Ai chê thì chê, tôi vẫn thích 4 viền màn hình dày cộp trên Pixel 4 hơn là không viền với cong viền
Bạn đặt thẩm mỹ hay đặt tính thực tế và công nghệ tân tiến lên trên?
Khó có thể phủ nhận rằng Pixel 4 là mẫu smartphone bị rò rỉ nhiều nhất trong lịch sử. Từ vài tháng trước ngày ra mắt vào tối qua, Pixel 4 xuất hiện tại Việt Nam và thậm chí còn không bị chặn tính năng trước ngày lên kệ như iPhone. Chính bản thân Google cũng đã thực hiện một bước đi chưa từng có tiền lệ khi tự mình công bố hình ảnh chính thức về chiếc smartphone còn lâu mới ra mắt.
Cũng bởi đã lộ diện như vậy nên Pixel 4 cũng đã bị… chê ngay từ trước khi ra mắt. Những lời chỉ trích của cộng đồng mạng hiện tại nhắm vào phần "trán" khá dày và cả phần viền hai bên. Trong thời đại smartphone tràn viền đã quá phổ biến, nhìn Pixel 4 giống như một mẫu smartphone đến từ 3 năm trước.
Thiết kế bị lộ diện từ... vài tháng trước của Pixel 4.
Nhưng ai chê thì chê, chắc chắn thiết kế tràn viền của Pixel 4 sẽ được nhiều người hưởng ứng, đặc biệt là nếu họ đã từng dùng những chiếc smartphone có thiết kế "mới" hơn.
Bỏ "trán" và "cằm" để làm gì?
Lý do đầu tiên: viền dày không ảnh hưởng quá nhiều đến trải nghiệm "tận hưởng" nội dung số. Mặc dù các hãng Android tiên phong đã cho tỷ lệ 2:1 từ năm 2017 (và cùng lúc tìm mọi cách để loại bỏ viền màn hình), đến nay các nhà sản xuất phim vẫn cứ trung thành với tỷ lệ 16:9 và 21:9 (tỷ lệ cinema). Số lượng nội dung 18:9 chỉ gói gọn trong 1, 2 series ít ỏi từ Netflix hay YouTube và có lẽ sẽ không bao giờ "cất cánh". Khi đánh đổi phần "trán", phần cằm và hai bên viền để lấy thêm diện tích hiển thị, các nhà sản xuất chẳng đem lại lợi ích gì cho người dùng thích xem video qua mạng cả.
Cũng cần phải nói rằng tỷ lệ 2:1 trên smartphone không viền cũng không phải là không có ích. Có thêm chiều dọc, smartphone có thể nhiều nội dung hơn khi đọc các luồng tin dạng news feed (Facebook, Reddit, Instagram v…v…). Nhiều tựa game sẽ tận dụng toàn bộ diện tích có thể.
Bỏ "trán" và "cằm" làm gì khi các video YouTube và Netflix cũng chẳng... dài ra.
Ấy vậy nhưng 2 lợi thế này cũng khá… vô nghĩa. Một chiếc smartphone không viền có thể hiển thị được nhiều bài viết Facebook trên News Feed cùng lúc, nhưng cuối cùng thì chúng ta cũng chỉ có thể đọc được duy nhất 1 bài tại 1 thời điểm. Nếu hiển thị độ phân giải đầy đủ - theo hình chữ nhật, các tựa game thường sẽ bị "lẹm" mất một phần hiển thị do "rãnh" của tai thỏ, do "nốt ruồi" hay do giọt nước. Chỉ duy nhất một vài mẫu smartphone dùng camera thò thụt là giữ được khung hình truyền thống khi loại bỏ viền, thế nhưng công nghệ camera này chắc chắn là sẽ tiềm ẩn nhiều vấn đề độ bền hơn camera truyền thống.
Bỏ viền trái phải: Quá ư khó chịu
Quan trọng tất cả, người dùng chỉ có thể cầm nắm một cách thuận tiện khi sử dụng smartphone có viền. Ở trạng thái cầm hai tay để chơi game, việc thiếu vắng "trán" và "cằm" màn hình rất dễ làm game thủ bấm nhầm, tạo cảm giác muốn… ném máy. Còn khi cầm điện thoại bằng một tay, smartphone tràn viền rất dễ nhận diện nhầm lòng bàn tay và các ngón tay đang bám vào mặt lưng trở thành cử chỉ điều khiển, gây khó khăn trong khi sử dụng. Với smartphone "thác nước" đang là trào lưu tại Trung Quốc, chắc chắn tình huống cầm theo chiều dọc sẽ trở thành ác mộng.
"Tràn viền" là tên gọi khác của "dễ bấm nhầm".
Khi bỏ viền trái-phải rồi uống cong, các nhà sản xuất khác cũng đang bỏ qua một sự thật quan trọng: khung hình của chúng ta vẫn là hình chữ nhật trên mặt phẳng! Bỏ viền rồi uốn cong hai bên phải-trái màn hình về bản chất là bóp méo khung hình ấy. Đẹp thì có đẹp, nhưng chẳng thực tế chút nào cả.
Đó là còn chưa kể việc "xóa bỏ" 2 viền màn hình hai bên cũng khiến smartphone thác nước phải loại bỏ cả nút bấm vật lý dành cho âm lượng. Người dùng hay nghe nhạc qua smartphone chắc chắn sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu với điều này, bởi giờ đây họ sẽ phải bỏ điện thoại ra khỏi túi rồi bật màn hình mới có thể thay đổi âm lượng.
Hướng đến tương lai
Nghe có vẻ khó tin, nhưng cuối cùng thì smartphone không viền chỉ phục vụ cho mục đích thẩm mỹ, còn viền dày mới là lựa chọn của người thực tế. Lợi thế đầu tiên nằm ở cụm camera tân tiến mà Google sắp công bố cùng Pixel 4. Trong bối cảnh công nghệ camera dưới màn vẫn còn quá sơ khai, việc giữ lại phần "trán" dày cho phép Google tích hợp công nghệ tương đồng với Face ID. Do cảm biến vân tay kém an toàn hơn hẳn cảm biến khuôn mặt, nhận diện khuôn mặt 3D sẽ là hướng đi tất yếu để Pixel 4 xóa bỏ ấn tượng "kém bảo mật" của Android.
Cũng bởi cảm biến nhận diện khuôn mặt cho phép xây dựng 3D, những chiếc smartphone có viền (hay chí ít là có tai thỏ) vẫn sẽ có ưu thế so với smartphone không viền. Smartphone có viền (hay tai thỏ) có thể quét 3D, có thể xây dựng nhân vật "ảo" chính xác hơn, có thể tạo bokeh "thật hơn" v...v…
Kẻ cười chê cái trán dày là kẻ đặt thẩm mỹ lên trên công nghệ.
Mỗi chiếc smartphone dùng đến 2, 3 năm. Điện thoại có đẹp đến mấy thì cũng chỉ đem ra ngắm cùng lắm là một tuần. Nếu bạn vẫn muốn điện thoại có viền – thiết kế thực tế nhất vào lúc này, hãy chờ đợi ngày chiếc Pixel 4 lên kệ.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín