AI không thể thay thế con người, chỉ có con người thành thạo sử dụng AI thay thế người không biết sử dụng AI

    Phạm Lê,  

    (VnMedia) - Bên cạnh việc áp dụng hiệu quả AI vào hoạt động doanh nghiệp, cũng có những nỗi e dè, lo ngại về việc AI sẽ lấy mất công việc hay doanh nghiệp thiếu kế hoạch và tầm nhìn để triển khai AI hiệu quả... Điều này liệu có xảy ra?

    - Theo bà, AI có đang lấy đi công việc của con người hay có tác động làm giảm số lượng nhân sự trong doanh nghiệp không?

    Bà Nguyễn Quỳnh Trâm: Năm 2024 được xem là năm của AI, với việc sử dụng công nghệ Generative AI tại nơi làm việc đã tăng gần gấp đôi trong sáu tháng qua. Báo cáo chỉ số xu hướng công việc 2024 của chúng tôi vừa công bố cũng cho thấy 88% lao động trí thức Việt Nam đang ứng dụng AI trong công việc và 93% người thành thạo AI tại Việt Nam thường bắt đầu ngày làm việc với AI.

    Những con số biết nói này đã cho thấy AI đang len lỏi vào khắp mọi ngành nghề, tổ chức, có tác động mạnh mẽ tới nhận thức, tư duy và thay đổi cách con người làm việc. Chúng ta phải nhìn nhận rằng AI là một sản phẩm công nghệ, một công cụ với những tính năng vượt trội hỗ trợ con người trong công việc hàng ngày. Thay vì lo lắng việc AI sẽ thay thế con người, lấy đi vị trí công việc, chúng ta cần thay đổi cách nghĩ và hành động bằng cách sử dụng AI có trách nhiệm, tận dụng sức mạnh của AI để đạt năng suất công việc cao hơn, mức tăng trưởng lớn hơn từ đó gia tăng mức độ hài lòng của nhân viên và nhà lãnh đạo. Khi con người được giải phóng khỏi những tác vụ lặp đi lặp lại, họ có thể khai thác trí tuệ của mình vào những nhiệm vụ sáng tạo và mang tính chiến lược hơn.

    AI không thể thay thế con người, chỉ có con người thành thạo sử dụng AI thay thế người không biết sử dụng AI- Ảnh 1.

    Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam - bà Nguyễn Quỳnh Trâm

    AI không thay thế con người, chỉ có người sử dụng thành thạo các công cụ AI sẽ thay thế người không biết sử dụng các công cụ AI và những người lao động thành thạo việc sử dụng AI sẽ có nhiều lợi thế hơn trong tuyển dụng cũng như có được những cơ hội nghề nghiệp bứt phá. Theo kết quả khảo sát, 76% nhà lãnh đạo tại Việt Nam cũng đã cho biết họ sẽ không tuyển dụng những người không có kỹ năng về AI và 78% cho biết họ sẵn sàng tuyển những ứng viên ít kinh nghiệm hơn nhưng có kỹ năng sử dụng AI. Trên thế giới cũng chứng kiến sự thiếu hụt tiềm tàng các nhân tài, đặc biệt ở các lĩnh vực an ninh mạng, kỹ sư và thiết kế sáng tạo. Chính AI đang mở ra cơ hội để các doanh nghiệp lấp đầy chỗ trống thiếu hụt đó cũng như chuẩn bị nguồn nhân sự đủ tài năng để thích ứng với những biến đổi trong tương lai.

    -  Theo kết quả Báo cáo chỉ số xu hướng công việc, 70% người dùng AI tại Việt Nam đang sử dụng các công cụ AI cá nhân của họ. Bà nhìn nhận như thế nào về con số này?

    Từ con số thống kê này, tôi nhìn nhận cả theo cả hai hướng. Một là sự tích cực khi người lao động trí thức tại Việt Nam không những cởi mở mà còn rất chủ động học hỏi và ứng dụng AI ngay cả khi doanh nghiệp hoặc tổ chức chưa sẵn sàng để ứng dụng AI trong tổ chức.

    Tuy nhiên, đó cũng là một thách thức đặt ra cho các doanh nghiệp, bởi thực trạng này dẫn đến việc bỏ lỡ những lợi ích của việc áp dụng AI trên phạm vi rộng và một cách chiến lược, và đồng thời làm tăng nguy cơ về mất an toàn thông tin của dữ liệu của công ty từ các ứng dụng AI cá nhân.

    Theo đó, các nhà lãnh đạo cần chủ động nắm bắt cơ hội để biến đổi động lực này thành lợi nhuận đầu tư. Bởi AI không phải là tương lai nữa, mà là hiện tại. Cách nhà lãnh đạo hãy bắt đầu ngay từ bây giờ, có thể là từ những dự án nhỏ thôi, để có thể hiểu AI có thể giúp mình như thế nào, không chỉ trong việc đảm bảo sự an toàn dữ liệu của tổ chức mà còn trong kế hoạch đầu tư và phát triển dài hạn của công ty.

    Còn từ phía Microsoft, chúng tôi cũng cam kết phát triển công nghệ này một cách có trách nhiệm với sự hiểu biết về tác động của nó đối với xã hội.

    - Bà vừa nhắc đến AI có trách nhiệm. Bà có thể chia sẻ thêm về điều này có ý nghĩa như thế nào với Microsoft?

    Microsoft đã đặt ra các nguyên tắc AI có trách nhiệm để đảm bảo sự tin cậy và an toàn của hệ thống. Cụ thể, các nguyên tắc này bao gồm:

    • Sự công bằng: Microsoft cam kết xây dựng hệ thống AI lấy con người làm trung tâm và đảm bảo tính công bằng trong việc đưa ra quyết định.

    • Độ tin cậy và sự an toàn: Hệ thống AI phải đáp ứng các tiêu chuẩn về độ tin cậy và an toàn, không gây hại cho người dùng và xã hội.

    • Quyền riêng tư và bảo mật: Microsoft cam kết bảo vệ quyền riêng tư và thông tin cá nhân của người dùng khi sử dụng AI.

    • Không bỏ ai lại phía sau: Hệ thống AI phải được thiết kế để phục vụ tất cả mọi người, bao gồm cả những người có những nền tảng và nhu cầu khác nhau như người khuyết tật, người yếu thế trong xã hội.

    • Tính minh bạch: Microsoft đề cao tính minh bạch trong việc triển khai AI, giúp người dùng hiểu rõ mọi quyết định từ hệ thống.

    - Xin cám ơn bà về cuộc trò chuyện!

    Tags:
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ