Ai là người chiến thắng, ai là kẻ thất bại sau thương vụ Grab - Uber?

    tvd,  

    Uber không hẳn đã là kẻ thất bại sau thương vụ này.

    Như vậy là Grab đã chính thức thâu tóm toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có cả Việt Nam. Đây là một thương vụ quan trọng đối với Grab, để trở thành startup cho đi nhờ xe thống trị tại thị trường này.

    Sau thương vụ thâu tóm, có lẽ ai cũng nhận thấy rằng Grab là người chiến thắng và Uber là kẻ thất bại. Nhưng vẫn còn nhiều thứ để bàn luận xung quanh, khi mà kẻ thất bại thực sự chưa chắc đã phải là Uber, mà chính là chúng ta - những khách hàng của dịch vụ Grab và Uber.

    Người chiến thắng: Grab

    Sau Didi của Trung Quốc, Grab là startup thứ hai có thể đánh bại Uber và không thực sự có nhiều công ty công nghệ làm được điều đó. Việc thâu tóm Uber đem lại cho Grab một thị phần vô cùng lớn tại thị trường Đông Nam Á.

    Bên cạnh đó, việc loại bỏ được đối thủ lớn nhất cũng giúp Grab có thể tập trung hơn vào các bước phát triển tiếp theo. Theo tuyên bố mới đây, Grab sẽ đầu tư vào lĩnh vực tài chính fintech, một bước đi táo bạo mà chắc chắn sẽ khó thực hiện được nếu vẫn phải chiến đấu với Uber.

    Vì vậy, Grab chắc chắn là người chiến thắng trong thương vụ này. Điều hiển nhiên mà ai cũng có thể nhận ra.

    Kẻ thất bại: Các đối thủ cạnh tranh của Grab

    Với sự kết hợp giữa Grab và Uber tại thị trường Đông Nam Á, rất khó để các đối thủ cạnh tranh khác có cơ hội. Ví dụ như Go-Jek tại Indonesia, hay các đối thủ cạnh tranh trong mảng giao hàng như Honestbee, Foodpanda, và Deliveroo. Các công ty này đang phải đối mặt với một con quái vật thực sự, về cả tiềm lực và thị phần.

    Bên cạnh đó, Grab đầu tư vào lĩnh vực tài chính fintech có thể là lời thách thức đối với các gã khổng lồ công nghệ khác trong khu vực. Có thể kể đến đó là Sea, hiện đang đầu tư rất mạnh vào Shopee và giải pháp thanh toán AirPay. Mảng kinh doanh giải pháp thanh toán trực tuyến và thanh toán di động hứa hẹn sẽ là mảnh đất màu mỡ, nhưng cũng có rất nhiều đối thủ cạnh tranh lớn.

    Người chiến thắng: Uber

    Việc bị Grab thâu tóm không phải là điều Uber muốn. Tuy nhiên, thực tế thì thương vụ này hứa hẹn sẽ giúp Uber có được lợi nhuận lớn hơn. CEO Dara Khosrowshahi của Uber cho biết đã đầu tư 700 triệu USD vào thị trường Đông Nam Á, nhưng thương vụ thâu tóm cho phép Uber nắm giữ 27,5% cổ phần của Grab, có giá trị hàng tỷ USD.

    Nếu Grab tiếp tục kinh doanh tốt, Uber cũng sẽ được chia sẻ lợi nhuận. Nguồn lực của Uber có thể được dùng để đầu tư vào các thị trường khác nhiều tiềm năng hơn. Bên cạnh đó, Uber cũng tránh được một cuộc chiến nội bộ, khi mà nhà đầu tư lớn nhất là SoftBank cũng nắm giữ một lượng lớn cổ phần tại Grab.

    Kẻ thua cuộc: Khách hàng

    Sau khi thâu tóm Uber, Grab có được vị thế độc quyền tại Đông Nam Á. Sự độc quyền đó khiến khách hàng lo ngại các vấn đề như cắt giảm trợ cấp và tăng giá cước. Cũng có nhiều đánh giá về việc ứng dụng của Uber thân thiện với người dùng hơn.

    Trước đây, các khách hàng có thể lựa chọn giữa hai dịch vụ Uber và Grab tùy vào từng trường hợp. Nhưng bây giờ chỉ còn một sự lựa chọn duy nhất. Các hình thức khuyến mãi nhằm cạnh tranh giữa hai dịch vụ này trước đây có lẽ cũng sẽ bị cắt giảm trong thời gian tới.

    Người chiến thắng: SoftBank

    Gã khổng lồ SoftBank của Nhật Bản đã đạt được những gì mình muốn, khi đầu tư vào cả Uber và Grab. Giờ đây, SoftBank không còn lo ngại vấn đề xung đột lợi ích tại thị trường Đông Nam Á nữa. Khi mà Grab và Uber có thể tập trung vào những thị trường riêng, SoftBank có thể tối đa hóa lợi nhuận.

    Có thể thấy SoftBank là bậc thầy đầu tư như thế nào, khi nhìn vào tấm bản đồ thế giới. Ở Trung Quốc là Didi, Đông Nam Á là Grab, Ấn Độ là Ola, Mỹ là Lyft và Châu Âu là Uber, tất cả mọi nơi đều có bàn tay của SoftBank.

    Kẻ thua cuộc: Một số nhân viên cũ của Uber tại Đông Nam Á

    Hợp nhất giữa hai công ty sẽ giúp việc kinh doanh trở nên hiệu quả hơn, nhưng không thể tránh khỏi việc cắt giảm nhân sự không cần thiết. Lazada đã mất hàng trăm nhân viên khi bị Alibaba kiểm soát.

    Đối với trường hợp của Uber cũng không phải ngoại lệ, số phận của 500 nhân viên của công ty tại Đông Nam Á hiện vẫn chưa được quyết định. Bên cạnh đó, các tài xế của Uber cũng không rõ có được tiếp tục làm việc cho Grab hay không.

    Tham khảo: techinasia

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ