7 điều khoản khi tham gia Facebook, Instagram bạn đã đồng ý mà có lẽ không hề đọc kỹ nội dung của nó

    NPQM,  

    Thói quen cố hữu nay có thể trở thành nguyên nhân gây ra nhiều sự việc không đáng có cho chính tài khoản "yêu dấu" của bạn trên các nền tảng mạn xã hội.

    Mỗi khi đăng ký sử dụng hay làm thành viên chính thức của một chương trình, nền tảng nào đó, chắc chắn ai cũng phải một lần điền vào dấu chấp thuận điều khoản sử dụng dịch vụ của công ty phát hành. Cụ thể, văn bản đó là toàn bộ những mục diễn tả các quyền được cho phép cũng như hành động nghiêm cấm trong qua trình sử dụng phần mềm và dịch vụ.

    Tất nhiên nhà sản xuất luôn đưa ra những lời cảnh báo và quy định “rõ như ban ngày” như “Không được tải lên virus trái phép” hoặc “Cấm mọi hành vi sao chép, chỉnh sửa, phân phối, mua bán và giao dịch bất kỳ thành phần hay thiết kế nào của chương trình”. Dù vậy, vẫn còn đó một số điều khoản khá “sâu xa” mà hầu hết chúng ta không để ý hoặc vô tình bỏ qua khi đăng ký dịch vụ.

    Cùng nhìn qua vài điều mục thú vị nhưng có thể vô cùng quan trọng mà từ trước đến nay ít khi được ngó ngàng đến:


    1. Facebook sở hữu bất kỳ nội dung nào được đăng tải lên nền tảng của họ

    “Bạn sẽ cho phép chúng tôi quyền truy cập mở rộng trên toàn cầu (không liên quan đến các hình thức độc quyền hay giới hạn Hoàng tộc) đối với mọi nội dung được đăng tải trực tiếp trên hoặc thông qua Facebook bằng giao thức kết nối Internet.”

    Cụ thể, lời trích dẫn trên sẽ giúp Facebook hoàn toàn kiểm soát những gì bạn đăng lên đó, bao gồm cả những mục đích quảng cáo, lan truyền thông tin hay nhiều loại hình khác nữa.

    Không có gì là an toàn ở đây cả.

    Ngoài ra, bạn cũng sẽ đồng ý với việc bất kỳ ai cũng có thể nhìn thấy và sử dụng thông tin đăng tải dưới danh nghĩa của bạn nếu cài đặt bài đăng hiện tại đang ở chế độ “Công khai” (Public):

    “Khi những bài đăng của bạn đang ở chế độ Public, điều đó cũng đồng nghĩa với việc bạn đang cho phép mọi người, kể cả những ai không trực tiếp là thành viên trên Facebook, được sử dụng thông tin đó với liên hệ tác giả là bạn.”


    2. Snapchat thực sự quan tâm đến... mạng sống của người dùng hơn là chúng ta nghĩ

    “Không được sử dụng các loại hình dịch vụ của chúng tôi theo cách khiến bạn xao nhãng khỏi việc tham gia giao thông hay chấp hành luật lệ. Và đừng bao giờ tự gây nguy hiểm cho chính mình chỉ để chụp một tấm Snap để gửi cho bạn bè.”

    Nếu bạn đang lái xe trên đường và muốn ghi lại bức ảnh chụp đồng hồ đo tốc độ ở mức “đáng ngưỡng mộ” như trên 100 dặm/h, nguy cơ gây ra nguy hiểm và tai nạn cho bản thân và người khác là rất cao, và đã có trường hợp tương tự xảy ra. Nhằm mục đích tuyên truyền nhận thức đúng đắn và phản đối những hành động vô trách nhiệm khi sử dụng các phần mềm, thiết bị công nghệ, Snapchat đã thêm vào điều khoản sử dụng của mình một số yêu cầu như trên.

    Không chỉ có ý nghĩa khuyên răn, củng cố nhận thức mà mục trên còn có thể là cơ sở để Snapchat cấm hoàn toàn mọi hoạt động sử dụng dịch vụ của bạn nếu vi phạm. Vì vậy, hãy suy nghĩ kỹ trước khi nhờ một người bạn trợ giúp trong những màn set-up ghê rợn chỉ vì vài tấm hình “sống ảo” trên thế giới số.


    3. Bạn không được “stalk” hành vi và hoạt động của người khác trên Instagram

    “Bạn không được nói xấu, theo dõi, bắt nạt, quấy rối, đe dọa hoặc đóng giả bất kể một tổ chức hay người nào khác.”

    Những hành vi như đe dọa, quấy rối, bắt nạt… thì có thể dễ hiểu khi không được chấp nhận trong cộng đồng chung hiện nay, thế nhưng việc theo dõi (stalk) có vẻ như đang nhận được khá nhiều ý kiến đa chiều xung quanh, vì chẳng phải nó vốn đã là một đặc điểm cố hữu của những nền tảng mạng xã hội hay truyền thông trên Internet hay sao?

    Câu trả lời lại không hề đơn giản như chúng ta tưởng. Mọi người thường đề cập đến khái niệm “stalk” một cách khá bình thường trong cuộc sống hàng ngày, chẳng hạn “Tôi đang stalk một anh chàng rất ưa nhìn trên Facebook,” thế nhưng ý nghĩa thực sự của “stalk” ở đây còn liên quan đến cả những góc độ tiêu cực và thừa thãi, và tất nhiên là có phần trái với quy định về quyền riêng tư.

    Điều này có thể được minh chứng và biểu lộ qua những hành vi liên tục gửi tin nhắn hoặc bình luận với tần suất cao hơn mức thông thường, mang chiều hướng cực đoan. Vì vậy, đừng bao giờ trở thành một kẻ xấu tính trên bất kỳ mạng xã hội nào cả.


    4. LinkedIn “nói không với gian dối”

    “Bạn phải cam kết rằng thông tin cá nhân của bạn là đúng với sự thật.”

    Trong hầu hết mọi trường hợp, nói dối chưa bào giờ được đánh giá cao hay coi là một cách làm đúng đắn cả, đặc biệt là khi nó liên quan đến chính những thông tin đi liền với bản thân mỗi người.

    Để đảm bảo danh tiếng và uy tín của mình trong công việc quản lý nền tảng mạng xã hội nghề nghiệp lớn hàng đầu thế giới hiện nay để tạo điều kiện tốt nhất cho cả những nhà tuyển dụng và ứng viên tìm được một công việc xứng đáng, công ty yêu cầu mọi thành viên tham gia phải tuyệt đối trung thực khi nhập thông tin về kinh nghiệm và bằng cấp trong quá khứ.

    Nếu bị phát hiện dù chỉ một lỗi nhỏ thôi, thì xin chia buồn với bạn, hãy sẵn sàng tạm biệt với tài khoản LinkedIn của riêng mình và tất cả những mối liên hệ quan trọng đi kèm với nó.


    5. Instagram có thể khiến bạn đổi tên người dùng bất kỳ khi nào họ muốn

    “Chúng tôi có quyền được kiểm soát và chỉnh sửa mọi tên người dùng dưới mọi lý do và mục đích.”

    Xem ra không ai có thể thoát khỏi “lưới trời” của Instagram khi đụng đến khía cạnh này.

    Điều khoản trên thực chất ám chỉ việc nhà phát hành ứng dụng đang cảnh cáo mọi người dùng không được bắt chước, giả mạo hay có bất kỳ động thái tương tự đối với thông tin không chứng thực hoặc không phải quyền sở hữu của mình.

    Thế nhưng ai mà biết được liệu trong tương lai, quyền hạn này có “vô tình” bị lợi dụng trong một tình huống nào đó hay không?


    6. Twitter không phải chịu trách nhiệm khi tài khoản của bạn bị hack

    “Mọi người đều phải có trách nhiệm bảo quản và giữ bí mật password cá nhân gắn liền với mọi dịch vụ và hoạt động được ủy quyền. Chúng tôi rất khuyến khích việc lập một password mạnh, bao gồm cả chữ hoa, chữ thường, số và biểu tượng. Twitter sẽ không chịu hoàn toàn trách nhiệm gì nếu có bất kỳ hậu quả nào liên quan xảy ra.”

    Việc thiết lập một mật khẩu mạnh luôn được đánh giá là không bao giờ thừa hay bị xem nhẹ trong cuộc sống hiện nay. Nhưng chả ai dám chắc rằng tài khoản của mình sẽ không bị “sờ gáy” kể cả khi kiên trì nhớ được password dài ngoằng với đầy đủ thể loại ký tự.

    Nếu cơ sở dữ liệu mật khẩu người dùng của Twitter bị xâm nhập (đã từng xảy ra trước đó), và họ không có bất kỳ biện pháp mạnh tay nào để ngăn chặn nỗ lực trái phép đó, thì chính người dùng mới phải “đứng mũi chịu sào” chứ không phải Twitter.


    7. Twitter có quyền loại bỏ tài khoản của bạn nếu vi phạm bản quyền liên quan

    “Twitter sẽ xem xét và xử lý nghiêm các trường hợp được thông báo là xâm phạm bản quyền, như việc sử dụng các hình ảnh đại diện không được xác nhận cho phép hay đăng tải nội dung và liên kết tương tự qua dịch vụ truyền thông của công ty.”

    Tuyệt đối không được sử dụng nội dung vi phạm bản quyền trên Twitter, nếu không hình phạt sẽ là xóa bỏ bài đăng và cấm hoàn toàn mọi hoạt động của bạn trên mạng xã hội này.

    Đây vốn là điều không còn xa lạ gì trên nhiều nền tảng phương tiện thông tin đại chúng khác. Ngoài ra, điều đáng chú ý ở đây là kể cả trích dẫn đường link liên kết đến nội dung vi phạm bản quyền (mà không trực tiếp đăng tải lên Twitter) cũng sẽ khiến bạn phải chịu hậu quả tương đương. Do đó, hãy cẩn thận với mọi nguồn tin mình chia sẻ nếu chưa chắc chắn độ chân thực và tin cậy.


    Nhìn chung, mọi người thường dễ dàng bỏ qua mục điều khoản sử dụng dịch vụ mà vội vàng tick nhanh vào ô chấp thuận, trong khi không nhận ra rằng có nhiều thông tin khá nhạy cảm cần được xem xét kỹ hơn. Dù sao thì, sau khi đọc bài viết này, liệu bạn có đủ cảnh giác và kiên nhẫn để đọc hết danh sách đó đối với mọi dịch vụ được đề xuất từ nay về sau hay không?

    Tham khảo: Mashable

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ