9 điều quan trọng mà bạn cần biết về những quy định mới cho Internet vừa được FCC thông qua
Những quy chuẩn mới dành cho mạng Internet toàn cầu đang bắt đầu được thông qua, khởi đầu tại Mỹ.
Kể từ khi ra đời, Internet đã và đang trở thành một phần không thể thiếu của thế giới hiện đại. Người người kết nối, nhà nhà kết nối và cũng nhờ thế, mọi khoảng cách đều đang được rút ngắn trở lại. Thế nhưng càng phổ biến, sức mạnh của mạng Internet càng trở thành vấn đề gây tranh cãi. Và một "cuộc chiến" âm thầm giữa các đơn vị quản lý pháp luật và các nhà cung cấp dịch vụ mạng luôn là thứ có ảnh hưởng lớn nhất đến chính chúng ta - người dùng Internet. Vậy đã có điều gì được thay đổi về vấn đề này trong những ngày qua?
Sau 2 tuần họp kín để thảo luận và bỏ phiếu, FCC (Federal Communications Commission - Uỷ Ban Truyền Thông Liên Bang Hoa Kỳ) đã thông qua một đạo dự luật mới có độ dài ... 400 trang quy định chi tiết về một khái niệm gọi là Net neutrality - tính Trung lập cho mạng Internet, mà bạn có thể hiểu nôm na là sự tự do và bình đẳng trong việc truy cập Internet của người dùng. Điều đó cũng có nghĩa là dù bạn đang sử dụng dịch vụ gì, của nhà mạng nào thì họ cũng sẽ không có quyền chặn truy cập hoặc "bóp" băng thông trên một dịch vụ Internet mà bạn đang sử dụng (các dịch vụ Streaming âm nhạc chẳng hạn).
Thực chất thì đây vốn là câu chuyện giữa nhà cung cấp dịch vụ và đơn vị quản lý đường truyền mạng, thế nhưng với việc kẻ chịu thiệt trong câu chuyện này là người sử dụng, một đơn vị pháp luật như FCC quyết "làm ra ngô ra khoai" vấn đề này. Được gọi với cái tên "Chương 2" cho luật truyền thông (vốn được ban hành từ năm 1934 ở Mỹ), đây sẽ là công cụ để FCC đảm bảo quyền lợi cho người dùng Internet, bắt đầu từ nước Mỹ. Vậy bản dự luật mới này có điều gì đáng để chúng ta lưu ý? Hãy yên tâm vì bạn không cần đọc hết 400 trang dự luật này, vì sau đây là 9 điều quan trọng mà bạn cần phải biết về nó:
1. Những quy định mới có gì khác?
Về cơ bản, dự luật mới về tính trung lập cho mạng Internet sẽ có 3 quy tắc quan trọng:
- Không cấm, không chặn: Các nhà cung cấp dịch vụ mạng sẽ không có quyền cấm truy cập với các dịch vụ mạng hợp pháp (được chính phủ cho phép hoạt động).
- Không "bóp": Sẽ không có một bộ cài đặt lưu lượng riêng biệt cho các dịch vụ mạng nữa. Cho dù là người dùng sử dụng dịch vụ đó để làm gì, gửi đi đâu thì nhà cung cấp mạng cũng không có quyền ngăn cản hay "bóp" băng thông của dịch vụ đó.
- Không có "phí ưu tiên": Các nhà cung cấp dịch vụ mạng phải bình đẳng với người sử dụng, không được phân biệt đối xử giữa khách hàng "ưu tiên" và khách hàng phổ thông.
2. Tại sao dự luật lại dài đến tận 400 trang?
Thực tế thì các điều khoản trong dự luật này "chỉ" dài có 313 trang, còn số trang còn lại là các tuyên bố chính thức từ các uỷ viên hội đồng trong FCC, bao gồm cả các ý kiến mâu thuẫn và phản đối.
Thực tế thì, việc làm rõ đến mức chi tiết cho dự luật mới này nhằm mục đích "chiến đấu" với toà án - nơi mà 2 nỗ lực tương tự trước đó của FCC đã bị gạt đi bởi bị cho rằng chưa đủ thuyết phục. Ngoài ra các nhà cung cấp dịch vụ cũng "răn đe" rằng họ sẽ thực hiện các vụ kiện FCC nếu dự luật này được thông qua.
3. Các nhà cung cấp mạng cho rằng dự luật mới chỉ khiến họ khó khăn hơn trong việc quản lý băng thông?
Thực tế thì điều này phụ thuộc vào chính các nhà cung cấp mạng và cách quản lý của họ. Rõ ràng dự luật mới không hề cấm nhà mạng ngăn chặn luồng email "rác" đến người dùng, hay chặn các cuộc tấn công truy cập mạng (DDos),...Họ có thể làm bất cứ hành động điều hướng mạng nào có lợi cho người dùng, miễn sao đó không phải là hành động giảm băng thông của một dịch vụ mạng chỉ bởi vì nó ... được sử dụng quá nhiều (gây nghẽn băng thông - theo cách lý giải của các nhà mạng).
4. Liệu dự luật mới có giúp người dùng biết được mức phí "chính xác" mà họ cần trả cho dịch vụ đang sử dụng?
Câu trả lời là không. Luật pháp chỉ đặt ra các quy định cho các đơn vị doanh nghiệp làm theo. Còn với phí sử dụng Internet là do chính các nhà cung cấp mạng thực hiện. Tất nhiên tất cả các mức cước đều phải trình cho chính phủ trước khi được áp đặt cho người dùng, nhưng họ có quyền điều chỉnh mức giá cho phù hợp với tình hình của thị trường. Bạn hiểu đấy, họ nộp thuế đàng hoàng để làm việc đó mà.
5. Các điều khoản mới có làm tăng thêm chi phí sử dụng Internet?
Không, vẫn là không. Cũng như ở trên, các nhà lập pháp và hành pháp chỉ đề ra các hướng dẫn thực hiện cho các doanh nghiệp, còn chi phí là việc quản lý của họ.
Thực tế là ở Mỹ, khi dự luật này thông qua thì sẽ có thêm một khoản phí để đóng góp vào quý phát triển hạ tầng mạng ở những vùng nông thôn và hẻo lánh. Nhưng chi phí đó chỉ là vài Cent/tháng.
6. Liệu chính phủ có quyền can thiệp vào Internet?
Theo mặt lý thuyết, câu trả lời là không. Mạng Internet được xây dựng để tạo ra một sự công bằng và bình đẳng cho tất cả mọi người. Vậy nên sẽ không có sự can thiệp từ quốc gia hay chính phủ đến mạng Internet toàn cầu.
Nhưng, bạn biết đấy, mạng Internet mà bạn đang sử dụng là "đầu cuối" của mạng lưới Internet toàn cầu. Vậy nên các dịch vụ Internet mà bạn đang sử dụng tất nhiên sẽ chịu sự quản lý trực tiếp từ chính phủ sở tại. Điều này là rất bình thường và vẫn sẽ chẳng có gì thay đổi cả.
7. Liệu đây đã là những thay đổi chính thức cho dự luật về Internet hay chưa?
Thực sự mà nói thì điều này là rất ... khó nói. FCC được xem như là cơ quan quyền lực nhất thế giới đối với các đạo luật truyền thông. Và mỗi sự thay đổi trong luật của họ đều đòi hỏi một sự chuẩn bị tỉ mỉ, cũng như phải được sự đồng ý quá bán từ chính các uỷ viên trong hội đồng. Vì lẽ đó mà dự luật lần này phải tỉ mỉ đến tận 400 trang, và cần rất nhiều thời gian để thảo luận và thu thập ý kiến của người dùng.
Chưa biết trong tương lai sẽ còn những thay đổi nào nữa, nhưng trước mắt, chúng ta hãy cứ quan tâm đến tương lai sắp tới của mạng Internet đã.
8. Liệu dự luật mới có thể chấm dứt tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, khi nhà mạng âm thầm "tài trợ" đường truyền cho các dịch vụ của họ không?
Công bằng mà nói thì nó chỉ là 50/50. Các dự luật được tạo ra để đảm bảo tính trung lập cho các dịch vụ trên Internet, nhưng không có nghĩa là chính phủ phải sát sao từng ứng dụng dịch vụ để xem xem nó có "gian lận" hay không. Tất nhiên, nếu có một dịch vụ nào đó được "tài trợ" quá đáng để đàn áp các đối thủ, các dịch vụ khác có quyền nộp đơn kiện lên toà án. Luật pháp được tạo ra để làm điều đó mà.
9. Liệu những điều trong bộ luật ở trên có ảnh hưởng đến người dùng tại Việt Nam?
Câu trả lời là không và có.
Chắc chắn, hầu hết các điều khoản được FCC đưa ra là nhằm bảo vệ cho lợi ích của người dùng Internet. Thế nhưng chúng sẽ chỉ được áp dụng đầu tiên tại Mỹ, nơi FCC có quyền đặt ra các điều luật. Thế nên dù các điều khoản áp đặt đến các nhà mạng như Comcast hay bảo vệ các dịch vụ mạng như Netflix thì nó cũng chẳng liên quan gì đến chúng ta cả.
Thế nhưng, nên nhớ Mỹ là một trong những nước có "quyền lực" nhất với mạng Internet trên toàn thế giới. Vậy nên những quy chuẩn Internet tại đây, dù ít dù nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến việc cung cấp và quản lý Internet ở những khu vực khác trên thế giới. Vậy nên, một sự thay đổi mang tầm vĩ mô được hứa hẹn sẽ sớm xảy ra sau khi dự luật này được áp dụng tại Mỹ.
Tham khảo:Cnet
>>[Infographic] Google biết tất cả những gì bạn làm trên Internet?
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cùng nhận tiền của NASA để sản xuất tàu vũ trụ, SpaceX thành công lớn còn Boeing lỗ nặng
Boeing đứng trước những sóng gió lớn nếu không hoàn thành dự án Starliner của mình.
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương