8 năm sau đại thảm họa, Nhật Bản mang tham vọng biến Fukushima thành trung tâm về năng lượng tái tạo

    Tấn Minh,  

    Theo kế hoạch, khu vực từng hứng chịu thảm họa hạt nhân vào năm 2011 này sẽ chuyển sang sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào năm 2040.

    Fukushima đang dự định chuyển mình thành một trung tâm năng lượng tái tạo sau gần 9 năm hiu quạnh vì sự cố hạt nhân tồi tệ nhất thế giới trong gần 1/4 thế kỷ qua.

    Theo đó, dù rằng danh tiếng của tỉnh nằm ở phía đông bắc Nhật Bản sẽ mãi gắn liền với sự cố hạt nhân tại nhà máy Fukushima Daiichi vào ngày 11/3/2011, nhưng dự án đầy tham vọng mà chính quyền địa phương đang nghiên cứu thực hiện sẽ là một cú hích lớn nhằm đưa khu vực này đến một tương lai tươi sáng hơn, với mục tiêu sẽ sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào năm 2040 so với chỉ 40% hiện nay.

    Sự cố năm 2011, gây ra bởi một cơn động đất và sóng thần siêu mạnh, đã khiến một lượng lớn phóng xạ phát tán vào không khí và buộc hơn 150.000 cư dân tại đây phải di tản.

    Dự án trị giá 2,75 tỷ USD, được tài trợ bởi nhiều tổ chức bao gồm Ngân hàng Phát triển Nhật Bản và Ngân hàng Mizuho, sẽ tập trung vào việc xây dựng 11 trang trại điện mặt trời và 10 trang trại điện gió tại các vùng đất nông nghiệp bị bỏ hoang, cũng như tại các vùng đồi núi của Fukushima, từ nay cho đến cuối tháng 3/2024.

    Một mạng lưới 80km sẽ kết nối các trạm phát điện của Fukushima với vùng thành thị Tokyo, vốn từng có thời phụ thuộc khá nhiều vào năng lượng hạt nhân sản xuất tại hai nhà máy điện nguyên tử ở khu vực này. Khi hoàn thành, dự án sẽ tạo ra tối đa 600 megawatts điện mỗi năm, tức gần 2/3 tổng sản lượng của một nhà máy điện hạt nhân.

    Mặc cho thảm họa Fukushima, sự cố hạt nhân tồi tệ nhất thế giới kể từ sự cố Chernobyl năm 1986, chính quyền bảo thủ tại Nhật Bản vẫn đang tìm cách tái khởi động lại các lò phản ứng đang tạm ngừng hoạt động.

    Nước này muốn năng lượng hạt nhân, vốn tạo ra gần 1/3 điện năng cho toàn quốc trước sự cố Fukushima, sẽ chiếm khoảng từ 20 - 22% tổng năng lượng được tạo ra trên khắp đất nước vào năm 2030. Tất nhiên, ý định này đã bị chỉ trích bởi các nhà vận động vốn luôn khẳng định các nhà máy điện hạt nhân là một mối đe dọa đến an toàn của người dân xét việc Nhật Bản là một trong những quốc gia thường xuyên đối mặt với động đất và sóng thần.

    8 năm sau đại thảm họa, Nhật Bản mang tham vọng biến Fukushima thành trung tâm về năng lượng tái tạo - Ảnh 1.

    Xe hơi bị bỏ hoang tại thị trấn Okuma, tỉnh Fukushima (ảnh chụp tháng 2/2019)


    Toàn bộ 54 lò phản ứng của Nhật Bản đã bị tắt sau sự cố Fukushima. Hiện nay có 9 lò phản ứng đang hoạt động, vượt qua được những bài kiểm tra an toàn nghiêm ngặt được đưa ra sau thảm họa.

    Năng lượng tái tạo chiếm 17,4% tổng năng lượng tạo ra ở Nhật Bản trong năm 2018, thấp hơn nhiều so với các quốc gia tại châu Âu. Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu tăng sản lượng này lên từ 22 - 24% vào năm 2030 - một mục tiêu mà Thủ tướng Shinzo Abe miêu tả là đầy tham vọng, nhưng vẫn là chưa đủ đối với các nhà vận động môi trường.

    Ông Abe khẳng định năng lượng hạt nhân sẽ giúp Nhật Bản đạt được các mục tiêu khí thải carbon dioxide và giảm lệ thuộc vào khí gas và dầu nhập khẩu, nhưng vị bộ trưởng môi trường mới được bổ nhiệm gần đây, ông Shinjiro Koizumi, lại kêu gọi chấm dứt các lò phản ứng hạt nhân để ngăn một thảm họa tương tự như Fukushima tái diễn.

    "Chúng ta sẽ tuyệt diệt nếu để một sự cố hạt nhân khác xảy ra. Chúng ta chẳng bao giờ biết được khi nào sẽ phải hứng chịu một trận động đất" - ông Koizumi nói khi gia nhập nội các của Thủ tướng Abe hồi tháng 9.

    Chính phủ Nhật Bản nhiều khả năng không đạt được mục tiêu tái khởi động 30 lò phản ứng hạt nhân vào năm 2030 bởi đang bị phản đối kịch liệt từ chính quyền các địa phương, cũng như phải đối mặt với các thách thức về pháp lý.

    Họa vô đơn chí, Nhật Bản còn phải đối mặt với những chỉ trích ngày càng tăng từ cộng đồng quốc tế vì quá lệ thuộc vào than và khí gas nhập khẩu. Nước này thậm chí còn nhận được giải "fossil of the day" (một giải thưởng mang tính mỉa mai, giống giải Mâm Xôi Vàng) từ Mạng lưới Hành động vì Khí hậu tại hội thảo về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc tháng trước tại Madrid, sau khi bộ trưởng công nghiệp Nhật Bản công bố các kế hoạch nhằm tiếp tục sử dụng điện từ than.

    Nhật Bản là nhà nhập khẩu than đá lớn thứ ba thế giới sau Ấn Độ và Trung Quốc. Các ngân hàng lớn của nước này hiện bị kêu gọi phải ngừng viện trợ tài chính cho các nhà máy điện từ than ở Việt Nam và các quốc gia đang phát triển khác ở châu Á.

    Tham khảo: TheGuardian

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ