Đông và Tây Đức chính thức hợp nhất vào ngày 3/10/1990, gần một năm sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, trở thành nước Cộng hòa Liên bang Đức ngày nay.
Ngày 9/11/1989, Bức tường Berlin sụp đổ sau 28 năm được xây dựng, chấm dứt sự chia cắt nước Đức. Hiện nay, phần còn lại của bức tường được trang trí bằng nhiều tác phẩm nghệ thuật. Bức tường Berlin, ngăn cách phần Đông và Tây thành phố, là một trong những biểu tượng mạnh mẽ nhất của Chiến tranh Lạnh. Sự sụp đổ của nó dẫn đến thống nhất nước Đức và đánh một dấu mốc quan trọng trong lịch sử thế giới hiện đại.
Vào ngày 13/8/1961, chính phủ Cộng hòa Dân chủ Đức (GDR hay Đông Đức) bắt đầu dựng hàng rào dây thép gai và "bức tường chống phát xít" (Antifascistischer Schutzwall), giữa Đông và Tây Berlin. Mục đích chính thức của Bức tường Berlin này là nhằm ngăn cái gọi là "những kẻ phát xít" phương Tây vào Đông Đức, nhưng nó cũng nhằm ngăn việc di tản quy mô lớn từ Đông sang Tây. Bức tường Berlin vẫn đứng sừng sững cho tới ngày 9/11/1989, khi lãnh đạo đảng Công nhân xã hội thống nhất cầm quyền thông báo công dân của GDR có thể vượt qua biên giới bất kỳ khi nào họ muốn.
Đêm đó, những đám đông hồ hởi đổ về bức tường. Một số tự do vượt qua để vào Tây Berlin, trong khi những người khác đem búa, dùi và bắt đầu đục đẽo tường. Đến nay, Bức tường Berlin vẫn là một trong những biểu tượng mạnh mẽ nhất, lâu dài nhất của Chiến tranh Lạnh. Khi Thế chiến II kết thúc vào năm 1945, hai hội nghị hòa bình của phe đồng minh tại Yalta và Potsdam quyết định số phận của những vùng lãnh thổ Đức. Họ chia nước bại trận thành 4 "vùng cai quản của đồng minh". Phần phía đông của đất nước thuộc về Liên Xô, trong khi phần phía tây thuộc về Mỹ, Anh và Pháp. Dù Berlin nằm hoàn toàn trong vùng Liên Xô kiểm soát (cách ranh giới giữa các vùng cai quản đông và tây hơn 160 km), các hiệp định Yalta và Potsdam chia thành phố thành những phần tương tự. Liên Xô cai quản nửa phía đông, còn các đồng minh khác kiểm soát phần phía tây. Việc chiếm đóng 4 bên ở Berlin bắt đầu vào tháng 6/1945.
Việc Tây Berlin, một thành phố tư bản chủ nghĩa, tồn tại sâu trong lòng Đông Đức theo xã hội chủ nghĩa, "như một cục xương hóc trong cổ họng Xô Viết", như lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev, từng nói. Năm 1948, một cuộc phong tỏa Tây Berlin của Liên Xô diễn ra nhằm buộc các đồng minh phương Tây chịu đói và phải rời khỏi thành phố. Tuy nhiên, thay vì rút lui, Mỹ và đồng minh tiếp viện từ trên không cho các vùng của họ ở thành phố. Nỗ lực này được biết đến với cái tên Cuộc Không vận Berlin và kéo dài hơn một năm, vận chuyển hơn 2,3 triệu tấn lương thực, chất đốt và hàng hóa khác tới Tây Berlin. Liên Xô dừng phong tỏa vào năm 1949.
Kể từ khi Liên Xô chấm dứt phong tỏa, gần ba triệu người đã di tản khỏi Đông Đức, trong số đó có nhiều người trẻ tuổi, có kỹ năng, như bác sĩ, giáo viên, kỹ sư. Sau một thập kỷ tương đối yên bình, căng thẳng bùng phát một lần nữa năm 1958. Những hội nghị và các cuộc đàm phán khác diễn ra mà không đem đến giải pháp nào, trong khi đó, người di tản vẫn tiếp tục. Vào tháng 6/1961, khoảng 19.000 người rời GDR qua Berlin. Tháng sau đó, 30.000 di tản. Trong 11 ngày tháng 8, có tới 16.000 người Đông Đức vượt qua ranh giới để vào Tây Berlin, và vào ngày 12/8, con số này vào khoảng 2.400 người, con số người di tản khỏi Đông Đức lớn nhất trong riêng một ngày. Đêm đó, chính quyền Đông Đức quyết định ngăn dòng người di tản bằng cách đóng cửa biên giới vĩnh viễn. Chỉ trong hai tuần, quân đội, cảnh sát và các công nhân xây dựng tình nguyện của Đông Đức đã hoàn tất hàng rào thép gai và bức tường bê tông, Bức tường Berlin, ngăn đôi thành phố.
Trước khi tường được xây dựng, người Berlin ở cả hai bên có thể di chuyển khá tự do. Họ vượt qua ranh giới Đông - Tây để đi làm, mua sắm, đi nhà hát và rạp phim. Các tuyến đường tàu và tàu điện ngầm đưa hành khách ngược xuôi. Sau khi tường được dựng lên, việc đi từ Đông sang Tây Berlin là điều không thể, trừ việc đi qua một trong ba trạm kiểm soát: trạm Alpha ở Helmstedt, trạm Bravo ở Dreilinden và trạm Charlie ở Friedrichstrasse, trung tâm Berlin. Cuối cùng, GDR xây dựng 12 trạm kiểm soát dọc bức tường. Tại mỗi trạm, binh sĩ Đông Đức kiểm tra các nhà ngoại giao và các quan chức khác trước khi họ được phép đi hoặc đến. Trừ trường hợp đặc biệt, những người đi từ Đông và Tây Berlin hiếm khi được vượt qua biên giới. Việc xây Bức tường Berlin đã không ngăn được dòng người di tản từ Đông sang Tây, nhưng đã xoa dịu cuộc khủng hoảng Berlin. Tổng thống Mỹ John F. Kennedy cũng thừa nhận "một bức tường thì tốt hơn rất nhiều một cuộc chiến tranh". Theo thời gian, các quan chức Đông Đức thay thế bức tường tạm bằng một bức tường kiên cố hơn, khó trèo hơn.
Một bức tường dựng bằng các tấm bê tông cốt thép cao 3,6 m, rộng 1,2 m có phần trên là một đường ống khổng lồ khiến việc trèo qua gần như bất khả thi. Đằng sau bức tường ở phía Đông Đức gồm một dải cát mềm (để cho thấy vết chân), đèn pha, chó dữ, những khẩu súng máy, vọng gác và lính canh với chỉ thị bắn những người bỏ trốn. Ít nhất 171 người thiệt mạng khi cố vượt qua, ở phía dưới hoặc xung quanh Bức tường Berlin. Tuy nhiên từ năm 1961 tới khi bức tường sụp đổ năm 1989, hơn 5.000 người Đông Đức (trong đó có khoảng 600 lính biên phòng) đã vượt qua được ranh giới bằng cách nhảy từ cửa sổ tòa nhà gần bức tường, trèo qua dây thép gai, bay bằng khinh khí cầu, bò qua cống và lái xe băng qua những phần bỏ ngỏ của bức tường.
Trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh bắt đầu "tan băng" ở Đông Âu, vào ngày 1/11/1989, ông Egon Krenz, lãnh đạo mới của Đông Đức đến Điện Kremlin đã gặp ông Mikhail Gorbachev, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô. Theo International Business Times, trong cuộc gặp mặt bí mật này, ông Krenz mang theo thông điệp ảm đạm: kinh tế Đông Đức đang trên bờ vực sụp đổ và GDR không thể trả lãi cho những món nợ khổng lồ, điều đã bị người tiền nhiệm của ông Krenz giấu kín trước những cố vấn hàng đầu của ông và các lãnh đạo Liên Xô. Ông Krenz nói với Gorbachev rằng nếu không được hỗ trợ về tài chính và quân sự từ Liên Xô, Đông Đức sẽ phải thông báo tình trạng khẩn cấp để ngăn các cuộc biểu tình chống chính phủ quy mô lớn ở Leipzig lan tới Berlin. Tuy nhiên, Gorbachev tuyên bố trách nhiệm ngăn lượng người di tản quy mô lớn khỏi GDR thuộc về ông Krenz.
"Ngay sau đó, Gorbachev ban hành chỉ thị nhắc nhở các vị tướng quân sự rằng quân đội Xô Viết trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không được tham gia vào cuộc xung đột giữa chính quyền ở Berlin và công dân Đông Đức", nhà sử học, nhà báo Victor Sebestyen kể về những sự kiện dẫn đến việc Bức tường Berlin sụp đổ, trong cuốn sách Revolution 1989 (tạm dịch: Cuộc Cách mạng 1989). Chính sách từ chối dùng vũ lực của Gorbachev đã ngăn chặn nguy cơ đổ máu khi GDR đổ vỡ.
Vào ngày 9/11/1989, phát ngôn viên đảng cầm quyền của Đông Berlin thông báo về sự thay đổi trong chính sách du lịch. Người này nói rằng ngay từ đêm hôm đó, các công dân GDR được tự do vượt qua ranh giới. Người Đông Berlin và Tây Berlin đổ về phía bức tường, uống bia và sâm panh, hô to "Tor auf!" (Mở cửa đi!). Vào nửa đêm, họ tràn qua những trạm kiểm soát. Hơn hai triệu người từ Đông Berlin thăm Tây Berlin vào cuối tuần đó để tham gia ăn mừng trong một sự kiện được mô tả là "lễ hội đường phố vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới". Những người dùng búa, dùi để đục đẽo tường được gọi là "chim gõ kiến trên tường", trong khi cần trục và xe ủi kéo sập từng phần của bức tường. Ngay sau đó, bức tường bị đánh sập và Berlin lần đầu tiên được thống nhất kể từ năm 1945.
Đông và Tây Đức chính thức hợp nhất vào ngày 3/10/1990, gần một năm sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, trở thành nước Cộng hòa Liên bang Đức ngày nay.
Tham khảo History, WarHistoryOnline, BBC, NewYorkTimes
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?