Alibaba sẽ tự phát triển, tự sản xuất chip AI vào năm tới, sẵn sàng đối đầu với nước Mỹ
Nước đi này của Alibaba sẽ đánh thẳng vào trọng tâm của ngành công nghiệp Mỹ.
Tập đoàn Alibaba của Trung Quốc mới tuyên bố vào hôm thứ tư rằng họ sẽ bắt đầu sản xuất chip AI do công ty tự phát triển trong nửa cuối của năm 2019.
Mặc dù Alibaba không tiết lộ các chi tiết về chip AI sắp tới của mình, công ty cho biết một công ty con đã được thành lập với mục đích chế tạo chip và các bộ vi xử lý nhằm hỗ trợ các dịch vụ điện toán đám mây của riêng mình và cung cấp các giải pháp cho các mảng kinh doanh khác, chẳng hạn như để phục vụ xe tự lái.
Đồng thời, Alibaba cũng đã mở rộng phát triển các bộ vi xử lý lượng tử của riêng mình, một thành phần quan trọng cho những chiếc siêu máy tính.
Jeff Zhang, giám đốc công nghệ của công ty cho biết: "Alibaba đã là một nhà sáng tạo công nghệ hàng đầu trong mảng điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo, kể từ khi chúng tôi công bố quyết tâm biến mình thành một cường quốc công nghệ vào 2 năm trước."
Trong những năm gần đây, các công ty Trung Quốc đã bắt đầu leo thang trên chuỗi giá trị toàn cầu. Lấy ví dụ, Huawei đã được các nhà phân tích nhìn nhận như là một người đi tiên phong trong việc phát triển công nghệ 5G. Baidu, giải pháp của Trung Quốc đối với Google, cũng đã có những tiến bộ đáng kể trong việc phát triển xe tự lái, với chiếc xe buýt tự động thứ 100 được tung ra hồi đầu năm nay.
Alibaba công bố sẽ tự sản xuất chip AI trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang trở nên căng thẳng, và tình hình này đang phủ một bức màn đen lên tương lai của những công ty công nghệ Trung Quốc. Mối lo ngại của họ leo thang trong những tháng gần đây khi chính quyền Trump đặt một lệnh cấm xuất khẩu kéo dài 7 năm cho ZTE, sau khi ZTE vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ với Iran. Nếu không có những thành phần chính từ các nhà cung cấp của Mỹ, ZTE buộc phải tạm dừng sản xuất, và đã bị lỗ 7,8 tỷ nhân dân tệ trong nửa đầu năm nay.
Jack Ma, tỷ phú, đồng thời là đồng sáng lập và chủ tịch hội đồng quản trị của Alibaba chia sẻ: "Thị trường chip đang bị kiểm soát bởi Mỹ, và đột nhiên họ lại dừng bán. Nhật Bản, Trung Quốc, hay bất cứ quốc gia nào đi chăng nữa cũng cần phải có công nghệ của riêng mình. Một công ty cần phải có trách nhiệm với khách hàng, vì tương lai toàn cầu."
Vào tháng tư, Alibaba đã mua lại nhà sản xuất chip C-SKY nhằm mở rộng khả năng sản xuất chip của mình. Công ty cũng cam kết sẽ đầu tư 15 tỷ USD trong vòng 3 năm tới vào học viện Alibaba DAMO. Học viện này là cánh tay nghiên cứu và phát triển của công ty, và chính họ sẽ sản xuất những chiếc chip AI sắp tới.
Học viện DAMO, với hơn 300 nhà nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới, đã hợp tác với các trường đại học hàng đầu như Đại học Stanford ở California. Học viện này tập trung vào 5 lĩnh vực chính, bao gồm học máy, robot, tài chính công nghệ, điện toán dữ liệu và điện toán lượng tử.
Sean Yang, một nhà phân tích từ CINNO bình luận: "Alibaba có khả năng sẽ tạo ra được những mẫu chip AI vào nửa cuối của năm sau, nhưng sản xuất hàng loạt có lẽ sẽ được tiến hành vào khoảng năm 2020. Vốn không phải là vấn đề, nhưng những thách thức của họ là phải tìm đủ nhân tài và giải quyết vấn đề với chuỗi cung ứng. Xét cho cùng, Alibaba chuyên về phần mềm chứ không phải phần cứng."
Tham khảo AsianNikkei
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Chủ tịch Huawei tự hào khoe Mate 70 là điện thoại với chip 100% Made in China: "Tự chủ ngành bán dẫn đã trở thành hiện thực"