Alexa, tiềm năng trở thành "Android của thời đại hậu smartphone" và cú tát vào mặt Google
Amazon sẽ không chỉ là một "anh bán loa" (hay nói chính xác hơn là "anh bán hàng, bán mây") như hiện tại. Trái lại, qua CES 2017, công ty của tỷ phú Jeff Bezos đang bộc lộ rõ ràng tham vọng sở hữu một nền tảng thống trị thế giới thời đại hậu-Android, hậu-iPhone, hậu-smartphone.
Bán trái tim cho đối thủ
Không khó để nhận ra rằng trợ lý ảo Alexa của Amazon là ngôi sao của CES 2017. "Sản phẩm này có tương thích với Alexa" là câu quảng bá phổ biến nhất được các nhà sản xuất phần cứng đưa ra tại sự kiện công nghệ mở màn cho năm công nghệ mới. Từ Huawei Mate 9 cho đến xe tự lái của Hyundai, từ đèn bàn của General Electrics, máy theo dõi trẻ sơ sinh của Mattel cho đến robot hút bụi của Samsung... Rõ ràng, 2017 đang chứng kiến các thể loại các thể loại phần cứng vô cùng khác biệt hội tụ dưới một mái nhà mới: giao diện trợ lý ảo.
Trên tất cả, loại phụ kiện đáng chú ý nhất tại CES năm nay không phải là một sản phẩm kì dị nào đó có gắn Alexa mà lại là chiếc loa Smart Assistant của Lenovo. Đáng chú ý không phải bởi đây là một sản phẩm ấn tượng hay đột phá mà là ở chỗ, Smart Assistant là một bản sao gần như hoàn hảo của Echo với giá dễ chịu, thiết kế đẹp hơn bản gốc và quan trọng nhất là trợ lý ảo Alexa bên trong.
Hãy dừng lại một phút và suy nghĩ: Điều gì xảy ra khi bạn cho phép một đối thủ cạnh tranh trực tiếp có thể copy sản phẩm phần cứng của bạn và mang tinh hoa phần mềm lên trên?
Câu trả lời: Bạn muốn tạo ra một nền tảng phần mềm mới. Một nền tảng thống trị. Đó là lý do vì sao Google không "sợ" các đối tác copy Nexus và ChromeBook, vì sao Microsoft khuyến khích tất cả các đối tác cùng sản xuất các bản sao của Surface. Google cần phổ biến Android và Chrome OS, Microsoft cần phổ biến Windows.
Còn Amazon giờ đã bắt tay vào phổ biến Alexa trở thành nền tảng phần mềm thống trị thời đại mới.
Nền tảng để bành trướng
Không khó để nhận ra rằng Alexa đang mang một vai trò tương tự như Android của vài năm trước. Nếu như hệ điều hành của Google có thể xuất hiện trên các mẫu smartphone và tablet đủ mọi kích cỡ, kiểu dáng, cấu hình và mức giá thì trợ lý ảo của Amazon hiện đang xuất hiện trên đủ các loại phần cứng tưởng chừng như không hề liên quan chút gì đến nhau. Điểm vượt trội của sự "không liên quan" ấy là ở chỗ, trong khi Android chỉ có thể bao trùm lên các màn hình xung quanh bạn thì Alexa có thể bao trùm lên toàn bộ không gian sống của bạn. Ở bất cứ vị trí nào trong ngôi nhà, chiếc xe và văn phòng, bạn đều có thể cất tiếng gọi "Hey Alexa!" và Amazon sẽ trả lời.
Thiết bị nào đã lắng nghe câu gọi ấy của bạn? Chiếc loa của Lenovo, điện thoại của Huawei, đồ gia dụng của LG, router của Linksys hay đầu DVD trên xe Volkswagen? Câu trả lời không quan trọng. Điều quan trọng là dù thực hiện tác vụ gì, tất cả các thiết bị ấy đều góp phần gián tiếp giúp cho đem lại lợi nhuận cho Amazon. Từ các lượt gọi đến API của giao diện giọng nói, các hợp đồng hỗ trợ quảng bá cho đến các dịch vụ AWS, có vô số cách để Amazon tỏ rõ vai trò là một thế lực công nghệ bành trướng thông qua Alexa.
Đó cũng chính là cách Android "dẫn" doanh thu về Google.
Chưa có đối thủ
Công cuộc dịch chuyển từ một thế giới tràn ngập màn hình sang một thế giới phụ thuộc vào giao diện giọng nói đã bắt đầu từ bây giờ. Khác với cuộc chiến smartphone, Google lần này sẽ không phải đối mặt với một công ty phần cứng chuyên cung cấp các sản phẩm "đóng" đắt tiền mà là với một gã khổng lồ phần mềm/dịch vụ đã "nhanh nhảu" mở bán trợ lý ảo của mình tới tay các đối tác phần cứng ngay từ bây giờ!
Đáng tiếc là tại thời điểm này, Google chưa phải là đối thủ của Amazon. Sự xuất hiện của hàng chục sản phẩm hỗ trợ Alexa tại CES 2017 cho thấy Amazon đang rất sẵn lòng làm chủ cuộc chơi mới, theo cùng một cách Google đã từng là kẻ đầu tiên cho không Android tới tay bất cứ ai muốn cạnh tranh với iPhone. Sản phẩm duy nhất của Google có thể cạnh tranh trực diện với Alexa là Google Assistant hiện tại mới chỉ có mặt trên một vài sản phẩm phần cứng của riêng Google.
Thậm chí, Google Assistant còn chưa được phát hành rộng rãi trên Android và nếu như Google không nhanh chân thì lỗ trống đó sẽ bị Amazon khỏa lấp - hãy coi Mate 9 là một lời cảnh cáo! Xét cho cùng, Android là một hệ điều hành mã nguồn mở và cũng chẳng có một nhà sản xuất phần cứng nào muốn bị phụ thuộc vào một công ty phần mềm duy nhất.
Các đối thủ khác thì sao? Siri về bản chất vẫn là sản phẩm phụ trợ cho phần cứng Apple và xét tới cung cách làm ăn truyền thống của Apple thì chắc chắn sẽ chẳng bao giờ xuất hiện trên các sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với phần cứng của Táo. Cortana của Microsoft dù đã có những bước tiến rõ rệt nhưng vẫn chưa tìm được "mái nhà" thực sự trong lúc nỗ lực IoT của Microsoft chưa hoàn thiện. Trong số các đối thủ của Alexa, chỉ có Google bám đuổi Amazon quyết liệt nhất. Nhưng sự thật là Google đã lại thêm một lần thua cuộc trước Amazon trong cuộc đấu trợ lý ảo: Amazon "mở" trợ lý ảo tới các nhà sản xuất phần cứng trước Google.
Vào năm ngoái, khi thành công của loa Echo đã quá rõ ràng, CEO của Google là Sundar Pichai đã lên tiếng khẳng định AI sẽ thay thế quảng cáo để trở thành nguồn sống của Google. Vậy tại sao năm nay Google lại để cho đối thủ của mình nhanh tay đưa AI thành nền tảng của thời đại mới, ngay vừa kịp lúc smartphone đã nguội lạnh?
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"