bắc Mỹ.
Nhà máy VinFast tại Bắc Carolina có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 2 tỷ USD, trên quy mô 733 ha và được chia thành 5 phân khu sản xuất chính, bao gồm: xưởng hàn thân vỏ, xưởng lắp ráp, xưởng dập, xưởng sơn và trung tâm năng lượng. Ngoài ra, trong khuôn viên nhà máy sẽ có các công trình chức năng khác như nhà bảo vệ, nhà máy bơm, và nhà tập trung rác thải… .
Trong giai đoạn đầu, nhà máy sẽ tập trung sản xuất các mẫu xe điện VF 7, VF 8 và VF 9 để đáp ứng nhu cầu thị trường với công suất dự kiến là 150.000 xe/năm. Nguồn cung linh kiện phục vụ sản xuất sẽ được ưu tiên mua tại Mỹ, Việt Nam và một số nước trong khu vực.
Trước đó, vào tháng 11/2022 và tháng 4/2023, VinFast đã xuất khẩu những lô hàng xe điện đầu tiên đi Mỹ và Canada, tổng cộng 2.878 chiếc. Sự kiện này đánh dầu lần đầu tiên ô tô thương hiệu Việt tiến ra thế giới.
Mới đây nhất, VinFast vừa chính thức công bố kế hoạch hợp nhất kinh doanh với Black Spade đã được thông qua và sẽ hoàn tất vào ngày 14/8.
Sau giao dịch, VinFast sẽ hoạt động như một công ty hợp nhất. Cổ phiếu phổ thông và chứng quyền VinFast dự kiến sẽ bắt đầu giao dịch trên sàn chứng khoán Nasdaq Stock Market LLC (“Nasdaq”) vào, hoặc khoảng, ngày 15/08/2023, dưới các mã niêm yết mới lần lượt là “VFS” và “VFSWW”. Định giá của VinFast được cho là khoảng 23 tỷ USD.
Tính đến thời điểm hiện tại, VinFast đã phát triển thành công hệ sinh thái xe điện toàn diện gồm các dòng xe SUV điện (từ minicar đến 5 phân khúc cơ bản: A-B-C-D-E); xe máy điện và xe buýt điện.
Xe của VinFast được bán tại Việt Nam, Bắc Mỹ và sắp tới là châu Âu. VinFast sở hữu cơ sở sản xuất ô tô hiện đại tại Hải Phòng, Việt Nam với tỷ lệ tự động hóa lên tới 90% và công suất sản xuất hàng năm lên đến 300.000 xe trong giai đoạn 1.
Các mẫu ô tô điện VinFast đã được bàn giao tại thị trường Việt Nam bao gồm: VF e34, VF 8, VF 9 và VF 5.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời