‘8 kẻ phản bội’ và sự ra đời của Silicon Valley

    Du Lam, Theo ICTNews 

    Tám nhân viên cũ của phòng thí nghiệm bán dẫn Shockley đã cùng nhau thành lập Fairchild Semiconductor, cái nôi của Thung lũng Silicon ngày nay.

    Thung lũng Silicon (Silicon Valley), “ngôi nhà” của hàng trăm hãng công nghệ nổi tiếng nhất thế giới, là một khu vực nằm tại phía Nam Vịnh San Francisco. Cụm từ “Silicon Valley” xuất hiện lần đầu trên trang bìa tờ báo Electronics News ngày 11/1/1971. Nó nằm trong loạt ba bài viết của cây bút Don Hoefler, người theo dõi lịch sử bán dẫn. “Silicon Valley” gắn liền với công nghệ, đặc biệt là Big Tech. Apple, Google, Facebook, Netflix, Cisco, Intel, Oracle, Nvidia… đều đặt tại đây.

    Để hiểu được sự ra đời của Silicon Valley, chúng ta cần hiểu về bối cảnh lịch sử khi đó, cụ thể là năm 1904, năm phát minh ống chân không (vacuum tube). Trước khi Al Gore tạo ra Internet, chúng ta cần máy tính; trước khi chúng ta có máy tính cá nhân, chúng ta cần bo mạch; và trước khi chúng ta có bo mạch, chúng ta có ống chân không. Vacuum tube là linh kiện mạch điện tử cần thiết để điện thoại, vô tuyến, truyền hình hoạt động được vào đầu những năm 1900.

    Ống chân không

    Danh hiệu máy tính kỹ thuật số điện tử hoàn toàn đầu tiên được trao cho ENIAC Computer. ENIAC được phát triển tại Đại học Pennsylvania từ giữa năm 1943 và 1945 bởi hai Giáo sư, John Mauchly và J. Presper Eckert. Thế chiến II, Chiến tranh lạnh Liên bang Xô Viết, cuộc đua không gian kích hoạt từ vụ phóng vệ tinh Sputnik đã đẩy công nghệ ống chân không đến giới hạn của nó.

    Để hình dung rõ hơn về sự đắt đỏ và kém hiệu quả của ống chân không so với vi chip ngày nay, chỉ cần nhìn vào một vài số liệu: máy tính ENIAC lấp đầy căn phòng 6x12m, nặng 30 tấn, sử dụng hơn 18.000 ống chân không, chỉ vận hành được 50% vì nếu hoạt động liên tục sẽ làm cạn kiệt ống chân không. Thực tế, các ống chân không trong ENIAC sản sinh nhiệt nhiều tới mức nhiệt độ trong phòng thường chạm ngưỡng 120 độ C.

    Shockley: “Bố già bóng bán dẫn” 

    Ống chân không phải thay đổi, và may mắn, điều đó đã xảy ra. Đó là nhờ nhà vật lý học William Shockley, người được mệnh danh là “Bố già bóng bán dẫn”. Ông nhận bằng Cử nhân Khoa học Đại học Caltech năm 1932, bằng Tiến sỹ của MIT năm 1936. Sau khi tốt nghiệp, ông làm việc tại trung tâm nghiên cứu Bell Labs nổi tiếng của nhà mạng AT&T. Cuối những năm 1940, ông góp phần quan trọng trong việc phát minh ra bóng bán dẫn cùng với Walter Brattain và John Bardeen. Bóng bán dẫn thay thế ống chân không vì nhỏ, hiệu quả, ổn định, bền và rẻ hơn. Nếu không có bóng bán dẫn, máy chủ hiện nay có thể cao như một ngôi nhà 3 tầng.

    ‘8 kẻ phản bội’ và sự ra đời của Silicon Valley - Ảnh 1.

    Nhà vật lý học William Shockley

    Các nhà máy sản xuất bóng bán dẫn không thể thành hiện thực nếu thiếu đi đóng góp của ông Shockley. Sau khi hỗ trợ phát minh ra bóng bán dẫn, ông có đủ can đảm để rời Bell Labs và thành lập công ty riêng. Ông liên hệ với Arnold Beckman, thầy giáo cũ kiêm CEO Beckman Coulter. Trên một chuyến đi thuyền tại Newport Beach, California, ông đề nghị ông Beckman đầu tư 1 triệu USD cho phòng thí nghiệm riêng. Silicon Valley lẽ ra bắt đầu từ Nam California, nhưng mẹ của ông Shockley đang sống ở Palo Alto. Vì vậy, ông thuyết phục ông Beckman mở Phòng thí nghiệm bán dẫn Shockley tại Mountain View, California năm 1956.

    Mọi thứ dường như đi đúng kế hoạch. Không lâu sau khi mở phòng thí nghiệm và tuyển dụng những kỹ sư tài năng nhất cả nước, ông Shockley và hai đồng nghiệp cũ tại Bell Labs - Walter Brattain và John Bardeen – nhận thông báo họ thắng giải Nobel Vật lý học.

    Tuy nhiên, ăn mừng giải Nobel xong cũng là lúc mọi thứ đi xuống. Ông Shockley dù là kỹ sư xuất sắc nhưng lại là quản lý đáng sợ. Ông yêu cầu nhân viên tham gia mọi bài kiểm tra, từ tâm lý học, trí tuệ đến phát hiện nói dối. Ông cũng công khai lương của nhân viên và ghi âm các cuộc điện thoại. Ông luôn hoang tưởng nhân viên sẽ đánh cắp bí mật thương mại và phá hoại dự án nên không bao giờ chia sẻ các phát hiện với nhân viên nghiên cứu. Không chỉ có vậy, ông còn là một kẻ phân biệt chủng tộc, tin rằng người da màu thua kém về mặt di truyền, IQ thấp, không nên sinh con.

    “8 kẻ phản bội”

    Năm 1957, một năm sau khi Phòng Thí nghiệm Bán dẫn Shockley thành lập, họ có tổng cộng 30 nhân viên. 8 trong số đó, Sheldon Roberts, Eugene Kleiner, Victor Grinich, Jay Last, Julius Blank, Jean Hoerni, Robert Noyce và Gordon Moore, cuối cùng không thể chịu nổi và quyết định “binh biến”.

    ‘8 kẻ phản bội’ và sự ra đời của Silicon Valley - Ảnh 2.

    Nhóm này liên lạc với Arthur Rock, một cử nhân MBA Harvard 30 tuổi (người khai sinh ra cụm từ “nhà đầu tư mạo hiểm”). Ông tin nhóm 8 kỹ sư (6 người là Tiến sỹ) xứng đáng được chú ý nhờ kinh nghiệm làm việc cùng người đã thắng giải Nobel. “8 kẻ phản bội” (Traitorous 8) đơn giản chỉ muốn tìm một ông chủ có thể thuê cả nhóm, song ông Rock khuyên họ khởi nghiệp – một ý tưởng chỉ có trong tiểu thuyết vào thập niên 50.

    Sau khi lên một danh sách và gọi cho khoảng 40 công ty blue chip để gọi vốn, ông Rock gần như từ bỏ, cho tới liên lạc với Sherman Fairchild. Ông Fairchild là một doanh nhân giầu có, CEO của hãng sản xuất máy ảnh và trang thiết bị Fairchild Camera & Instrument. Ông Fairchild đã rót 1,5 triệu USD vào startup của Traitorous 8.

    Phần còn lại thuộc về lịch sử. Traitorous 8 thành lập Fairchild Semiconductors (FCS) tại Moutain View, cách phòng thí nghiệm của ông chủ cũ Shockley khoảng 2 tòa nhà. FCS nhanh chóng dẫn đầu ngành công nghiệp bán dẫn. Năm 1960, họ giống như vườn ươm của Silicon Valley, liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến sự xuất hiện của hàng tá doanh nghiệp như Intel, AMD.

    Trong số “8 kẻ phản bội”, hai người đi vào lịch sử công nghệ - Robert “Bob” Noyce và Gordon Moore. Bức xúc trước cách quản trị bộ phận bán dẫn của Fairchild và không được làm CEO, ông Noyce rủ rê ông Moore rời đi năm 1968. Cả hai một lần nữa liên hệ với ông Rock để xin trợ giúp. Ông giúp họ huy động 2,5 triệu USD và Intel ra đời. Ba năm sau, năm 1971, Intel phát hành cổ phiếu và không ngừng phát triển, trở thành một trong các tập đoàn công nghệ lớn nhất hành tinh.

    Mọi người thường gọi ông Noyce là “Thomas Edison của Silicon Valley”. Ông học Tiến sỹ tại MIT và nổi tiếng nhất với phát minh vi mạch (IC). Cuối những năm 1950, các kỹ sư khác cũng nghiên cứu IC nhưng ông Noyce là người nhận bằng sáng chế đầu tiên vào năm 1961.

    Ông Moore cũng có tầm ảnh hưởng ngang ngửa đồng nghiệp nhưng do phong cách lãnh đạo lặng lẽ, ông thường không được chú ý bằng. Ông nhỏ hơn ông Noyce 1 tuổi, học Tiến sỹ tại Caltech. Đóng góp lớn nhất của ông Moore là “Định luật Moore”: “Số lượng bóng bán dẫn sẽ tăng gấp đôi mỗi 1-2 năm”. Nửa thế kỷ sau, định luật Moore vẫn còn nguyên giá trị dù tốc độ tăng trưởng bóng bán dẫn đã chậm lại.

    Chính trị, kinh tế, khủng bố và các vấn đề xã hội luôn thống trị báo chí hàng ngày, song có nhiều điều kỳ diệu nhỏ bé đang diễn ra ở hậu trường nhờ các tiến bộ công nghệ. Dẫn dắt những tiến bộ đó là vi chip. Nếu không có “8 kẻ phản bội”, Silicon Valley không được khai sinh và thế giới hẳn sẽ rất khác so với những gì chúng ta đang sống ngày nay.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ