Amazon đang áp chế thành phố công nghệ lớn nhất nhì nước Mỹ như thế nào?

    Liam,  

    Mâu thuẫn đã lên đến đỉnh điểm khi chính quyền muốn thu thuế của Amazon để hỗ trợ người vô gia cư - nhóm người đang ngày một gia tăng tại Seattle sau khi Amazon và các công ty công nghệ khác đẩy cao chi phí sinh sống tại thành phố này. Nhưng công ty của Jeff Bezos vẫn có một quyền hành đặc biệt lên chính phủ Mỹ: việc làm.

    9:30 sáng ngày thứ tư. Buổi họp của Ủy ban Tài chính của Hội đồng Thành phố Seattle tràn ngập người biểu tình. Ở phía dưới, họ giăng biển “Đừng cướp việc làm của chúng tôi”.

    Ủy ban này đang nhận ý kiến về “Thuế Lũy tiến cho Doanh nghiệp”, một loại thuế được hy vọng sẽ giải quyết vấn đề vô gia cư tại Seattle. Vào tuần trước, Amazon – hiện đang thuê 45,000 nhân công tại Seattle – tuyên bố sẽ ngừng kế hoạch xây dựng một công trình lớn tại Seattle. Công ty của Jeff Bezos cho biết thậm chí sẽ đem văn phòng hiện tại của mình cho các công ty khác thuê.

    Giờ là lúc Hội đồng Thành phố Seattle phải suy nghĩ rất kỹ về lời đe dọa của Amazon. 1/3 số người đến biểu tình mặc quần áo bảo hộ xây dựng. Một trong số này khẳng định rằng nếu luật thuế được thông qua, các công nhân sẽ phải về nhà, nhìn vào mắt con cái của họ và nói “bố đã thất nghiệp”.

    Amazon đang áp chế thành phố công nghệ lớn nhất nhì nước Mỹ như thế nào? - Ảnh 1.

    Trụ sở của Amazon tại Seattle đang được mở rộng.

    Tiếng vỗ tay vang lên như sấm. Nhưng bài toán khó đang đặt ra không chỉ cho Seattle. Trước mặt thành phố được coi là trung tâm công nghệ tốt thứ 2 nước Mỹ này đang là một vấn đề nan giải: tăng thuế lên các doanh nghiệp và chấp nhận rủi ro mất việc làm, hoặc đánh thuế lên người dân và làm cho vấn đề vô gia cư càng ngày càng tồi tệ.

    Bất cứ điều gì xảy ra tại Seattle cũng sẽ ảnh hưởng lớn lên tất cả các trung tâm công nghệ khác của nước Mỹ.

    Amazon vs Người vô gia cư

    Chi tiết luật thuế của Seattle sẽ cho thấy vì sao công ty của Jeff Bezos lại phản ứng mạnh mẽ đến vậy. Theo bộ luật mới, Seattle sẽ thu 26 cent trên mỗi giờ làm việc của nhân viên Amazon. Mỗi năm, Amazon sẽ phải đóng thêm 520 USD cho mỗi nhân viên của mình. Trong khi luật thuế này sẽ chỉ áp dụng lên các công ty có doanh thu trên 20 triệu USD mỗi năm, Amazon hiện đang có tới 145.000 nhân công tại Seattle.

    Amazon đang áp chế thành phố công nghệ lớn nhất nhì nước Mỹ như thế nào? - Ảnh 2.

    Sự phát triển của các thành phố công nghệ đã khiến tỷ lệ vô gia cư tăng cao.

    Thế nhưng, bộ luật mới còn có 1 điều khoản khiến Amazon lo lắng. Mức thuế 26 cent/giờ sẽ không bị thay đổi trong vòng 3 năm đầu. Đến năm 2021, Seattle sẽ đánh mức thuế mới, 0,7% trên thu nhập hàng năm của mỗi nhân viên Amazon. Điều này có nghĩa rằng gã khổng lồ thương mại điện tử sẽ phải trả khoảng 700 USD cho các nhân viên của mình, những người có thu nhập ở mức 100.000 USD mỗi năm.

    Amazon không phải là kẻ duy nhất lên tiếng phản đối. Chỉ vài ngày sau đó, Zillow, một dịch vụ web quản lý bất động sản, đã gọi luật thuế của Seattle là “đi sai hướng” và cũng lên tiếng đe dọa sẽ tìm cách tăng trưởng ngoài Seattle.

    Điều đáng nói là khoản thuế thu được sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với Seattle. Năm 2015, thị trường Seattle đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp về vấn đề người vô gia cư. Gần đây nhất, Seattle có 11,643 người không nhà cửa. Chính Zillow từng đưa ra kết luận rằng, giá nhà tại Seattle cứ tăng 5% thì lại có thêm 258 người ra đường ở.

    Amazon đang áp chế thành phố công nghệ lớn nhất nhì nước Mỹ như thế nào? - Ảnh 3.

    Từ 2014, hơn 100 công ty công nghệ đã di dời về Seattle.

    Luật thuế mới sẽ giúp đem về 75 triệu USD mỗi năm, nâng khoản ngân sách để giải quyết vấn đề vô gia cư của Seattle lên mức 200 USD. Hội đồng thành phố dự định sẽ dùng 3/4 khoản tiền này để xây nhà giá rẻ, phần còn lại để xây dựng các trạm chăm sóc tạm thời và các “trung tâm vệ sinh” cho người vô gia cư.

    Yêu mở rộng, ghét thuế

    Rõ ràng là Amazon sẽ căm ghét luật thuế mới của Seattle. Vấn đề là căm ghét đến mức nào: kể cả nếu Hội đồng thành phố Seattle thông qua bộ luật này, chi phí hoạt động của các công ty công nghệ tại đây vẫn là khá rẻ so với các khu vực khác. Seattle không có thuế thu nhập và bởi vậy sẽ là một địa điểm hấp dẫn cho các nhân viên Amazon muốn thuyên chuyển từ các thành phố khác.

    Về mặt truyền thông, tuân theo Seattle cũng sẽ đem lại lợi ích cho Amazon. Công ty của Jeff Bezos vốn nổi danh là một môi trường làm việc thiếu nhân tính, và bởi vậy, bỏ tiền thuế để giúp đỡ người vô gia cư chắc chắn sẽ giúp cải thiện hình ảnh của Amazon.

    Amazon đang áp chế thành phố công nghệ lớn nhất nhì nước Mỹ như thế nào? - Ảnh 4.

    Amazon nổi danh là một công ty ngột ngạt và có phần kém nhân đạo.

    Thế nhưng, Jeff Bezos cũng nổi danh là kẻ ghét thuế đến cùng cực. Một số tin đồn cho rằng khi mở công ty, ông chủ Amazon từng có ý định đăng ký kinh doanh tại một khu bảo tồn của người da đỏ để tránh thuế. Vài năm trước, khi bang South Carolina không cho phép kéo dài thời hạn miễn thuế, Bezos cũng cắt luôn kế hoạch mở nhà kho tại bang này.

    Khuôn mẫu cho các thành phố công nghệ

    Bất cứ điều gì xảy ra tại Seattle cũng sẽ ảnh hưởng lớn tới tương lai của nước Mỹ. Trong 5 năm vừa qua, thành phố này đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng nhanh chưa từng có, một phần lớn nhờ Amazon và các tập đoàn hi-tech khác.

    Nhưng sự phát triển quá nóng cũng có mặt trái. Năm ngoái, con số người tử vong khi ngủ trên đường phố Seattle đã đạt mức cao kỷ lục: 169 người. Năm nay, kỷ lục không mong muốn này rất có thể bị phá vỡ.

    Không ai biết Seattle đã phải đưa ra các biện pháp nào để có thể thu hút được Amazon. Tuần trước, một nguồn tin giấu tên khẳng định với tờ Seattle Times rằng Amazon đã trả tổng cộng 250 triệu USD tiền thuế “địa phương”.

    Amazon đang áp chế thành phố công nghệ lớn nhất nhì nước Mỹ như thế nào? - Ảnh 5.

    Các thành phố lớn của Mỹ đang ra sức vận động để trở thành trụ sở mới của Amazon.

    Quyền hành của gã khổng lồ e-com không chỉ dừng ở hàng trăm triệu USD tiền thuế. Năm ngoái, khi Amazon công bố kế hoạch mở trụ sở mới, một loạt các bang đã nhanh chóng đưa ra các ưu đãi đặc biệt về thuế. Lý do chính quyền các địa phương làm vậy là bởi mỗi việc làm được Amazon tạo ra sẽ mở ra thêm 1,5 “việc làm gián tiếp” cho các ngành dịch vụ, giáo dục, nhà hàng v...v... Và, các việc làm gián tiếp này sẽ không được hưởng ưu đãi thuế như Amazon và các tập đoàn khác.

    Bất chấp những ưu đãi khổng lồ này, tất cả các công ty đều sẽ tìm cách tránh thuế như Amazon. Với các cổ đông, tiền thuế là tiền phí phạm vô ích. Không chỉ có Amazon, tuần trước, CEO của Zillow cũng đã lên tiếng “dằn mặt” Seattle: “Chúng tôi đang suy nghĩ quyết định sẽ mở vài trăm việc làm tiếp theo ở đâu, và bộ thuế này chính là thứ khiến chúng tôi phải suy nghĩ mở rộng ở các thành phố khác”.

    Các tập đoàn như Amazon đang đặt các thành phố của nước Mỹ vào một cuộc chiến không khoan nhượng. Càng bị chèn ép, các thành phố sẽ càng trao quyền hành lớn hơn vào tay các tập đoàn hi-tech. Nhưng càng nhượng bộ, dân chúng tại các thành phố này sẽ càng đau khổ. Những động thái từ thiện nhỏ nhoi của Amazon không thể đảo ngược được chi phí sinh sống ngày một gia tăng khi các công ty hi-tech đến đổ bộ.

    Amazon đang áp chế thành phố công nghệ lớn nhất nhì nước Mỹ như thế nào? - Ảnh 6.

    Amazon đã từng mua lại một tòa nhà cũ để cải tiến thành cơ sở lưu trú cho người vô gia cư.

    Có lẽ, lời bình luận của Howard Bess, giám sát viên của Trung tâm Dịch vụ Khẩn cấp Seattle – một cơ sở chăm sóc người vô gia cư – là ám ảnh nhất trong phiên họp ngày thứ tư vừa qua:

    Tôi không nghĩ những người chống luật thuế này sẽ chết vì phải ngủ trên đường phố, hoặc không thể trả tiền nhà hay không được mua giày mới, mặc quần áo mới. Nhưng người vô gia cư thì rất cần những thứ đó”.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ