Công ty Raytheon kết hợp với Hải quân Mỹ mới đây đã thử nghiệm thành công hệ thống tên lửa mới AGM-176 Griffin.
Hệ thống tên lửa Mk60 với tên lửa AGM-176 Griffin sẽ được sử dụng để bảo vệ chiến hạm khỏi các mục tiêu nhỏ có tốc độ cao có thể chọc thủng con tàu. Mối đe dọa có thể đến từ các tàu thuyền chạy bằng động cơ hay bất cứ phương tiện mặt nước nào của đối phương được trang bị một thiết bị nổ mạnh mẽ. Mk60 có thể tiêu diệt các mục tiêu trước khi mục tiêu bay vào tầm ngắm của các pháo hoặc súng máy nòng nhỏ gắn trên tàu. Như vậy, tổ hợp tên lửa Mk60 đảm bảo tạo ra một lá chắn cho con tàu chống lại các mối đe dọa từ bên ngoài.
Ngày 27 tháng 9, hệ thống tên lửa Mk60 đã được thử nghiệm tại trường bắn Point Mugu (California). Trong các thử nghiệm, tên lửa đã được phóng từ tàu tuần tra ven biển lớp Cyclon. Con tàu đã tiếp cận mục tiêu là một chiếc thuyền nhỏ được điều khiển từ xa. Mk60 đã phát hiện và tiêu diệt thành công mục tiêu.
Tổ hợp tên lửa Mk60 bao gồm nhiều mô-đun có thể được lắp đặt trên bất kỳ tàu chiến hoặc ca nô nào. Hệ thống này bao gồm bệ phóng và bàn điều khiển được gắn trên tàu và các tên lửa AGM-176 được cung cấp bởi container vận chuyển - phóng. Tổ hợp tên lửa Griffin với chi phí thấp đã được tạo ra từ nửa thập kỷ qua để thay thế cho loại tên lửa được sử dụng rộng rãi nhưng giá thành khá đắt đỏ là AGM-114 Hellfire.
Tên lửa Griffin trông rất giống với các tên lửa chống tăng có điều khiển do được kế thừa từ các dự án vũ khí tên lửa dẫn đường trước đó, bao gồm FGM-148 Javelin và AIM-9X Sidewinder. Hiện nay tên lửa AGM-176 đang được trang bị trên các máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng tấn công và máy bay không người lái của Không quân Hoa Kỳ.
Các tên lửa dẫn đường AGM-176 có chiều dài khoảng 1,1 m, có trọng lượng 15 kg và mang 6 kg đầu đạn nổ phá mảnh. Tên lửa được trang bị một động cơ mạnh mẽ và có thể tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách 5,6 km. Griffin sử dụng hệ thống dẫn đường hỗn hợp. Tùy thuộc vào mục đích của hệ thống tên lửa mà có thể sử dụng hệ thống dẫn đường thích hợp nhất. Để tấn công các mục tiêu cố định, tên lửa sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính hay vệ tinh thu nhận tín hiệu từ vệ tinh GPS. Trong trường hợp tấn công mục tiêu di động, Griffin sử dụng hệ thống dẫn đường laser bán chủ động.
Trong một thông cáo báo chí chính thức, Công ty Raytheon dẫn lời đại diện Hải quân Mỹ M. Lednera cho biết rằng cuộc thử nghiệm gần đây đã khẳng định hiệu quả chiến đấu của hệ thống tên lửa mới. Đại diện của Hải quân lưu ý rằng tổ hợp Mk60 đảm bảo được độ chính xác và hiệu quả tiêu diệt mục tiêu. Theo báo cáo Công ty Raytheon Missile Systems, đơn vị tham gia trực tiếp trong việc phát triển tên lửa Griffin, việc sử dụng Mk60 sẽ đảm bảo sự an toàn của các tàu chiến mà không làm ảnh hưởng đến hiệu quả chiến đấu.
Hiện tại tên lửa Griffin đang được trang bị cho Không quân và Lục quân Mỹ. Trong tương lai gần nhất, Mk60 sẽ được đưa vào trang bị cho Hải quân và Cảnh sát biển Mỹ. Do đó, các tên lửa AGM-176 Griffin sẽ được mở rộng phạm vi thực hiện nhiệm vụ của mình. Người ta cho rằng việc sử dụng các tên lửa Mk60 trong tương lai sẽ đảm bảo cho các tàu chiến có thể chống lại tất cả các mối đe dọa từ mặt nước các nước, kể cả những cuộc tấn công tự sát. Hợp đồng cung cấp tên lửa Mk60 để lắp đặt trên tàu của Cảnh sát biển có thể được ký kết trong năm nay.
Theo Soha.vn
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tỷ phú Jensen Huang thắng giải thưởng 3 triệu USD ở Việt Nam: “Tôi đại diện cho các đồng nghiệp tại NVIDIA”
CEO Nvidia Jensen Huang vừa được vinh danh là đồng chủ nhân của Giải thưởng Chính VinFuture 2024.
Trẻ em sẽ làm bài tập về nhà ra sao trong kỷ nguyên của ChatGPT? "Bố già AI" và Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đưa ra giải pháp