Ả Rập Xê Út chuẩn bị xây dựng "thành phố thiên đường" làm nơi ở cho 9 triệu người!

    Đức Khương,  

    Chào mừng đến với The Line - thành phố thông minh trong tương lai của Ả Rập Xê Út.

    Được Thái tử Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman công bố vào năm 2021, The Line được thiết lập để xây dựng như một thành phố thông minh không đường và không ô tô, thành phố này sẽ được vận hành hoàn toàn bằng năng lượng tái tạo.

     Ả Rập Xê Út chuẩn bị xây dựng "thành phố thiên đường" làm nơi ở cho 9 triệu người! - Ảnh 1.

    Ngay từ đầu năm 2021, Thái tử Mohammed bin Salman công bố kế hoạch xây dựng một siêu thành phố The Line không phát thải khí carbon, là dự án đầu tiên nằm trong Neom.

    Chiều rộng của thành phố chỉ khoảng 200 mét, nhưng sẽ cao hơn 500 mét, và sẽ kéo dài hơn 170 km, khiến nó trở thành một khu phức hợp dọc cực kỳ dài chạy dọc theo bờ biển với sức chứa khoảng chín triệu cư dân. Nhìn từ bên ngoài, thành phố sẽ giống như một bức tường dài vô cùng với ngoại thất được thiết kế giống hệt nhau ở cả hai phía.

     Ả Rập Xê Út chuẩn bị xây dựng "thành phố thiên đường" làm nơi ở cho 9 triệu người! - Ảnh 2.

    The Line (Thành phố thẳng) là chuỗi cụm dân cư trải dài 170 km dọc theo một trục trung tâm và là cột sống của đô thị Neom lọt thỏm giữa vùng hoang vu sỏi cát sa mạc.

    Việc thiếu đường và ô tô sẽ đòi hỏi phải có một tuyến đường sắt cao tốc - một tuyến sẽ chạy từ đầu này đến đầu kia của thành phố để giúp người dân đến và đi từ các điểm đến dự định của họ với tổng thời gian di chuyển chỉ hơn 20 phút.

     Ả Rập Xê Út chuẩn bị xây dựng "thành phố thiên đường" làm nơi ở cho 9 triệu người! - Ảnh 3.

    Nhờ hình dạng thẳng và cơ sở hạ tầng dưới lòng đất, thiết kế của thành phố giúp bảo tồn 95% cảnh quan tự nhiên. Cảnh quan khu vực sẽ biến đổi nhờ máy gây mưa. Neom cũng sẽ có vườn san hô lớn nhất thế giới, cát phát sáng và mặt trăng nhân tạo khổng lồ chiếu sáng vào ban đêm.

    Đối với việc kiểm soát khí hậu, toàn bộ thành phố cũng sẽ có một hệ thống thông gió tự nhiên có thể duy trì nhiệt độ và điều kiện thoải mái quanh năm, bất chấp vị trí của nó. Quá trình xây dựng thành phố đã bắt đầu và vương quốc Ả Rập Xê Út dự kiến sẽ có trên 1 triệu người sống ở The Line vào năm 2030.

     Ả Rập Xê Út chuẩn bị xây dựng "thành phố thiên đường" làm nơi ở cho 9 triệu người! - Ảnh 4.

    Các cộng đồng của "thành phố thiên đường" sẽ được kết nối bằng phương tiện giao thông tốc độ cực cao hay các giải pháp di chuyển tự động. Thay vì sử dụng xe hơi làm phương tiện di chuyển hằng ngày, người dân sẽ ngồi trong những chiếc taxi bay không người lái đến nơi làm việc hoặc trong những chuyến tàu cao tốc.

    The Line sẽ bao gồm một "cột sống" trung tâm kết nối "các mô-đun thành phố" và không có đường hoặc ô tô. Thay vào đó, lớp trên cùng sẽ bao gồm các lối đi dành cho người đi bộ, sẽ kết nối các khu dân cư với mọi dịch vụ cần thiết chỉ trong năm phút đi bộ, trong khi các lớp dưới sẽ chứa cơ sở hạ tầng và giao thông. The Line cũng sẽ thay thế "các dịch vụ thành phố lỗi thời" bằng AI, một cách chắc chắn.

     Ả Rập Xê Út chuẩn bị xây dựng "thành phố thiên đường" làm nơi ở cho 9 triệu người! - Ảnh 5.

    Trường học, nhà hàng, cửa hàng và các điểm đến khác đều cách đó trong vòng 5 phút đi bộ và "không chuyến đi nào dài hơn 20 phút". Việc dọn dẹp trong nhà giao cho người máy; dịch vụ giao thông, nhà hàng, hậu cần... được người máy đảm nhiệm, năng lượng cho cơ sở hạ tầng khổng lồ sẽ lấy từ nguồn tái tạo.

    Theo Bloomberg, các quan chức Ả Rập Xê Út dự tính The Line sẽ tiêu tốn khoảng 100 - 200 tỷ USD trong số 500 tỷ USD dự kiến chi cho Neom và sẽ có dân số 1 triệu người cùng với 380.000 việc làm vào năm 2030. Nó cũng sẽ có một trong những sân bay lớn nhất trên thế giới, dù điều này có vẻ như là một sự bổ sung hơi "kỳ lạ" cho một thành phố được cho là thân thiện với khí hậu và môi trường.

    Tuy nhiên, cho tới nay, dự án này vẫn gặp phải một số vấn đề còn tranh cãi liên quan đến vị trí của thành phố - điều này sẽ buộc hơn 20.000 người từ bộ tộc bản địa Huwaitat (vốn có từ trước khi vương quốc Ả Rập Xê Út được thành lập) phải di dời trong quá trình xây dựng.

     Ả Rập Xê Út chuẩn bị xây dựng "thành phố thiên đường" làm nơi ở cho 9 triệu người! - Ảnh 6.

    Một trang web cho dự án chứa các video về Neom sử dụng những thuật ngữ mơ hồ nhưng đầy lạc quan về tiềm năng cách mạng của The Line. Trang web này cũng đưa ra nhiều tuyên bố mang tính chất mơ hồ, ví dụ như tất cả các doanh nghiệp và cộng đồng sẽ có hơn 90% dữ liệu của họ được xử lý bởi AI và robot.

     Ả Rập Xê Út chuẩn bị xây dựng "thành phố thiên đường" làm nơi ở cho 9 triệu người! - Ảnh 7.

    "Tất cả các doanh nghiệp và cộng đồng trên THE LINE đều được siêu kết nối thông qua khuôn khổ kỹ thuật số kết hợp trí tuệ nhân tạo và robot liên tục học hỏi và phát triển - hơn 90% dữ liệu trong NEOM sẽ được phân tích để cung cấp một hệ thống dự đoán với các dịch vụ ngày càng cải thiện cho người dân và các doanh nghiệp", trang web tuyên bố.

     Ả Rập Xê Út chuẩn bị xây dựng "thành phố thiên đường" làm nơi ở cho 9 triệu người! - Ảnh 8.

    Trên thực tế, ý tưởng giải quyết các vấn đề đô thị bằng cách tạo ra một thành phố mới phải là điều quá xa lạ. Nó đã được thử trước đây, từ Brasília và Chandigarh của Ấn Độ đến Putrajaya của Malaysia, thành phố Masdar ở Abu Dhabi...

     Ả Rập Xê Út chuẩn bị xây dựng "thành phố thiên đường" làm nơi ở cho 9 triệu người! - Ảnh 9.

    Nhìn vào các thiết kế cho The Line, nhiều người lo lắng rằng cách tiếp cận công nghệ cao của họ dường như đang phớt lờ những mong muốn tự do đơn giản của con người - ví dụ như việc đi ra ngoài, trải nghiệm điều gì đó trong một môi trường không phải do con người tạo ra.

     Ả Rập Xê Út chuẩn bị xây dựng "thành phố thiên đường" làm nơi ở cho 9 triệu người! - Ảnh 10.

    Bỏ qua những viễn cảnh đẹp đẽ được vẽ ra, thì The Line cũng nhận về không ít ý kiến trái chiều. Bà Emily Talen, nhà nghiên cứu thiết kế đô thị tại Đại học Chicago, cho rằng dự án này là “một cơn ác mộng”. Dù thông báo về The Line hoành tráng nhưng công nghệ để xây dựng thành phố như vậy còn chưa có và việc xây dựng các thành phố lớn và mới hoàn toàn như vậy thường phải đối mặt với rất nhiều thách thức.

     Ả Rập Xê Út chuẩn bị xây dựng "thành phố thiên đường" làm nơi ở cho 9 triệu người! - Ảnh 11.

    Ông Stephen Wheeler, kiến trúc sư cảnh quan và giáo sư thiết kế môi trường tại Đại học California, Davis, nhận định: “Lịch sử của các dự án như này thường không mấy tốt đẹp. Thông thường, các dự án không diễn ra theo mường tượng ban đầu. Chúng thường thất bại do điều kiện kinh tế hoặc do đội vốn quá lớn so với dự tính”.

     Ả Rập Xê Út chuẩn bị xây dựng "thành phố thiên đường" làm nơi ở cho 9 triệu người! - Ảnh 12.

    Theo một số chuyên gia, các mục tiêu của The Line không khả thi. Kế hoạch xây thành phố chỉ trên đường thẳng với khoảng cách chiều rộng có thể đi bộ trong vòng 5 phút là điều gây nghi vấn. Để làm được như vậy, mỗi điểm trên đường thẳng cần có diện tích lớn hơn để nhiều người có thể ở. Bà Elizabeth Plater-Zyberk, giáo sư kiến trúc tại Đại học Miami, nói: “Nếu chỉ có vài trăm người tại mỗi điểm trên đường thẳng thì đầu tư và cơ sở hạ tầng tại đó sẽ không khả thi về mặt kinh tế”.

     Ả Rập Xê Út chuẩn bị xây dựng "thành phố thiên đường" làm nơi ở cho 9 triệu người! - Ảnh 13.

    Ngoài ra, di chuyển khoảng cách 170km trong vòng 20 phút sẽ cần phương tiện có tốc độ 512km/h, vượt cả tốc độ đường sắt cao tốc chặng dài. Hiện nay, tàu Eurostar ở Châu Âu di chuyển với vận tốc 320km/h, còn tàu cao tốc ở Trung Quốc đạt vận tốc 380km/h.Về mặt lý thuyết, công nghệ Hyperloop chạy dưới đường hầm đang được công ty Virgin và SpaceX phát triển có thể thực hiện các chuyến đi như dự án The Line đề ra, nhưng công nghệ này ít nhất phải 10 năm nữa mới có thể sử dụng. Tới nay, các thử nghiệm tàu Hyperloop không chở khách mới chỉ đạt tốc độ tối đa 463km/h. Công ty Virgin đã thử nghiệm công nghệ này trên tàu có hành khách, chỉ đạt tốc độ 172km/h.

    Tham khảo: Sea.mashable; Ashui; Npr

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ