AMD phản đòn NVIDIA bằng VGA dành riêng cho designer chuyên nghiệp
Chỉ trong 2 tiếng đồng hồ, 2 ông lớn đã tung ra dòng VGA chuyên cho đồ họa cao cấp nhất từ trước đến nay của hãng.
Khoảng 8 giờ sáng nay theo giờ Việt Nam, NVIDIA chính thức giới thiệu 2 VGA mới nhất trong dòng sản phẩm Quadro của hãng này là P6000 và P5000. Với những ai chưa biết, khác với Geforce, Quadro là dòng sản phẩm này thiên về khả năng thiết kế đồ họa, dựng hình, trong các công việc như kiến trúc hay nội thất yêu cầu độ chính xác cực cao. Do tối ưu cho các tác vụ công việc, VGA Quadro thường không được sử dụng để chơi game, dù sức mạnh của nó không hề nhỏ.
Cụ thể, P6000 sẽ sử dụng GPU cao cấp là GP102 vừa được ứng dụng vào "con quái vật" GTX TITAN X phiên bản mới trên nền Pascal. Còn P5000 sẽ được trang bị GP104, tương ứng với GPU sử dụng trong GTX 1080 và GTX 1070.
Dù có chung GPU nhưng như đã nói ở trên, card đồ họa dòng Quadro này sẽ không thể mang tới khả năng chơi game mạnh mẽ như các sản phẩm thuộc dòng Geforce dù thông số kỹ thuật tương đương. Ngược lại, hiệu quả làm việc dựng hình của GTX 1080 chắc chắn sẽ thua xa GP5000.
Một sự thay đổi dễ nhận thấy đó là tên gọi của sản phẩm mới được ra mắt lần này, nối tiếp các thế hệ trước đó, NVIDIA tiếp tục sử dụng chữ cái đầu tiên của thế hệ GPU đưa vào trong mã hiệu các VGA Quadro. Trước đó, lần lượt chúng ta có các mã K từ thời Kepler, M khi dùng GPU Maxwell và giờ đây là P6000 và P5000 trên nền Pascal.
Hiện tại, giá bán của 2 sản phẩm này chưa được tiết lộ, nhưng với mức giá hiện nay của Quadro M6000 là trên 5000 USD (tại Việt Nam trên 120 triệu đồng), thì chắc chắn các mã card mới không thể thấp hơn mức giá này.
Đổi lại, người dùng sẽ nhận được những VGA cực mạnh mẽ trong công việc, với lượng VRAM khổng lồ, lần lượt là 24GB và 16GB trên P6000 và P5000. Với việc sử dụng bộ nhớ GDDR5X, dung lượng VRAM của dòng card mới đã tăng gấp đôi so với thế hệ cũ, vốn M6000 chỉ có vỏn vẹ 12GB VRAM mà thôi.
Dưới đây là chi tiết thông số kỹ thuật của Quadro P6000 và P5000. Cả 2 sẽ có mặt trên thị trường vào Q4 năm 2016.
Tên Card | Quadro P6000 | Quadro P5000 |
---|---|---|
Chip đồ họa | GP102 | GP104 |
Tiến trình sản xuất | 16nm FinFET | 16nm FinFET |
Bóng bán dẫn | 12 Tỷ | 7,2 Tỷ |
Số nhân CUDA | 3840 CUDA | 2560 CUDA |
Xung nhịp cơ bản | Chưa rõ | Chưa rõ |
Xung nhịp Boost | 1560 Mhz | 1740 Mhz |
Sức mạnh xử lý | 12 TFLOPs | ~ 9 TFLOPs |
VRAM | 24GB GDDR5X | 16GB GDDR5X |
BUS | 384-bit | 256-bit |
Băng thông | 480 GB/s | 256 GB/s |
Nguồn phụ | 8 6-pin | 8-pin |
Điện năng yêu cầu | 250W | 180W |
Cổng xuất hình ảnh | 4xDP 1.4 / 1xDVI-D | 4xDP 1.4 / 1xDVI-D |
Ngày bán ra | Tháng 10/2016 | Tháng 10/2016 |
Giá bán | Chưa rõ | Chưa rõ |
AMD ra mắt dòng sản phẩm đối đầu chỉ sau đó ... 1 giờ đồng hồ.
Không biết 2 ông lớn này có hẹn nhau hay không, nhưng khá "trùng hợp" khi AMD ngay lập tức giới thiệu Radeon Pro WX7100 ngay sau khi P6000 và P5000 ra mắt.
Nếu như dòng Quadro mới sử dụng GPU Pascal tân thời, thì chắc chắn Pro WX7100 cũng sẽ có trong mình chip đồ họa Polaris 10 mới nhất. Cũng là VGA dùng cho các hệ thống làm việc đồ họa cao cấp, chắc chắn Radeon Pro WX7100 sẽ là đối thủ lớn nhất của 2 đại diện mới dòng Quadro.
Pro WX7100 sẽ kế nhiệm cho đàn anh FirePro W7100 được giới thiệu từ năm 2014 với chip đồ họa đời cũ. Ngoại trừ Pro WX7100, AMD còn giới thiệu kèm theo 2 mã card thấp cấp hơn là Pro WX5100 và WX4100. Điều đáng tiếc nhất có lẽ là việc dung lượng VRAM của các VGA Workstation mới này không được cải thiện quá nhiều so với thế hệ cũ. So sánh cùng W7100 và W8100, các VGA mới vẫn chỉ có tối đa 8GB VRAM với chuẩn GDDR5.
Tuy nhiên, người ta cho rằng AMD vẫn đang giấu bài khi chưa giới thiệu sản phẩm mạnh mẽ nhất của họ, bởi ở thế hệ trước đó, hãng này còn có một mã card là FirePro W9100 cực cao cấp có dung lượng VRAM lên tới 32GB.
Bù lại, dòng Pro WX mới sẽ có giá bán rất rẻ, dưới mức 1000 USD và sẽ là lựa chọn không tệ dành cho những ai có túi tiền eo hẹp, không thể sở hữu các sản phẩm Quadro có giá quá cao.
So với các mã Quadro mới, dòng Pro WX cũng có lợi thế về khả năng tiết kiệm điện năng khi chỉ đòi hỏi tối đa 150W với WX7100, còn WX5100 và 4100 thậm chí còn không cần tới nguồn phụ khi chỉ yêu cầu chưa tới 75W.
Tên VGA | Radeon Pro WX4100 | Radeon Pro WX5100 | Radeon Pro WX7100 |
---|---|---|---|
GPU | Polaris 11 | Polaris 10 | Polaris 10 |
Tiến trình | 14nm FinFET | 14nm FinFET | 14nmFinFET |
Bóng bán dẫn | Chưa rõ | 5,7 tỷ | 5,7 tỷ |
Xung nhịp | Chưa rõ | Chưa rõ | Chưa rõ |
Sức mạnh | >2 TFLOPs | >4 TFLOPs | >5 TFLOPs |
VRAM | 4GB GDDR5 | 8GB GDDR5 | 8GB GDDR5 |
Bus | 128-bit | 256-bit | 256-bit |
Băng thông | 112GB/s | 224GB/s | 224GB/s |
Nguồn phụ | Không có | Không có | 6-pin |
Điện năng yêu cầu | <75W | <75W | 150W |
Cổng xuất hình ảnh | 4xmini-DP 1.3 | 4XDP1.3 | 4xDP1.3 |
Giá bán | <500 USD | <1000 USD | <1000 USD |
Tham khảo WccfTech
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?
Điện toán lượng tử hiện tại vẫn còn cách xa khả năng ứng dụng rộng rãi, nhưng tiềm năng mà nó mang lại là không thể phủ nhận.
Huawei xác nhận ra mắt Mate 70: Dòng smartphone đầu tiên "đoạt tuyệt" hoàn toàn với Android