6 phát minh siêu hữu dụng giúp làm sạch đại dương, cứu rỗi Trái Đất của chúng ta

    PnM,  

    Có lẽ chỉ dùng lời nói là chưa đủ mà phải cần tới hành động cùng sự trợ giúp của khoa học công nghệ thì loài người mới cứu được đại dương, hay nói đúng hơn là cứu lấy tương lai của chính mình.

    Dù cho tính mỏng manh dễ bị tổn thương của đại dương được giảng dạy trong giờ địa lý ở hầu hết các quốc gia trên thế giới nhưng tới nay biển xanh bao la vẫn là trọng tâm của các loại chất thải, hóa chất độc hại và các chế phẩm nhựa khó phân hủy.

    Có lẽ chỉ dùng lời nói là chưa đủ mà phải cần tới hành động cùng sự trợ giúp của khoa học công nghệ thì loài người mới cứu được đại dương, hay nói đúng hơn là cứu lấy tương lai của chính mình. Ngay lúc này đây các kỹ sư, các nhà khoa học toàn cầu đang chung tay nỗ lực tìm cách giải quyết vấn đề đó. Hãy cùng chúng tôi điểm mặt 6 công nghệ làm sạch đại dương có triển vọng và hứa hẹn nhất cho tới thời điểm này nhé.

    1. Những “cây đũa thần” hút dầu loang

    Rò rỉ đường ống dẫn dầu, vỡ giếng dầu hay sự cố chìm tàu chở nhiên liệu đều là những thảm họa nghiêm trọng khiến cho dầu tràn ra biển, gây nguy hiểm tới môi trường sống của hàng triệu sinh vật. Trước đây để khắc phục hậu quả tràn dầu đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, hao tốn tiền của nhưng hiệu quả lại chưa cao. Tuy nhiên phát minh mới phòng thí nghiệm "Fermilab" (bang Chicago, Mỹ) hứa hẹn sẽ là một bước tiến mới trong cuộc chiến với dầu loang.

    Đũa thần giúp xử lý dầu loang

    Phát minh này dựa trên công nghệ từ trường để thu hút các vệt dầu và loại bỏ chúng ra khỏi nước. Ban đầu các nhà khoa học sẽ rắc bột đá nam châm nghiền mịn lên các vết dầu loang để làm cho dầu bị “nhiễm từ” rồi sau đó thả những cây đũa hoặc tấm phủ từ tính xuống nước để hút dầu-nam châm. Điểm cộng của phương pháp này là lượng dầu thu được sau đó có thể được tách lọc để tái sử dụng.

    2. Thùng rác nổi

    Seabin là một chiếc thùng rác khác biệt so với những thùng rác mà ta vẫn thấy hàng ngày. Đúng như tên gọi, nó được thả trôi trên biển để hút các loại rác có trong nước. Thiết bị này đi cho nước đi qua mà không làm cản trở tới dòng chảy, nó chỉ giữ lại những vật lạ dập dềnh mà thôi.

    Seabin không thể làm sạch toàn bộ đại dương nhưng nó thực hiện tốt nhiệm vụ khi được thả trong các ao hồ nhỏ.

    Thùng rác nổi hoạt động 24/7 không mệt mỏi

    3. Lưới khổng lồ bắt rác

    Ở tuổi 16 khi mà phần lớn chúng ta là những cô bé, cậu bé chỉ biết chơi đùa thì Boyan Slat lại trăn trở với vấn đề đại dương bị ô nhiễm. Cậu đã nghĩ ra ý tưởng về Ocean Cleanup Array - một tấm lưới khổng lồ nằm dưới nước để chặn và thu gom rác.

    Chỉ 5 năm sau đó ý tưởng của Slat đã trở thành hiện thực – những tấm lưới như vậy đang sắp được sử dụng tại Nhật Bản và Hàn Quốc để thu gom chất dẻo lơ lửng trong nước biển. Nếu thử nghiệm thành công thì Ocean Cleanup Array sẽ được đưa tới Thái Bình Dương để dọn bãi rác khổng lồ tại đây.

    Thử nghiệm lưới bắt rác

    4. Ghế làm từ nhựa đại dương

    Các sinh viên tốt nghiệp của trường đại học nghệ thuật hoàng gia London đã quyết định biến những thứ rác trôi nổi trên biển trở thành vật có ích, ví dụ như biến nó thành ghế nhựa.

    Dự án Sea Chair do họ khởi xướng với mục đích thu thập, phân loại và tái chế nhựa đại dương, rồi dùng số nhựa đó làm mực cho máy in 3D để in ghế nhựa.

    Cho đến nay, dự án dù chưa được triển khai tích cực lắm nhưng vẫn gây tò mò cho rất nhiều người.

    Phim ngắn về dự án Sea Chair của các sinh viên Anh Quốc

    5. Đồ bơi lọc nước bẩn

    Có lẽ đây là phát minh để làm sạch đại dương theo cách kỳ lạ nhất – bộ đồ bơi Sponge Suit được in 3D. Nó không chỉ làm người mặc trông hấp dẫn mà còn có “siêu năng lực”. Bộ đồ bơi được làm từ chất liệu đặc biệt tương tự như bọt biển có khả năng hấp thụ nhiều loại chất ô nhiễm có trong nước.

    Người mặc chỉ cần xuống nước bơi lặn như bình thường còn việc lọc nước đã có bộ đồ tự lo liệu. Nhà sản xuất cho biết, Sponge Suit có thể hấp thụ lượng ô nhiễm gấp 25 lần khối lượng của chính nó. Các chất gây ô nhiễm này được hấp thụ mà không tiếp xúc với da thịt của người mặc nên không gây dị ứng hay nhiễm độc.

    Loại vật liệu lọc bẩn mà không gây hại cho người mặc đồ bơi

    6. Tháp chọc trời dưới nước với phễu lọc khổng lồ

    Seawer là tòa tháp 2 phần: phần nằm dưới nước có chức năng lọc các rác nhựa và nhiều loại chất thải khác, phần trên là những tấm pin năng lượng mặt trời dùng để sản xuất điện sạch, thân thiện với môi trường.

    Seawer có kích thước sánh ngang với một công trình kiến trúc khổng lồ trên mặt đất. Phần phễu dùng cho xử lý nước có đường kính tới 550 mét, sâu 300 m để hút các loại rác nằm ở tầng nước sâu mà những thiết bị như lưới khổng lồ bắt rác Ocean Cleanup Array hay Seabin khó mà thu gom được. Tháp Seawer được thiết kế đặc biệt để làm sạch “siêu bãi rác” Pacific Garbage Patch trên biển Thái Bình Dương.

    Bãi rác khổng lồ Pacific Garbage Patch như một hòn đảo trên biển

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày